Lê Anh Hùng (Danlambao) - Mấy năm gần đây, trên cả báo chí “lề Dân” lẫn “lề đảng” ở Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều tiếng nói công khai phê phán quan điểm của Đảng và Nhà nước coi kinh tế nhà nước là thành phần “chủ đạo” trong nền kinh tế quốc dân, cũng như việc Chính phủ cho thành lập hàng loạt tập đoàn kinh tế với kỳ vọng ngây thơ rằng đây sẽ là những “quả đấm thép”, vừa thực hiện vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô vừa là động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển!
Cuối tháng 7/2011, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cùng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thậm chí còn đưa ra bản kiến nghị 10 điểm, trong đó nêu rõ: “Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò chủ đạo bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay” (Kiến nghị thứ 7).
Tuy nhiên, tất cả những kiến nghị, đề xuất hay ý kiến đầy trách nhiệm như vậy vẫn không hề tạo ra được một chuyển biến tích cực nào trong tư duy cũng như hành động của lãnh đạo Chính phủ. Sự đổ vỡ của Vinashin năm 2010 và Vinalines đầu năm 2012 vừa qua xẩy ra như một kết cục tất yếu. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lại cũng ở trong tình trạng thua lỗ, lãng phí hoặc hiệu quả thấp, đầy rẫy sai phạm, gây ảnh hưởng vô cùng tai hại đến nền kinh tế nước nhà.
Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định dừng thí điểm Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) mới đây xem ra là một quyết định chẳng đặng đừng. Mặc dù vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Kiến Thức hôm 11/10 vừa qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền vẫn cho đây là một quyết định “sáng suốt”!!!
Nhận định của bà Nguyễn Thị Hiền khiến người ta không khỏi nhớ lại nhận xét của ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó TT Chính phủ, về việc cố TBT Lê Duẩn và cố PTT Phạm Hùng cho dừng việc thực hiện Chỉ thị Z30 (lệnh miệng từ Trung ương nhằm tịch thu tài sản của những gia đình có nhà hai tầng trở lên – một kiểu ăn cướp hết sức trắng trợn và vô đạo) năm 1982: “Nghĩ về chuyện này, tôi cứ băn khoăn tự hỏi nếu ngày đó không có những người như ông [Nguyễn Văn] An, ông [Đoàn Duy] Thành cùng sự sáng suốt của cố Phó Thủ tướng Phạm Hùng, đặc biệt là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thì không hiểu sự thể sẽ đi đến đâu?”
Tóm lại, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước của ta dường như chẳng mấy khi không “sáng suốt” cả. (Chẳng thế mà sự lãnh đạo của Đảng vẫn luôn được ca ngợi là “sáng suốt” đấy sao?) Ngay cả khi họ phạm sai lầm vô cùng tệ hại đi chăng nữa thì đấy cũng là cơ hội tốt để họ thêm một lần “sáng suốt”. Chỉ có điều là cứ mỗi lần các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước “sáng suốt” như thế thì xã hội và người dân lại phải tối tăm mặt mũi vì những hậu quả mà họ gây ra lúc chưa kịp “sáng suốt”. Thế nên mới có thơ:
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! (Nguyễn Du)