Vậy câu hỏi kế tiếp là mô hình dân chủ nào thích hợp nhất cho Việt nam? Đã đến lúc mọi người vượt qua những khái niệm dân chủ bao quát mơ hồ và tiến tới một thể chế cụ thể, rõ ràng và khả thi có thể được đại đa số quần chúng hậu thuẫn. Trong bài viết này, người viết có ý định sơ lược các loại thể chế dân chủ và thể thức đầu phiếu đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và phân tích những ưu điểm cũng như nhược điểm của các mô hình và thể thức khác nhau. Sau cùng, người viết mạnh dạn đề nghị áp dụng một thể chế dân chủ đại nghị cho Việt nam với phương thức đầu phiếu theo tỷ lệ đại diện để bầu ra một quốc hội đa đảng và đa nguyên. Dĩ nhiên bất cứ mô hình dân chủ thật sự nào cũng phải kèm theo một hệ thống tư pháp và truyền thông độc lập và được chấp thuận bởi người dân qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống chế
Có 3 mô hình dân chủ thường được áp dụng là tổng thống chế, đại nghị chế và bán tổng thống chế. Dĩ nhiên trong mỗi thể chế cũng có những sự khác biệt tùy theo bối cảnh lịch sử và địa phương ở từng quốc gia. Đặc điểm chính của tổng thống chế gồm có thứ nhất, tất cả mọi quyền hành pháp nằm trong tay tổng thống. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia và vừa là lãnh tụ chính quyền. Tổng thống được cử tri bầu trực tiếp và vì vậy hoàn toàn độc lập với quốc hội. Tổng thống toàn quyền lựa chọn các bộ trưởng và có thể sa thải họ bất cứ lúc nào. Tổng thống không có quyền giải tán quốc hội nhưng quốc hội lại có quyền kỷ luật hoặc chế tài tổng thống. (impeachment).[1]
Tổng thống chế có 4 ưu điểm chính. Thứ nhất, vì trực tiếp được dân chúng bầu lên nên quyết định của tổng thống dễ dàng được tất cả mọi người tôn trọng. Tại Hoa Kỳ, mặc dù theo truyền thống lưỡng đảng thì đa số các vị tổng thống thường chỉ chiếm được một nửa số phiếu nhưng họ đều được kính trọng và được xem như là vị tổng thống đại diện cho tất cả mọi công dân Hoa Kỳ. Khi xảy ra biến cố chiến tranh hoặc thiên tai, tổng thống có thể đóng vai trò kết hợp và là một biểu tượng đoàn kết cho mọi thành phần trong xã hội. Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố 9/11, Tổng thống Bush được hơn 90% dân số Mỹ ủng hộ. [2]
Thứ hai, tổng thống chế là một mô hình dân chủ duy nhất tạo ra hệ thống tam quyền phân lập rõ ràng và minh bạch nhất. Tổng thống nắm quyền hành pháp. Quốc hội nắm quyền lập pháp. Hệ thống tư pháp sinh hoạt độc lập đối với cả hành pháp lẫn lập pháp. Tại Hoa Kỳ, Tổng Thống hoặc các Bộ Trưởng không được quyền kiêm nhiệm chức vụ dân biểu hoặc nghị sĩ. Ba cơ cấu chính quyền hợp tác, theo dõi và kiểm soát lẫn nhau tạo ra thế cân bằng quyền lực. Một vị tổng thống lạm quyền có thể bị quốc hội chế tài. Ví dụ như trong tháng 12 năm 1998, Tổng Thống Bill Clinton bị Quốc Hội Hoa Kỳ cáo buộc và xét xử về tội khai man trước tòa (perjury) và cản trở tiến trình công lý (obstruction of justice). Tuy Quốc Hội không đạt đủ số phiếu để buộc tội Clinton nhưng tiến trình kỷ luật này là một hồi chuông cảnh cáo đối với tất cả các vị tổng thống về hậu quả của những ý đồ lạm dùng quyền lực.[3]
Thứ ba, các vị tổng thống có nhiệm kỳ ấn định thông thường 4 hoặc 5 năm. Tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, tổng thống chỉ được ứng cử hai nhiệm kỳ. Yếu tố này mang lại sự ổn định trong guồng máy chính quyền cũng như tạo điều kiện cho giới lãnh đạo hoạch định và thi hành chính sách quốc gia có tính chiến lược và dài hạn. Hơn nữa, tổng thống có thể bổ nhiệm bất cứ bộ trưởng nào vào nội các nào mà không bắt buộc phải là thành viên cùng đảng. Những người thật sự có tài và khả năng chuyên môn đều có cơ hội phục vụ cho chính quyền. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng Thống Obama đã lưu nhiệm ông Robert Gates - một thành viên của Đảng Cộng Hòa tiếp tục vai trò Bộ Trưởng Quốc Phòng để giúp Hoa Kỳ hoàn thành chiến lược rút quân khỏi Iraq và A Phú Hãn cũng như tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Sau cùng, chỉ có tổng thống đóng vai trò quyết định và dứt khoát khi có biến cố hoặc khủng hoảng. Nhờ vào phản ứng nhanh chóng và cứng rắn của Tổng Thống John F Kenedy mà Hoa Kỳ đã buộc Liên Xô rút tàu chiến có vũ khí nguyên tử tại Cuba và có lẽ cũng nhờ vậy mà cứu thế giới thoát khỏi một cuộc thế chiến thứ ba tàn khốc với vũ khí nguyên tử.[4] Tương tự như thế, khi nhận được tin tình báo là trùm khủng bố Bin Laden có thể đang ngụ trốn tại một khu vực quân sự trong Pakistan, Tổng Thống Obama đã liều lĩnh quyết định gửi biệt kích Mỹ đột nhập vào và hạ sát Bin Laden.[5] Có những tình huống cấp bách không thể do dự hoặc chờ đợi hội họp hay đầu phiếu vì sẽ lỡ mất cơ hội. Tổng thống chế đáp ứng được nhu cầu thời gian tính trong những trường hợp như vậy.
Nhược điểm lớn nhất của tổng thống chế là mô thức này dễ tạo điều kiện dẫn đến sự chuyên quyền, độc tài và tham nhũng. Tất cả quyền hành pháp tập trung trong tay của một cá nhân. Dựa trên các bằng chứng thu thập bởi Viện Quốc Tế Hỗ Trợ cho Dân Chủ và Cử Tri (Institute for Democracy and Electoral Assitance), mô hình tổng thống chế áp dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ La tinh được đánh giá là yếu kém và không vững chắc.[6] Trong năm 2009, cựu Tổng Thống Fujimoro của Peru bị tuyên án 25 năm tù vì tội tham nhũng, bắt cóc và ám sát các đối thủ chính trị. [7] Tại Venezuela, Tổng Thống Hugo Chavez hô hào dân chúng xây dựng một xã hội công bằng nhưng chính ông cũng tiến hành thay đổi hiến pháp để ông được quyền tranh cử tổng thống qua bao nhiêu nhiệm kỳ cũng được.[8] Tổng Thống Correa của Ecuador một mặt chấp thuận đơn xin tỵ nạn của Giám đốc Wikileaks Julian Assange nhưng mặt khác đã kiện hàng loạt ký giả và các tờ báo ngay trong nước của ông.[9] Sau các cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả rập”, mọi người mới biết Tổng Thống Hosni Mubarak của Ai cập là người giàu nhất thế giới với tài sản trị giá tới 70 tỷ Mỹ kim giấu trong trương mục tại Thụy Sĩ và bất động sản ở Hoa Kỳ và Anh Quốc. [10] Trên lý thuyết, quốc hội có quyền chế tài tổng thống nhưng thực tế cho thấy không đơn giản như vậy. Ngay cả trường hợp Bill Clinton rõ ràng đã khai man với tòa khi phủ nhận quan hệ tình dục với Monica Lewinsky, nhưng các dân biểu và thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ không bao giờ để ông bị buộc tội bởi một Quốc Hội và Thượng Viện do Đảng Cộng Hòa nắm quyền với đa số ghế.[11]
Tại Phi Luật Tân, Tổng thống Marcos bi cáo buộc dính líu vào vụ ám sát lãnh tụ đối lập Benigno Aquino. Sau khi bị dân chúng lật đổ và sống lưu vong tại Hawaii, nhà nước Phi Luật tân mới khám phá ra là sau hơn 20 năm cầm quyền, Tổng thống Marcos đã chuyển hàng tỷ Mỹ kim từ công quỹ vào các trương mục riêng ở Hoa Kỳ và Thụy Sĩ.[12] Gần đây hơn, cựu Tổng Thống Gloria Arroyo đã phải hầu tòa vị bị cáo buộc tội gian lận bầu cử và nhũng lạm hơn 8 triệu Mỹ kim tiền trong quỹ số xố từ thiện của nhà nước.[13]
Tương tự như vậy, các vị tổng thống Nam Hàn “khi gần hết nhiệm kỳ là phải đối phó với hàng loạt các cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào cá nhân và gia đình. Ngay cả cố tổng thống Kim Đại Trọng người đoạt giải Nobel Hòa Bình và tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền cũng phải nhiều lần xin lỗi dân chúng sau khi các con trai của ông, thân nhân và các giới chức cao cấp trong chính quyền bị tố cáo tham nhũng”.[14]
Tóm lại, khuynh hướng độc tài và tham nhũng là hai mối đe dọa thường trực ở các quốc gia có tổng thống chế.
Nhược điểm thứ hai của tổng thống chế là vấn nạn bế tắc chính sách khi tổng thống và quốc hội không cùng một đảng. Điển hình là trong thời gian gần đây, Quốc hội Hoa Kỳ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đã làm khó Tổng Thống Obama trong việc giới hạn mức nợ quốc gia (debt ceiling crisis). Tổng Thống và Quốc Hội thường xuyên đỗ lỗi cho nhau. Cả hai phía đều muốn hạ giảm ngân quỹ liên bang đang bị thâm thủng trầm trọng nhưng Obama thì muốn tăng thuế người giàu trong khi Quốc hội thì muốn cắt giảm ngân sách chi tiêu của chính phủ.[15] Trong cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới Úc Đại Lợi dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Kevin Rudd đã nhanh chóng đối phó kịp thời vì Đảng Lao động chiếm đa số tại Hạ Viện nên chính quyền dễ dàng thông qua các dự luật chuẩn chi hầu kích thích nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, Obama gặp phải rất nhiều khó khăn mới vượt qua được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ nên cuộc hồi phục kinh tế cũng có phần chậm hơn.
Rất khó thay đổi một vị tổng thống bất tài hoặc độc tài. Tuy các nhiệm kỳ cố định của tổng thống có vẻ tạo ấn tượng ổn định nhưng trên thực tế thì có nhiều cuộc đảo chính lật đổ tổng thống hơn so với các thể chế đại nghị.[16] Quân đội thường hay can thiệp vào chính trường và đảo chính dễ thành công vì chỉ cần hạ sát, câu lưu hoặc ép một vị tổng thống rời khỏi xứ. Trong những trường hợp này, một vị tổng thống độc tài có thể được thay thế bởi một tập đoàn quân phiệt cũng độc tài và tàn ác không kém. Giới hạn nhiệm kỳ tranh cử của tổng thống để tránh khuynh hướng độc tài cũng có mặt tiêu cực của nó vì có thể phí phạm tài năng lãnh đạo của những vị tổng thống ưu tú.
Trong đợt bầu cử tổng thống Hoa kỳ vừa qua, cả hai ứng cử viên Obama và Romney phải gây quỹ tranh cử lên tới hàng tỷ Mỹ kim. Như vậy thì một trong những tiêu chuẩn hàng đầu khi ra tranh cử tổng thống là phải có khả năng gây quỹ. Nếu cần phải kiếm rất nhiều tiền mới mua được ghế tổng thống thì sẽ có rất nhiều người tài giỏi bị loại khỏi vòng đua vì không muốn hoặc không có khả năng gây quỹ. Hiện tượng này cũng dễ tạo điều kiện cho các ứng cử viên bị lệ thuộc quá nhiều vào các nhóm tài phiệt không nhất thiết đặt lợi ích chung của quốc gia lên trên hết.
Đại nghị chế
Đặc điểm chính của thể chế đại nghị là vai trò của quốc hội. Đảng nào chiếm được đa số ghế trong quốc hội sẽ thành lập chính quyền. Trong một quốc hội lưỡng viện thì đảng nào chiếm đa số ghế trong Hạ Viện sẽ nắm chính quyền. Có lúc chính phủ là một liên minh hoặc liên đảng vì không có một đảng nào chiếm được đa số ghế. Lãnh tụ của đảng hoặc của liên minh chiếm đa số ghế tại Hạ Viện trở thành thủ tướng. Quyền hành pháp thuộc về nội các gồm có thủ tướng và một số bộ trưởng quan trọng. Khác với tổng thống chế, thủ tướng và thành viên nội các cũng là dân biểu hoặc nghị sĩ đại diện cử tri trong đơn vị của họ. Thủ tướng không đóng vai trò nguyên thủ của quốc gia mà chức vụ này thường được trao cho một vị tổng toàn quyền được chính phủ đề cử trong một quốc gia quân chủ lập hiến (ví dụ như Úc Đại lợi) hoặc được trực tiếp bầu trong một nền cộng hoà. Nguyên thủ quốc gia chỉ là biểu tượng thi hành các nhiệm vụ có tính cách nghi thức. Mọi quyền lực chính trị và hành pháp nằm trong tay của thủ tướng và nội các.[17]
Điểm khác biệt quan trọng so với tổng thống chế là thủ tướng không độc quyền hành pháp mà có trách nhiệm chung với các thành viên bộ trưởng khác trong nội các. Thủ tướng chủ tọa các phiên họp của nội các và có quyền sắp xếp chương trình làm việc của chính phủ cũng như đặt ưu tiên cho các chính sách. Vai trò của thủ tướng tương tự như chủ tịch của các tập đoàn công ty được điều hành bởi một ban giám đốc. Quyền lực được thi hành bởi quyết định chung trên căn bản đồng thuận của tất cả các thành viên trong nội các. Điều này không chỉ ngăn chận xu hướng độc tài mà còn giúp chính quyền đi đến và đạt được nhiều quyết định sáng suốt vì có thể có nhiều quan điểm trái ngược được đề ra và tranh luận cặn kẽ.[18]
Vì chính quyền nắm đa số ghế trong quốc hội nên có thể thông qua các đạo luật một cách nhanh chóng và dễ dàng (ngoại trừ trường hợp chính phủ không chiếm đa số tại Thượng Viện). Không có vấn đề bế tắc hoặc kèn cựa giữa hành pháp và lập pháp. Thông thường trước các cuộc tranh cử, cả đảng cầm quyền lẫn đối lập phải công bố chính sách để cử tri có quyền chọn lựa. Sau khi đắc cử, đảng nào chiếm được đa số ghế trong quốc hội sẽ có cơ hội thực thi ý dân.
Nhưng có lẽ ưu điểm lớn nhất của đại nghị chế là vai trò của quốc hội. Đảng thiểu số đương nhiên đóng vai trò đối lập. Nhìn xem những cuộc tranh luận giữa chính phủ và đối lập trong quốc hội làm người ta có cảm giác là đang xem hai đội banh hoặc hai đội luật sư tranh cãi trước toà mà bồi thẩm đoàn là dân chúng qua sự hướng dẫn của truyền thông. Mọi sự nhũng lạm, độc tài hoặc chuyên quyền sẽ bị đối lập và truyền thông khai thác, phê phán khắt khe và lên án gay gắt. Quốc hội có thể được coi như là một thị trường cạnh tranh lành mạnh và công khai về khả năng và sáng kiến lãnh đạo quốc gia và điều hành guồng máy chính quyền. Các vị dân biểu và nghị sĩ có thể phát biểu bất cứ điều gì trong quốc hội mà không sợ bị truy tố. Cộng thêm với các cuộc thăm dò ý kiến thường xuyên và đều đặn làm cho ta có cảm giác nghị trường là một sân vận động mà trong đó các chính trị gia là những vận động viên phải thi đua không ngừng để lấy lòng của cử tri.[19] Ngay cả các vị thủ tướng lẫn lãnh tụ đối lập có thể bị đồng nghiệp thay thế nếu không lấy hoặc giữ được lòng tin của quần chúng qua các cuộc thăm dò dân ý.
Trong đại nghị chế, bất cứ ai cũng có quyền tham chính không phân biệt giàu nghèo hoặc gia thế. Ai cũng có thể gia nhập đảng phái hoặc đứng ra tranh cử dưới dạng độc lập không thuộc đảng phái nào. Bất cứ người nào có đủ khả năng và uy tín đều có thể trở thành lãnh tụ của các chính đảng mà không cần phải có thật nhiều tiền hoặc có khả năng gây quỹ kiếm được nhiều tiền. Quốc hội là một đấu trường mà các lãnh tụ tương lai có thể thi thố tài năng hùng biện và trau dồi kinh nghiệm. Thủ tướng và các bộ trưởng phải có mặt trả lời các câu hỏi và chất vấn của đối lập và của các dân biểu khác.
Đại nghị chế cũng tạo môi trường mầu mỡ cho sự phát triển và sinh hoạt của các chính đảng từ cấp địa phương đến quốc gia.[20] Các chi bộ đảng có thể được thành lập khắp mọi nơi từ thành thị đến thôn quê để đưa ứng cử viên ra tranh cử trong các cuộc bầu cử của chính quyền địa phương. Đảng viên tại các chi bộ địa phương sẽ là những người có trách nhiệm hỗ trợ đảng và các ứng cử viên trong cuộc bầu cử toàn quốc. Mọi người có cơ hội thực tập, học hỏi phương cách tranh luận và tổ chức các buổi nói chuyện cổ động cho chính sách của đảng mình, phân phát truyền đơn tranh cử và phiếu vận động bầu cử cùng với các sinh hoạt cổ xúy cho một nền văn hóa chính trị trong sáng và lành mạnh. Từ đó mà tinh thần chấp nhận ý kiến dị biệt, đa đảng và đa nguyên sẽ được vun xới giúp cho quốc gia xây dựng nội lực đối phó với mọi thử thách trong một thế giới phức tạp với nhiều biến chuyển đột ngột và đôi lúc cũng không thiếu phần nguy hiểm.
Tuy nhiên, đại nghị chế thường bị chỉ trích vì thủ tướng không trực tiếp do dân bầu lên mà do đảng cầm quyền hoặc liên minh chọn lựa. Đôi lúc, thủ tướng không hẳn là một người được đa số dân chúng ưa thích. Trong tháng 12 năm 2007, ông Kevin Rudd đã lãnh đạo Đảng Lao Động chiến thắng cuộc bầu cử chính quyền liên bang và trở thành thủ tướng Úc nhưng tới tháng 6 năm 2010 thì ông Rudd lại bị các dân biểu và nghị sĩ trong đảng Lao Động ép phải từ chức. Có nhiều người Úc phẫn nộ vì họ cho rằng Đảng Lao Động đã không tôn trọng lá phiếu bầu thủ tướng Rudd của họ. Tại các quốc gia đại nghị chế như Anh Quốc thì việc thay đổi thủ tướng trong lúc còn tại nhiệm rất khó xảy ra vì tất cả đảng viên chớ không chỉ có dân biểu bỏ phiếu bầu lãnh tụ.[21] Riêng tại Úc, lãnh tụ phải giữ được lòng tin của dân biểu trong đảng và của cả dân chúng. Các vị dân biểu và nghị sĩ Lao Động vốn đã không ưa Rudd vì tính ngạo mạn của ông đã không ngần ngại hạ bệ Rudd khi ông đánh mất lòng tin của cử tri qua kết quả của các cuộc thăm dò dân ý.[22] Thật ra hiện tượng này cũng có mặt tích cực của nó vì các đảng phái và lãnh tụ cầm quyền cũng như đối lập phải thi đua phấn đầu không ngừng để chiếm lấy và giữ vững niềm tin của cử tri. Ví dự như sau khi Paul Keating đánh bại John Hewson trong cuộc bầu cử vào ngày 13/3/1993, Đảng Tự do chọn Alexander Downer lên thay thế Hewson. Nhưng khả năng lãnh đạo của Downer quá kém khiến Đảng Tự Do không có cơ hội gì đắc cử. Chính Downer cũng nhận thấy việc đó và ông đã tình nguyện rút lui nhường ghế lãnh tụ cho John Howard. Kết quả là Howard đã lãnh đạo Đảng Tự Do chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử tháng 3 năm 1996 và Downer trở thành Bộ Trưởng Ngoại Giao lâu năm nhất của Úc.[23] Tương tự như vậy sau khi Howard đánh bại Mark Latham trong cuộc bầu cử năm 2004 thì Kim Beazley trở lại ghế lãnh tụ đối lập. Nhưng Beazley đã bị Howard đánh bại liên tiếp 2 lần trong các cuộc bầu vào năm 1998 và 2001. Đảng Lao Động hầu như mất hết hy vọng cho đến khi Kevin Rudd giành được ghế lãnh tụ thay thế Beazley thì Lao Động không những đã chiếm được chính quyền mà còn thắng luôn ghế dân biểu của Howard trong cuộc bầu cử năm 2007. Tóm lại, cả thủ tướng lẫn lãnh tụ đối lập phải cạnh tranh liên tục để phục vụ cho cử tri. Người nào chểnh mảng hoặc yếu kém là có nguy cơ bị mất chức.
Có người cho rằng trong thể chế đại nghị, đảng cầm quyền nắm quá nhiều quyền lực chính trị và không có biện pháp chế tài hữu hiệu nào đối với chính quyền nắm đại đa số ghế trong quốc hội.[24] Một đảng cầm quyền như vậy có thể đưa ra nhiều dự luật hoặc chính sách cực đoan mà không ai có thể ngăn cản được. Ví dụ như sau cuộc bầu cử tại tiểu bang Queesland của Úc, Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia chiếm gần 80 ghế so với Lao động chỉ thắng được 7 ghế. Thủ hiến Newman Campbell đã lập tức ra lệnh cắt giảm chi tiêu và sa thải hàng ngàn công chức. Campbell viện dẫn phải có những quyết định cứng rắn như vậy mới cứu vãn được ngân sách của tiểu bang vì chính quyền Lao Động trước đó đã phí phạm công quỹ quá mức. Quyết định này đã tạo ra các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ do các nghiệp đoàn tổ chức. Thật ra vì Quốc Hội Queensland chỉ có một viện nên chính phủ Campbell mới dễ đàng thông qua các chính sách mạnh bạo như vậy. Trong quốc hội lưỡng viện của chính quyền Liên bang Úc thì thông thường khó có đảng cầm quyền nào chiếm được đa số trong Thượng Viện. Thượng Viện sẽ đóng vai trò kiểm soát và tái duyệt và bắt buộc chính phủ phải thỏa hiệp và tương nhượng trước khi chấp thuận các dự luật đã được Hạ Viện thông qua. Ngay cả khi Liên Đảng Tự Do và Quốc Gia nắm đa số ghế tại lưỡng viện quốc hội và chính quyền của Thủ tướng John Howard đưa ra đạo luật lao động Work Choices đẩy nghiêng cán cân quá mức thiên về giới chủ nhân, tất cả các tổ chức nghiệp đoàn đã đoàn kết lại và vận động cử tri đánh bại Howard trong cuộc bầu cử năm 2007. Cử tri lúc nào cũng là những người tiêu thụ dịch vụ chính trị sáng suốt và họ sẽ không quên bỏ phiếu trừng phạt bất cứ đảng nào thất hứa hoặc có những chính sách quá khích hay cực đoan khi tới ngày bầu cử.
Một đặc điểm của lưỡng viện quốc hội là có thể dẫn đến tình trạng bế tắc khi Thượng Viện không chấp thuận dự luật mà Hạ Viện đã thông qua. Trong trường hợp này, chính phủ có thể giải tán quốc hội và tiến hành bầu một quốc hội mới để giải quyết tình trạng bế tắc.[25]
Ngược lại cũng có người cho rằng chính quyền trong thể chế đại nghị luôn ở tình trạng bấp bênh và thiếu ổn định vì khó có một đảng nào nắm được đa số ghế trong quốc hội mà phải thành lập liên minh với một hoặc vài đảng nhỏ khác. Ví dụ như trong quốc hội Do Thái có đại diện của 14 đảng phái và chính quyền của Thủ tướng Benjamin Neytayahu là một liên minh mong manh có lúc có tới 8 đảng phái.[26] Trong những trường hợp này, một số đảng nhỏ có thể có quá nhiều ảnh hưởng tới chính sách quốc gia. Thật ra, có nhiều đảng phái trong một quốc hội là do thể thức đầu phiều. Ví dụ như Quốc hội Do thái (Knesset) có 120 ghế. Đảng nào chiếm được 2% tổng số phiếu bầu sẽ có dân biểu đại diện với số ghế tỷ lệ trong quốc hội.[27] Tương tự như vậy, sau cuộc bầu cử quốc hội Vanuatu trong tháng 11 năm 2012 có tới 18 đảng phái thắng ghế mà trong đó có 10 đảng nhỏ chỉ với vỏn vẹn 1 ghế trong một quốc hội có tổng cộng 52 vị dân biểu. Tình trạng này không thể tạo ra một chính phủ ổn định và vững mạnh với đầy đủ quyền lực để lãnh đạo quốc gia trong một quốc hội bị phân tán với quá nhiều khuynh hướng và mâu thuẫn.[28]
Khác với tổng thống chế, thủ tướng phải chọn lựa bộ trưởng từ những dân biểu cùng đảng trong quốc hội. Có những trường hợp ví dụ như Đảng Lao Động tại Úc có nhiều thành viên xuất thân từ các tổ chức nghiệp đoàn thì một chính quyền hoặc nội các Lao Động có thể sẽ có những chính sách hoặc quyết định quan trọng thông qua một lăng kính hạn hẹp của quan hệ lao tư và đấu tranh giai cấp giữa giới thương gia và thợ thuyền. Điều quan trọng là các chính đảng phải có kế hoạch mở rộng cửa để thu hút nhân tài từ nhiều lãnh vực khác nhau trong xã hội. Một nhược điểm khác của đại nghị chế là hiện tượng đối lập và đối nghịch có thể trở thành hệ thống hóa đặt đảng cầm quyền và đối lập luôn ở thế chống đối với nhau. Đôi lúc cả chính quyền lẫn đối lập sẽ không hẳn đặt quyền lợi quốc gia trên hết hoặc theo đuổi các chính sách có lợi cho đất nước trên đường dài mà chỉ tìm cách “chơi trò chính trị” (play politics) và “kiếm điểm” (score points) với cử tri trong khoảng thời gian ngắn hạn của chu kỳ bầu cử.[29] Ví dụ như trong thời gian gần đây, chính quyền Lao Động do Thủ tướng Gillard lãnh đạo hầu như đã phải bất lực trước hiện tượng hàng loạt chiếc thuyền chở người tầm trú tiếp tục trực chỉ đến Úc vì thái độ chống đối và bất hợp tác của đảng đối lập do Tony Abbott cầm đầu. Có hàng trăm thuyền nhân bị chết chìm trên biển nhưng cả chính quyền lẫn đối lập đều không chịu nhượng bộ và thỏa hiệp vì không muốn bị “mất mặt” với cử tri. Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra chỉ vì chính quyền hiện tại khác với trường hợp bình thường không nắm đa số ghế trong quốc hội mà phải dựa vào lá phiếu hỗ trợ của một vài dân biểu độc lập. Ngoài ra, cũng có khá nhiều người dị ứng với các buổi chất vấn (question time) trong quốc hội đôi lúc trông chẳng khác gì những màn tuồng kịch cỡm bát nháo khi các dân biểu thi đua mạt sát nhau. Dù sao đi nữa, chúng ta phải tin tưởng là cử tri sẽ là quan tòa phán xét sau cùng và sẽ phân biệt được giữa sự cạnh tranh lành mạnh và chủ nghĩa cơ hội trục lợi ăn thua đủ bằng bất cứ giá nào của các chính đảng để rồi có thái độ đúng đắn và thích hợp khi hành xử lá phiếu của họ trong ngày bầu cử.
Bán tổng thống chế
Bán tổng thống chế là một thể chế gồm có một số đặc điểm của tổng thống chế và đại nghị. Đặc điểm chính là sự phân chia quyền lực giữa 3 bộ phận của chính quyền: nguyên thủ quốc gia (tổng thống), chính quyền (thủ tướng) và quốc hội.[30] Tổng thống được dân bầu trực tiếp nhưng phải chia quyền hành pháp với thủ tướng do quốc hội chọn lựa. Ngay cả khi tổng thống được quyền đề cử thủ tướng, vị thủ tướng này phải được sự chấp thuận và phải chịu trách nhiệm trước quốc hội và chỉ có thể bị bãi nhiệm bởi quốc hội.[31] Lợi điểm chính là tránh được khuynh hướng độc tài và chuyên quyền. Nhưng nhược điểm lớn nhất của bán tổng thống chế là có thể dẫn đến vấn nạn bế tắc lãnh đạo và “chính phủ đồng sinh” khi tổng thống và thủ tướng thuộc hai đảng đối lập hoặc bất đồng quan điểm về đường lối và chính sách lãnh đạo quốc gia. Ví dụ như tại Pháp vào năm 1988, Tổng thống Mitterand thuộc cánh tả nhưng phải làm việc chung với thủ tướng Chirac thuộc cánh hữu.[32] Mitterand đã tuyên bố thẳng thừng là sẽ không hợp tác và sẽ không ký sắc lệnh về các chính sách xã hội mà Chirac muốn cải cách.[33] Tình trạng lưỡng đầu chế đối nghịch với nhau như vậy không phải là một hệ thống chính trị lý tưởng cho các quốc gia có ước vọng chuyển tiếp từ độc tài đến dân chủ.
Mô hình nào cho Việt nam?
Tổng thống chế xuất hiện trong thời kỳ dân chủ phôi thai và non trẻ với sự ra đời của nền Đệ nhất Cộng Hòa Việt nam tại Miền Nam Việt nam qua Bản Hiến Pháp năm 1956. Sau khi vị Hoàng Đế sau cùng của Triều Nguyễn bị truất phế qua cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được chọn làm vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa. Một quốc hội lập hiến đã được bầu ra để soạn thảo hiến pháp. Ngày 26 tháng 10 năm 1956, một bản Hiến pháp gồm có 10 Thiên và 98 Điều khoản được Quốc hội thông qua và cũng chính ngày này đuợc chọn là ngày Quốc Khách của Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa.[34]
Thiên thứ nhất của Hiến pháp 1956 gồm có các Điều khoản căn bản và minh định Việt nam là “một nước Cộng Hòa, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân”. Thiên thứ hai liệt kê quyền lợi và nhiệm vụ của người dân gồm có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được công nhận. Thiên thứ ba gồm có Điều khoản từ 30 tới 47 xác nhận rằng tổng thống lãnh đạo quốc dân và nắm toàn quyền hành pháp. Thiên thứ tư bao gồm các điều khoản liên quan tới vai trò và quyền hạn của quốc hội và Thiên thứ năm xác nhận vai trò của các thẩm phán dưới sự kiểm soát của Bộ Tư Pháp. Theo nhận xét của Bùi Như Hùng, “chưa có một Hiến Pháp nào trên thế giới đạt được 2 khía cạnh: Tiên tiến và bảo vệ Truyền thống Dân tộc trong mục đích phát triển toàn diện con người như Hiến Pháp VNCH 1956”.[35]
Nhưng cũng có nhiều nhận định ngược lại và khá tiêu cực. Theo Nguyễn Kha thì “trên thực tế của 7 nam cai trị, Tổng thống Diệm tập trung trong tay những quyền hành “hợp hiến” to lớn mà Quốc hội chỉ là một bộ phận phụ thuộc được dùng để luật hóa các quyết định chính trị của hành pháp mà thôi”.[36] Tương tự như vậy, Gs Nguyễn Văn Bông nhận xét rằng “những điều kiện cấu tạo bản Hiến pháp 1956 cùng một số điều khoản đặc biệt ví dụ như Điều khoản 98 cho phép tổng thống trong nhiệm kỳ lập pháp đầu tiên có thể tạm đình chỉ những quyền công dân được nêu trong Thiên thứ hai đã tạo điều kiện cho chế-độ Ngô- Đình-Diệm có phương-tiện loại trừ các đoàn-thể quốc-gia độc-lập, phát động phong-trào suy-tôn mở đường cho một chế-độ độc-tài cá-nhân...Một sự tập trung quá mức quyền hành cùng sự thủ-tiêu đối-lập và sự hiện-diện của một chính đảng duy-nhất đã đưa chế-độ Ngô Đình Diệm lần lần đi đến một chế-độ quyền-hành cá-nhân áp-dụng những phương-tiện chuyên-chế mà tiếng súng ngày 1-11-1963 đã đưa vào dĩ-vãng”.[37]
Có lẽ Gs Bông đã quá khắt khe với Hiến Pháp 1956 và nền Đệ Nhất Cộng hòa dù “phôi thai và còn nhiều khuyết tật song đã phản ánh đúng ý nghĩa của từ ngữ Cộng Hòa và ý nguyện của toàn dân Việt Nam”.[38] Vai trò của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong nền Đệ Nhất Cộng Hòa nên được thẩm định trong bối cảnh lịch sử của sự chuyển tiếp từ một xã hội phong kiến quân chủ chuyên chế dưới sự bảo hộ của chế độ thực dân Pháp sang một thể chế cộng hòa. Dù sao đi nữa, Hiến pháp VNCH 1956 đã đặt nền tảng cho một hệ thống chính chị dân chủ tổng thống chế và ghi nhận vai trò của quốc hội và tư pháp cùng với các quyền lợi căn bản của công dân theo đúng xu hướng đương thời.
Hiến pháp VNCH 1967 của nền Đệ Nhị Cộng Hòa là một sự tiến bộ so với Hiến pháp 1956. Hiến pháp 1967 bảo đảm những quyền tự do căn bản của người dân và nêu rõ nguyên tắc tam quyền phân lập mà trong đó, ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân nhiệm và phân quyền rõ ràng. Ngoài ra, Hiến pháp 1967 cũng công nhận quyền đối lập chính trị của dân đối với nhà nước. Điều 97 và 98 của Hiến Pháp ghi nhận vai trò của Hội Đồng các Sắc Tộc đại diện cho đồng bào thiểu số. Điều 100 và 101 xác nhận “Quốc Gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng và công nhận sự định chế hóa đối lập chính trị”.
Nhược điểm lớn nhất của Hiến pháp 1967 cũng như các bản hiến pháp tổng thổng chế khác là tập trung tất cả quyền hành trong tay của một cá nhân, nhất là trong giai đoạn chiến tranh khi tổng thống được nắm quá nhiều quyền lực. Cần phải có một vị tổng thống tài ba và đức độ xuất chúng mới mong có thể kết hợp và tận dụng được tất cả tài nguyên và nhân sự giúp nước và cứu nước. Là một quốc gia nhỏ bị kẹp giữa các gọng kìm bởi các siêu cường quốc mà đặt hết vận mạng tổ quốc trong tay của một cá nhân thì quả thật là quá mạo hiểm. Vì vậy, mô hình dân chủ thích hợp nhất cho Việt nam là đại nghị chế với một quốc hội đa đảng và đa nguyên để phản ảnh tính đa dạng của xã hội mà trong đó tất cả mọi thành phần dân tộc đều có quyền hạn và trách nhiệm tham gia và đóng góp trong tiến trình xây dựng đất nước.
Tại Á châu, những quốc gia áp dụng đại nghị chế khá thành công gồm có Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai và Tân Gia Ba. Ngoại trừ Thái Lan trong thời gian Thủ Tướng Thaksin Shiniwatra cầm quyền, các quốc gia này đều duy trì được tình trạng an ninh và chính trị ổn định giúp họ chú trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Riêng tại Nhật Bản, giới thương gia Nhật kể từ thế kỷ 19 đã du nhập nhiều sách vở về thể chế dân chủ đại nghị từ Âu Châu và Hoa Kỳ. Có nhiều học giả xuất ngoại để tìm hiểu phương thức cai trị ở những nơi khác trên thế giới. Vào năm 1860, Shimmi Buzen-no-Kami đã tới Hiệp Chủng Quốc để quan sát và học hỏi về sinh hoạt của Quốc Hội Hoa Kỳ. Vào năm 1861, Yukichi Fukuzawa ghé thăm Âu Châu và thu thập tài liệu về hệ thống dân chủ đại nghị. Vào năm 1881, Thiên Hoàng Minh Trị đã gửi một phái đoàn do Ito Hirobumi dẫn đầu đến các quốc gia ở Âu Châu để nghiên cứu hiến pháp và sau đó Bản Hiến Pháp Minh Trị đã được soạn thảo và ban hành vào ngày 11 tháng 2 năm 1889. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 1 tháng 7 năm 1889 và phiên họp đầu tiên của quốc hội đã diễn ra vào ngày 25 tháng 11 năm 1889. Dân chủ đại nghị tại Nhật cũng không bị gián đoạn trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến khi một cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức trong tháng 4 năm 1942 để đối phó với tình trạng chiến tranh. Sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, hiến pháp đã được tu chính để nới rộng các quyền tự do của người dân và một bản hiến pháp mới bảo đảm cho hơn 25 quyền tự do căn bản của công dân Nhật đã được ban hành trong tháng 5 năm 1947.[39] Như vậy để thấy Việt Nam đã đi sau các quốc gia khác về cơ chế chính quyền tới hàng trăm năm. Thật ra trong thời kỳ Minh Trị, Việt nam cũng có Nguyễn Trường Tộ là một học giả lỗi lạc đi xa và học rộng. Đáng tiếc là những bản kiến nghị và điều trần canh tân đất nước của ông chỉ như là những tiếng kêu gào lẻ loi trong sa mạc và đã không được Triều Đình Huế trọng dụng.[40]
Không có một mô hình nào là hoàn toàn hay hoàn hảo. Mô hình nào cũng có ưu điểm và nhược điểm của nó. Điều quan trọng là phải nhận thức và tận dụng hết ưu điểm và giới hạn mọi nhược điểm khi áp dụng thể chế dân chủ đại nghị cho Việt Nam.
Thể chế liên bang?
Có một số người cho rằng Việt Nam nên theo hình thức liên bang để giới hạn xu hướng chuyên quyền của chính quyền quốc gia và bảo đảm quyền lợi của các nhóm thiểu số bằng cách phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và các chính quyền tiểu bang hoặc địa phương. Thật ra những nơi có thể chế liên bang như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại hoặc Úc Đại Lợi đều có bối cảnh lịch sử và địa lý rất khác với Việt Nam. Họ là những quốc gia tương đối còn non trẻ khi người da trắng bước chân lên các lục địa hoang dã và rộng lớn hơn 200 năm về trước. Nhiều nhóm người da trắng đã thành lập các tiểu bang (states) trên các lục địa này. Vì nhu cầu thuơng mại và ngoại giao nên các tiểu bang này quyết định sát nhập thành một thể chế liên bang. Hiến pháp liên bang phân định một số quyền lực giới hạn cho chính quyền liên bang mà cụ thể là các quyền hành làm luật liên quan tới các lãnh vực thương mại xuyên bang, quốc phòng và ngoại giao. Tất cả các quyền hành khác được các tiểu bang giữ lại. Ngoài ra, hiến pháp cũng chỉ định thượng viện đại diện và bảo vệ cho quyền lợi cho các tiểu bang không phân biệt diện tích và mức độ dân số ví dụ như Wyoming của Hoa Kỳ có khoảng nửa triệu dân so với California có 40 triệu nhưng cả hai tiểu bang đều được 2 thượng nghị sĩ đại diện trong Thượng Viện. Tương tự như vậy, New South Wales có dân số đông hơn Tasmania 1400% lần nhưng cả hai tiểu bang có đồng số thượng nghị sĩ trong Thượng Viện Úc.[41]
Dần dần, quyền hành của chính quyền liên bang ngày càng được nới rộng vì sinh hoạt kinh tế và giao thương ngày càng phát triển xuyên biên giới. Chính quyền liên bang nắm quyền đánh thuế nhưng tiểu bang lại chịu trách nhiệm chi tiêu và điều hành các hệ thống và dịch vụ y tế, giáo dục và an ninh công cộng. Hai cấp chính quyền thường xuyên đổ lỗi cho nhau nhất là khi không cùng đảng phái. Thể chế liên bang cũng đòi hỏi phải có lưỡng viện quốc hội có thể dẫn đến sự bế tắc chính sách hoặc chính quyền bị tê liệt khi hạ viện và thượng viện do các đảng phái đối lập hoặc có khuynh hướng đối nghịch nắm quyền. Đó là chưa kể sự phí phạm rất lớn cho người đóng thuế vì phải nuôi dưỡng quá nhiều tầng lớp chính quyền và chính trị gia ví dụ như tại Úc chỉ với dân số hơn 20 triệu mà có cả một hệ thống chính quyền và quốc hội liên bang cùng với 8 hệ thống chính quyền và quốc hội tiểu bang và lãnh thổ với gần 2 triệu công chức.[42]
Chắc chắn là Việt Nam cần có một chính quyền dân cử với một quốc hội đa nguyên nhưng không nhất thiết phải dưới hình thức của một hệ thống dân chủ lượm thượm lê thê hục hặc từ tiểu bang đến liên bang hoặc từ hạ viện tới thượng viện.
Thể thức đầu phiếu
Không phải thể chế đại nghị nào cũng dẫn đến một quốc hội đa đảng và đa nguyên. Ví dụ như tại Úc, thông thường thì chỉ có hai đảng lớn có thành viên trong Hạ Viện. Hệ thống hoặc thể thức đầu phiếu đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Có 4 thể thức đầu phiếu thường được áp dụng: “ai tới trước thắng” (first past the post), “đa số ưu tiên” (majority preferences), “tỷ lệ đại diện” (proportional representation) và hình thức thứ tư là một sự hỗn hợp của 3 loại trước (mixed voting system). Cũng có sự khác biệt ngay bên trong của mỗi hệ thống đầu phiếu. [43]
Với thể thức “ai tới trước thắng”, ứng cử viên nào được nhiều phiếu nhất sẽ được coi như thắng cử và đại diện cho đơn vị cử tri. Ví dụ như có 5 ứng cử viên trong một đơn vị cử tri, A được 30% số phiếu, B được 25%, C được 20%, Đ được 15% và E được 10%. A sẽ đắc cử và trở thành dân biểu. Hệ thống này được áp dụng tại Anh Quốc và có một vài lợi điểm. Thứ nhất là nó đơn giản và dễ hiểu. Ai có nhiều phiếu nhất sẽ thắng. Công tác đếm phiếu và kết quả bầu cử cũng diễn ra rất nhanh. Có một mối quan hệ rõ ràng giữa vị dân biểu đại diện cho cử tri trong đơn vị bầu cử và cử tri có thể liên lạc và bày tỏ ý kiến với vị dân biểu đại diện cho họ trong vùng. Thể thức này thường xuyên tạo kết quả có lợi cho các đảng lớn và giúp họ dễ dàng chiếm đa số ghế trong quối hội để thành lập chính quyền mà không cần phải dựa vào một liên minh hoặc sự hỗ trợ của các đảng nhỏ khác.
Nhưng hình thức này cũng thường tạo ra một chính quyền thiếu dân chủ. Dựa vào thí dụ được nêu ở trên thì chính quyền có thể chiếm đa số ghế trong quốc hội chỉ với 30% số phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử 2005 tại Anh Quốc, Đảng Lao Động thắng chính quyền và chiếm 55.2% số ghế trong Quốc Hội chỉ với 35.5% số phiếu bầu. Trong khi đó Đảng Tự Do Dân Chủ thắng được 22% số phiếu bầu nhưng chỉ giành được 9% số ghế trong quốc hội.
Hình thức “đa số ưu tiên” giải hóa được tình trạng bất công của “ai tới trước thắng”. Trong thể thức này, cử tri phải đánh số ưu tiên cho các ứng cử viên. Ứng cử viên nào đạt được hơn 50% số phiếu ưu tiên một sẽ thắng. Bằng không thì đếm số ưu tiên kế tiếp. Kết quả là chính quyền lúc nào cũng được thành lập bởi một chính đảng chiếm được hơn 50% đa số phiếu. Các cuộc bầu cử chính quyền liên bang Úc và các tiểu bang áp dụng hình thức này.
Tuy nhiên, cách đếm phiếu này thường có lợi cho hai đảng lớn và bất lợi cho những đảng nhỏ. Ví dụ như trong cuộc bầu cử chính quyền liên bang Úc vào năm 2010, Đảng Xanh chiếm được hơn 10% số phiếu nhưng chỉ có 1 ghế trong Hạ Viện với 150 dân biểu. Hệ thống này có chiều hướng duy trì thể chế lưỡng đảng và loại hẳn các khuynh hướng thiểu số.
“Tỷ lệ đại diện” là một hình thức công bằng và đa nguyên nhất. Ví dụ như sau cuộc bầu cử Quốc Hội Do Thái với tổng cộng 120 ghế trong năm 2003, Đảng Likud thắng 29.4% số phiếu và có được 37 ghế. Đảng Lao Động thắng 14.5% số phiếu và có được 19 ghế. Shinui với 12.3% phiếu và 15 ghế, Shas với 8.2% phiếu và 11 ghế, National Union với 5.5% phiếu và 7 ghế, Meretz với 5.2% phiếu và 6 ghế, Mafdal với 4.2% phiếu và 5 ghế, YhT với 4.3% phiếu và 5 ghế, Hadash với 3% phiếu và 4 ghế, Am Ekhad với 2.8% phiếu và 4 ghế, Balad với 2.3% phiếu và 3 ghế. YAB và United Arab List chiếm 2.2% và 2.1% và đều được 2 ghế. Thể thức bầu cử này được sử dụng tại nhiều quốc gia dân chủ châu Âu và chính phủ liên minh là những trường hợp bình thường và được mọi người chấp nhận.[44] Ngoài tính công bằng và dân chủ ra, hệ thống này cũng khuyến khích các chính đảng tuyển chọn ứng cử viên thuộc các nhóm thiểu số và nữ giới để tranh giành và gia tăng số phiếu. Nhưng theo ví dụ của Do Thái, có tới 13 đảng phái trong quốc hội “quá đa nguyên” và chính phủ Do Thái luôn luôn là một liên minh lỏng lẻo có thể tan rã bất cứ lúc nào. Ngoài ra, không có một sự liên hệ rõ ràng giữa cử tri và dân biểu đại diện. Cử tri không biết phải liên lạc với vị dân biểu nào khi có vấn đề thắc mắc hoặc khiếu nại. Tệ hơn hết là thể thức này có thể tạo điều kiện cho những nhóm cực đoan có tiếng nói trong quốc hội ví dụ như trong thời Cộng Hòa Weimar tại Đức,[45] những phần tử quá khích trong Quốc Hội đã tạo cơ hội cho đồ tể Hitler chiếm hết quyền hành và khởi động cuộc chiến tranh thế giới thứ hai làm cho hơn 60 triệu người bị tử vong.
Hình thức đầu phiếu hỗn hợp được áp dụng tại một số quốc gia như Tân Tây Lan và Nga. Một nửa số ghế trong quốc hội được bầu theo thể “ai tới trước thắng”. Phân nửa còn lại theo “tỷ lệ đại diện”. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Tân Tây Lan vào năm 2005, Đảng Lao Động thắng 41.1% số phiếu và chiếm được 50 ghế trong một quốc hội với tổng số 120 ghế. Đảng Quốc Gia thắng 39.1% số phiếu với 48 ghế. New Zealand First thắng 5.7% số phiếu với 7 ghế, Đảng Xanh 5.3% phiếu với 6 ghế, Đảng Maori thắng 2.1% phiếu với 4 ghế, United Future thắng 2.6% với 3 ghế, ACT NZ thắng 1.5% với 2 ghế và Đảng Cấp Tiến thắng 1.1% với 1 ghế. Kết quả là có 2 đảng lớn và 6 đảng nhỏ trong quốc hội.
Thể thức nào thich hợp nhất cho Việt Nam? Trong một xã hội bình thường có 4 khuynh hướng thiên hữu, thiên tả, cực hữu và cực tả. Trong một cuộc phổng vấn với Đài RFA vào ngày 24/10/2011, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng đã có ý kiến và cổ xúy cho một thể chế đa đảng đa nguyên và góp ý là “Chỉ cần ba đảng thôi, là trung lập này, khuynh tả, khuynh hữu này. Ba khuynh hướng chính về chính trị”. Điều quan trọng là làm thế nào để cân bằng ước muốn đa nguyên nhưng tránh tình trạng quốc hội bị phân tán bởi có quá nhiều đảng phái hoặc là bị các nhóm quá khích xâm nhập có thể đưa quốc gia đến chỗ diệt vong. Một quốc hội “lưỡng đảng” không đáp ứng được nguyên tắc đa nguyên nhưng một quốc hội phân tán với “thập bát sứ quân” như Vanuatu chắc chắn sẽ không có lợi cho sự ổn định và phát triển quốc gia. Dựa trên kết quả của các cuộc bầu cử tại Do Thái và Tân Tây Lan, nếu số phiểu tối thiểu được đặt ở 5% tổng số phiếu bầu thì Quốc Hội Do Thái chỉ còn 6 đảng và Quốc Hội Tân Tây Lan còn 4 đảng chia ghế với nhau. Việt Nam không có sức mạnh như siêu cường quốc Hoa Kỳ và cũng không có diện tích rộng lớn như Gia Nã Đại hay Úc Đại Lợi. Để có một quốc hội đa đảng và đa nguyên nhưng không bị phân tán với quá nhiểu đảng nhỏ thì Việt Nam không cần áp dụng một thể chế liên bang mà có thể áp dụng phương thức bầu cử “tỷ lệ đại diện” với tiêu chuẩn là các chính đảng phải đạt ít nhất 5% tổng số phiếu mới có được tiếng nói trong quốc hội. Tuy không có mối quan hệ rõ ràng giữa dân biểu và cử tri nhưng trên thực tế thì việc này không phải là một điều quan trọng. Là đảng viên của các chính đảng thì các dân biểu phải đi theo chính sách của đảng. Trong thời đại “điện số” hiện nay, bất cứ cá nhân hay nhóm người nào cũng đều có thể gửi kiến nghị hoặc đào đạt nguyện vọng tới chính phủ hoặc quốc hội qua các phương tiện truyền thông điện tử.
Kết luận
Có thể tin tưởng rằng Việt nam tất yếu sẽ tiến đến một hệ thống chính trị dân chủ. Không có một chế độ độc tài, tham nhũng, gian ác và cam tâm bán nước làm nô lệ cho ngoại bang nào có thể tồn tại mãi mãi và cưỡng lại bánh xe tiến hóa của lịch sử. Vấn đề chỉ là thời gian. Có hai yếu tố chính quyết định chế độ độc tài cộng sản hiện nay sẽ ra đi sớm hay muộn. Đó là sự bưng bít thông tin và phản kháng có tổ chức. Đảng Cộng sản VN đã không còn che dấu được sự thật với bằng chứng cụ thể là trong thời gian gần đây, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã nêu đích danh và lên án các trang mạng được coi là “phản động” như Dân Làm Báo, Quan làm Báo và Biển Đông. Chỉ trong vài năm nữa thì các phương tiện thông tin hiện đại như là Ipad và Iphone sẽ tràn ngập thị trường Việt nam và mọi người dân Việt nam sẽ có thể tiếp cận thông tin trung thực từ trong lòng bàn tay. Chỉ một bàn tay đen tối và dối trá của chế độ sẽ không che nỗi sự thật dưới ánh sáng mặt trời. Việc còn lại là tổ chức hóa đấu tranh và phản kháng. Đã đến lúc các tổ chức phong trào đấu tranh trong và ngoài nước liên kết thành một mặt trận hoặc liên dân chủ để rút ngắn thời gian.[46] Nhưng trước tiên phải đồng thuận được một mục tiêu chung. Mô hình đại nghị với phương thức bầu cử tỷ lệ dại diện nêu trên có thể là một mẫu số chung và là chất keo nối kết các tổ chức và phong trào dân chủ. Quần chúng cần phải biết hệ thống nào sẽ thay thế cho chế độ hiện nay trước khi họ quyết định hỗ trợ cho các phong trào đấu tranh dân chủ. Đặc biệt nhất là đối với các nhân viên an ninh, quân đội và dân sự đang phục vụ cho chế độ, một mục tiêu đấu tranh trong sáng, rõ ràng và minh bạch sẽ có tác động đến thái độ bất phục tùng hoặc bất hợp tác của họ.[47] Sự hỗ trợ của thành phần an ninh và quân đội là một yếu tố cần thiết trong nỗ lực lật đổ chế độ độc tài toàn trị. Ngay cả sau khi phong trào dân chủ thành công, quốc gia vẫn cần họ (ngoại trừ một nhóm thiểu số vẫn ngoan cố đặt quyền lợi cá nhân hoặc đảng phái trên sinh mệnh của dân tộc) tiếp tục đóng đúng vai trò quốc phòng bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải. Khi nào một triệu người dân tràn xuống quãng trường Ba đình mà quân đội án binh bất động thì đó sẽ là ngày cáo chung của chế độ độc tài toàn trị hiện nay và ngày đó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên đại nghị đa nguyên và đa đảng “tã trắng thắng cờ hồng” như cố ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện hằng mong ước.
-----------------------
Ghi chú:
[1] Carpizo J “Essential Characteristics of the Presidential System and Influences for its Establishment in Latin America” Mexican Law Review 8 July-December 2008, 57-91, 57-58
[2] www.gallup.com Gallup/poll (Sep 21-22, 2001)
[3] Baker P & Dewar H “The Senate Acquits President Clinton” The Washington Post 13 Feb 1999
[4] May E “John F Kenedy and the Cuban Missile Crisis” www.bbc.co.uk 17/2/201
[5] Whitman B “52 Reasons to vote for Obama: #1 Killed Osama Bin Laden” www.huffingtonpost.com 11/9/2012
[6] Henderson J “Would a Presidential System be better for Melanesia?” The Journal Of Pacific Studies Vol 29 No 1 2006, 5-66, 56
[7] Carroll G “Former Peruvian president Alberto Fujimoro sentenced to 25 years” www.guardian.co.uk 7/4/2009
[8] Forero J “Chaves wins removal of term limits” www.washingtonpost.com 16/02/2009
[9] Watts J “Rafael Correa hits back over Ecuador’s press freedom and charge of hypocricy www.guardian.co.uk 24/08/2012
[10] Inman P “Mubarak family fortune could reach 70bn says expert” www.guardian.co.uk 4/2/2011
[11] Baker P & Dewar H “The Senate Acquits President Clinton” The Washington Post 13 Feb 1999
[12] Mydans S “Hunt for Marcos’ Billions yields more dead ends than hard cash” www.newyorktimes.com 31/3/1991
[13] BBC News www.bbc.co.uk 29/10/2012
[14] V Giang “Các tổng thống Nam hàn cứ cuối nhiệm kỳ là bị điều tra” www.nguoiviet-com 25/10/2012
[15] Helderman S & Kane P “Debt Ceiling Crisis still eludes compromise” www.washingtonpost.com 19/2/2011
[16] Henderson J “Would a Presidential System be better for Melanesia?” The Journal Of Pacific Studies Vol 29 No 1 2006, 5-66, 56
[17] Infosheet 20 “The Australian System of Government” www.aph.gov.au
[18] Australian Government Department of Prime Minister and Cabinet “Cabinet Handbook” 7th edition www.dpmc.gov.au, 8-10
[19] Brennan G “Australian Parliamentary Democracy: One Cheer for the Status Quo: Electoral Competition, not parliamentary procedure, is central to the democratic process” Views on Parliamentary Democracy, Papers on Parliament 22 Department of the Senate, Parliament House, Canberra 1994
[20] Gerring J, Thacker S & Moreno C “Are Parliamnetary Systems Better?” Comparative Political Studies Vol 42 Number 3 March 2009, 328-359, 330
[21] Kelly R & Lester P “Leadership elections: Conservative Party” 7/12/2005. Tương tự như vậy, Đảng lao động Anh quốc chọn lãnh tụ bằng phiếu cử tri đoàn gồm có dân biểu, đảng viên và tổ chức đại diện nghiệp đoàn mỗi phía được 33% số phiếu. (Duncan Hall “How does the UK Labour Party Elect a New Leader” 10/5/2010
[22] Hartcher P “Dark clouds that spelt doom for a prime minister” Sydney Morning Herald 26/6/2010
[23] Wright T “Taking his leave” The Age 2/7/2008
[24] Uhr J “How democratic is Parliament? A case study in auditing the performance of Parliaments” Democratic Audit of Australia – June 2005, 1-37, 7
[25] Theo Điều khoản 57 của Hiến Pháp Úc, nếu Thượng Viện không chấp thuận dự luật mà Hạ Viện đã thông qua 2 lần, chính phủ có thể yêu cầu Tổng Toàn Quyền giải tán Quốc Hội và tiến hành bầu cử lưỡng viện quốc hội mới.
[26] Thirty Second government of Israel www.wikipedia.org
[27] Kaplan E & Friedman C “Israel’s Political System”. Council on Foreign Relations 11/2/2009
[28] Dorney S “Vanuatu to see up to 18 parties in parliament” www.abc.net.au 2/11/2012
[29] Muller WC, Bergman T & Strom K “Parliamentary Democracy: Promise and Problems” http://fds.oup.com/www.oup.com/pdf/13/9780198297840, 1-30, 14-15
[30] Canas V “The Semi-Presidential System” ZaoRV (2004) 95-124, 102
[31] Shugart MS “Semi Presidential Systems: Dual Executive and mixed Authority Patterns” Graduate School of International Relations and Pacific Studies. University of California San Diego 2005, 1-21, 9
[32] Meisler S “Mitterand, Chirac clash over racial conflict in distant New Caledonia” www.latimes.com 29/8/1987
[33] Mcquire KA “President Prime Minister Relations, Party System and Democratic Stability in Semi Presidential Regimes: Comparing the French and Russian Models” Texas International Law Journal Volume 47 Issue 2, 2012, 427-454, 440
[34] Thiện Ý “Sự hình thành nền Cộng Hòa và chế độ VNCH tại Việt Nam” www.vietvungvinh.com 26/10/2011
[35] Bùi Như Hùng “Phân tích Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa” www.buinhuhung.com 26/10/2010
[36] Nguyễn Kha “CHẾ ĐÔ NGÔ ĐÌNH DIỆM Từ Hiến Pháp phi dân chủ đến Chính trị phản dân quyền” www.sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenKha.php 4/12/2010
[37] Nguyễn Văn Bông “Nhận Xét về Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa” Trích từ Luật Hiến Pháp và Chính Trị Học (Lý thuyết đại cương thế giới chính trị hiện đại) www.thuvienhoasen.org 9/11/2011
[38] Thiện Ý “Sự hình thành nền Cộng Hòa và chế độ VNCH tại Việt Nam” www.vietvungvinh.com 26/10/2011
[39] Huda KMN “The state of Parliamentary Democracy: Worlwide Reflections” Asian Affairs Vol 27 No 1 January-March 2005, 5-23, 9-10
[40] Vinh S, Department of History and Classics, University of Alberta, Canada “Nguyen-Truong-To and the Quest for Modernization inVietnam” Japan Review 1999, 11 “Paralells between Nguyen-Truong-To and early Meiji intellectuals” 55-74, 69
[41] Hartcher P “Obama is storming home” www.smh.com.au 3/11/2012
[42] Australian Bureau of Statistic Year Book Australia 2012 http://www.abs.gov.au/ausstats/abs@.nsf/Lookup/by%20Subject/1301.0~2012~Main%20Features~Public%20service~91
[43] Newman G & Bennett S “Electoral Systems” Parliament of Australia Department of Parliamentary Services 21 February 2006, 1-26, 7-8
[44] Norris P “Choosing Electoral Systems: Proportional, majoritarian and Mixed Systems” 1-12 http://www.hks.harvard.edu/fs/pnorris/Acrobat/Choosing%20Electoral%20Systems.pdf
[45] Newman G & Bennett S “Electoral Systems” Parliament of Australia Department of Parliamentary Services 21 February 2006, 1-26, 21
[46] Chắc có nhiều người sẽ đặt câu hỏi làm sao để thành lập được một mặt trận hoặc liên minh dân chủ? Đây là một đề tài rộng lớn và phức tạp vượt quá phạm vi của bài viết này và có lẽ phải là chủ đề của một bài viết khác.
[47] Sharp G “From Dictatorship to Democracy: a Conceptual framework for Liberation” The Albert Einstein Institution 4th Edition 2010, 63-64.