Quyền im lặng - Dân Làm Báo

Quyền im lặng

Thùy Linh - Mấy bữa nay dư luận lại được dịp náo loạn về vụ cô bé Nguyễn Phương Uyên bị bắt về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” cùng Đinh Nguyên Kha. Có luồng dư luận cho rằng Uyên, Kha dại dột khi làm những việc sai trái tày đình. Nhiều người thì không tin vào những chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra và lên tiếng ủng hộ em. Còn khá nhiều người khác hoài nghi và phân vân…Vụ án này cũng giống như nhiều vụ án liên quan đến an ninh quốc gia luôn khiến dư luận bị nhiễu loạn, chia rẽ, thậm chí dẫn đến công kích, thù hằn lẫn nhau. Chưa khi nào nhân tâm con người trong cùng đất nước bị chia rẽ, phân rã và đối địch nhau như lúc này. Có lẽ vẫn không nằm ngoài hai chữ mà nói rất nhiều những không cải thiện được bao nhiêu, đó là sự minh bạch.

Sự thiếu minh bạch trước hết ở điều luật 88 dành cho tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Nếu nêu đích danh, công khai và chia sẻ suy nghĩ về những yếu kém, hạn chế, sự xấu xa, bệ rạc…của chính quyền trong việc điều hành đất nước mà mắc tội tuyên truyền chống phá thì hầu hết người dân Viêt Nam đều mắc phải tội này. Vậy đâu là giới hạn để phân biệt tội phạm với những ý kiến phản biện, thậm chí là lời than phiền, bất mãn về sự không hài lòng với chính quyền hiện tại? Đưa ra một điều luật để khép tội công dân không thể là những khái niệm co dãn, hoặc tùy thuộc vào quan niệm của một người, vài người hay nhóm người, nhất là những người có nhiều quyền lợi gắn với chính quyền. Điều 88 này còn tồn tại sẽ còn là vòng kim cô siết lên đầu bất cứ ai có ý tưởng phản biện, có ý muốn bất mãn, có sự bất bình, phẫn nộ về chính quyền. Và thực tế số người này đang ngày càng gia tăng trước thực trạng đất nước vô cùng bê bối, tê liệt, lụn bại, khủng hoảng, đàn áp vô cớ… 

Việc điều tra của cơ quan điều tra muốn thành công phải thừa nhận là có yếu tố bí mật. Nhưng sự bí mật nếu không bị giám sát bởi các điều luật sẽ dẫn đến việc cơ quan điều tra sẽ được trao một quyền hạn không hạn chế và việc lạm quyền là điều không thể tránh khỏi. Trường hợp của Phương Uyên vừa qua (và nhiều vụ án liên quan đến an ninh quốc gia trước đây) là minh chứng dẫn đến những suy luận về sự lạm quyền của cơ quan điều tra. 

Theo những tin tức trên mạng cho thấy, mới đầu Phương Uyên bị cơ quan an ninh gọi lên làm việc. Sau đó cô bé bị giữ lại mà cơ quan an ninh không đưa ra bất cứ lý do nào, thậm chí đã gây dư luận về việc cô bé bị bắt cóc. Hơn 10 ngày sau, do áp lực về phía gia đình cũng như bạn bè của Phương Uyên cơ quan an ninh mới nói chung chung là cô bé bị điều tra về tội xâm phạm an ninh quốc gia. Tới lúc có thư thỉnh nguyện của 144 nhân sỹ, trí thức gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì câu chuyện khó giữ được bí mật như ban đầu. Lúc này cơ quan an ninh mới tổ chức họp báo để trưng ra các chứng cứ: khẩu hiệu, chất nổ…Và cùng lúc báo chí chính thống vào cuộc để luận tội Phương Uyên, Nguyên Kha cùng tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước” nào đó. Nhưng dư luận đang tiến triển theo nhiều chiều hướng khác nhau, khó kiểm soát, khó định hướng, không dừng lại những chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra. Một nhân vật xuất hiện trong lời nhận tội của Uyên, Kha (do cơ quan an ninh quay video) trên BBC, lan truyền trên mạng là Nguyễn Thiện Thành đầy bí ẩn. Có một Thiện Thành có thật đang bị truy nã và lẩn trốn ở Thailand? Liệu Thành có tham gia vào việc xúi giục, tiếp tay cho Uyên, Kha phạm tội? Hay liệu có ai đó lấy tên của Thành để làm một việc như mọi người hay nói là “nuôi án”? Việc này nếu không làm rõ được thì đương nhiên mọi tội lỗi (theo bằng chứng của cơ quan điều tra đưa ra) đổ lên đầu Uyên, Kha là khó tránh khỏi. 

Một sự thiếu minh bạch không thể không bàn, nhất là khi soi vào trường hợp của Uyên, Kha là “quyền được im lặng” khi họ bị bắt. Ở các nước văn minh, phát triển thì quyền im lặng của người đang thuộc điện bị điều tra được thừa nhận và tôn trọng. Ngay khi họ bị bắt giữ (kể cả quả tang) hay bị điều tra thì họ có quyền im lặng không hợp tác với cơ quan điều tra cho đến khi được hỗ trợ của luật sư của họ. Vị luật sư này được tham gia ngay từ đầu vào quá trình điều tra để bảo đảm quyền lợi cho thân chủ họ và tránh sự áp đặt, lệch lạc vì ý muốn chủ quan của cơ quan điều tra. Những người trẻ tuổi, non nớt, thiếu kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm sử lý tình huống bất trắc như Uyên càng cần sự hỗ trợ về pháp luật. Nhưng cho đến giờ phút này, không ai được tiếp cận với Uyên trừ những người đang điều tra và buộc tội em. Người ta có quyền hoài nghi về những chứng cứ do cơ quan điều tra đưa ra, có quyền hoài nghi về tính khách quan cũng như tôn trọng sự thật của cơ quan điều tra. Những người bi quan còn nghi ngờ về sự ép cung, mớm cung, tra tấn tâm lý, gây hoảng loạn dẫn đến khai lung tung, cả những điều bất lợi cho mình hoặc cả những điều không có trong thực tế…Thực tế đã chứng minh những chuyện như thế từng xảy ra. 

Quyền im lặng đến bây giờ vẫn chưa được pháp luật Việt Nam ủng hộ và đưa vào áp dụng trong thực tế. Nhiều trường hợp các bị can còn bị ép phải viết giấy từ chối luật sư. Nếu thực tế quyền im lặng trở thành điều luật bắt buộc cần thiết trong quá trình tố tụng thì sẽ hạn chế rất nhiều mối nghi ngờ kết quả điều tra. 

Sự thiếu minh bạch trong điều tra các vụ án, nhất là các vụ án an ninh đều theo một lý lẽ: bảo vệ chế độ. Nếu đây là mục đích tốt đẹp thì việc công khai càng chỉ có lợi cho cơ quan điều tra. Còn nếu cơ sở lý luận mơ hồ, thiếu nền tảng thuyết phục thì nó trở thành cái bẫy giăng khắp nơi khiến ai cũng có thể bị sập. Người như Uyên, Kha sẽ bị qui tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”, thậm chí manh nha tội “khủng bố”. Người ủng hộ hai em sẽ bị qui tội là ủng hộ cho tội phạm và khủng bổ. Bản thân ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người được mọi người gửi gắm đơn kêu cứu cũng bị rơi vào cái bẫy khiến ông rất khó lựa chọn cách ứng xử. 

Hiện tại chưa có điều luật nào giúp người ta tránh được “cái bẫy” mà việc kết tội dựa trên tính thiếu minh bạch của một nền pháp luận vừa mơ hồ, vừa đầy tính chủ quan như hiện nay. Nếu nói nên tin tưởng vào cơ quan điều tra thì không khác gì nói điều luật 88 là hoàn toàn chính xác về pháp luật. Mặc dù tôi vẫn luôn tin tưởng, trong số các điều tra viên hiện nay, vẫn còn những người giữ được lương tâm ngay thẳng và tử tế. 

Tôi vô cùng hoài nghi việc Phương Uyên, Nguyên Kha có những hành động rải truyền đơn là do cần tiền, cần laptop…như cơ quan điều tra đưa ra. Bởi chứng cứ này vẫn chỉ là lời buộc tội từ một phía. 

Tôi vô cùng hoài nghi hai cô cậu trẻ tuổi đó chế tạo chất nổ để khủng bố như cơ quan điều tra trưng ra trước công luận. Và tôi cũng hoài nghi hơn 2kg chất nổ đó là của hai em… 

Tôi chỉ tin khi nào Phương Uyên, Nguyên Kha được bảo vệ bằng quyền im lặng cho đến lúc được sự hỗ trợ của các luật sư của các em, để các em cất lên tiếng nói của mình, được quyền phản biện kết luận buộc tội của cơ quan điều tra…Tôi sẽ tự đánh giá sự thật vụ án này qua lời nói của các em cùng với chứng cứ của cơ quan điều tra. 

Còn hiện tại tôi vẫn vote cho Phương Uyên về một sự thật: em đã bị đối xử thiếu công bằng cho đến giờ phút này. Và thật sự em chưa được pháp luật hỗ trợ để chứng minh cho mình ở bất cứ khía cạnh nào. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo