Kẻ thù vô hình - Dân Làm Báo

Kẻ thù vô hình

Đào Tuấn - Lợi ích nhóm, chẳng phải là vấn đề xa xôi, bí hiểm, bởi đôi khi, nó được thể hiện công khai ở ngay trong những chính sách không có lợi cho số đông người dân, hoặc gần hơn, có ngay trong hai chữ “độc quyền”.

Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ba phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2013. Ngoài hai phương án đã được đưa ra lấy ý kiến (mức 2,5 triệu đồng và 2,7 triệu đồng/tháng), còn có phương án 2,4 triệu đồng/tháng. Báo chí dẫn lời Vụ trưởng Vụ Tiền lương – tiền công, bà Tống Thị Minh, cho rằng phương án 2,4 triệu được đề xuất “thêm” sau khi “khảo sát và lấy ý kiến thấy các doanh nghiệp còn khó khăn trong bối cảnh kinh tế khó khăn”.

Bộ Tài chính, chờ đúng thời điểm xăng dầu thế giới tăng giá trở lại cũng đã lắc đầu trước câu hỏi giảm giá xăng dầu. Vấn đề nằm ở chỗ “Bộ Tài chính, Cục quản lý giá đứng ra giải thích hộ doanh nghiệp”. Và “Các DN gần như được độc quyền định giá, lúc giá thế giới vừa nhích lên thì lập tức tăng theo, lúc giá thế giới giảm thì trù trừ kéo dài thời gian”.

Trong khi đó, vấn đề cơ chế định giá đất được đưa ra lấy ý kiến “cộng đồng doanh nghiệp” nhận ngay một bình luận chát chúa: “Dự thảo Luật không có chút đột phá, trong khi vẫn giữ nguyên hạn chế”, thể hiện ngay trong việc vẫn giữ cơ chế “thu hồi”, thay vì “trưng mua” với một cơ chế giá “phù hợp với thị trường” mơ hồ hơn cả quy định hiện tại.

Tất cả những sự kiện trên đều xảy ra trong cùng một ngày. Và không khó để nhận ra chúng có một điểm chung: Vấn đề lợi ích nhóm.

Các cơ quan quản lý có trách nhiệm cân bằng lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau. Nhưng liệu lợi ích của vài trăm ngàn DN có lớn hơn lợi ích, gắn với cuộc sống tối thiểu của hàng chục triệu lao động? Liệu lợi ích của một vài DN độc quyền, có lớn hơn cuộc sống của gần chín chục triệu dân và cả nền kinh tế. Và cơ bản nhất, dù là túi tiền nhà nước, thì lợi ích của “túi tiền nhà nước” liệu có nên được làm đầy bằng cách móc từ túi tiền người dân.

Lợi ích nhóm, từ đời sống đã đi vào nghị quyết TƯ. Từ câu cửa miệng dân gian, đã trở thành quyết tâm của Đảng đặt ngang với nguy cơ về suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Lợi ích nhóm, chẳng phải là vấn đề xa xôi, bí hiểm, cũng chẳng khó lý giải, bởi đôi khi, nó được thể hiện công khai ở ngay trong những chính sách không có lợi cho số đông người dân, hoặc gần hơn, có ngay trong hai chữ “độc quyền” khi mà đặc thù của lợi ích nhóm là mối quan hệ “tiền- quyền”.

Còn nhớ 3 hôm trước, trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Có những nhóm lợi ích xuất hiện trong mỗi một ngân hàng (NH) cũng như trong cả hệ thống. Nó có thể thao túng hoạt động của một NH và ảnh hưởng đến cả hệ thống”.

Phải thừa nhận là Thống đốc đã dũng cảm khi công khai thừa nhận một sự thật, trong bối cảnh rất nhiều bộ, ngành, địa phương trong quá trình kiểm điểm trước đó phủ nhận việc có “lợi ích nhóm”, và dù đó là một sự thật mà ai cũng biết. Chỉ có điều, với cương vị là “tư lệnh” ngân hàng, ông không chỉ rõ đó là lợi ích gì, nhóm nào, ở đâu, và bao gồm những ai. Nếu coi lợi ích nhóm là chuyện của “hàng xóm”, hay thậm chí chỉ chống bằng những lời lẽ hô hào suông thì liệu có thể nói tới việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ!

Còn có một sự thật khác: Chưa có bất cứ một cơ quan chức năng nào giải thích rõ thế nào là “lợi ích nhóm”, thậm chí còn chưa kịp có trong từ điển tiếng Việt. Vậy phải chăng là chúng ta đang chống lại một kẻ thù vô hình?





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo