Thoáng nhìn lịch sử
Năm 1215 tại Anh quốc một nhóm chủ đất đã hợp nhau lại bắt vua phải cam kết tôn trọng một số quyền tự do của họ, trong đó, đương nhiên, có quyền định đoạt, sở hữu về đất và các lợi tức từ đất. Cam kết đó có cái tên Latin rất nổi tiếng: Magna Carta (Đại Hiến chương 1215). Tinh thần tự do cho đất, độc lập với kẻ cầm quyền của Magna Carta, dù phải trải qua rất nhiều thử thách, đã được duy trì và bảo tồn cho tới tận ngày nay. Anh quốc hiện là một trong những nước tự do nhất và là một nền dân chủ mạnh và bền vững tới mức không cần có văn bản có tên là hiến pháp.
Hơn 700 năm sau, tại Nga cùng một số nước châu Âu, rồi lần lượt tới Trung Quốc lục địa, Bắc Việt Nam và một số nơi khác, lại xảy ra một hiện tượng ngược lại: quyền sở hữu, định đoạt đất và các lợi tức từ đất đã được (bị) chuyển hoàn toàn cho nhà nước – thực chất là những người cầm quyền kiểu vua chúa theo chủ thuyết cộng sản. Ngày nay Trung Quốc, Việt Nam (thống nhất) vẫn tiếp tục duy trì quyền sở hữu và sự định đoạt tuyệt đối của nhà nước đối với đất và hiện là những quốc gia thuộc hạng thiếu tự do, phi dân chủ nhất thế giới. Còn Nga và những nước khác đã có những tự do, dân chủ hơn, ở nhiều mức khác nhau, kể từ khi quyền sở hữu đất được trao lại tay người dân.
Cuối thế kỷ XIX tại Mỹ và châu Âu đã xướng lên một quan niệm mới về giáo dục, Giáo dục cấp tiến (progressive education), với tinh thần cốt lõi: dân chủ. Giáo dục cấp tiến không còn nhìn nhận giáo dục theo kiểu cơ học như sự tạo khuôn, gò rũa, tháo lắp kiến thức. Quan niệm giáo dục theo kiểu ban ơn, nhân đạo, truyền, rót tri thức cũng bị bác bỏ. Năm 1897, John Dewey[i], “thủ lĩnh” của Giáo dục cấp tiến, nhấn mạnh: “Giáo viên không phải là người đến trường để áp đặt một vài suy nghĩ lên trẻ em, hoặc cũng không phải để tạo ra một thói quen nào đó cho người học, mà ở đó họ (vẫn) là một thành viên của xã hội đến để tìm xem những gì sẽ ảnh hưởng, tác động tới người học và trợ giúp người học có được sự đáp ứng đúng đắn trước những ảnh hưởng, tác động đó.”, “Để chuẩn bị cho cuộc đời tương lai của người học có nghĩa là phải trao cho người học quyền quyết định, định đoạt về chính bản thân họ; cũng có nghĩa là huấn luyện để anh ấy/chị ấy/em ấy sẽ huy động được và luôn sẵn sàng huy động và sử dụng được một cách đầy đủ mọi khả năng, tài năng của mình.”[ii] Đương nhiên, Giáo dục cấp tiến, với cái nền dân chủ, không chấp nhận bất cứ lực lượng nào trong xã hội, kể cả nhà nước, có quyền khống chế hay chăm sóc tuyệt đối giáo dục.
Nhưng chỉ vài chục năm sau khởi phát trào lưu Giáo dục cấp tiến, với thành công vang dội của Các mạng Tháng Mười năm 1917, có một loạt nước áp dụng một quan niệm giáo dục gần như ngược hẳn với Giáo dục cấp tiến. Quan niệm đó coi người dạy học là những “kỹ sư tâm hồn” và giáo dục phải tuyệt đối nằm dưới sự kiểm soát, lãnh đạo của chính quyền, của một đảng chính trị. Đến tận ngày hôm nay, hệ thống giáo dục của một trong những quốc gia đó vẫn cổ xúy cho những quan niệm như thế này: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.” hoặc: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta.”[iii]
Hơn một thế kỷ qua Giáo dục cấp tiến và quan niệm giáo dục nói chung vẫn được mổ xẻ, bàn luận và biến đổi nhưng nguyên tắc tự trị giáo dục (không để chính trị, quyền lực can thiệp), nguyên tắc tôn trọng và khuyến khích tinh thần tự do, độc lập, cảm hứng sáng tạo cho người học là những nguyên tắc bất biến tại Mỹ và phương Tây. Những nơi đó đang là những xã hội có chất lượng giáo dục cao nhất thế giới và cũng là những miền đất nhiều tự do, dân chủ nhất thế giới, tương phản hoàn toàn với những quốc gia vẫn cố duy trì những quan niệm giáo dục ngược lại.
Những điều kể trên chỉ là vài kinh nghiệm lịch sử có tính chọn lọc và điển hình cho mối tương quan thuận chiều giữa sự tự do của đất đai, tự do giáo dục với sự tự do, thịnh vượng của xã hội con người. Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng mối tương liên thuận chiều đó là tất yếu. Đã và đang có rất nhiều quốc gia vẫn mất tự do, vẫn đói nghèo và còn thêm cả chiến tranh, bạo loạn mặc dù đất và giáo dục không bị nhà nước thôn tính, thậm chí còn được thả nổi. Nhưng, nếu lấy mốc khoảng 100 năm nay, có một mối tương quan luôn thuận chiều và tất yếu: đã là nước tự do, văn minh và thịnh vượng thì chắc chắn giáo dục và đất đai đã phải được tự do.
Bầu trời đầy sao
Có thể nói trong rất nhiều nguồn lực dẫn đến sự tự do, thịnh vượng cho con người, đất và giáo dục thuộc số những nguồn lực cơ bản, quan trọng nhất. Nếu như con người/quốc gia cần phải có đất tối thiểu để có một không gian ổn định cho sự sinh tồn vật chất thì giáo dục chính là nguồn lực làm cho sự sinh tồn vật chất của con người/quốc gia thêm ý nghĩa, sức mạnh. Do đó nguồn lực cũng chính là phương tiện trói buộc hay giải phóng con người. Nguồn lực càng cơ bản, càng quan trọng, khả năng (tiềm năng) trói buộc/giải phóng của nó càng mạnh, càng nguy hiểm/phi thường. Vì vậy khi nguồn lực cơ bản đã bị khống chế, kiểm soát thì đương nhiên sinh mệnh và sự tự do của con người/quốc gia sẽ trở nên phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ý muốn, tài năng của kẻ đã đoạt được quyền khống chế, kiểm soát.
Tuy nhiên, trên phương diện lý thuyết, con người/quốc gia vẫn có thể được tự do, được đối xử tử tế và công bằng kể cả khi đất và giáo dục bị một (số) người kiểm soát tuyệt đối, nhưng chỉ với điều kiện những người kiểm soát đó là những người có đức độ và sự sáng suốt luôn luôn tuyệt hảo. Nhưng lịch sử loài người đã ghi nhận điều kiện đó chỉ tồn tại trong truyền thuyết, ước mơ và lời hứa. Những kẻ không công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất, không chấp nhận sự tự trị của giáo dục đều là những kẻ có ý muốn thống trị, tước đoạt tự do, vùi dập con người.
Nhưng đề cập tới ba ý niệm rộng lớn như đất, giáo dục và tự do chỉ bằng vài hiện tượng lịch sử trong khoảng thời gian chưa đến 1000 năm thì cũng không khác gì ngước lên ngắm một bầu trời đầy sao rồi tả: chỉ có khoảng không đen sẫm và những chấm trắng.
Loài người sẽ còn sống cùng trái đất trong quãng đời còn lại khoảng 10 tỷ năm nữa[iv] hay chính con người sẽ tự chia tay bất chợt như lúc xuất hiện? Giáo dục tự trị – nguồn lực hoàn toàn nhân tạo – liệu có vượt được sức mạnh của Đất – nguồn lực hoàn toàn tự nhiên – để đưa con người sang sống ở một hành tinh khác hay trở nên hoàn toàn Tự do mà không còn phụ thuộc vào Đất? Có nên đổi Đất – một vật chất, nguồn lực hữu hạn – để lấy Giáo dục tự trị, Tự do – những nguồn lực, giá trị tinh thần, vô hạn? Lực lượng nào là quan trọng trong việc giải phóng Đất và giành lại tự trị cho Giáo dục? Liệu Giáo dục tự trị có đủ khả năng giúp cho loài người tránh được sự hủy diệt do một vụng về hoặc một tham vọng của chính con người đã được hưởng Giáo dục tự trị? Giá trị của một con người/quốc gia phụ thuộc vào số lượng Đất sở hữu hay khả năng, ý thức, tận hưởng về Tự do hay ở mức độ và nhận thức về Giáo dục?…
Cứ thế, chúng ta có thể mãi miên man như đứng lặng ngắm bầu trời mênh mông đầy sao trong một đêm hè lộng gió với cảm giác cuối cùng là sự pha trộn giữa bối rối, choáng ngợp, bay bổng cùng cảm giác bất lực thích thú trước cái vòm không huyền bí vô tận. Nhưng, tất cả có thể sẽ trở nên vô nghĩa. Vòm trời đầy gợi hứng vô tận cũng có thể chỉ là khoảng không lạnh lùng, trống rỗng sâu thẳm trên đầu nếu mảnh đất cùng ngôi nhà duy nhất do ta bỏ tiền ra mua lại có quyết định chính thức bị cưỡng chế thu hồi vào ngày mai. Và làm sao còn có thể nghĩ cho tự do, cho giáo dục tự trị khi bao tâm trí, sức lực đã phải quăng vào việc lo lắng, đưa đón con đi học thêm những điều đã có trong chương trình giảng dạy.
Những khát khao về tự do, về giáo dục tự trị có luôn đủ sức mạnh gạt được sự mời gọi của một giấy hóa nhà phố cổ, một lô đất tiêu chuẩn giữa đô thị, một suất du học phương Tây, một chỗ giảng dạy đại học, một học hàm giáo sư/phó giáo sư hay một danh hiệu ưu tú/nhân dân do nhà nước ban tặng? Hay con người chỉ cần tìm đến những nơi vừa có tự do về đất, vừa có giáo dục tự trị, lại vừa đã đảm bảo những quyền tự do cơ bản cho con người và vẫn có cả một bầu trời đầy sao?
© 2012 pro&contra
___________________________________
[i] John Dewey (1859-1952) người Mỹ, một tác phẩm của ông,Democracy and Education – An Introduction to the philosophy of education, đã được dịch và xuất bản chính thức ở Việt Nam: Dân chủ và giáo dục –Một dẫn nhập vào triết lý giáo dục, dịch giả Phạm Anh Tuấn, NXb Tri Thức, 2008.
[ii] “The teacher is not in the school to impose certain ideas or to form certain habits in the child, but is there as a member of the community to select the influences which shall affect the child and to assist him in properly responding to these influences.” Dewey, J. (1897), My pedagogic creed, trang 09. ”To prepare him for the future life means to give him command of himself; it means so to train him that he will have the full and ready use of all his capacities” Dewey, J. (1897), My pedagogic creed, trang 07.
[iii] Trích “Thư của Hồ Chí Minh gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh nhân dịp bắt đầu năm học mới, 16/10/1968.”, Bàn về công tác giáo dục, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1972, trang 102-103.
[iv] Stephen Hawking cho rằng nếu vũ trụ của chúng ta sụp đổ trở lại, như đã từng xảy ra, thì chỉ có thể xảy ra sau khoảng 10 ngàn triệu năm nữa. Stephen Hawking, A Brief history of time, from the big bang to black holes, Batam Books, 1988. Trang 46.