WB thúc giục Việt Nam công bố nợ xấu chính thức - Dân Làm Báo

WB thúc giục Việt Nam công bố nợ xấu chính thức

Việt Anh (SGTT.VN) - "Hiện nay ngân hàng Nhà nước (SBV) công bố nợ xấu của Việt Nam chiếm 4,9% GDP, cơ quan giám sát nói là 8,83%, thống đốc thì cho rằng 10%, còn các nhà phân tích nhận định tỷ lệ cao hơn 10%. Các bạn nên nhớ rằng 1% GDP tương đương hơn 1 tỉ USD, do đó sự chênh lệch giữa các công bố không phải con số nhỏ". Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh tại cuộc họp báo trước hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) chiều 5.12 tại Hà Nội.

Theo ông Mishra, hiện nay không biết chính xác nợ xấu của Việt Nam là bao nhiêu, do đó sẽ không xác định được giải pháp. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xem xét đến tỷ lệ nợ xấu chuẩn xác.

Nói đến triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, ông Mishra lưu ý, tăng GDP của Việt Nam mấy năm qua cho thấy chu kỳ là đầu năm thấp và cuối năm cao. Ví dụ đầu năm 2012 GDP chỉ ở 4%, mọi người rất lo sợ, nhưng đến quý II thì tăng lên 4,5%. Đặc biệt là cuối năm khi Tết đến, sản xuất và tiêu dùng nhiều hơn thì tăng trưởng cao hơn. Do đó không nên vội lạc quan khi GDP tăng về cuối năm.

Ông Mishra cũng nhấn mạnh đến các nguy cơ mà kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt như lạm phát cơ bản vẫn cao (đã loại trừ yếu tố lương thực thực phẩm và nhiên liệu). Và nếu nới lỏng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ thì có thể làm lạm phát tăng trở lại. Mức dự trữ ngoại tệ thấp so với quốc tế. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cần tăng hơn nữa, vì ảnh hưởng đến tỷ giá và cung tiền.

Chuyên gia của WB cảnh báo, sở dĩ Việt Nam thực hiện tái cơ cấu chậm là do chính sách tài khóa chưa tính đến chi phí cải cách. Trong khi đó, kinh nghiệm của ông cho thấy, với các nước rất tốn kém, và nếu càng trì hoãn việc tái cơ cấu thì chi phí càng cao, ảnh hưởng đến động năng của nền kinh tế.

Để góp sức, hiện WB và IMF đang tiến hành đánh giá tài chính để đưa ra lộ trình cải cách cần thiết cho Việt Nam về lĩnh vực ngân hàng.

Dự báo năm tới 2013, ông Mishra đưa ra tỷ lệ GDP là 5,5%, cao hơn 5,2% của 2012.

Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị về việc có lạc quan khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ sẽ xử lý được nợ xấu và cổ phần hóa hết DNNN trong giai đoạn 2015 – 2020 tại VBF mới đây không, bà Victoria Kwakwa - giám đốc WB cho hay, bà hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể làm được.

Bà nói, các quốc gia gặp các khó khăn trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997 như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã trải qua những thách thức lớn với gánh nợ xấu lớn, nhưng nền kinh tế của họ đã thoát khỏi khó khăn và tăng trưởng. Không có lý do gì chúng ta không lạc quan không làm được điều đó. Việt Nam cũng từng gặp những khó khăn này trong quá khứ, từng gặp khủng hoảng trong ngành ngân hàng tài chính. Chúng ta cần có quyết tâm của hệ thống chính trị cũng như là của Chính phủ, phối hợp thực hiện các cải cách đó, điều này hoàn toàn làm được.

"Tôi nghĩ nếu chúng ta nhìn vào kinh nghiệm và bài học của các nước đi trước thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được, đòi hỏi chúng ta có quyết tâm, cam kết và sẵn sàng tiếp thu những bài học kinh nghiệm của các nơi khác để giải quyết các khó khăn của chúng ta", bà Victoria Kwakwa nói.

Giám đốc WB nhấn mạnh, với DNNN, đấy phải là quá trình chúng ta thực hiện theo một lộ trình chứ không phải ngay lập tức, và chúng ta phải lựa chọn ưu tiên xem là nên làm với DN nào trước và nên cổ phần hóa DN nào sau. Đấy là lộ trình mà Nhà nước sẽ phải quyết định, chúng ta phải vận động nhanh nhưng tôi nghĩ khung thời gian 5 năm là hoàn toàn khả thi.

Về chương trình CG lần này (diễn ra vào ngày 10.12), bà Kwakwa cho hay, WB và bộ Kế hoạch đầu tư sẽ nói về xu hướng phát triển kinh tế, chính sách vĩ mô, và bước tiến của Chính phủ; thảo luận về giáo dục đào tạo và dạy nghề, giúp Việt Nam thiết lập nền tảng cho tăng trưởng bền vững; và đặc biệt sẽ bàn sửa đổi đất đai mà Quốc hội đã đề cập vừa qua, bàn về chống tham nhũng.

Bà Kwakwa cũng nhấn mạnh, đừng quá quan tâm đến số tiền các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam vì hiện nay Việt Nam đã khác 20 năm trước (khi CG bắt đầu họp để viện trợ cho Việt Nam). "Bây giờ CG là diễn đàn để Việt Nam và các đối tác đối thoại về chính sách", bà nói .

VIỆT ANH


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo