Có thể làm quan tốt được không? Câu trả lời là dường như không thể! - Dân Làm Báo

Có thể làm quan tốt được không? Câu trả lời là dường như không thể!

Phương Bích - Hôm giáo sư Đặng Hùng Võ đối thoại với bà con Văn Giang, tôi cũng đi nghe để mở mang thêm kiến thức, và cũng muốn nghe vị giáo sư được nhiều người khen là giỏi giải thích ra sao về 2 tờ trình do ông ký, liên quan đến việc thu hồi hơn 500 ha đất nông nghiệp để làm khu đô thị Ecopark.

Người ta vẫn dè bỉu các quan chức, chỉ khi về hưu mới nói chính xác và nói hay. Nhưng dù vậy, tôi vẫn cho rằng giáo sư là người dũng cảm và “tử tế”, khi chịu đối mặt với những người mà ít nhiều giáo sư đã góp phần vào việc khiến họ mất ruộng đất, dẫn đến cuộc cưỡng chế đất đai bằng vũ lực tai tiếng nhất mà truyền thông trong và ngoài nước từng biết đến. Việc người dân Văn Giang có dọa kiện ông thực ra không phải động chạm đến trách nhiệm của riêng cá nhân ông, vì ông chỉ là người trình, còn người chịu trách nhiệm chính là người ký quyết định ấy chứ. Thế nên kiểu gì thì tòa cũng sẽ đùn đẩy, dây dưa kiểu tít mù nó lại vòng quanh thôi. 

Dũng cảm ở chỗ khác nữa là giáo sư chỉ có một mình. Cho dù giáo sư có giỏi đến mấy đi chăng nữa, thì đối diện với cả một đoàn luật sư có kinh nghiệm, hẳn đó cũng là một điều khó khăn mà giáo sư không thể không biết.

Theo cái nhìn chủ quan của một người dân như tôi, thì có thể hiểu tóm tắt vụ việc Văn Giang như thế này. Giữa năm 2004, phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một quyết định thu hồi hơn 500 ha đất thuộc 3 xã Cửu Cao, Xuân Quan và Phụng Công của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để làm hai dự án là khu kinh tế đô thị Ecopark và đường cao tốc Hà Nội- Hưng Yên. Tuy nhiên người dân Văn Giang không hề biết đến chủ trương này. Chỉ đến năm 2006, khi họ được chính quyền gọi lên nhận tiền đền bù mới vỡ lẽ, đất của họ đã bị thu hồi. Một số ít các hộ dân đồng ý nhận tiền đền bù, song còn lại phần lớn kiên quyết không đồng ý bán đất và nhận tiền đền bù. 

Tháng 4 năm 2012, chính quyền huyện Văn Giang đã tổ chức một cuộc cưỡng chế kinh thiên động địa, nhằm buộc những người dân “ngoan cố” phải giao đất cho Chủ đầu tư để xây dựng đường và đô thị. Nhưng chính cuộc cưỡng chế này đã làm hé lộ quá trình 8 năm trời đấu tranh đòi đất của người dân Văn Giang, khi thông tin về nó được công bố rộng rãi cho dư luận trong và ngoài nước biết. Cùng với luật sư, người dân Văn Giang đã kiên trì đi tìm mọi sự thật, liên quan đến việc chính quyền thu hồi đất của họ với giá rẻ mạt như thế nào. 

Tôi chưa có điều kiện đọc các tài liệu về hồ sơ vụ việc này, song qua cuộc tranh luận giữa một cựu chuyên gia làm luật về đất đai như giáo sư Võ và luật sư Trần Vũ Hải, rất nhiều điều được sáng tỏ về quy trình cũng như các điều luật của luật pháp, thực chất đã không được các cấp chính quyền tuân thủ một cách “đúng luật” trong việc quản lý và sử dụng đất đai như thế nào. Sự phân cấp trong việc trình cũng như ra các quyết định từ việc đầu tư dự án đến thu hồi đất ra làm sao. Ví dụ như dự án giao thông cấp quốc lộ là phải do Bộ Giao thông Vận tải xem xét và trình đề xuất, chứ không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của tỉnh chẳng hạn. Việc một dự án lớn thì phải thu hồi đất xong phải tiến hành đấu giá, chứ không giao theo kiểu chỉ định thầu. Thế nhưng khi giáo sư Võ giải thích là thu hồi đất để đấu thầu (thậm chí giáo sư nói chưa biết chủ đầu tư là ai, và định xây cái gì) thì người dân lại đưa ra bằng chứng phản pháo lại, rằng chính trong tờ trình của ông đã ghi đích danh là giao đất cho công ty Việt Hưng, và ghi rõ là để xây khu đô thị Văn Giang. 

Nghĩa là có thể hình dung ra một vòng tròn khép kín, từ việc UBND tỉnh trình Bộ TNMT, rồi Bộ TNMT trình Chính phủ, mỗi khâu chỉ mất có một ngày là ký tá, đóng dấu xong. Và từ tờ trình đến quyết định đều ghi rõ thu hồi để giao cho đích danh công ty Việt Hưng có thể thấy rõ, việc này đều được sắp xếp sẵn đâu vào đấy cả rồi, việc trình, ký chỉ là vấn để thủ tục, khó cho giáo sư Võ là ở chỗ ý. 

Tôi có đặt ra một câu hỏi. Có thể làm quan tốt được không? 

Câu trả lời là: dường như không thể! 

Nếu không muốn làm trái với lương tâm, chỉ có thể từ quan! 

Giả sử giáo sư Võ bấy giờ có biết được là sai, thì giáo sư có thể không ký không? 

Tôi nhớ trong vụ Lã Thị Kim Oanh, một bài báo nói về câu than thở của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ: Khó lắm Hà ơi! (ông Hà hình như là thứ trưởng Bộ Nông nghiệp thì phải). 

Bộ trưởng mà còn thế, thứ trưởng không trình mà được à? Trong một guồng máy khổng lồ, ông chỉ là một con ốc nhỏ. Ông mà chống lại, cả cỗ máy nó sẽ nghiền nát ông, hoặc nó sẽ thay thế ông. 

500 ha đất là không hề nhỏ tẹo nào. Thông thường một dự án lớn như thế có rất nhiều vấn đề liên quan chằng chịt với nhau. Nếu bạn được nhìn thấy quy mô hoành tráng của khu đô thị Ecopark, bạn sẽ thấy đằng sau nó phải là một thế lực lớn mạnh như thế nào kể cả về năng lực tài chính lẫn các thế lực khác. Để đổi lấy nó, 4 nghìn hộ nông dân với 2 vạn người đã phải hy sinh quyền lợi về đất đai của mình. Mà ai cũng biết, lợi nhuận lớn nhất giờ đây là sinh sôi từ đất. Chả thế mà người ta tìm mọi cách để chiếm đoạt đất đai của người dân dưới chiêu bài phát triển kinh tế xã hội, mà thực chất, người được hưởng lợi từ việc phát triển này lại không phải là người nông dân Văn Giang. Vâng! Xin đừng nói những mỹ từ đẹp đẽ là vì họ nữa đi. Lợi đâu không thấy, chỉ thấy trước mắt là máu và mồ hôi nước mắt trong 8 năm trời đi khiếu kiện. 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã phải thốt lên, chỉ cần họ thực hiện 50% các loại luật do chính họ đặt ra thôi đã là tốt lắm rồi. Bác nông dân ngồi bên cạnh tôi nghe thấy thì bảo: chỉ cần 30% thôi! 

Rất nhiều bài viết tường thuật khá chi tiết về cuộc đối thoại này, tôi không cần phải tốn công nhắc lại. Chỉ muốn kể về một chi tiết khá ấn tượng như thế này: Cuối buổi, sau khi giáo sư Võ thừa nhận một số sai phạm liên quan đến việc thu hồi 500ha đất để giao cho công ty Việt Hưng, tôi cảm thấy giáo sư có một chút ân hận khi hỏi: 

- Số bà con thực sự gặp khó khăn bây giờ là bao nhiêu người? 

Dân Văn Giang đã khí khái trả lời, chúng tôi không nói chuyện khó khăn ở đây mà chỉ nói về chuyện đúng hay sai. Giáo sư lại hỏi: 

- Vậy cái đích của bà con là gì? 

Dân Văn Giang trả lời, lẽ ra sai thì dân không có nghĩa vụ phải tuân thủ, dự án phải hủy bỏ. Nhưng dân chúng tôi là những người đại lượng, không bắt chủ đầu tư phải phá hủy những gì đã xây. Chúng tôi chỉ yêu cầu dự án không được tiếp tục mở rông nữa, phải để đất cho dân sinh sống. 

Kết thúc buổi đối thoại là những tràng vỗ tay của cả gian phòng dành cho hai bên. Xuống đến sân, thấy bà con đứng đông nghịt ở cửa, ánh mắt chờ đợi đầy vẻ hy vọng. Nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của những người vừa từ phòng họp bước xuống, tất cả mọi người lập tức reo hò và vỗ tay rầm rĩ. Trong những gương mặt đang cười tươi roi rói ấy, tôi nhìn thấy cả những anh công an mặc áo xanh như cũng vui lây với niềm vui của bà con. Trong một clip tôi xem được trên facebook, khi người quay phỏng vấn mấy anh dân phòng, các anh ấy thật thà chia sẻ, rằng cũng muốn bà con nông dân thắng kiện. Xem ra dân phòng, hay công an thì cũng đều xuất thân từ dân mà ra, cũng cùng chung nỗi gian khổ đời thường nên thực ra dễ thông cảm với nhau đấy chứ. 

Tuy đấy mới chỉ là tháo bỏ cái nút thắt ban đầu, nhưng hy vọng từ cái sai này, những người thực thi pháp luật sẽ phải lần dở lại từng bước, vì vạn sự khởi đầu nan, không thể có kết quả đúng dựa trên một cái nền tảng sai từ bước đầu tiên được.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo