Trần Ngọc Kha - Chiều nay, 8/11, Tại hội trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trưởng, 83 - Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng này có cuộc tiếp xúc đối thoại với bà con các xã thuộc diện bị thu hồi đất ở huyện Văn Giang, thực hiện dự án Ecopark - Văn Giang (Hưng Yên), dự án do chính ông từng trực tiếp ký các văn bản thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi còn tại vị.
Lý do cuộc đối thoại này là do gần đây, có một thư ngỏ của 9 người dân Văn Giang cùng Luật sử Trần Vũ Hải gửi GS Võ, được công khai trên mạng mà ông không nhận được trực tiếp. Trong thư có nói rằng nếu ông không gặp bà con trong vòng 1 tuần thì sẽ tố cáo, và cũng như mở cho ông một con đường là có thể trả lời bằng thư.
Mặc dù thời điểm hẹn gặp là 2h chiều nhưng từ rất sớm, đã thấy bà con đến rất đông, tụ tập quanh cổng của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tràn ra cả đường Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên chỉ một số bà con được mời dự tại hội trường. Bà con mời Luật sư Trần Vũ Hải và cộng sự của ông đại diện tiếp GS Võ.
Thứ trưởng Võ làm theo “thông lệ” chứ không theo luật?
Ngay từ những phút đầu tiên, cuộc đối thoại đã được nóng lên bởi những câu hỏi, đáp của hai bên về nơi gửi của tờ trình số 99/TTr-BTNMT, ngày 29/6/2004 của Bộ TNMT là Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, LS Hải dẫn ra các Nghị định của Chính phủ số 66, 68 và 91 đều quy định phải trình Chính phủ. Mặc dù vậy, GS “cãi” lại LS Hải rằng: từ 15/10/1993 đến 1/7/2004 đã có “thông lệ” như vậy. LS Hải mở ngoặc cho GS rõ: Luật Đất đai sửa đổi năm 2001 và Nghị định 66 quy định rõ: Thẩm quyền phê duyệt các dự án kiểu này không còn thuộc về Thủ tướng Chính phủ nữa mà thuộc về Chính phủ. GS Võ rơi vào thế bí nói: “Tôi nghe nói Chính phủ đã ủy quyền cho Thủ tướng phê duyệt dự án này”. Tuy nhiên, khi được hỏi bằng cơ đâu thì GS Võ không đưa ra được mà phải thừa nhận trong vấn đề này ông đã sai. Từ sai lầm này, ông Võ đã góp phần dẫn đến dự án Ecopark - Văn Giang được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt sai thẩm quyền tại Quyết định số 742/QĐ-TTG, ngày 30/6/2004 mà ông cũng thừa nhận.
Tiến độ giải quyết thủ tục dự án nhanh đến chóng mặt vì... dân Văn Giang(!)
Dẫn ra một chuỗi những ngày từ ngày 27-30/6/2004, nguyên Thứ trưởng Võ đã cùng với nhiều người khác đã tham gia ký một loạt những văn bản thẩm định, tờ trình, quyết định thu hồi, giao đất, nhanh một cách kỷ lục từ trước đến nay, LS Trần Vũ Hải hỏi ông Võ: Vì sao vậy? Vị GS này nói một cách quả quyết: Cũng là vì dân Văn Giang mà thôi. Cái lý của ông rằng: Chính phủ chỉ đạo (ông cũng không đưa ra được văn bản nào) cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án này trước thời điểm Luật đất đai mới 2003 có hiệu lực ngày 1/7/2004 vì đây là dạ án rất quan trọng. Nó sẽ giải quyết được việc đổi đất lấy hạ tầng làm con đường cao tốc nối cầu Thanh Trì (Hà Nội) với tỉnh Hưng Yên và làm đường 5b Hà Nội đi Hải Phòng, cũng qua Hưng Yên. Nếu chậm sẽ phải làm lại dự án từ đầu theo Luật Đất đai mới, phải lui mất từ 1-2 năm. Ông Võ nhấn mạnh: Tuy vậy, vẫn phải làm đúng luật. Tuy nhiên qua đối thoại đã bật ra sự thật rằng ông Võ đã có hàng loạt những sai phạm...
Thẩm định dự án không qua địa phương?
Từ trước đến nay nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ luôn khẳng định việc thẩm định dự án này, Hội đồng thẩm định do ông chủ trì đều thông qua các xã có thu hồi đất. Tuy nhiên, tại hội nghị này, một người dân của thôn Đại, xã Phụng Công là ông Phạm Hoành Sơn dẫn ra một ý kiến xác nhận của chủ tịch xã ông trả lời dân năm 2006 rằng cho đến thời điểm này ông không hề biết gì về dự án này. Ông Võ trình ra cho bà con xem một bản sao được gọi là “biên bản thẩm định” nào đó có ghi đầy đủ người tham gia là lãnh đạo các xã, nhưng rất tiếc lại không có chữ ký của họ.
Giao đất không cần quy hoạch?
LS Hải hỏi: Vậy căn cứ nào để Bộ TNMT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thu hồi đất cho dự án này khi các xã bị thu hồi này không nằm trong quy hoach phải thu hồi? Ông Võ cho rằng tuy số đất này chưa có quy hoạch nhưng vẫn có thể có kế hoạch sử dụng đất như vậy. LS Hải bật cười rồi cá cược với GS Võ ai thua sẽ phải cung cấp nước cam cho hội nghị về căn cứ đúng, sai về trong vấn đề này, bởi theo LS Hải, từ trước đến nay, bao giờ kế hoạch sử dụng đất cũng phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất.
Nhập nhằng đất chuyên dùng thành đất ở?
Dẫn ra 500 ha “giao đất” tại dự án nói trên dành cho “quỹ tạo vốn xây dựng hạ tầng đô thị” dự án, ghi rõ trong tờ trình do ông ký là“đất chuyên dùng” (chứ không phải đất ở) LS Hải hỏi GS Võ: Như vậy là đúng hay không khi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh? GS Võ cho rằng ông đã “nhầm” khi để tên tờ trình như vậy mà đúng ra là thu hồi đất thôi. Thế thu hồi để làm gì? Làm đấu giá QSĐ hoặc đấu thầu dự án - ông Võ trả lời. Ông nói thêm: “Tỉnh trình cụ thể nhà đầu tư Việt Hưng, nhưng tôi ký tờ trình không cụ thể họ là ai mà chỉ có nội dung thu hồi đất như vậy thôi”. Có nghĩa là ông Võ không sai?
Lác đác có tiếng chép miệng thở dài, thất vọng. “Chắc ông Võ còn nhiều việc phải làm để giải quyết hậu quả dự án này, ít nhất ông phải có một tờ trình nữa gửi đến cơ quan chức năng để sửa chữa một số sai lầm” - LS Trần Vũ Hải nói.