Thanh Quang (RFA) - Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá XI bất ngờ diễn ra tại Hà Nội từ đầu tháng - thay vì khai mạc vào 15/10 - khiến dẫn tới nhiều bàn tán, đặc biệt là về số phận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hạ bệ thủ tướng?
Qua bài tựa đề tạm dịch “Tương lai của Thủ tướng VN bấp bênh khi các Uỷ viên Trung ương Đảng CS hội họp”, Trưởng Văn phòng AFP tại Bangkok, ký giả Didier Lauras, trích dẫn lời các chuyên gia rằng tương lai chính trị của Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đang trong tình trạng “chỉ mành treo chuông” vào lúc giới lãnh đạo Đảng tham dự hội nghị trong tình hình đen tối do những vụ tai tiếng tài chính và sa sút kinh tế.
Buổi khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XI tại Hà Nội hôm 01 tháng 10 năm 2012 - Courtesy chinhphu.vn
Vẫn theo tác giả thì sự bất mãn của dân chúng gia tăng về mức tăng trưởng kinh tế trì chậm, lạm phát tái diễn, tham nhũng tràn lan và ngân hàng xáo trộn tạo áp lực ngày càng tăng đối với ông Dũng”.
Tác giả trích dẫn lời một viên chức đảng CS lưu ý rằng trước đây, chưa bao giờ xảy ra tình trạng một vị thủ tướng bị công khai công kích mạnh mẽ như thế vì khó khăn kinh tế và nạn tham nhũng; và diễn biến hiện giờ là một cuộc đấu đá giữa một thế lực có tiền và một thế lực có quyền.
Kinh tế gia Rajiv Biswas thuộc công ty tư vấn Global Insight nhận định rằng giữa lúc kinh tế VN gặp phải nhiều khó khăn trầm trọng như vậy, thì ngày càng có nguy cơ là cuộc tranh giành quyền lực gia tăng giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang có thể dẫn tới sự hạ bệ ông Dũng cùng những phe phái của ông ta.
Từ Mascơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần nhận xét:
“Thực ra bây giờ có 2 phe rõ, một phe của ông Chủ Tịch nước, cùng đứng phe đó có cả ông Tổng Bí Thư. Một phe là của ông Thủ tướng… cuộc đấu tranh là rất gay go vì ông Thủ tướng nắm nhiều quyền lực, đặc biệt là ông nắm về quyền lực kinh tế, nắm bộ máy công an, và phần nữa rất quan trọng là quân đội. Nên lực của ông mạnh hơn nhiều. Cho nên tôi nghĩ là mình không nên đặt vấn đề sẽ có một phe thắng, một phe bại hoàn toàn, vì tương quan lực lượng như vậy nên cuộc đấu tranh còn nhùng nhằng, chưa dứt khoát trong đại hội này.”
Theo GS Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, thì hội nghị lần này khó tránh một cuộc đối đầu giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những đối thủ chính trị chỉ trích ông ta, và sự việc có thễ diễn ra là Đảng CSVN ra sức làm giảm quyền lực đáng kể của Thủ tướng Dũng. GS Carl Thayer đề cập tới câu hỏi rằng liệu phe chống ông Dũng có xúc tiến nỗ lực loại ông ta hay không, và rồi nhận định rằng điều này khó có thể xảy ra trong Hội nghị Trung ương 6:
“Theo tôi đánh giá khi nhìn vào những gì đang xảy ra thì ông Dũng chỉ bị đẩy cho lui lại một chút, một phần trong mạng lưới của ông ta bị phá vỡ và ông ta sẽ không còn đầy quyền lực như trước. Và do đó ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm chung trước toàn thể chứ không bị cách chức.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị TW6 hôm 01-10-2012 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Vẫn theo Giáo sư Carl Thayer, điều rất có thể xảy ra là Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ kỷ luật một vài ủy viên trong tổ chức này mà thôi.
Vì sao triệu tập bất thường?
Qua bài “Tình hình chính trường VN xung quanh Hội nghị TW6”, tác giả Nguyễn Nghĩa lưu ý tới kịch bản phổ biến ở VN là chuyện kỷ luật cán bộ, nếu có, thường là những “con dê tế thần” “loàng xoàng cấp dưới”. Các đợt phê, tự phê trong đảng được ví như cuộc “tắm rửa, kỳ cọ” ở mức cao lắm là “từ vai trở xuống mà thôi”. Tác giả nhận xét:
“Hôm nay, phải đưa vấn đề kết quả kiểm điểm của Thủ tướng, Bộ Chính Trị xuống Hội nghị Trung Ương, phải đưa ra những xấu xa tham nhũng của 1 lãnh tụ cao cấp của đảng ra trước 1 số lượng đảng viên đông 175 ủy viên, đã là 1 việc làm không có tiền lệ. Điều này cho thấy, đấu tranh trong Bộ Chính Trị là chưa ngã ngũ. Phe Trương Tấn Sang-Nguyễn Phú Trọng chưa có đa số trong Bộ Chính Trị. Nếu có đa số, vấn đề kiểm điểm Thủ tướng đã được giải quyết trong nội bộ Bộ Chính Trị mà không cần triệu tập gấp bất thường hội nghị Trung Ương 6 đến như vậy.”
Đề cập tới Hội nghị Trung ương 6 này, blogger Lê Diễn Đức “quan sát” trong thời gian qua nhận thấy:
“Giới quyền lực chóp bu: Đấu đá nhau tranh giành quyền lực, nhưng tay nào cũng có con tin để áp lực lên đối thủ chính trị, vì tay nào cũng có bàn tay ít nhiều nhúng chàm, không bản thân thì người thân trong gia đình, họ hàng. Phương án cuối cùng sẽ là thoả hiệp cứu đảng…
Tầng lớp đại gia, doanh nhân giàu có: Nếu chế độ là thùng phân thì chúng là bầy giòi, sống cộng sinh trên chế độ… Chế độ hiện nay là lý tưởng với giới giàu có này, chúng kiếm tiền bất chính quá dễ dãi, vì có thể mua được tất cả bằng tiền, hoặc bằng rất nhiều tiền, bao gồm cả lương tâm và công lý.
Giới trung lưu, động lực của xã hội: Trong giới này hầu hết là dân có học thức, nhưng đa phần cơ hội, giỏi luồn lách, chấp nhận "sống chung với lũ"…
Giới lao động nghèo: Tính chịu đựng gian khổ và cam phận nô lệ trở thành bản chất… Ví dụ, vỡ đập thuỷ điện, màn trời chiếu đất đấy, nhưng có vị lãnh đạo nào tặng một thùng mì ăn liền rẻ tiền thì rưng rưng nước mắt cám ơn đảng và nhà nước. Kêu trời, phản đối bất công, nhưng chống chế độ thì không.
Người Việt ở nước ngoài: Lực lượng này chỉ mang tính hỗ trợ, không bao giờ có tính quyết định đối với những thay đổi chính trị trong nước.”
Các đại biểu của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 trong phiên họp bế mạc tại Hà Nội ngày 19 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO.
Mặc dù “Các quan chức chóp bu đang đấu đá dữ dội sau hội trường, các đối thủ đang nỗ lực và hoảng loạn săn lùng các con tin để nắn gân, dí súng vào mạng sườn nhau”, nhưng blogger Lê Diễn Đức cho rằng “ĐCSVN vẫn còn tiếp tục cai trị dài dài. Một sự thay đổi nào đó cho lộ trình dân chủ là hết sức mịt mù, nếu không nói là ảo tưởng, vì rút ra từ tổng hợp các phân tích trên đây, dù phũ phàng, cay đắng, đáng buồn, nhưng là thực tế”.
Tác giả Nguyễn Nghĩa khi nhận xét về “Tình hình chính trường VN xung quanh Hội nghị TW6” lưu ý tới “cái bóng của TQ hằn lên hoạt động của đảng CSVN trong đợt chỉnh đảng này là rất rõ nét”, qua sự kiện Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào gặp Chủ tịch Trương Tấn Sang tại hội nghị APEC 2012 và Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, dù từ chối gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhưng đã “ló mặt” gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi, cho thấy TQ ủng hộ cả 2 phe “Ba Dũng”-“Tư Sang” và “không muốn phe nào bị biến mất hoàn toàn trên chính trường VN cả”. Tác giả phân tích rằng một nước VN “lục đục, phe phái, hỗn loạn là có lợi cho TQ”, và thực trạng ở VN là 2 phe này “đấu đá nhau không ngừng làm suy yếu quyết tâm của dân tộc VN đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa”. Nhưng, tác giả chua chát, “các người cứ đấu đá nhau đi, miễn là thần phục TQ”:
“Trung Quốc muốn cả 2 phe lùi bước trước những bành trướng của TQ tại Biển Đông. Cả ông Sang và ông Dũng đã cùng đồng thuận giải quyết bất đồng tại Biển Đông với TQ 1 cách hòa bình. Nghĩa là sẽ chỉ phản đối 1 cách hình thức, không có nội dung. Nghĩa là sẽ để cho TQ xâm lược, chiếm đóng Hoàng Sa, Tường Sa của VN trong 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa.”
Tác giả Nguyễn Nghĩa nêu lên câu hỏi rằng có phải chăng TQ đã dàn xếp hoà hoãn cho cả 2 phe kình chống nhau ở VN? Có phải chăng việc triệu tập khẩn cấp uỷ viên T.Ư đảng vào một cuộc họp là đề phòng một cuộc đảo chánh do quân đội chủ trương?
Dù chưa rõ tình hình thực sự sẽ ra sao, nhưng tác giả không quên lưu ý rằng tính bất ngờ, vội vã của Hội nghị Trung ương 6 này cũng có thể hiểu là “điều gì cũng có thể xảy ra đối với ông Nguyễn Tấn Dũng”.
Nhưng có một điều chắc chắn là, theo tác giả, “Ngày nay, các uỷ viên Trung ương đảng CSVN tin vào đồng tiền hơn là tin vào lý tưởng của đảng”.
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang cảm ơn quý vị.
2012-10-08