Gần 4 năm qua, chàng trai trẻ Trần Minh Trung đã tự bỏ công, bỏ của, không quản khó nhọc để ngày đêm tình nguyện vá lại những tuyến đường hư hỏng.
Vá đường không công còn bị mắng
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, phải vượt qua quãng đường dài hơn 30 cây số và tiếp tục đi một chuyến phà ngang nữa mới đến được cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt). Trần Minh Trung đang cặm cụi nấu nhựa chuẩn bị vá các ổ gà, ổ voi trên con đường trước mặt. Thấy có người đến tìm, Trung ngẩng mặt cười chào: "Đợi mình vá xong cái ổ voi này, rồi vào bóng mát đằng kia nói chuyện!. Nói rồi, Trung không ngơi tay tô tô, trát trát vá lại cái ổ voi một cách hăng say và thuần thục như người thợ lành nghề".
Khi được hỏi lý do vì sao lại đi làm cái việc không công này, Trung vừa lau mồ hôi vừa cười bảo: "Có gì đâu, mình thấy có nhiều chỗ đường hư hỏng, bà con chạy xe rất cực, nhiều lúc vấp phải ổ gà, ổ voi rồi xảy ra tai nạn đáng tiếc. Thấy vậy, nên mình tự đi mua dụng cụ rồi tự vá đường luôn. Đường được sửa rồi bà con đi lại sẽ dễ dàng hơn và mình cũng rất mong khỏi phải thấy những tai nạn thương tâm do đường hỏng nữa".
Từ khi Trung bắt đầu làm quen với nhựa đường, xi măng, cát, đá... cho đến nay đã 4 năm. Anh cũng không còn nhớ mình đã bao lần phỏng tay vì nhựa đường hay bị công việc vất vả này quật cho ngã bệnh.
Trần Minh Trung còn nhớ như in những ngày đầu tiên anh vác đồ nghề đi vá đường miễn phí, do không biết trộn xi măng sao cho đúng tỉ lệ, những nơi đường hỏng được Trung chắp vá lại chỉ sau một đến hai tháng là lại bị bể ra như lúc trước. Bà con xóm làng không những dèm pha, gắn cho anh biệt danh Trung "hề" để làm trò cười mà còn không tiếc lời la mắng.
Trần Minh Trung |
Bỏ ngoài tai những điều tiếng không hay, Trung vẫn hằng ngày tranh thủ khoảng thời gian rảnh từ chiều tối, rồi tay xách nách mang nào là đèn pin, thùng, xẻng, đi mọi ngóc ngách của xóm cù lao để làm công việc vá đường thầm lặng.
Có hôm vá đường đến tận 3-4h sáng mới xong, người mệt lả, nhưng Trung lại hồ hởi trở về nhà vì nghĩ: "Ngày mai bà con đi qua sẽ không còn phải vất vả né tránh ổ voi, ổ gà nữa". Dần dà tay nghề của Trung cũng được nâng cao hơn, những người trước kia quay lưng lại với công việc tình nguyện của anh, nay cũng đã cảm phục và hiểu cho những cống hiến đó của Trần Minh Trung.
Những gian lao, khó nhọc mà Trung đã từng trải qua thì không kể sao cho hết, có khi trời tối mịt đang lui cui vá đường dưới chân cầu, nhìn thấy những chiếc xe máy lao xuống dốc cầu mà Trung thót hết cả tim vì sợ họ không làm chủ được tay lái, sẽ tông vào mình. Rồi bao nhiêu sẹo, bao nhiêu vết phỏng nhựa đường hằn lên đôi tay gầy gò của anh.
Giờ đây, số điện thoại của Trần Minh Trung đã trở thành đường dây nóng lúc nào không biết. Hễ có đoạn đường nào hư, bong tróc, là bà con lại gọi cho Trung đến vá. Có khi người dân lại gom góp tiền đưa cho Trung bồi dưỡng, nhưng Trung thường không nhận, nếu có lấy anh cũng lại dùng tiền đó đi mua dụng cụ, vật liệu để tiếp tục phục vụ cho công việc thầm lặng của mình.
Mẹ bán bò để con đi vá đường tình nguyện
Trung là con út trong một gia đình nghèo có đến 4 anh em. Do không có ruộng đất, nên nguồn thu nhập chính của cả gia đình dựa vào việc chăn nuôi bò, thỏ, làm thuê làm mướn. Hai anh trai lớn của Trung đã cưới vợ và ra ở riêng, nên Trung và người anh trai kế phải đi làm để lo lắng cho cha mẹ và bà ngoại đã tuổi già sức yếu, lại đau ốm liên miên. Thời gian đầu khi Trung đi vá đường tình nguyện mẹ của anh là bà Trần Thị Quy, thấy con làm lụng cực khổ, lại chẳng có một đồng tiền công để lo cho bản thân nên tỏ ra không mấy hài lòng.
Biết mẹ buồn phiền vì mình, Trung thường dậy từ rất sớm, lo cắt cỏ về cho bò, cho thỏ, chăm sóc cho bà ngoại xong xuôi đâu đó rồi Trung mới bắt đầu đi vá đường tình nguyện. Kể về đứa con trai út, bà Trần Thị Quy không giấu được vẻ tự hào trong từ lời nói: "Nhớ mấy năm về trước, Trung nó đi đào đất thuê, hì hục cả tháng trời mới được mấy triệu đồng về đưa cho mẹ. Sau đó nó lại hỏi xin một phần trong số đó, thương con làm lụng vất vả nên tôi đưa nó nhiều. Tưởng đâu nó đi mua sắm quần áo hay điện thoại gì đó, nào ngờ nó đem tiền đi mua cát, đá rồi đi vá ổ gà cho làng xóm".
Trần Minh Trung đang nấu nhựa vá đường |
Lâu dần Trung đã được bà con công nhận và giúp sức, và anh coi việc vá đường là niềm vui sống hằng ngày. Nhưng số tiền ít ỏi mẹ đưa hôm nào rồi cũng tiêu tốn hết vào vật liệu mà những con đường hư hỏng vẫn vá chưa xong. Thấy con trai tối ngày ở nhà buồn bực, bà Quy đã hiểu hết nguồn cơn. Thương con, bà liền kêu lái đến bán hai con bò được 40 triệu đồng, rồi cầm tiền đưa cho Trung đi mua vật liệu về để vá đường tiếp.
Tâm sự với chúng tôi, Trung chỉ nói thật đơn giản: "Công việc vá đường tuy nặng nhọc, nhưng mình làm riết rồi quen. Vả lại thấy bà con chạy xe trên những tuyến đường thông thoáng, mình thật sự cảm thấy rất vui vì ít nhất mình cũng góp một phần nhỏ bé cho xứ cù lao Tân Lộc quê hương mình!”. Không chỉ vá đường, Trung còn tham gia vào đội lao động tình nguyện, nhóm xây nhà đại đoàn kết ở địa phương và được bầu là Bí thư chi đoàn khu vực Phước Lộc của phường Tân Lộc.
Và xuân này như vui hơn khi Trung nhận được bức thư khen ngợi, cổ vũ tinh thần của bộ trưởng Bộ Giao thông & Vận tải Đinh La Thăng. Chưa hết, Trần Minh Trung còn được ông Lư Thành Đồng, giám đốc Sở Giao thông & Vận tải thành phố Cần Thơ khen ngợi: "Chúng tôi hết sức vui mừng, cảm kích với hành động vì mọi người của anh Trung, đề nghị nhân điển hình tiên tiến, phát huy để các quận, huyện khác học tập. Trong thời gian sắp tới, Sở sẽ chỉ đạo phường thành lập một đội xây dựng nông thôn tại địa phương, hoạt động thường xuyên. Đồng thời, cũng quan tâm, giúp đỡ anh Trung trong cuộc sống cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác".
Gieo nhân lành sẽ hái được quả ngọt, công sức của Trần Minh Trung đã được công nhận và tấm gương tình nguyện thầm lặng của anh sẽ là bài học hay để giới trẻ ngày nay tiếp tục noi theo và cống hiến cho tổ quốc.
*
Tình nguyện vá đường
Thanh Chương (Tiền Phong) - Trên cù lao Tân Lộc giữa sông Hậu thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ, anh Trần Minh Trung, 27 tuổi, tình nguyện vá đường đã 4 năm.
Trần Minh Trung đốt nhựa và vá đường.
Vá đường từ bán bò
Giữa trưa nắng, trước cổng trường THCS Tân Lộc, Trần Minh Trung mồ hôi nhễ nhại đốt thùng nhựa đường. Anh bận đồ công nhân bạc màu, găng tay thủng lỗ chỗ và đi đôi dép lê mòn gót. Trung gầy, cao, gương mặt rắn rỏi. Anh nấu nhựa giữa trưa, khi có ít người qua lại, để dặm vá con đường chạy qua đây.
Từng ổ gà được quét sạch cát, bụi, đổ đá xuống, đầm rồi rưới nhựa. Khoảng chục người dân xung quanh đến giúp đỡ Trung. Trung kể: “Trước đây tôi làm một mình. Đợt này, tôi được bà con giúp sức nên cũng đỡ mệt. Chi phí dặm vá con đường chính của phường dài 20 cây số này lên tới 300 triệu đồng, UBND phường cấp 200 triệu đồng còn lại dân đóng góp. Chúng tôi làm miễn phí”. Đợt vá đường kéo dài 7 ngày. Ngày nào cũng vậy, đúng 6 giờ sáng, Trung có mặt trên đường.
Thỉnh thoảng một chiếc xe tải vù qua, có khi lật tung chỗ đường vừa dặm vá, bụi cuốn lên phả vào mặt những công nhân nghiệp dư. Trung và mọi người làm lại từ đầu: “Người ta vẫn phải đi lại, đường hẹp, không tránh được”. Sau khoảng 2 giờ không ngơi tay, Trung mời mọi người ra uống nước. Trung móc ra hai bọc ni-lông giới thiệu: “Bọc tiền này là của dân đóng góp để chi trả khi vá đường. Còn bọc này là tiền của tôi”.
Ông Hai Hiệp, Tổ trưởng Tổ từ thiện phường Tân Lộc nói: “Bà con thấy Trung vá đường, biết là làm tình nguyện nên hay góp tiền, người mấy chục nghìn đồng, chẳng cần sổ sách ghi chép bởi ai cũng biết sẽ được dùng cho việc sửa đường”.
“Nghề chính của anh là gì?”, tôi hỏi. Trung đáp: “Nghề vá đường”. Có tháng anh đi vá đường trên 20 ngày; 10 ngày còn lại đi gặt lúa mướn, vác đất, dựng nhà. Nghề chính không mang lại thu nhập còn nghề phụ là làm mướn thì mỗi ngày anh kiếm 120.000 đồng. Trung dành phần lớn tiền kiếm được mua xi măng, đá, cuốc, xẻng để sẵn trong nhà.
Sáng sáng, anh chạy xe máy khắp phường săn ổ gà, phát hiện ra ổ gà là anh dặm vá. Nhiều người dân gặp Trung để chỉ thêm ổ gà. Số điện thoại của anh trở thành đường dây nóng. Trung len lỏi tận các con hẻm nhỏ. “Những chỗ này nguy hiểm với người lạ, nhất là ban đêm không đèn”, Trung giải thích.
Thời gian đầu, Trung dùng xi măng vá đường. Tráng xong ổ gà, anh lấy cây cắm xung quanh rồi ngồi canh, nếu ô tô phóng qua làm hư thì tráng lại. Trung còn mang theo tấm ni-lông phủ những chỗ mới vá khỏi mưa ướt. Nhưng chỉ vài tháng, xi măng bong tróc. Hai năm nay, Trung dùng nhựa đường dù đắt hơn.
Ban đầu, anh gom góp tiền làm thuê được 3 triệu đồng đến một công ty xây dựng mua thùng nhựa đường và học cách vá ổ gà. Rồi anh trích 4 triệu đồng từ tiền bán bò tiếp tục mua thùng nhựa đường thứ hai. Bà con thấy vậy góp tiền để Trung mua nhựa đường, góp củi để Trung nấu nhựa. Có người nấu cơm bắt Trung ăn.
Ảnh: Thanh Chương.
Đường hết ổ gà mới… cưới vợ
Trung ngụ tại số nhà 115, khóm Phước Lộc, phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) là con út, ở cùng cha mẹ gần 60 tuổi và người anh 30 tuổi. Nhà nuôi bò thịt bán, không có ruộng. Trung từng nghỉ học năm lớp 6 để phụ gia đình cắt cỏ nuôi bò. Cách đây 4 năm, thấy xe cứu thương chở người bệnh nặng chạy dằn xóc trên đoạn đường đầy ổ gà, anh nghĩ có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nghĩ vậy, Trung gom tiền làm mướn mua một bao xi-măng, đá, cát đi dặm vá đoạn đường trước trường tiểu học Tân Lộc.
Một số thanh niên đi qua cười Trung rỗi hơi. Hôm sau, một người phụ nữ than thở với anh: “Phải chi em lấp mấy cái ổ gà này trước vài ngày thì ba của chị có lẽ không té xe chấn thương sọ não. Giờ ổng bị bại liệt rồi”. Lời nói đó thúc giục anh dặm vá hết ổ gà này đến ổ gà khác. Mỗi khi đi tìm ổ gà, Trung mang theo con dao tiện thể chặt tán cây lan ra đường che tầm nhìn.
Trung bị đau cột sống, một lần đến Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt được người bạn là bác sĩ Hiếu tiêm thuốc xong, đề nghị bệnh viện miễn tiền thuốc và còn ủng hộ tiền để Trung vá đường. Nhiều người bạn khác của Trung đã trở thành Mạnh Thường Quân như thế.
Nhà Trung có hai chiếc hộp nhỏ. Một chiếc anh cất tiền của bà con đóng góp vá đường. Một chiếc anh cất tiền riêng. Có người thương Trung mệt nhọc cho thêm tiền để anh bồi dưỡng, Trung đem sắm dụng cụ vá đường.
Bà Nguyễn Thị Huy, mẹ của Trung kể, lúc đầu bà can ngăn bởi gia đình chưa đủ ăn, Trung lại là lao động chính và đã đến tuổi lập gia đình. Nhưng Trung nài nỉ: “Hiến con cho đời, cho mọi người đi mẹ ơi! Con không muốn thấy những người xung quanh phải đau khổ, thậm chí thiệt mạng chỉ vì những ổ gà trên đường”. Bà Huy giật mình. Một tổ chức từ thiện muốn cấp gạo hàng tháng cho gia đình, nhưng Trung không chịu.
Có người trong phường mến Trung, tính “bắt rể”. Trung chưa đồng ý: “Khi nào đường hết ổ gà, tôi mới cưới vợ”. Gần đây, Trung có thêm bạn đồng hành là Nguyễn Thành Hậu, 17 tuổi. Hậu đã nghỉ học, ở nhà tiếp cha mẹ làm ruộng, tâm sự: “Em thích công việc anh Trung làm. Em muốn chia sẻ với anh ấy”.
Đang trò chuyện với PV Tiền Phong, chợt Trung nói, chạy ra ngoài một tí. Bà Huy nheo mắt cười nói: “Lại đi tìm ổ gà, tìm việc cho ngày mai đấy”. Chủ tịch UBND phường Tân Lộc Đỗ Thanh Hoàng cho biết: “Chúng tôi tin tưởng tay nghề và tấm lòng của Trung nên đang tính đề nghị Trung lập một đội vá đường tình nguyện của phường”.