Ông Trọng: 'Kỷ luật sinh ra thù oán' - Dân Làm Báo

Ông Trọng: 'Kỷ luật sinh ra thù oán'

Ông Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri mà ông nói là 'nói hết tâm tình'. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

BBC - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm thứ Bảy ngày 1/12 đã có giải thích về việc tại sao xây dựng chỉnh đốn Đảng cho đến nay vẫn chưa kỷ luật được bất cứ cán bộ nào có vi phạm.

Ông nói rằng việc phê bình và tự phê bình đặt ra theo Nghị quyết trung ương 4 ‘không nhằm để kỷ luật’ cán bộ.

Ông Trọng, cũng vốn là đại biểu Quốc hội ở Hà Nội, đã đưa ra bình luận này khi bị một số cán bộ lão thành truy vấn về tại một buổi tiếp xúc cử tri hai Quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Nội dung buổi tiếp xúc cử tri quan trọng này được báo chí trong nước tường thuật rộng rãi.

‘Tư tưởng nhân văn’

Trước đó, mặc dù có rất nhiều sự kỳ vọng vào sự đột phát trong việc xử lý cán bộ hư hỏng, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng hồi đầu tháng 10 cuối cùng đã đi đến quyết định ‘không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị’.

Quyết định này đã gây ra nhiều bức xúc đối với người dân và những Đảng viên lão thành tâm huyết với vận mệnh đất nước.

Chính Tổng bí thư Trọng đã thừa nhận sự bức xúc này mặc dù trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 6 ông từng nói kết quả hội nghị sẽ làm dân ‘thêm tin yêu Đảng’.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trọng thừa nhận ông có biết ‘tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng, thậm chí bực bội, nói là thất bại rồi, không kỷ luật được ai cả, nhiều cụ nói rằng mất ngủ vì bực lắm, tại sao đến mức như vậy mà không kỷ luật được ai.’

Tuy nhiên theo Thông tấn xã Việt Nam thì ông Trọng đã phân bua rằng ‘không phải kỷ luật nhiều mới là tốt, mới là đúng’.

"Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ."
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đây có thể xem là lời giải thích của ông Trọng về việc Trung ương Đảng đi đến quyết định không kỷ luật tại hội nghị toàn thể lần thứ 6 vừa qua.

“Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ,” ông Trọng được dẫn lời nói trên tờ Tuổi Trẻ.

Ông Trọng cũng làm rõ trọng tâm của Nghị quyết 4 không phải là kỷ luật như nhiều người mong đợi mà là ‘cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn’.

“Tôi nhiều lần nói rằng nghị quyết 4 trước hết là cảnh tỉnh, thức tỉnh lại những người lâu nay quên đi rồi, không thấy nguy cơ này, không thấy tại sao Liên Xô sụp đổ,” ông Trọng được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.

"Vừa rồi đã răn đe chưa? Khối anh sợ chứ."
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Thứ hai là cảnh báo nguy cơ đó. Thứ ba là răn đe. Thứ tư là ngăn chặn. Vừa rồi đã răn đe chưa? Khối anh sợ chứ,” ông nói thêm, “ Đến cuối cùng anh không sửa mới là kỷ luật, xử lý.”

Theo ông giải thích thì việc phê và tự phê mà không kỷ luật sẽ có tác dụng ‘bền vững, sâu xa hơn’ vì mỗi cán bộ đã ‘tự nghiền ngẫm, tự giác sửa mình’.

Ông giải thích đây là tư tưởng ‘tất cả cùng tiến lên’ và ca ngợi hành động này là ‘cái tính Việt, tư tưởng nhân văn và tư tưởng Hồ Chí Minh’.

Một mặt, ông tổng bí thư nhấn mạnh đến tinh thần khoan dung lẫn nhau trong nội bộ Đảng theo tinh thần ‘nhân văn Việt Nam’, một mặt ông cũng nhắc đến luật pháp khi mà đã kiểm điểm rồi mà ‘không sửa chữa’ thì mới dùng đến luật pháp.

Giảm nhẹ tự phê

Hội nghị 6 của Đảng đã làm mất nhiều niềm tin của công chúng

Người đứng đầu Đảng cũng có động thái rõ ràng là giảm nhẹ tầm quan trọng của việc phê và tự phê trước sự kỳ vọng lớn lao của công chúng.

Ông được Thông tấn xã dẫn lời nói rằng ‘Nghị quyết trung ương 4 không chỉ có tự phê bình và phê bình, mà còn nhiều việc khác’ và rằng ‘một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế chính sách mới quan trọng’.

Trước đó, phê và tự phê đã được Đảng phát động rầm rộ trên tất cả các cơ sở Đảng trên toàn quốc mà Đảng xem như là một biện pháp cốt tử để vực dậy uy tín.

Ông cũng cố gắng giảm nhẹ sự kỳ vọng quá lớn vào Nghị quyết 4 khi nói rằng đây là một công việc ‘lâu dài’ chứ không nên mong chờ kết quả trong nhiệm kỳ này mặc dù ông cũng nhấn mạnh ‘ý nghĩa rất hệ trọng’, ‘liên quan đến sự sống còn của Đảng’ của công việc chỉnh đốn Đảng.

Trước câu hỏi của cán cán bộ lão thành yêu cầu tổng bí thư chỉ ra ‘một bộ phận không nhỏ suy thoái’ mà ông từng ̣đề cập ở đâu, ông Trọng nói đây là vấn đề ‘không đơn giản’, theo tường thuật của báo mạng VnExpress.

"Chả bao giờ mình thấy khuyết điểm của mình đâu. Đụng đến lợi ích của mình là phản ứng, nhất là lợi ích nhóm khi đã móc ngoặc với nhau thì vô cùng phức tạp."
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông cho rằng đây là chỉ ra ‘bộ phận không nhỏ là bao nhiêu’ là một việc ‘khó và trừu tượng’.

“Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu,” ông giải thích tại sao đấu tranh với cán bộ suy thoái lại khó như thế, “Chả bao giờ mình thấy khuyết điểm của mình đâu. Đụng đến lợi ích của mình là phản ứng, nhất là lợi ích nhóm khi đã móc ngoặc với nhau thì vô cùng phức tạp.”

Cũng theo tường thuật của VnExpress thì ông Trọng đã nhiều lần đề cập đến cụm từ ‘lợi ích nhóm’ đang hoành hành trong Đảng.

“Khổ là bên ấy (Chính phủ) quá nhiều việc, chưa nói là tâm lý ăn cây nào rào cây ấy, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay không. Anh nào ra cái đề án cũng phải cố gắng bảo vệ cho mình,” ông nói, giải thích lý do tại sao Đảng tái lập các cơ quan chuyên môn dẫm chân lên công việc của bộ máy chính phủ.

"Sự đời nó không đơn giản thế. Cứ nói cùng là đảng viên cả, cùng là ủy viên trung ương, Bộ Chính trị cả thì phải tin các đồng chí ấy chứ. Không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến những cái sai như vừa rồi."
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Sự đời nó không đơn giản thế. Cứ nói cùng là đảng viên cả, cùng là ủy viên trung ương, Bộ Chính trị cả thì phải tin các đồng chí ấy chứ,” ông phân trần tại sao Đảng không tin bên Chính phủ.

“Không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến những cái sai như vừa rồi,” ông nói và yêu cầu ‘đã sinh ra cơ quan quyền lực thì phải có sự kiểm soát cái quyền lực ấy’ nếu không sẽ sinh ra ‘tự tung tự tác’.

Tổng bí thư Đảng cũng cảnh báo việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà Quốc hội mới thông qua có thể cho ra kết quả sai lệch do ‘lợi ích cục bộ, cá nhân, lợi ích nhóm’.

“Có chuyện hứa hẹn cho cái này cái kia, ràng buộc lẫn nhau, có khi lại đe dọa, không hề đơn giản,” ông giải thích việc một số đại biểu có thể bị chi phối vì lợi ích nhóm khi bỏ phiếu tín nhiệm.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121202_trong_public_remarks.shtml


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo