Mai Thái Lĩnh (Bauxite Việt Nam) - Sáng ngày 14-11-2012, trong phiên chất vấn tại Quốc hội Việt Nam, đại biểu Dương Trung Quốc đã đề nghị Thủ tướng nên từ chức để làm gương tốt, mở đầu cho “một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm”.
Ông đặt hai câu hỏi: (1) Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân? (2) Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?
Trong phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đề cập gì đến việc “hướng tới một văn hóa từ chức”, cũng không nói gì về “trách nhiệm với dân”. Thay vào đó, ông nhắc đến quá trình “51 năm theo Đảng hoạt động cách mạng” qua đó ông trần tình: “Và Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi”.
Về việc đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, ông lập luận: “Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công. Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi. Tóm lại có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi”.
Từ đó, ông khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua” (1)
Phản ứng chung của dư luận là không hài lòng với phong cách và nội dung trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhà báo Trương Duy Nhất bình luận trên blog của ông: “Nghe Thủ tướng nói càng thấy đúng là ông chỉ nói về trách nhiệm trước đảng, về sự tận tụy, lòng trung thành với đảng mà không hề ý thức được trách nhiệm trước dân. Tôi có cảm giác dường như Thủ tướng nhầm lẫn quốc hội với đảng. Quốc hội là đại diện của dân, trả lời chất vấn trước quốc hội là trách nhiệm trước dân chứ không phải trách nhiệm trước đảng” (2)
1) Tại sao Thủ tướng lại nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với Dân?
Vấn đề đặt ra là: tại sao Thủ tướng lại có thể “nhầm lẫn Quốc hội với Đảng”, đặt nặng trách nhiệm với Đảng mà xem nhẹ trách nhiệm với Dân?
Để có thể hiểu rõ điều này, có lẽ chúng ta phải trở lại với cuộc “chỉnh đốn Đảng”, mà trọng tâm là Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (từ 1-10 đến 15-10-2012). Căn cứ vào Thông báo cuối hội nghị, chúng ta được biết kết quả của “việc xem xét trách nhiệm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư” trong đợt “chỉnh đốn Đảng” vừa qua là như sau:
“Bộ Chính trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”. Nhưng: “Sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị” (3)
Mặc dù trong thông báo chỉ nói đến “một đồng chí trong Bộ chính trị” và trong cuộc tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 17-10-2012, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cũng không nêu đích danh mà chỉ gọi là “đồng chí X”, hầu như mọi người dân trong nước – và ngay cả báo chí nước ngoài, cũng có thể đoán ra “đồng chí X” đó chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Như vậy, “cuộc chỉnh đốn Đảng” từng được quảng cáo rầm rộ đã dẫn đến kết quả “Ban chấp hành Trung ương biểu quyết không kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Bình luận về sự kiện này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có nhận xét:
“Việc Bộ Chính trị không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Đây là điều mà tôi thấy hiện nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào ? (…) Tôi nghĩ rằng, đây là một điều rất không bình thường, và không biết rằng là sắp tới đây Bộ Chính trị sẽ thực hiện sự lãnh đạo của mình như thế nào, nếu như mà việc Bộ Chính trị quyết định 100% đồng ý rồi, mà ra đến Trung ương lại không thuyết phục được. Đây là điều mà cá nhân tôi, đã từng phục vụ cho một số đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong một thời gian tương đối dài, hết sức lấy làm chú ý. Và hiện nay tôi chưa có thể giải thích được điều này” (4)
Việc Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam biểu quyết “không kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Tấn Dũng” đã dẫn đến hệ quả “Quốc hội không thể tiến hành biểu quyết bất tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người đặt lòng tin vào cuộc “chỉnh đốn Đảng” cảm thấy hụt hẫng.
Xét về mặt hình thức, nếu căn cứ vào điều 84 của Hiến pháp 1992 (bản sửa đổi, bổ sung năm 2001), chúng ta thấy Quốc hội có quyền “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm” một số chức vụ – trong đó có chức vụ Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cũng có quyền “ bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” (trong số đó có chức vụ Thủ tướng). Thế nhưng, mặc dù quy định về thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm” đã được ghi trong Luật Tổ chức Quốc hội 2002 và cả trong bản sửa đổi năm 2007, Quốc hội lại không thể tự mình thực hiện quyền này. Thực tế cho thấy chế độ “đảng trị” đã vô hiệu hóa công cụ hữu hiệu nhất của Quốc hội để kiểm soát quyền lực của bộ máy hành pháp.
Cách đây hai năm, vào ngày 1-11-2010, tại Quốc hội khóa trước (khóa XII), đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã từng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ nhưng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ[i]. Giải thích sự khó khăn của việc tiến hành thủ tục này, đại biểu Lê Văn Cuông đã có nhận xét: “Điều này đúng với pháp luật Việt Nam và điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện nay thiết chế ở Việt Nam là một đảng duy nhất lãnh đạo toàn xã hội trong đó có Quốc hội, cho nên Quốc hội muốn “quyết” thì cũng phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền là Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương, những nơi này cân nhắc vấn đề sau đó có chủ trương để cho Đảng đoàn Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo qui định pháp luật và điều lệ đảng cộng sản Việt Nam” (5)
Có thế nói nhận định hết sức thẳng thắn và trung thực của vị cựu đại biểu Quốc hội này đã nói lên thực chất của Quốc hội Việt Nam: đó chỉ là một cơ quan “đóng dấu” (rubber stamp) nhằm hợp pháp hóa các quyết định của Đảng Cộng sản. Vì thế cho dù Hiến pháp và Luật có quy định, việc “bỏ phiếu tín nhiệm” cũng chỉ có thể tiến hành một khi có lệnh của Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Điều này giúp chúng ta hiểu được thái độ “tự tin” (mà những người không hài lòng có thể coi là “ngạo mạn”) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Quốc hội. Là người theo Đảng lâu năm, ông hiểu rất rõ một điều: nếu Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định không kỷ luật ông thì không bao giờ Quốc hội có thể tiến hành bất cứ thủ tục pháp lý nào để buộc ông phải từ chức. Thái độ xem thường Quốc hội (đồng nghĩa với xem thường Dân) bắt nguồn từ nhận thức đó.
2) Làm thế nào để buộc Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Dân?
Trái với suy nghĩ của một số người, tập quán từ chức (tức là cái mà ở nước ta những người sính chữ nghĩa hay gọi là “văn hóa từ chức”) không chỉ là kết quả của một nền giáo dục, mà chủ yếu là kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc dân chủ trong một thời gian dài. Không phải người nắm quyền lực nào cũng sẵn sàng tự nguyện từ chức, nhất là người đứng đầu một chính phủ. Sau vụ bê bối Watergate, Tổng thống Richard Nixon từ chức vào ngày 9-8-1974 là nhằm để tránh nguy cơ bị Quốc hội Hoa Kỳ xét xử, nhất là sau khi Ủy ban Tư pháp của Hạ viện đã bắt đầu tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống. Tại các quốc gia theo chế độ đại nghị, có lúc chính phủ chưa bị Nghị viện “biểu quyết bất tín nhiệm” nhưng Thủ tướng vẫn từ chức, nhường chức vụ đó cho một người khác trong đảng cầm quyền để tránh cho đảng không bị mất phiếu trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới.
Nói cách khác, tập quán từ chức – một đặc điểm của “văn hóa chính trị” (political culture) tại các quốc gia dân chủ, chịu ảnh hưởng của quy trình “bỏ phiếu bất tín nhiệm” (vote of non-confidence) hay thủ tục “luận tội” (impeachment) đối với các quan chức cao cấp trong bộ máy hành pháp. Vì thế, thay vì “kêu gọi” hay “van xin” các quan chức cao cấp từ chức, cách tốt nhất là khởi động các biện pháp chế tài để khi cần thiết, có thể bãi nhiệm, cách chức hay luận tội bất cứ nhân vật nào trong chính phủ, để không ai có thể đứng trên pháp luật hoặc ngoài pháp luật.
Xét về nguyên tắc, dưới chế độ đại nghị, người dân không trực tiếp bầu người đứng đầu chính phủ mà chỉ bầu các thành viên của cơ quan lập pháp (Nghị viện hay Quốc hội). Chính Nghị viện (hay Quốc hội) – với tư cách là cơ quan được nhân dân giao quyền lực, mới là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chọn bộ máy hành pháp (Thủ tướng và Nội các) để điều hành các công việc của đất nước. Vì lẽ đó, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện (hay Quốc hội) và bất cứ lúc nào, Nghị viện (hay Quốc hội) cũng có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm để buộc Thủ tướng từ chức nếu xét thấy Thủ tướng không hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên, để bảo đảm sự công bằng giữa hai bên, Thủ tướng có quyền đề nghị với nguyên thủ quốc gia (Vua, Nữ hoàng hay Tổng thống) một giải pháp khác: giải tán cơ quan lập pháp để bầu lại một Nghị viện (hay Quốc hội) khác. Trong trường hợp này, quyền lực được giao trả lại cho nhân dân và cử tri cả nước sẽ trở thành trọng tài phân xử: một Nghị viện (hay Quốc hội) mới sẽ hình thành để làm nhiệm vụ bầu chọn Thủ tướng và Chính phủ mới.
Kiến nghị về một cuộc “bỏ phiếu bất tín nhiệm” có thể xuất phát từ hai phía. Nếu xuất phát từ Nghị viện nhằm chứng minh sự bất tín nhiệm của Nghị viện (hay Quốc hội) đối với Thủ tướng hay một Bộ trưởng nào đó, kiến nghị này được gọi là kiến nghị bất tín nhiệm (motion of non-confidence) hoặc kiến nghị khiển trách (motion of censure). Nếu xuất phát từ phía ủng hộ chính phủ nhằm hỗ trợ cho một dự án hay một dự luật được đánh giá là cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ, kiến nghị này được gọi là kiến nghị tín nhiệm (motion of confidence). Để tạo điều kiện cho mỗi nghị sĩ hay dân biểu có thể tự mình đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm, tại nhiều quốc gia có quy định một “ngưỡng tối thiểu” về số chữ ký ủng hộ để kiến nghị có thể được Nghị viện hay Quốc hội xem xét. Vd: tại Thụy Điển, điều 4 chương 12 của “Văn kiện về chính quyền” (Instrument of Government) – một trong bốn luật cơ bản hợp thành Hiến pháp Thụy Điển, quy định: “Một kiến nghị làm căn cứ cho một tuyên bố bất tín nhiệm chỉ được xem xét khi nó được đề xuất bởi ít nhất 10% số thành viên của Nghị viện”.
Có thể nói “bỏ phiếu bất tín nhiệm” chính là cơ chế vận hành then chốt của các chế độ đại nghị trên thế giới. Không thực hiện được điều này, Nghị viện hay Quốc hội không thể bãi nhiệm chính những người mình đã giao trách nhiệm điều hành bộ máy hành pháp.
Cũng cần lưu ý một điều: “bỏ phiếu bất tín nhiệm” ở các quốc gia theo đại nghị chế trên thế giới hoàn toàn khác với kiểu “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” mà Quốc hội Việt Nam sắp thực hiện – sau khi đã thông qua đề án trong kỳ họp cuối năm này. Sự khác nhau căn bản nằm ở chỗ: biểu quyết bất tín nhiệm dưới chế độ đại nghị là một quy trình do Nghị viện tự định đoạt, nhằm mục đích kiểm soát Thủ tướng và Nội các – những người được Nghị viện giao trách nhiệm điều hành bộ máy hành pháp. Không có cá nhân, tổ chức nào đứng trên Nghị viện, kiểm soát Nghị viện trong việc thực hiện quy trình này. Còn quy trình “lấy phiếu tín nhiệm – bỏ phiếu tín nhiệm” ở Việt Nam hiện nay – với thủ tục cực kỳ rườm rà, lại là một quy trình chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản (nhất là của Bộ chính trị). Quy trình này sẽ có tác dụng như thế nào trong việc răn đe, ngăn chặn nạn lạm quyền, tham nhũng? Về điều này, ngay cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – một người ít nhiều vẫn còn tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, cũng tỏ ý hoài nghi. Theo đài BBC: “Giáo sư Thuyết cũng nói ông nghi ngờ khả năng nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh trong đó có cả Thủ tướng và Chủ tịch nước mà Quốc hội đang bàn luận sẽ thay đổi được tình hình hiện nay” (6)
Mặt khác, cũng cần phải phân biệt giữa “bất tín nhiệm” và “luận tội”: khi Nghị viện hay Quốc hội bất tín nhiệm Thủ tướng thì điều đó chỉ có nghĩa là Thủ tướng không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ năng lực, đánh mất sự tin cậy của cơ quan đại diện nhân dân, chứ không có nghĩa là Thủ tướng “phạm tội”. Điều này hoàn toàn khác với trường hợp của Tổng thống trong các chế độ tổng thống hay nửa-tổng thống. Ở Hoa Kỳ, Quốc hội không thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống vì Tổng thống do toàn dân bầu, chỉ có cử tri mới có quyền thay đổi Tổng thống trong các cuộc bầu cử theo định kỳ. Nhưng Quốc hội (cả hai viện) lại có quyền luận tội Tổng thống nếu xét thấy Tổng thống “phạm tội”. Dựa theo thủ tục luận tội (impeachment) tại Hoa Kỳ, Hạ viện được quyền luận tội (nghĩa là lập cáo trạng, indictment) và Thượng viện được quyền xét xử. Hình phạt được áp dụng là bãi nhiệm Tổng thống, và có thể cấm đương sự giữ chức vụ đó trong tương lai.
Các chế độ cộng sản (vd: Việt Nam và Trung Quốc) mặc dù xét về mặt hình thức khá giống với mô hình đại nghị chế nhưng trong thực tế quyền hành lại không nằm trong tay Quốc hội mà nằm trong tay Đảng.
Theo định kỳ, cứ 5 năm một lần, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành một kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; đại hội này bầu ra Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị. Và trong suốt thời gian giữa hai kỳ Đại hội, Ban chấp hành Trung ương trở thành một thứ “Quốc hội” của Đảng, trong khi “Bộ chính trị” trở thành một cơ quan hành pháp của Đảng. Chính hai cơ quan này điều khiển tất cả các công việc của Đảng và thông qua bộ máy Nhà nước điều khiển tất cả các công việc của đất nước.
Có thể nói ở các quốc gia cộng sản, các Đại hội Đảng thay thế cho các cuộc tổng tuyển cử. Sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, vấn đề nhân sự có thể coi như đã được giải quyết xong – nhất là những chức vụ then chốt trong bộ máy Nhà nước. Vì thế, Đại hội Đảng mới thực sự là “tổng tuyển cử”, còn Bầu cử Quốc hội chẳng qua cũng chỉ là một màn kịch mà hồi kết là phiên họp đầu tiên của Quốc hội nhằm “đóng dấu” hợp thức hóa các chức vụ đã được Đảng chọn trước. Chỉ cần nhìn sang Trung Quốc – một đất nước với một hệ thống chính trị giống với nước ta “như một cặp song sinh”: mặc dù đến năm 2013, Đại hội Đại biểu Toàn quốc (tức Quốc hội) khóa XII mới được thành lập, ngay từ bây giờ người ta cũng có thể đoán trước chức vụ Chủ tịch Nước sẽ do Tổng bí thư Tập Cận Bình đảm nhiệm và ông Lý Khắc Cường sẽ là người nắm giữ chức vụ Thủ tướng.
Chính việc Đảng Cộng sản giành quyền chọn lựa Quốc hội, giành quyền bố trí các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là nguyên nhân sâu xa khiến cho Quốc hội trở thành “Quốc hội của Đảng”, chỉ biết làm theo lệnh Đảng chứ không thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Có thể nói việc các nhà lãnh đạo không phục tùng Quốc hội hay không tôn trọng nhân dân bắt nguồn từ chỗ: nhân dân không có quyền chọn lựa một Quốc hội xứng đáng và có đủ uy quyền để thực hành quyền lực do nhân dân trao cho.
Vì thế, chỉ có một Quốc hội của Dân (chứ không phải là một Quốc hội của Đảng) mới có thể lựa chọn một Thủ tướng và một Chính phủ đáng tin cậy và đủ năng lực để điều hành các công việc của đất nước – dưới sự kiểm tra, giám sát của Quốc hội (chứ không phải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Chỉ có một Quốc hội của Dân mới có thể buộc Thủ tướng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội (chứ không phải trước Đảng). Và một khi Thủ tướng hay bất cứ thành viên nào trong Chính phủ tỏ ra không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ hoặc phạm sai lầm trong công tác, Quốc hội có thể tự mình tiến hành “bỏ phiếu bất tín nhiệm” để bãi nhiệm thành viên ấy, thậm chí bãi nhiệm cả Thủ tướng (có nghĩa là bãi nhiệm toàn bộ Chính phủ). Trong trường hợp cần thiết, nguyên thủ quốc gia có thể tuyên bố giải tán Quốc hội nhằm giao lại quyền lực cho nhân dân và bằng một cuộc tổng tuyển cử mới, nhân dân sẽ bầu ra một Quốc hội mới, từ đó hình thành nên một Chính phủ mới.
Đó chính là cách tốt nhất để buộc Thủ tướng phải xem trọng “trách nhiệm với Dân”, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên quyền lợi của gia đình và quyền lợi của đảng phái. Đó cũng là cách tốt nhất để buộc Thủ tướng phải tôn trọng Quốc hội – cơ quan đại diện nhân dân đã tín nhiệm mình. Một Quốc hội của Dân sẽ là một Quốc hội có thực quyền, có đủ khả năng kiểm tra, giám sát Chính phủ do mình bầu chọn và khi cần thiết, “đuổi Chính phủ” một cách nhẹ nhàng, đúng theo Hiến pháp và pháp luật, không cần lựa chọn giải pháp cách mạng, không cần dựa vào bạo lực.
Không có được một Quốc hội của Dân, người dân chỉ còn là những kẻ mất quyền làm chủ ngay trên quê hương mình. Không có được một Quốc hội của Dân, chúng ta “sống một đời sống chính trị trung cổ” ngay trong một thế giới văn minh, để “việc nước” rơi vào tay những kẻ đầu cơ chính trị, lạm quyền và tham nhũng. Không có một Quốc hội của Dân, dân oan chỉ có thể khóc thầm hay chết một cách oan khuất vì không thể trông cậy vào bất kỳ một vị “đại biểu nhân dân” nào. Không có một Quốc hội của Dân, những người tù chịu những bản án bất công sẽ không thể lên tiếng đòi lại sự công bằng. Không có một Quốc hội của Dân, chúng ta không thể biểu tình một cách ôn hòa cho dù “tên láng giềng đê tiện” ngang nhiên xây công sở, lập nhà máy, thậm chí tổ chức đi du lịch trên những hòn đảo bị hắn chiếm đóng bằng vũ lực ngay trước cửa nhà mình.
Không có Quốc hội của Dân, chúng ta sẽ không bao giờ có được người đứng đầu chính phủ biết chịu trách nhiệm trước Dân, hết lòng bảo vệ Tổ quốc!
Đà Lạt ngày 19-11-2012
Mai Thái Lĩnh
Ghi chú:
(1) “Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ba Sàm 14-11-2012:
(2) Trương Duy Nhất, “Dân- đảng”, Blog Trương Duy Nhất 15-11-2012:
(3) Thông báo hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng, VNExpress 15-10-2012:
(4) “Trung ương Đảng không theo Bộ Chính trị, điều chưa từng xẩy ra” (Trọng Thành phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh), RFI 16-10-2012:
(5) Người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc đó chính là ông Nguyễn Phú Trọng, nay trở thành Tổng bí thư của ĐCSVN.
(6) Nam Nguyên – phóng viên RFA, “Không thể bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng”, RFA 12-11-2010:
(7) Thủ tướng ‘nên tự kỷ luật’, BBC tiếng Việt 14-11-2012: