Mất niềm tin vào nhau - Dân Làm Báo

Mất niềm tin vào nhau

Hai góc nhìn về niềm tin

Alan Phan (Blog Góc nhìn Alan) - Gần đây, mạng truyền thông và các chính trị gia Việt có một chữ mới theo thời trang, “niềm tin”. Giữ, tìm, được, mất, lấy lại, thậm chí ăn cắp nếu cần. Năm 2012, người ta nói nhiều về sự thiếu tiền. Năm nay, có lẽ là thiếu niềm tin. Ngay cả một chuyên gia tin tưởng rằng thị trường BDS chỉ cần “niềm tin”, không cần tiền, không cần gói cứu trợ…Chắc quan này cho niềm tin cũng giống như các mảnh bằng tiến sĩ nhan nhản khắp xã hội; chỉ cần đi quanh vài vòng khu chợ Bến Thành hay Đồng Xuân là mua được ngay. Xin giới thiệu 2 bài viết của khách về niềm tin ở Việt Nam và Trung Quốc.

Làm sao cho người Việt tin nhau? 

Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - Trên báo Tia Sáng, ông Giáp Văn Dương mới viết một bài rất đáng đọc, ông đặt câu hỏi: Tại sao ở nước ta mọi người không tin nhau. Ông kể chuyện có lúc đã sống ở một nước ngoài 12 năm, thấy người ta bao giờ cũng tin nhau. 

Ông kể, “Tôi và một người bạn đi mua bảo hiểm xe. (Hợp đồng bảo hiểm viết rằng), nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: “Nếu chúng tôi bán xe rồi báo bị mất thì sao?” Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên, một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: “Tôi tin các anh không làm thế.” Giáp Văn Dương kết luận: Nước họ giàu mạnh vì họ tin ở con người. 

Ngược lại, khi trở về sống ở Việt Nam, ông thấy người ta luôn luôn nghi ngờ nhau trước, không ai tin ai cả. Lãnh hành lý ở phi trường bị hỏi giấy tờ, “Tên tôi đây. Ðịa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc?” 

Vào siêu thị thì lúc ra trả tiền phải đi qua hai chặng, trả tiền rồi, đi hai thước lại có nhân viên kiểm soát hóa đơn, thấy con dấu đỏ “đã thanh toán” mới được đi qua. Ông Dương hỏi: “Vì sao người Việt không tin nhau?”
Mình không cần nhắc đến tên Việt Nam trong câu hỏi này. Ở nhiều nước khác người ta cũng không ai tin ai cả. Nên đặt câu hỏi là: “Trong những xã hội như thế nào thì người ta dễ tin nhau? Còn những xã hội người ta không tin nhau thì nó sống thế nào?” 

Mình không nên nghĩ oan cho giống dân Việt. Có lần tôi kể chuyện những thành phố người ta bỏ xe đạp ngoài đường qua đêm, không khóa; như ở Dubuque, Iowa; hay ở Helsinki, Phần Lan (trước khi di dân Ðông Âu qua). Họ không lo mất xe, vì tin là mọi người chung quanh đều lương thiện. Nhiều độc giả đã viết thư nhắc nhở rằng xưa kia ở nước ta cũng vậy. Một vị cho biết hồi 1950 ở Sài Gòn ông đã sống như thế. Ðêm không khóa cửa nhà, xe đạp dựng trước nhà cũng không khóa. Một vị độc giả khác kể chuyện năm 1959 ông dựng cái xe đạp ngoài bờ sông Sài Gòn đứng hóng mát; sau đó có một người rủ lên xe hơi đi uống bia. Ông đi tới 11 giờ khuya, trở lại Bến Bạch Ðằng thấy cái xe không khóa vẫn dựng đó không mất. Bác Sĩ Nguyễn Tư Mô kể hồi 1955 ông đi trong một phái đoàn y tế xuống Châu Ðốc chẩn bệnh phát thuốc; lúc vào chợ ăn trưa thì một người trong đoàn bỏ quên cặp kính mát. Tới buổi chiều, một nhân viên xã mang cặp kính mát đến hỏi có ai đánh rớt không? Có người lượm được, đem đến trả phái đoàn, vì biết chỉ dân ở Sài Gòn mới mua được kính mát loại sang như vậy. 

Người Việt Nam vốn đã tin nhau chứ chẳng phải không. Vì ông bà chúng ta vẫn dạy dỗ con cháu sống theo đạo lý, và chính họ sống làm gương. Trong xã hội nào mọi người cũng sống với những hợp đồng ngầm hiểu, dài hạn, hết đời này sang đời khác. Các xã hội Á Ðông theo truyền thống Nho Giáo đều có những “hợp đồng hiểu ngầm” như vậy. Ra đường gặp ai là có thể tin đến 99% rằng người đó cũng được cha mẹ dạy các quy tắc Lễ Nghĩa Liêm Sỉ giống như mình. Ngay cả sau khi nước ta bị Pháp đô hộ, bản Hợp Ðồng Tín Nghĩa vẫn được giữ gìn. Cách sống của Phan Châu Trinh cũng không khác lối cư xử của Nguyễn Ðình Chiểu hay Hoàng Diệu. Tư cách đó vẫn truyền qua đến Trần Trọng Kim, Khái Hưng, Nguyễn An Ninh, hay Phan Văn Hùm. Nền tảng đạo lý đó chỉ bị phá vỡ từ khi có một chính quyền chủ tâm xóa bỏ hết nền văn hóa cũ, thay thế bằng “văn hóa vô sản.” 

Tại sao các nước Á Ðông khác, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, vẫn giữ được những bản hợp đồng Tín Nghĩa suốt đời này sang đời khác trong hai ngàn năm? 

Phân tích theo lối kinh tế học, thì lý do chính là: Tín Nghĩa là một cách sống có lợi về lâu về dài. Không ai muốn làm sai bản hợp đồng tín nghĩa vì nếu nó bị xóa bỏ, chính mình sẽ bị thiệt thòi. Nói rõ hơn: Cuộc sống của mỗi người sẽ “tốn kém” hơn! Mức tốn kém tăng lên từ một khoản chi tiêu mà các nhà kinh tế gọi là “phí tổn giao dịch” (transaction costs). Hãy lấy những thí dụ mà ông Giáp Văn Dương nêu ra. Một người vào siêu thị mua hàng, trả tiền, được mang thức ăn về nhà. Trong “giao dịch” kinh tế này, siêu thị cũng phải trả tiền khi mua hàng, khi thuê mướn cửa hàng, thuê nhân viên, vân vân. Người mua trả một số tiền lớn bằng số chi phí của siêu thị, cộng với tiền lời mà nếu không có thì không ai mở siêu thị. 

Nhưng trong một xã hội mà người ta không tin nhau thì siêu thị phải lo đặt hệ thống báo động, phải thuê thêm người canh gác, thêm người kiểm soát lần thứ hai bên ngoài quầy trả tiền. Tất cả những chi phí mới đó, tất nhiên, chủ nhân họ tính ngay trong giá bán. Ðó là một thứ phí tổn giao dịch phụ trội; mà nếu trong xã hội mọi người tin nhau thì không cần. Nhìn rộng ra, trong một xã hội mà người ta không tin nhau thì phí tổn giao dịch sẽ tăng vọt trên khắp mọi mặt. Cả xã hội phải chịu. Thử nhìn vào số lượng công an, cảnh sát ở nước ta. Tại sao một nước cần nhiều công an như vậy? Vì người ta nghi ngờ nhau. Chính quyền nghi ngờ dân. Nếu mọi người tin nhau thì mấy trăm ngàn công an cảnh sát có thể giải ngũ. Những người đó có thể đi làm những việc hữu ích hơn về kinh tế, như làm kỹ sư, đi kinh doanh, làm ca sĩ, hay trồng cây ăn trái bán. Bởi vì trong nước vẫn cần rất nhiều kỹ sư, nhiều nhà kinh doanh, nhiều nhà nông có tài. Lực lượng công an thu hút mất bao nhiêu người ưu tú, đó là một thiệt hại lớn cho cả nền kinh tế quốc dân. 

Làm cách nào để xã hội cùng theo những quy tắc sống có Tín Nghĩa? Làm cách nào để mọi người nhìn thấy nhau là hãy tin cậy trước khi nghi ngờ, nghe ai nói gì thì trước hết hãy tin đó là lời nói thật? Có thể thiết lập lại bản hợp đồng xã hội lấy Tín Nghĩa làm tiêu chuẩn hay không? 

Có lẽ chúng ta sẽ tránh không lên giọng hô hào phục hồi môn đạo đức trong trường học, dù đó là một việc chắc chắn phải làm. Nên tìm ra những giải pháp thực tế. Mà khi nói đến chuyện thực tế thì có thể tính toán theo lối kinh tế học. Theo lối nhìn kinh tế học thì muốn người khác tin mình tốt nhất là làm sao cho người ta biết nếu mình không làm đúng lời hứa hẹn, thì chính mình sẽ bị thiệt hại rất lớn. Mình có hai đường: Giữ lời hứa có thể bị thiệt, nhưng cũng có thể không bị thiệt; ngược lại, nếu sai lời thì sẽ bị thiệt hại rất nhiều, với xác suất 100%! 

Nếu mọi người trong một xã hội đều biết như vậy thì hầu hết sẽ cố giữ Tín Nghĩa, xã hội sẽ thay đổi. Quy tắc này vẫn được sử dụng trong đời sống kinh tế: Khi chúng ta đi vay nợ, ngân hàng yêu cầu phải có vật cầm thế “làm tin,” ghi rõ trong hợp đồng. Nếu mình không trả nợ, sẽ mất mát hơn gấp bội! 

Khả năng có thể ký hợp đồng mà bản hợp đồng có hiệu lực thi hành, đó là một nền tảng tạo ra lòng tin tưởng lẫn nhau. Trong các xã hội hoang dã, việc thi hành hợp đồng là do mỗi người tự làm lấy. Họ dùng vũ lực để thi hành các bản hợp đồng. Theo lối mafia, ai không làm đúng hợp đồng thì cho một lưỡi đao, hay một phát súng; vì Mafia không thể ký những hợp đồng hứa hẹn cùng đi ăn cướp hoặc giết người, ai làm sai sẽ bị kiện!

Còn trong xã hội văn minh thì niềm tin giữa mọi người dựa trên hệ thống pháp luật. Muốn người ta tin thì cứ làm sao để người ta thấy là họ có thể kiện mình ra tòa, nếu mình làm sai. Như Thomas Schelling diễn giải: Một người dễ được tin tưởng khi hắn có thể bị thưa kiện! Một người có thể bị kiện ra tòa (nếu làm sai lời) thì dễ được người khác tin tưởng hơn. Nếu tất cả đều sống theo quy tắc đó thì chúng ta có thể tạo nên niềm tin cho cả nước. 

Giữ cho guồng máy nhà nước trong sạch là bước đầu tiên để tái tạo niềm tin. Những người đi hối lộ và ăn hối lộ đều “xé bản hợp đồng” mà mọi người đã thỏa thuận với nhau. Không những họ làm người dân đút lót mất tiền, mà họ còn phá nát đạo lý xã hội. Cũng giống như khi có người lái xe ngoài đường mà bất chấp luật lệ vậy. Nếu nhiều người cứ ngang nhiên lái xe như thế mãi, thì cả thành phố hay cả nước sẽ không còn luật lái xe. Bản hợp đồng bị xé rồi, mạnh ai nấy sống. Nạn tham nhũng là thứ làm tiêu hao đạo lý cả xã hội, chưa kể nó làm cho kinh tế không tiến được đúng tiềm năng. 

Trước khi xé bản hợp đồng với xã hội để ăn hối lộ mà biết trước mình có thể bị thiệt hại rất nặng nếu bị bắt, thì thế nào người ta cũng ngần ngại không đòi đút lót nữa. Xác suất bị bắt càng cao thì càng bớt tham nhũng. Án trừng phạt càng nặng, thì càng bớt. Nếu một hệ thống chính trị cứ để cho xác suất bị bắt thấp, mà việc trừng phạt cũng nhẹ, thì sẽ nuôi đầy tham nhũng, hối lộ. 

Phải làm sao cho xác suất tội tham nhũng bị tố giác càng cao càng tốt, đó là một cách giảm bớt tham nhũng và tạo niềm tin trong xã hội. Muốn vậy thì ngoài guồng máy tư pháp công minh chính trực cần phải có nhiều “bộ máy tư nhân” tình nguyện tham dự việc tố giác tội tham nhũng. Số hội đoàn, trong xã hội công dân càng phát triển thì càng nhiều người tự nguyện làm công việc đó. Nhiều người còn sẵn sàng làm công việc đó, vì có lợi cho họ. Ðó là các nhà báo, khi họ được tự do. Nhà báo nào điều tra ra những vụ tham nhũng và loan tin sẽ được nhiều người đọc, nhiều người kính trọng. Chính họ sẽ tự nguyện đi tìm ra những tin tức đó. Còn nếu nhà báo đi điều tra rồi lại bị tù thì hết nói! 

Khi bản hợp đồng đạo lý của xã hội bị xé rồi, rất khó tái lập. Phá nó dễ, xây dựng lại rất khó. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta không bắt đầu ngay. Phải thiết lập một chế độ tự do dân chủ, quyền tư pháp độc lập, xã hội công dân phát triển, mọi người có quyền tự do hội họp, tự do phát biểu. Cứ như thế, trong một vài thế hệ, sẽ không ai cần đặt câu hỏi: Tại sao người Việt không tin nhau? 


*

Người Trung Quốc cũng mất niềm tin vào nhau 

(Dân trí) – Kết quả một cuộc khảo sát tâm lý xã hội tại Trung Quốc mới đây cho thấy sự tin cậy vào người khác trong xã hội nước này đã xuống mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ người dân nước này tin vào quan chức chính phủ cũng đang sụt giảm. 

Thông tin được tờ China Daily số ra ngày 18/2 đăng tải. Đây là kết quả khảo sát vừa được công bố trong một bản báo cáo thường niên về tâm lý xã hội có tên “Sách xanh về tâm lý xã hội” do Viện nghiên cứu xã hội học, thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc thực hiện. 

Niềm tin trong xã hội Trung Quốc ngày càng giảm 

Kết quả khảo sát được đưa ra trên cơ sở phân tích ý kiến của những người được khảo sát về mức độ tin cậy của họ với các cá nhân và tổ chức khác. Tổng cộng đã có 1900 người được chọn ngẫu nhiên tại 7 thành phố lớn của Trung Quốc trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải. 

Theo đó chỉ có chưa đến một nửa số người được khảo sát cho rằng “nhìn chung mọi người đều đáng tin”. Trong khi đó tỷ lệ người được khảo sát cho rằng có thể tin tưởng người lạ chỉ là 30%. Mức độ tin cậy chung của đợt khảo sát chỉ là 59,7 điểm trên tổng số 100 điểm, thấp hơn mức 62,9 điểm của năm 2010. 

Những người bạn của gia đình được người Trung Quốc tin tưởng nhất, tiếp sau đó là bạn thân và các mối quen biết. Chỉ khoảng 30% người được khảo sát tin vào người lạ gặp trên đường và 24% tin vào những người lạ trên mạng. 

Ma Jinxin, 27 tuổi, đến từ Bắc Kinh cho biết anh đã nhận được bài học về việc tin tưởng người lạ tại một nhà ga tàu điện. Ma kể lại khi đó anh trở lại Bắc Kinh sau một chuyến công tác và cần gọi cho một người bạn nhưng điện thoại đã hết pin. Anh hỏi mượn một người đàn ông tại đây và được trả lời rằng hãy đi tìm điện thoại công cộng. 

“Tôi cho rằng chúng ta thường nghi ngờ người lạ khi được đề nghị giúp đỡ bởi chúng ta đã được dạy dỗ như vậy từ lúc còn ngồi trên ghế trường và cũng như ở nhà. Khi thấy người ăn xin trên phố, điều đầu tiên chúng ta thường nghĩ tới đó là những người đó đang tìm cách lừa đảo”. 

Shi Aijun, một viên chức thuộc khu vực Yulindongli, quận Fengtai của Bắc Kinh cho biết chính sự thiếu tin tưởng vào người khác khiến bà gặp nhiều khó khăn trong công việc. “Rất khó để thuyết phục mọi người mở cửa để tiến hành phỏng vấn hoặc trả lời các khảo sát mà cần cung cấp thông tin cá nhân”, bà Shi chia sẻ. 

Đối với các tổ chức, 69% người Trung Quốc được hỏi tin vào chính phủ, 64% tin vào các cơ quan truyền thông, 57,5% tin vào các tổ chức phi chính phủ trong khi chỉ 52% tin vào các tổ chức kinh doanh. 

Khảo sát cũng cho thấy sự thiếu tin tưởng giữa các nhóm xã hội, nhất là giữa các quan chức chính phủ và người dân Trung Quốc cũng như giữa bác sỹ và bệnh nhân đang tăng lên. Một quan chức tại tỉnh Hắc Long Giang khẳng định với China Daily rằng các biện pháp cưỡng chế được thi hành trong quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc chính là một trong những vấn đề xã hội dẫn tới những căng thẳng giữa các quan chức chính phủ và dân thường. 

Thanh Tùng 
Theo China Daily



Câu chuyện của niềm tin 


1. Tôi đến từ nông thôn, gần như từ luống cày chui ra. Thế rồi, như bao bạn trẻ khác, tôi rời quê khi học hết phổ thông. Rồi cũng như bao người khác, tôi ra nước ngoài học tiếp khi xong đại học. 

Gần mười hai năm học tập và làm việc ở nước ngoài đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Một trong những thứ đó là niềm tin giữa con người với con người. 

Trước khi ra nước ngoài, những hình dung của tôi về thế giới bên ngoài, về xã hội phương Tây chỉ gói gọn trong mấy chữ: ăn chơi, đồi trụy, tội ác, lừa đảo, thù địch, bóc lột, giãy chết. Tất cả đều là những tính từ và những danh từ, đại từ chung. Rất ít bóng dáng những con người cụ thể, sự việc cụ thể. 

Những ý niệm này đã len lỏi vào đầu tôi qua báo chí, phim ảnh, giảng đường, đài truyền thanh... Ngay cả những bàn tán của người lớn quanh bàn trà quê mỗi tối đôi khi cũng có những tác dụng tương tự. 

Nhưng tịnh không có một lời nào về niềm tin giữa những con người trong xã hội này. Dường như đó là xã hội của loài lang sói. Chỉ đất nước tôi đang sống đây mới là xã hội của loài người. Tôi tin như vậy, và bao người khác cũng tin như vậy. 

Tin, nhưng trước mắt tôi lúc nào cũng như có một một màn sương mù bao phủ làm tôi không nhìn rõ được điều gì. Tất cả chỉ là suy đoán và cảnh giác. Một sự cảnh giác thường trực, được rèn rũa. 

Hình dung về xã hội bên ngoài trong đầu tôi là rõ ràng và chắc nịch. Những nhận định được giảng đi giảng lại như một niềm tin yêu vĩnh cửu lẽ nào lại có thể sai. Nhưng vì sao lại có màn sương che phủ? 

Những cái tên nước ngoài mỗi ngày thêm phổ quen thuộc. Bên cạnh tên của các nhà khoa học mà tôi gặp hang ngày trên trang sách, thì tên của cả các ca sĩ và các cầu thủ bóng đá cũng dần trở thành những cái tên cửa miệng: tong trang sách, trên mặt báo, trên màn hình ti vi, trong quán nước, ngoài đường phố. 

Tôi nhận ra có một sự mâu thuẫn đang quẩn quanh đâu đó chỗ này. Thế giới bên ngoài vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Xã hội bên ngoài vừa cụ thể rõ ràng, vừa mập mờ trừu tượng. Những cái tên nước ngoài vừa xa lạ vừa gần gũi. 

Màn sương vẫn còn đó, dù đã mỏng đi đôi chút. Nhưng các ý niệm trong đầu tôi vẫn vững chắc. Tôi tụ nhủ: Chân lý có bao giờ sai. 

Nhưng vì sao chân lý lại ẩn nấp sau một màn sương mờ? 

Tôi chìm trong sự hoài nghi dày đặc. Tôi hoang mang nhận ra các mâu thuẫn. Và các diễn giải, không phải lúc nào cũng đưa ta đến gần sự thật. 

Sự tò mò của tuổi trẻ đã kéo tôi ra khỏi màn sương đó. Tôi muốn thấy bên ngoài họ sống và làm việc như thế nào. Tôi muốn nhìn thấy nó rõ ràng. Mà như vậy, tôi chỉ còn một cách là phải đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mặt... 

2. Tôi ra đi với tâm trạng đầy tò mò và cảnh giác. Để rồi cũng đầy vật vã khi nhận ra chân lý chỉ là định kiến được tưới mãi vào đầu. Rồi cũng đầy an ủi khi thấy rằng đã là con người thì ở đâu cũng có tin yêu, dù vẫn còn đó sự bất toàn, tốt xấu song hành. 

Tôi lang thang từ hệ thống này sang hệ thống khác. Vấn đề là ở những định kiến mang tính hệ thống, chứ không phải ở con người. 

Tôi dành hai năm để kết tinh lại nhận thức của mình. Tôi thay đổi, vì trải nghiệm, không phải vì những lời thuyết giảng. 

Rồi tôi đi xa hơn nữa. Càng đi xa, tôi càng xót xa vì sự lệch lạc, thậm chí kỳ quái, trong những nhận thức trước đây của bản thân mình. 

3. Tôi có bạn bè mới, thầy cô mới, đồng nghiệp mới. Trong công việc không có định kiến, không có phân biệt. Tất cả diễn ra trong một sự trung thực và cởi mở hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức ngạc nhiên. 

Tôi chìm đắm trong bầu không khí dân chủ, bình đẳng và tinh thần tự do học thuật. Tôi thấy mình được tôn trọng, và ý thức được mình có quyền được người khác tôn trọng. 

Tôi phải làm đủ thứ giấy tờ nhưng không bao giờ thấy những con dấu đỏ. Chỉ cần một chữ ký cá nhân là đủ, một cuộc điện thoại, một lá email là xong. Không ai hạch sách, không ai đòi kiểm tra, không ai đòi công chứng bản gốc. 

Tôi lên tàu điện: không có người soát vé. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi. Thỉnh thoảng họ có đi kiểm tra định kỳ thì cũng rất lịch sự, không gây cho mình cảm giác khó chịu. 

Tôi ra siêu thị: không ai bắt tôi phải gửi đồ trước khi vào mua hàng. Không ai kiểm tra chúng tôi khi ra. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi. 

Tôi và một người bạn đi mua bảo hiểm xe. Điều khoản cho thấy biết, nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: nếu chúng tôi bán xe rồi báo mất thì sao? Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên mất một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: tôi tin các anh không làm thế. 

Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tin tưởng mang tính hệ thống. Một sự tin tưởng cá nhân mạnh mẽ lan tỏa trong toàn xã hội. Chữ Tín được xác lập mà không cần sự có mặt của các loại công chứng bản gốc, chứng thực, xác nhận... 

Tôi vỡ ra: À, ra thế. Họ giàu mạnh vì họ tin ở con người. 

4. Mười hai năm sau tôi trở về. Nhiều cái như xưa. Nhiều cái hơn xưa. Nhưng cũng nhiều cái tệ hơn xưa. 

Tôi làm thủ tục nhận đồ mình gửi cho mình. Tên tôi đây. Địa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc? 

Tôi có làm gì đâu, chỉ là nhận đồ mình gửi cho mình thôi mà sao phức tạp như vậy. Lẽ ra tôi chỉ chờ ở nhà, đúng hẹn công ty vận chuyển sẽ mang đồ đến. Tôi chỉ cần ký xác nhận là xong. 

Tôi được giải thích ở Việt Nam mọi thứ cần phải đúng quy trình chứ không đơn giản như vậy. 

Tôi ngẫm ra: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin. Mà càng ít niềm tin thì càng nghèo khó. 

Tôi bật cười: nghèo khó đúng quy trình. 

5. Tôi đưa gia đình đi siêu thị Big C Long Biên. Niềm vui khi thấy một siêu thị bề thế, nhộn nhịp vừa mới nhen lên thì gặp ngay một chuyện ngỡ ngàng: Tất cả những ai muốn vào siêu thị đều phải gửi đồ bên ngoài. Con gái tôi có một túi khoác nhỏ để đựng mấy thứ lặt vặt cũng phải niêm phong rồi mới được mang theo. 

Vì sao vậy? Chúng tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: Đây là quy định. 

Quy định gì? Quy định không được tin nhau. 

Câu chuyện có lẽ sẽ chỉ là một phiền toái buồn, nếu không có chuyện sau khi thanh toán, tất cả khách hàng lại bị kiểm tra một lần nữa, và hóa đơn phải được đóng dấu đỏ “đã thanh toán” thì mới được nhân viên an ninh cho ra ngoài. 

Chúng tôi tự hỏi: chuyện quái quỉ gì đang xảy ra vậy? Quầy thanh toán có hai nhân viên kiểm tra và tính tiền. Từ quầy thanh toán ra đến cửa ra này chỉ chừng 2 mét, lại không có hàng hóa gì bày bán trên đoạn đường 2 mét đó. Vậy cớ sao phải kiểm tra lại? Cớ sao phải đóng dấu vào hóa đơn thì mới được ra? 

Vợ tôi phản ứng dữ dội: Nếu kiểm tra mà không tìm thấy sai sót nào thì các anh có xin lỗi chúng tôi không? Nhưng chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng: Đây là quy định. 

Tôi nhìn những người xếp hàng chờ kiểm tra và đóng dấu hóa đơn. Tất cả đều kiên nhẫn và ngoan ngoãn. Họ có thể làm gì trên đoạn đường dài 2 mét đó để phải chịu cảnh khám xét? 

Tôi lặng lẽ quan sát. Rất nhiều người lớn tuổi. Lịch sử như phảng phất qua bộ quân phục cũ. Một vài nụ cười cầu hòa dù chủ nhân không làm gì sai. Một vài ánh mắt lấm lét không có lý do. Nhiều gương mặt cam chịu và chờ đợi cảnh được khám xét. 

Tôi cố gắng tìm lý do để biện minh cho việc làm kỳ quái đó, nhưng không thể. 

Tôi rút ra kết luận: Người Việt không tin người Việt. Người Việt không hiểu răng mình có quyền được người khác tôn trọng. 

Xã hội đang bắt người Việt phải nghi ngờ nhau. 

Nghi ngờ theo quy định. 

Và có cả một hệ thống gia cường cho những quy định đó. 

6. Chúng tôi ra về, nhưng câu hỏi: Vì sao người Việt không tin nhau vẫn là một ám ảnh. Phải chăng chúng ta đã quen sống trong một sự cảnh giác thường trực đến độ thành phản xạ có điều kiện? Phải chăng di chứng của mấy chục năm chiến tranh vẫn còn hằn nặng, để người Việt luôn thấy mọi thứ xung quanh đều là thù địch, đáng ngờ? Hay có một hệ thống tinh vi đang bắt chúng ta phải nghi ngờ nhau “theo quy định, đúng quy trình”? 

Tôi bất giác nhớ đến mớ giấy tờ đỏ choét những con dấu công chứng sao y bản gốc. Tôi tự hỏi: Tôi và triệu người quanh tôi đã mất bao nhiêu thời gian cho những thứ này? 

Tôi thở dài: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin. 

Tôi tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin”? 

Và khi nào thì người ta không tin nhau? 

Rõ ràng là khi có sự dối trá. Người ta không tin nhau khi cần phòng tránh sự dối trá. 

Vậy là đang có một sự dối trá phổ biến, đến mức một đoạn đường 2 mét và được kiểm soát chặt chẽ cũng trở nên đáng ngờ. 

Sự nghi ngờ đã lan trên từng mét đất. 

Và chúng ta đã mất biết bao nhiêu thời gian và nguồn lực để cảnh giác, phòng tránh, đương đầu với sự dối trá này? 

Không ai thống kê định lượng, nhưng chắc hẳn là rất nhiều. Nhiều đến mức có thể làm cho đất nước ta kiệt quệ. Kiệt quệ vì luôn phải cảnh giác, đề phòng. 

7. Việt Nam đang rất cần một sự quy tụ nguồn lực để phát triển. Nhưng quy tụ làm sao khi cả xã hội sống trong tâm trạng cảnh giác thường trực, lúc nào cũng nơm nớp đề phòng? Quy tụ làm sao khi sự giả dối đã trờ thành “nỗi nhục lớn”? Quy tụ làm sao khi niềm tin giữa người với người đã trở lên cạn kiệt? 

Việt Nam đang rất cần hội nhập, rất cần làm bạn với thế giới bên ngoài. Nhưng hội nhập làm sao khi luôn nhìn thế giới bên ngoài với con mắt thù địch nghi ngờ? Làm bạn làm sao khi không có lòng tin vào đối tác của mình? 

Đất nước đã thống nhất nhưng lòng người chưa thống nhất. Di sản của mấy mươi năm chiến tranh quá đỗi nặng nề. Trong này kinh tế khó khăn. Ngoài kia Biển Đông nổi sóng. Một cuộc hòa giải, để sau đó có một sự hòa hợp Nam Bắc, trong ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng hòa giải, hòa hợp làm sao khi sự nghi kỵ nhau đã được nâng lên thành quy định? 

Niềm tin là một vốn quý của xã hội. Nhiều học giả đã gọi niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin cạn thì vốn xã hội cũng cạn theo. Mà cạn vốn thì làm sao phát triển? 

Vậy nên, câu chuyện về vốn xã hội, trước hết phải là câu chuyện của niềm tin. Mà câu chuyện của niềm tin thì có gì khác hơn là câu chuyện về sự trung thực? 

Cũng vậy nên, để khôi phục được niềm tin và làm giàu thêm lưng vốn của mình, vốn đã bị chiến tranh và những sai lầm trong lịch sử tàn phá làm quá nhiều, thì trước hết phải khôi phục được sự thẳng ngay trung thực. 

Không có sự trung thực thì không có niềm tin. Không có niềm tin thì thời gian và nguồn lực sẽ chỉ dành cho việc nghi ngờ, đề phòng và cắn quẩn lẫn nhau. Mà mề phòng cắn quẩn lẫn nhau thì nghèo hèn, tụt hậu sẽ là điều tất yếu.



 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo