Thanh Phương (RFI) - Thiếu minh bạch, quản lý kém cõi, tham nhũng, đứng bên trên luật pháp, các tập đoàn Nhà nước của Việt Nam chưa bao giờ bị chỉ trích nặng nề như thế. Khu vực Nhà nước nay được mô tả như là “khối u ung thư” của một nền kinh tế đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Đó là nhận định của hãng tin AFP trong bài bình luận đề ngày hôm nay, 30/01/2013.
Hơn 25 năm sau khi tung ra chính sách mở cửa, chuyển Việt Nam sang nền kinh tế thị trường, chính phủ nay đang đối diện với những doanh nghiệp Nhà nước mà cho tới nay vẫn chưa được cải tổ.
Trả lời phỏng vấn AFP, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng “khu vực Nhà nước là một sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1986 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế tồi tệ đến thế.” Ông Nguyễn Quang A mô tả khu vực Nhà nước như là “đứa trẻ được các nhóm lợi ích nuông chiều”. Theo ông, vì quyền lực và quyền lợi của họ, một số người không muốn cải tổ khu vực này, mà bằng mọi giá tìm cách duy trì nguyên trạng.
AFP nhắc lại là ở Việt Nam hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 45% đầu tư, thu hút 60% nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại và sử dụng đến 70% viện trợ phát triển ODA, nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo các số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Một số nhà phân tích cho rằng, nếu tính luôn cả các công ty gia công cho khu vực Nhà nước và các doanh nghiệp do cán bộ công chức nắm giữ, khu vực này chiếm tới 70% hoạt động sản xuất.
Thế mà, khu vực kinh tế quốc doanh ngày càng suy yếu. Các tập đoàn Nhà nước nay nợ tổng cộng 61 tỷ đôla, tức là phân nửa tổng số nợ công của Việt Nam. Sau các tập đoàn như Vinashin , thua lỗ hơn 4,4 tỷ đôla, hay Vinalines, nợ hơn 1 tỷ đôla, trong những tháng qua, có những tin đồn rằng nhiều tập đoàn Nhà nước khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN hay Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Vinacomin, cũng đang bệnh rất nặng.
Khi lên cầm quyền vào năm 2006, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó được xem như là một nhà cải tổ sáng giá, đã có tham vọng xây dựng những tập đoàn theo kiểu các Chaebol của Hàn Quốc. Nhưng rốt cuộc, những tập đoàn đó đều gian dối sổ sách kế toán, đầu tư bừa bãi, chiến lược mù mờ, một số lãnh đạo tập đoàn thì sống xa hoa không phải bằng tiền lương chính thức của họ.
Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thừa nhận rằng có đến 30 trong số 85 doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất có món nợ cao gấp từ 3 đến 10 lần so với vốn của các doanh nghiệp này.
Cho nên, theo AFP, chính phủ Hà Nội không còn giải pháp nào để thúc đẩy một guồng máy đang bị tắt nghẽn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua chỉ đạt 5,03%, mức thấp nhất từ 13 năm nay. Lạm phát ở mức 7% vẫn là mối đe dọa đối với Việt Nam. Nói chung, mô hình mang tính lý thuyết “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đang chao đảo.
AFP trích lời một đại biểu Quốc hội, xin được miễn nêu tên, nhận định: “Các doanh nghiệp Nhà nước vẫn cứ van xin trợ cấp của Nhà nước để tồn tại và như vậy đang trở thành một khối u ung thư đối với nền kinh tế. Việc cải tổ rất chậm bởi vì gặp sự chống đối rất mạnh. Hàng tỷ đôla đã bị mất, thế mà chẳng có ai bị đưa ra tòa.”
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130130-khu-vuc-nha-nuoc-khoi-u-ung-thu-cua-mot-nen-kinh-te-kiet-que
*
*
Kinh tế nhà nước 'chiều quá, sinh hư'
BBC - Hãng thông tấn Pháp AFP ngày 30/1 có bài viết nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, cho rằng các khó khăn là hậu quả của sai lầm trong quản lý khối doanh nghiệp nhà nước.
Bài viết với tựa đề "Khối quốc doanh Việt Nam là khối ung thư của nền kinh tế" nhận xét các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là lý do của sự chỉ trích từ công chúng về khủng hoảng hệ thống mà đảng cầm quyền không thể sửa chữa.
Theo số liệu của AFP đưa ra, doanh nghiệp Nhà nước chiếm 45% vốn đầu tư, 60% vốn vay từ ngân hàng thương mại, 70% tiền tài trợ phát triển và chiếm 70% nền kinh tế.
Tuy nhiên khu vực này chỉ đóng góp 30% tăng trưởng GDP, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp Nhà nước còn chịu trách nhiệm cho khối nợ 61 tỷ đôla, bằng một nửa số nợ công của Việt Nam hiện tại.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 30 trong số 85 các doanh nghiệp Nhà nước cỡ lớn có nợ gấp ba tới 10 lần số vốn.
Báo chí trong nước thời gian gần đây đang đồn đoán rằng EVN và Vinacomin là hai doanh nghiệp Nhà nước có nguy cơ sụp đổ, sau Vinalines và Vinashin, và đang tồn tại nhờ ưu đãi của nhà nước.
AFP dẫn lời một đại biểu Quốc hội giấu tên nói khối doanh nghiệp Nhà nước đã "trở thành một khối ung thư của nền kinh tế."
'Học mót'
Trả lời phỏng vấn BBC cùng ngày 30/1, tiến sỹ - kinh tế gia Nguyễn Quang A cho rằng tình hình kinh tế trong năm qua và năm nay "rất khó khăn".
"Khu vực doanh nghiệp Nhà nước đóng góp đáng kể vào khó khăn này," ông A nói.
Nhiều ý kiến của giới chuyên gia cho rằng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là mô hình lấy ý tưởng từ các tập đoàn Chaebol của Nam Hàn dưới thời cố tổng thống Park-Chung Hee.
Tuy nhiên sai lầm trong cách ưu đãi, quản lý các tập đoàn này cũng đã gây cho Nam Hàn những thiệt hại nặng nề trong thập niên 90.
Trước câu hỏi tại sao Việt Nam lại lặp lại những sai lầm của Nam Hàn dù đã có nhiều năm chứng kiến bất cập của mô hình ấy, tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
"Tôi nghĩ là người ta nghĩ rằng khi Nhà nước là chủ sở hữu thì sẽ dễ nói hơn là các doanh nghiệp tư nhân ở Nhật và Hàn Quốc."
"Bản thân các mô hình đó của Nhật và Hàn Quốc bây giờ cũng không còn hợp lý nữa."
"Rất đáng tiếc là người ta đã học mót kiểu như thế."
Theo ông Quang A, điều chủ yếu làm các doanh nghiệp Nhà nước là do "một mình thủ tướng điều khiển", "lại là doanh nghiệp Nhà nước, không phải là doanh nghiệp tư nhân nên không có động lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, không có lợi nhuận."
"Bên cạnh đó lại được Nhà nước ưu đãi bằng các nguồn vốn vay, bằng hợp đồng, bằng các dự án."
'Con trọc phú'
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng bất kỳ doanh nghiệp nào nằm trong môi trường tạo tâm lý ỷ lại đều không hoạt động hiệu quả
Trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu sự hiện hữu của các nhóm lợi ích xuất nguồn từ sự ưu ái đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang ngày càng lớn có đủ để chống lại cải cách không, ông A nhận xét rằng "việc ưu ái tạo tâm lý ỷ lại."
"Giống như một đứa trẻ con, con của một ông trọc phú có bố mẹ là nhà giàu. Nuông chiều con quá thì con hư là chuyện bình thường," ông nói.
Ông A cho rằng những ưu đãi như vậy thì "không chỉ với doanh nghiệp Nhà nước mà bất kỳ doanh nghiệp nào trong một môi trường tạo tâml ý ỷ lại như thế thì đều hoạt động không hiệu quả."
Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước do chính quyền cử ra, cất nhắc, nên "họ có động lực chạy theo đường chính trị nhiều hơn."
"Ở Việt Nam thấy nhiều ông Bộ Trưởng, thậm chí Phó thủ tướng lúc trước cũng là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc một tổng công ty nào đó." Ông dẫn chứng.
"Bản thân chính quyền muốn dùng những doanh nghiệp như vậy như là công cụ của mình để điều khiển nền kinh tế."
"Những chuyện như vậy giúp chúng ta hiểu được tại sao có những nhóm đặc lợi ảnh hưởng đến chính sách, khiến việc cải cách, cơ cấu tiếp theo rất khó."
"Các lợi ích đan xen lẫn nhau, chằn chịt, ràng buộc lẫn nhau. Nó trở thành một thế lực làm cho việc cải tổ rất khó khăn."
"Chừng nào Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra đường lối kinh tế là đường lối không đúng, phải sửa đi, thì chừng ấy cải tổ sẽ rất nhanh chóng."