Thụy My (RFI) - Hôm nay 01/12/2012 cảnh sát Miến Điện đã xin lỗi những người chống đối lại dự án một mỏ đồng của Trung Quốc, vì đã dùng vũ lực để giải tán biểu tình làm cho nhiều người bị thương. Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được Tổng thống cử lãnh đạo một ủy ban điều tra về vụ này, đồng thời ủy ban cũng nghiên cứu xem có nên tiếp tục dự án hay không.
Theo thông báo được Tổng thống Thein Sein ký tên và công bố trên trang web chính thức, thì ủy ban điều tra gồm 30 người, trong đó có một số khuôn mặt đối lập khác, đặc biệt là Ko Ko Gyi và Min Ko Naing, các nhà hoạt động của tổ chức dân chủ Thế hệ 88. Ủy ban này sẽ xác định xem dự án mỏ đồng Monywa có “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế” và “tìm ra sự thật” về vụ đàn áp biểu tình bằng bạo lực.
Tình hình vẫn căng thẳng tại Monywa, thành phố gần khu vực mỏ đồng, nơi khoảng một trăm cảnh sát đã đứng ra xin lỗi về những gì đã xảy ra. Aye Net, một trong những người tổ chức biểu tình cho rằng không thể chấp nhận việc xin lỗi của cảnh sát, cho biết “không thể nào quên được cảnh tượng đã diễn ra”.
Lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi hôm qua 30/11/2012 đã yêu cầu chính quyền phải xin lỗi về việc sử dụng bạo lực để đàn áp cuộc biểu tình chống dự án mỏ đồng Trung Quốc, một hồ sơ mà bà đang nỗ lực làm trung gian hòa giải. Tại Monywa, bà Suu Kyi tuyên bố: “Chúng tôi biểt rằng các chỉ huy cảnh sát phải chịu trách nhiệm, nhưng cần biết lý do vì sao họ lại làm như thế”.
Hình ảnh các nhà sư bị phỏng nặng trên các giường bệnh đã nhắc nhở người dân Miến Điện chính sách bạo lực của tập đoàn quân sự đã giải tán cách đây một năm rưỡi, và đặt ra câu hỏi về khả năng đáp ứng những mong đợi vốn ngày càng cao của dân chúng, đối với chế độ mới.
Trong đêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm 29/11, cảnh sát đã dùng vũ lực để giải tán khoảng 300 nhà sư, dân làng và sinh viên tập hợp tại địa điểm mỏ đồng. Những người biểu tình đòi hỏi phải từ bỏ dự án, tố cáo việc tịch thu đất đai mà không bồi thường thỏa đáng. Được biết mỏ đồng này ở gần Monywa thuộc vùng Sagaing, thuộc quyền quản lý của một công ty liên doanh giữa tập đoàn Trung Quốc Wanbao và công ty Myanmar Economic Holdings của quân đội Miến Điện.
Theo Myo Thant, nhà hoạt động của tổ chức dân chủ Thế hệ 88, có khoảng 100 người bị thương, chừng ba chục người phải nhập viện, trong đó có “tám người trong tình trạng nguy kịch”. Lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng và một loại khí không rõ nguồn gốc xịt vào người biểu tình. Tuy nhiên chính quyền bác bỏ cáo buộc của báo chí địa phương và các nhà tranh đấu, cho rằng cảnh sát đã dùng đến vũ khí hóa học.
Hôm qua khoảng 200 nhà sư trong đó có nhiều người bị thương hôm trước, đã biểu tình ngồi tại Mandalay để tố cáo nạn trấn áp. Hãng tin AFP ghi nhận khoảng 50 người khác cũng đã tuần hành tại Răngun. Thawbita, một nhà tổ chức cho AFP biết, đã yêu cầu chính quyền xin lỗi các nhà sư bị thương trong vòng 5 ngày tới, nếu không sẽ tổ chức biểu tình trên khắp cả nước.
Bà Aung San Suu Kyi đã bắt đầu đóng vai trò trung gian hòa giải từ thứ Năm, cho biết bà mong muốn vấn đề được giải quyết một cách êm thấm. Lãnh tụ đối lập luôn được người dân yêu mến, đông đảo dân chúng đã đón chào bà. Tuy nhiên bà Suu Kyi không đòi hỏi phải dừng dự án trên, và việc này làm cho Bắc Kinh hài lòng. Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện nói rằng, các vấn đề tái định cư, đền bù, bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi ích liên quan đến dự án đã được giải quyết qua thương lượng.
Bắc Kinh đã lợi dụng nhiều thập kỷ chế độ độc tài Miến Điện bị cô lập để trải rộng ảnh hưởng lên Miến Điện, đặc biệt là bộ máy kinh tế. Nhưng những cải cách mới đây của tân chính phủ đã làm thay đổi tình hình, và sự chống đối của dân chúng trước một số dự án lớn của Trung Quốc ngày càng thêm mạnh mẽ.
*
Bà Aung San Suu Kyi phản đối chính phủ Myanmar đàn áp người biểu tình
MONYWA, Myanmar (AP) - Lãnh tụ phía đối lập tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm Thứ Sáu đã lên tiếng chỉ trích hành động đàn áp mạnh bạo của chính phủ tại một hầm mỏ ở vùng Tây Bắc Myanmar, nói rằng dân chúng cần phải được biết lý do tại sao có bạo động làm bị thương hàng chục người, trong số có cả một số nhà sư Phật Giáo.
Lãnh tụ Aung San Suu Kyi trên xe hơi vẫy chào người ủng hộ khi đến Monywa.
(Hình: Ye Aung Thu/AFP/Getty Images)
Cùng lúc đó, bà cho thấy trong bài diễn văn với dân chúng địa phương rằng người biểu tình phản đối phải chấp nhận thỏa hiệp vì danh dự quốc gia.
Bà Suu Kyi nay là một dân biểu Quốc Hội sau nhiều năm là thành phần tù chính trị, mà được dân chúng ở Monywa đón chào như một vị anh hùng.
Trước đám đông khoảng hơn 10,000 bà nói rằng bà không muốn có đối đầu nhưng người dân phải có quyền hỏi tại sao chính phủ có biện pháp đàn áp quá mạnh bạo với người biểu tình bất bạo động.
Thành phần tranh đấu bảo vệ môi sinh và các nhà sư Phật Giáo đã tổ chức biểu tình để phản đối hoạt động của mỏ đồng Letpadaung và chiếm đóng nơi này trong 11 ngày trước khi bị đàn áp.
Nhưng bà Suu Kyi cũng nói rằng Myanmar phải tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết khi thành lập dự án, đặc biệt là có sự can dự của quốc gia láng giềng Trung Quốc. Tuy đây là điều được ký từ thời có chính quyền quân sự cai trị Myanmar, bà Suu Kyi nói rằng chính phủ Myanmar hiện nay cũng vẫn phải tôn trọng thỏa thuận thương mại để khỏi làm mất uy tín quốc gia.
V.Giang