Nguyễn Lễ (BBC) - Cả ba vụ việc đều được đóng trong cùng một khung duy nhất: điều 88 Bộ Luật hình sự. Cùng một tội hình sự mà nhiều người lại cùng phạm một lúc như thế - riết rồi ai cũng thuộc điều 88 mà chẳng cần phải học luật. Một Nhà nước nói là ‘đầy tớ của dân’ mà dân có nói gì làm ‘đầy tớ’ không hài lòng là bị ghép tội, chứ chưa nói gì dám chống lại ‘đầy tớ’. Ở đâu có cái kiểu đầy tớ như thế?...
*
Trong vòng chỉ bốn ngày trong một tuần đã có đến ba vụ ‘Tuyên truyền chống nhà nước’ ở Việt Nam.
Ngày 30/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, hai nhạc sỹ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị bỏ tù lần lượt 6 và 4 năm.
Ba ngày sau, tại Bắc Giang, ba nông dân Nguyễn Kim Nhàn, Đỗ Văn Hoa và Đinh Văn Nhượng vẫn lãnh đủ mức án từ 4 đến gần 6 năm tù.
Ngày hôm sau nữa, tại Long An, công an mở họp báo về ‘tội trạng’ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên và đồng sự là Đinh Nguyên Kha.
‘Tuyên truyền chống nhà nước’ ở Việt Nam không phải là chuyện gì mới, nhưng dồn dập thế thì chưa từng thấy.
Điều luật chiếc còng
Cả ba vụ việc đều được đóng trong cùng một khung duy nhất: điều 88 Bộ Luật hình sự.
Cùng một tội hình sự mà nhiều người lại cùng phạm một lúc như thế - riết rồi ai cũng thuộc điều 88 mà chẳng cần phải học luật.
Một Nhà nước nói là ‘đầy tớ của dân’ mà dân có nói gì làm ‘đầy tớ’ không hài lòng là bị ghép tội, chứ chưa nói gì dám chống lại ‘đầy tớ’.
Ở đâu có cái kiểu đầy tớ như thế?
Thôi ở Việt Nam thì đành chấp nhận chuyện phi lý chứ sao giờ.
Có nói thì đến Tết cũng không hết. Tuyên truyền là nghề ruột của Đảng nên đa phần lời nói của Đảng chỉ có giá trị tuyên truyền.
Tôi không chỉ nghi ngờ tội danh này mà còn nghi ngờ cáo buộc với những bị cáo này.
Ai cũng có quyền nghi ngờ tính công bằng của phiên tòa mà không có vị quan tòa độc lập nào xử cả mà chính bên cáo buộc đứng ra xử.
Chúng ta đã từng nghe nói đến luật sư, nhà bất đồng, cây viết độc lập, các nhà hoạt động dân sự – tức là những người ưa chuyện thế sự - ‘tuyên truyền chống Nhà nước’, nhưng tôi không nhớ đã bao giờ nghệ sỹ, nông dân và sinh viên đã từng bị xử về tội danh này, nhất là trong thời buổi mà ‘chống Nhà nước’ rộ lên như hiện nay.
Ở một đất nước mà chính trị là việc riêng của Đảng mà người dân có quan tâm cũng bằng thừa thì việc dân đen đụng tới chính trị nghe như chuyện phim 007.
Bộ máy công an, tòa án và tuyên truyền đồ sộ của Đảng khiến cho người dân trở nên yếu ớt, sợ sệt cộng với áp lực kiếm tiền trong thời buổi kinh tế thị trường khiến con người ta chẳng có tâm trí đâu mà chính với trị.
Tâm lý chung là thôi thì cam phận làm bầy cừu cho Đảng dẫn dắt tới đâu thì tới.
Những người nông dân quanh năm với ruộng vườn liệu có đủ tinh vi như Đảng để tuyên truyền?
Nói xấu Đảng thì họ được lợi lộc gì? Có thể họ tức mình quá nên phải đi nói cho đỡ ấm ức. Cùng lắm họ thấy bất bình nên quyết làm cho ra lẽ.
Cáo trạng lên án những nông dân này bất mãn. Nhà cửa đất đai bị mất, quyền lợi không đảm bảo mà không cho người ta bất mãn hay sao?
Sinh viên trên dưới đôi mươi, ăn chưa no lo chưa tới, bản lĩnh còn yếu, vốn sống chưa nhiều. Học ở trường nhồi bấy nhiêu chưa đủ thấm về yêu Đảng, mơ chủ nghĩa xã hội hay sao mà đã vội thoát ra cái vòng cương tỏa của Đảng?
Với lại, ở cái tuổi đang nuôi nhiều ước mộng thì chả sinh viên nào dại dột chống chính quyền để rồi bị chính quyền bóp nát tương lai.
Còn nghệ sỹ, vốn mẫn cảm và hay suy nghĩ, thì trước những bức xúc bày ra trước mắt thì làm sao mà không nhức nhối? Cảm xúc có trào ra ngoài thành tác phẩm thì cũng là chuyện thường tình. Họ cũng không thể nào dựa trên những việc ‘xuyên tạc’ hay ‘không đúng sự thật’ mà có cảm xúc viết nhạc được.
Nếu là người khác thấy ‘người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giàu sang dối gian’ hoặc ‘quân nhu nhược bán nước Việt Nam’ thì tôi chắc ai cũng ‘đau từng cơn xót dạ’ như Việt Khang mà thôi.
Có điều người khác ấy không viết thành bài hát nên không bị bắt tội.
Chống đối lan rộng?
Tuy nhiên nếu thật sự một sinh viên, hai nghệ sỹ và ba nông dân này chống chính quyền thì thật đáng lo cho Đảng.
Lo là vì phạm vi chống đối đã lan rộng. Lo nữa là có những thành phần xưa nay vẫn thuộc dạng ‘ngoan ngoãn biết nghe lời’, và lại càng lo hơn khi nông dân và sinh viên là những lực lượng rường cột của nước nhà.
Còn tác động đối với xã hội nữa. Vụ Phương Uyên khiến nhiều người phải suy nghĩ.
VnExpress chạy tít: ‘Nữ sinh bị điều tra tội chống Nhà nước’.
Nghe mà giật mình.
‘Nữ sinh’ nghe có vẻ hiền lành yếu đuối mà được đặt bên cạnh tội nặng có lá gan to.
Phản ứng tự nhiên là thoạt đầu bán tin bán nghi rồi sau đó chuyển qua thương xót và cảm thông cho nữ sinh này.
Đó chính là điều chúng ta đã thấy những ngày qua mà đỉnh điểm là sự rúng động của giới trí thức, cho dù chỉ là những trí thức quen thuộc.
Trong vụ này chính quyền có vẻ đang ở thế không ổn.
Lãnh đạo Việt Nam đã chọn hướng đi sau Hội nghị TW 6?
Cáo trạng của công an – chưa biết đúng sai thế nào – mô tả hình ảnh một kẻ nguy hiểm treo cờ vàng sọc đỏ, phát tán truyền đơn và kêu gọi chống chế độ.
Có điều kẻ thù nguy hiểm đó của Đảng chỉ là một cô gái tròn 20 tuổi có vẻ ngoài hiền lành non nớt.
Rõ ràng những tội lỗi nhằm vào Phương Uyên chỉ càng làm cho người ta cảm thông với cô hơn là tin vào chính quyền.
Theo cơ quan điều tra, động cơ của những hành động liều lĩnh của Phương Uyên là ‘vì tiền’.
Làm gì đến mức phải bán mạng kiếm tiền như thế?
Vụ việc của Phương Uyên biết đâu từ một đốm lửa nhỏ mà có thể lan thành đám cháy to.
Một cô gái nhỏ nhắn mà còn dám hy sinh tuổi thanh xuân như thế chẳng lẽ tôi cứ hèn yếu mãi suốt đời sao?
Đảng bất lực
Do đó, một kịch bản có lẽ nhẹ nhõm hơn cho chính quyền là những bị cáo này đã bị kết tội sai.
Nhưng đối với Đảng, đúng sai không cần biết, chỉ cần ai dám chống đối thì phải bị trừng trị. Để những kẻ khác thấy đó mà sợ.
‘Bàn tay sắt’ này không thể nói là không thành công. Ít nhất là nó vẫn đảm bảo cho Đảng vẫn vững vàng ở ngôi cao cho đến giờ.
Nhưng người dân tuy có sợ hơn nhưng cũng đồng thời phẫn uất hơn và một ngày nào đó tức nước sẽ vỡ bờ.
Cũng không thể nói là Đảng đã chống thế lực thù địch thành công. Càng chống càng mọc ra thêm thế lực thù địch. Ra sức bịt chỗ này thì sẽ bung chỗ khác.
Cho nên giải pháp ‘chống là bắt’ có vẻ thiển cận vì chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không phải phần gốc của vấn đề.
Đảng đã chỉ ra nguyên nhân của một số hành vi chống đối là bất mãn. Tuy nhiên có lẽ Đảng coi đó là một cái tội hơn là vấn đề cần giải quyết.
Gần đây, tôi có nghe trên báo Quân đội nhân dân lời than thở về ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’.
Bất mãn chính là điểm khởi đầu của mọi tự diễn biến.
Tờ báo này kêu gọi ‘Giữ vững niềm tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống tự diễn biến’.
Dễ suy ra là tình trạng tự diễn biến trong Đảng hiện đang rất đáng lo ngại, cũng như một khu phố căng biểu ngữ ‘Quyết tâm phòng chống tệ nạn ma túy’ thì biết ngay là ở đó nghiện hút rất nhiều.
Suy cho cùng thì tự diễn biến không phải là dịch bệnh hay tệ nạn gì mà phải chống.
Tự trách mình
Nông dân quanh năm với ruộng vườn có đủ tinh vi chống đối như Đảng nói?
Ít nhất thì Đảng cũng tạo điều kiện cho tự diễn biến.
Bằng chứng là ở Hội nghị trung ương 6 vừa rồi Đảng đã cho người dân thấy là ‘phạm tội được tha’.
Rõ ràng khi Đảng đi đến quyết định không kỷ luật ‘một ủy viên Bộ chính trị’ thì Đảng chỉ hoàn toàn nghĩ đến lợi ích của mình, chứ không thấy lợi ích của dân đâu cả.
Xử lý một người mà có thể làm nức làm nức lòng muôn dân và những quan chức suy thoái khác lấy đó làm run sợ. Tiếc thay Đảng đã không làm được.
Cho nên dù Đảng có đang ra sức tuyên truyền về kết quả Hội nghị 6 thì lòng dân vẫn không yên. Bất kể là dù nguyên nhân gì, kết quả Hội nghị 6 đã gửi đi một thông điệp sai.
Một lập luận bảo vệ chế độ tôi thường nghe là ‘nước nào mà không có tham nhũng’. Khoan bàn đến chuyện đúng sai của lập luận này thì ít nhất ở Việt Nam tham nhũng không bị trừng trị.
Mọi việc sờ sờ ra trước mắt thế hỏi sao mà người dân không bất mãn và ‘tự diễn biến’.
Đâu có thể nào Đảng chỉ cần nhận lỗi và ‘mong bà con thông cảm’ là xong.
Uy tín của Đảng được đắp xây bằng biết bao máu xương của các lớp đảng viên đi trước đang bị hủy hoại dễ dàng hết sức.
Đảng tồn tại là nhờ tuyên truyền. Tuyên truyền sống khỏe là nhờ chiến tranh. ‘Chính nghĩa’ cuộc chiến đã làm hàng triệu người dân nức lòng theo Đảng.
Giờ đây trong thời bình, vũ khí sống còn của Đảng đã mất đi tính sắc bén.
Khoan nói đến chuyện người dân tự diễn biến, ngay cả cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, công chức vốn được nuôi bằng đồng lương mà Nhà nước thừa hiểu là không thể sống nồi trong thời buổi vật giá lên cao thì lấy gì mà ‘giữ vững niềm tin’ như báo Quân đội kêu gọi được?
Có lẽ họ tin vào thiên đường xã hội chủ nghĩa ở đâu đó. Nhưng để đi được đến đó trước hết họ phải làm sao để sống được cái đã.
Người ăn lương Nhà nước trông chờ mỏi mắt vào mỗi đợt tăng lương định kỳ để rồi đến kỳ họp Quốc hội lần này Chính phủ xin khất vì không biết đào đâu ra tiền để tăng lương cho dân.
Tôi tin đó là điều không mong muốn của Chính phủ nên có thể thông cảm.
Tình hình kinh tế khó khăn nên dẫn đến nguồn thu khó khăn cũng có thể thông cảm. Nhưng hàng chục tỷ đô la tiền mồ hôi nước mắt của dân bị các tập đoàn Nhà nước đổ sông đổ biển thì nhất định không thông cảm được.
Hàng chục tỷ đô la thì tăng được bao nhiêu là lương, đầu tư được bao nhiêu công trình phúc lợi xã hội cho người dân đang trong cơn bĩ cực?
Có tự diễn biến được hay không khi mà người àm việc chăm chỉ mà vẫn không đủ sống còn kẻ phá hoại thì vẫn bình yên vô sự?
Trong số những bị cáo ‘chống Nhà nước’ kể trên có nông dân Nguyễn Kim Nhàn đã từng hy sinh một phần xương máu cho Đảng?
Đến người của mình cũng không giữ được thì chẳng phải đáng lo lắm sao!