Tại sao công an tàn ác? - Dân Làm Báo

Tại sao công an tàn ác?

Nguyễn Gia Thưởng (Thông Luận) - “...Đảng cộng sản Việt Nam càng ngày càng đánh mất cảm tình và niềm tin của người dân trong khi ngược lại họ còn coi những công dân trung chính là những "thế lực thù địch" cần phải triệt tiêu. Đó là một nghịch lý cần phải chấm dứt!...”

*

Tâm cảm (empathie) là yếu tố đầu tiên khiến con người không thể độc ác: khi tâm cảm bị vô hiệu hóa hay không còn được ý thức, con người trở nên hung tợn và xem mạng người không hơn một món vật. Những người có đầu óc vô cảm như vậy thường được liệt kê vào một trong ba loại mà các nhà phân tâm học gọi là "bộ ba hắc ám" (dark triad). Kẻ tự mê, kẻ thủ đoạn và kẻ thác loạn nhân cách giống nhau ở một điểm chung, không mấy thiện cảm và được che giấu rất kỹ, đó là ác tâm, giả dối, vị kỷ, hung hăng và lạnh lùng.

Những cán bộ trong ngành công an tại Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Tâm cảm của họ đã gần như chai lì, không còn nhạy cảm trước sự đau khổ của người khác.

Tự mê

Những kẻ tự mê chỉ mơ ước có danh tiếng mà không cần được mến mộ. Họ có thể làm bất cứ chuyện gì để đạt mục tiêu mà không bận tâm đến hậu quả hay tình cảnh của những nạn nhân do những quyết định của họ. Họ không bao giờ biết hối hận và xem nhẹ tình cảm và nhu cầu của người thừa hành. Tâm trạng của những kẻ tự mê này biểu lộ lòng thiếu tự tin, dẫn đến nội tâm bất an. Trong lòng của những đương sự thì rất lo sợ nhưng ngoài mặt càng tỏ ra cương quyết. Họ thường tỏ ra cố chấp, không chấp nhận bất cứ một lời phê bình nào, những ý kiến xây dựng thường được xem là những lời chỉ trích. Họ chỉ thích nghe những gì mà họ muốn nghe, nghĩa là những luận điệu cùng lập trường hay củng cố quan điểm của họ, và để ngoài tai những luận điệu phản bác hay trái với quan điểm của họ. Nói chung, họ không còn khả năng lắng nghe, họ chỉ muốn rao giảng, lên lớp và dạy luân lý kẻ khác.

Những cấp lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam thường mắc bệnh tư mê khi cho rằng đảng cộng sản là đỉnh cao trí tuệ và nhất là chủ trương "hồng hơn chuyên". Những cấp lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang sống, hay đúng hơn đang tự giam hãm trong một tháp ngà mà chung quanh họ chỉ toàn là những người không có xương sống, chỉ biết khúm núm cúi đầu nghe lệnh và tung hô họ trong mọi quyết định. Khẩu hiệu "còn đảng còn mình" là chiếc vòng kim cô chụp lên đầu các cán bộ công an và phản ánh tâm trạng tự mê, coi đảng là lẽ sống của họ. Cho dù đảng cộng sản có sai lầm đến thế nào đi nữa, họ luôn luôn biện hộ và làm đủ cách để giữ thể diện cho đảng. Đối với những kẻ tự mê trong đảng cộng sản hiện nay, không ai có quyền xúc phạm đến tính chất "thiêng liêng" của đảng, vì những người lãnh đạo đảng được nâng lên ngang hàng với những vị thần linh đầy quyền lực và không những thế còn biết ban phát quyền lợi cho những ai cúc cung thờ phụng.

Sự bất an của các cấp lãnh đạo trong việc thi hành hay áp dụng những chính sách (vá víu) dẫn đến bực bội và tức giận vì nhiệm vụ không hoàn thành. Không thiếu những trường hợp trong cơ chế độc tài đảng trị các cấp thừa hành hay cán bộ cấp dưới đổ lỗi, cáo buộc hay trừng phạt những người dân thấp cổ bé miệng để che giấu những sai lầm hay sự tồi dở của mình.

Thủ đoạn của những kẻ tự mê là nịnh bợ, vuốt ve, bao bì, điếu đóm để được thăng quan tiến chức. Để đạt mục tiêu, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để che giấu, giảm thiểu mức độ trầm trọng của sai lầm hoặc bóp méo thông tin đúng theo ý của mình. Thêm vào đó, với một chút ít thủ thuật và may mắn, họ sẽ không ngại ngùng đùn hậu quả những sai lầm của họ lên trên đầu người khác.

Hình ảnh vĩ đại của đảng bao trùm mọi sinh hoạt của xã hội và luôn luôn được thổi phồng qua bộ máy tuyên truyền khổng lồ của đảng. Một phương châm được mọi đảng viên các cấp áp dụng, đó là muốn làm gì thì làm không được đụng đến uy quyền của đảng. Từ đó những phản biện lành mạnh để cải tổ đảng và nhà nước để thích nghi với trào lưu của thế giới không được lắng nghe, tất cả những sự thật về xã hội và thế giới bên ngoài đều bị gạt sang một bên. Các cấp lãnh đạo tự mê chỉ muốn nghe những thông điệp bùi tai và kẻ thừa hành lanh lợi phải biết báo cáo láo để làm vừa lóng cấp trên và củng cố quan điểm của đảng. Nói dối đã trở thành nề nếp và việc tham nhũng là một bộ môn thể thao thịnh hành ở Việt Nam.

Trong thực tế, chế độ cộng sản Việt Nam đã chỉ đào tạo những con người dối trá, đặc biệt là trong ngành công an, mặc dù ngoài mặt luôn kêu gọi sự lương thiện. Những ai có ý phản kháng lại bằng cách cung cấp những thông tin trung thực hay ngược với ý muốn của đảng đều bị đe dọa và trù dập, vì dám đụng đến sự si cuồng tự mê của họ. Ví dụ điển hình cho phản ứng này là những vụ án "Xét lại chống đảng", "Nhân văn giai phẩm", và gần đây hơn là việc tống xuất những tiếng nói lột trần bản chất dối trá này của chế độ cộng sản Việt Nam, như đạo diễn Song Chi, bà Dương Thu Hương, bà Trần Khải Thanh Thủy, chỉ để nêu danh một số mà thôi.

Tâm lý tự mê trong đảng cộng sản cuối cùng đã bài tiết ra một loại luân lý do chính họ nặn ra, đó là "đạo đức cách mạng" đã trở thành những lời Thánh Kinh bất khả xâm phạm và không ai có thể chất vấn. Họ sống trong một thế giới mà họ có quyền hành tối thượng, và thỏa mãn những dục vọng của họ mà không ai có quyền xét xử. Sự tự mãn này đã khiến họ mù quáng không thấy thực tế xã hội và đào sâu thêm hố ngăn cách giữa họ và người dân. Đảng cộng sản đứng trên mọi định chế tổ chức quốc gia. Luật lệ và luật pháp không có hiệu lực đối với những người lãnh đạo đảng mà chỉ để áp dụng lên đầu người khác.

Những kẻ thủ đoạn

Có lẽ nhiều người Việt đã có dịp thấy bằng xương bằng thịt những nhận vật mà các đạo diễn thường đưa lên màn ảnh để làm phản diện. Những người này có thể thủ vài trò một khoa học gia điên có tham vọng thống trị thế giới, một trùm băng đảng đẹp trai nhưng tàn ác. Chúng ta bực tức trước tính cách luồn lách, bất chấp thiên hạ và những thủ đoạn của y nhằm phục vụ cái ác.

Vào thế kỷ thứ 16, Niccolo Machiavelli viết quyển "Quân Vương" (Il Principe), một cẩm nang cai trị bằng lừa đảo và thủ đoạn. Ông đi từ nguyên tắc cho rằng kẻ cướp được chính quyền chỉ có biết đến quyền lợi của mình mà không đếm xỉa gì đến người dân y cai trị. Đây là nguyên tắc cầm quyền của những kẻ thủ đoạn: cứu cánh biện minh cho phương tiện cho dù có phải trả giá đắt về sinh mạng. Nguyên tắc này đã ngự trị nhiều thế kỷ trong các triều đại vua chúa trên thế giới (và vẫn còn tồn tại hiện nay trong một số chế độ độc tài, trong đó có Việt Nam).

Machiavelli cho rằng bản chất con người là luôn luôn tìm kiếm phúc lợi cho bản thân, lòng vị tha không nằm trong quy tắc ứng xử. Những lãnh tụ độc tài không bao giờ xem cứu cánh của y là vị kỷ hay xấu xa, họ luôn đề cao cứu cánh theo một khía cạnh rất thuần lý và chính họ cuối cùng cũng tin vào những điều này. Tất cả những chế độ độc tài đều biện minh sự độc đoán của mình nhằm bảo vệ quốc gia, đất nước chống lại một kẻ thù nguy hiểm và đưa ra hình ảnh của một "thế lực thù địch" để lôi kéo những người còn lừng khừng và trừng phạt người dám chống lại.

Một trong những phương châm trích từ quyển "Quân Vương" ghi rõ : "Sự khác biệt căn bản giữa phần lớn những kẻ phạm pháp và người dân bình thường là bọn phạm pháp quá ngu dại để cho chính quyền bắt". Một phương châm khác nói: "Phần đông thiên hạ dễ quên cái chết của bố mẹ hơn là bị mất của".

Kẻ thủ đoạn (còn gọi là machiavélique) giống kẻ tự mê ở chỗ xem tất cả mọi người đều là công cụ để phục vụ quyền lợi cho bản thân mình. Con người đối với kẻ thủ đoạn chỉ là một đồ vật, có thể tháo gỡ hay thay thế lẫn nhau, và có trị giá như nhau. Sống quen với những toan tính, lâu dần kẻ thủ đoạn trở thành vô cảm, nghĩa là không còn tình cảm và phi đạo lý. Chính vì vậy, những kẻ thủ đoạn bắt bớ, bỏ tù hay tra tấn người khác một cách rất dễ dàng như hơi thở. Tâm cảm của kẻ thủ đoạn dường như bị tách rời khỏi bản thân họ. Tình cảm của họ rất là khô khan nhưng ngược lại dục tình (pulsion) của họ rất là xung động.

Kẻ thác loạn nhân cách

Kẻ thác loạn nhân cách có đặc tính là luồn lách, gian trá và khinh thường người khác. Đương sự không bao giờ nhận trách nhiệm về phần mình và vì vậy y không bao giờ biết hối hận là gì. Đối với đương sự, người khác chỉ là món vật, một đối tượng để sử dụng, để lừa bịp rồi bỏ rơi. Đương sự không hề lo âu, không bao giờ biết sợ sệt vì đương sự luôn tỏ ra bình tĩnh trong mọi trạng huống. Sự tàn ác của đương sự xuất phát từ sự vô cảm vì đương sự mất hẳn sợi giây liên cảm để cảm nhận những đau khổ của người khác.

Sống trong môi trường của một chế độ coi sự dối trá là lẽ sống còn, muốn được yên ổn con người phải sống hòa nhịp với sự dối trá để tồn tại. Lâu dần sự dối trá trở thành nếp sống, con người trở nên vô cảm. Chế độ tự xem mình là đỉnh cao trí tuệ đã tự giam hãm mình trong mô hình "bộ ba hắc ám". Tuy đã hy sinh hàng triệu sinh linh, đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn tự hào đã đánh thắng hai đế quốc "sừng sỏ" Pháp và Mỹ, đã thống nhất đất nước, nhưng sau đó hoàn toàn thất bại trong việc quản lý đất nước và lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Phân tích tâm lý về biện chứng "bộ ba hắc ám", cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam không ít thì nhiều đều mắc những chứng bệnh hiểm nghèo này. Và công an không phài là công cụ để bảo vệ dân mà chính là lá chắn để bảo vệ đảng. Khẩu hiệu "còn Đảng còn mình" đã thể hiển quá rõ điều này. Mục đích tối hậu của ngành công an là bảo vệ đảng nên cán bộ công an phải là những người vô cảm trước nỗi thống khổ của nhân dân mới có thể bảo vệ đảng một cách hữu hiệu, nghĩa là phải tàn ác.

Tất cả những giải thích dài dòng nói trên chỉ nhằm báo trước sự gia tăng đàn áp, đánh đập và giết người của công an trong những ngày sắp tới, vì người dân Việt Nam đang ý thức được quyền làm người tự do, muốn được sống hạnh phúc và thể hiện lòng yêu nước trong khi đảng và chính quyền cúi đầu trước sự ức hiếp của ngoại bang. Đảng cộng sản Việt Nam càng ngày càng đánh mất cảm tình và niềm tin của người dân trong khi ngược lại họ còn coi những công dân trung chính là những "thế lực thù địch" cần phải triệt tiêu. Đó là một nghịch lý cần phải chấm dứt!

Nguyễn Gia Thưởng (Brussels)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo