“Ðòi cho bằng được tự do, công bằng, quyền căn bản của con người không thể xem là một cái tội” - Dân Làm Báo

“Ðòi cho bằng được tự do, công bằng, quyền căn bản của con người không thể xem là một cái tội”

Phương Bích - Gần như cả đời, tôi chỉ được đọc sách báo “cách mạng” phát hành. Có lần, ông trưởng phòng cũ của tôi trích dẫn lời một tổng thống Mỹ nói: “Chủ nghĩa cộng sản là một quái thai của thế kỷ 20”, tôi đã bĩu môi bĩu mỏ, bảo: không nghe cái luận điệu hằn học của “bọn tư bản”! 

Bây giờ phần nào hiểu, mình u mê một cách khủng khiếp và... lâu đến thế. Nói ra thật xấu hổ, cuối năm 2011, tôi mới biết đến Facebook. Ở đó, người ta dẫn cho mình biết rất nhiều thông tin, thứ không bao giờ có thể tìm thấy trên phương tiện truyền thông nhà nước. Sự thật về “Cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc, và phiên bản của nó là “Cải cách ruộng đất” ở Việt Nam thì nhiều người nghe và đọc. Nhưng biết đến đâu lại là chuyện khác. 

Sau “Chuyện làng Cuội” đến “Đêm giữa ban ngày”, gần đây, tôi mới đọc thông tin về cuộc nổi dậy của nông dân ở Quỳnh Lưu – Nghệ An năm 1956. Hỏi một số người lớn tuổi, hầu như chả ai biết tý gì về sự kiện này. Còn lớp trẻ xứ Nghệ nói, “dân Nghệ An ngày nay không thấy nhắc đến biến cố này. Không ngờ thời đó, dân Quỳnh Lưu quật cường thế”. Người khác lại bảo: “Chưa có nhiều người biết về giai đoạn lịch sử bi hùng này của dân miền Trung nói chung, Nghệ An nói riêng”. 

Kinh thật! Ngần ấy năm, sự kiện bi thương cùng số phận của biết bao nhiêu người Việt Nam, qua bao nhiêu thế hệ gần như đã bị quên lãng ngay trên mảnh đất đó, nói gì đến con người ở những miền đất khác? Và đó chỉ là một trong vô vàn sự thật khác không được mấy người biết tới. 

Trong suy nghĩ của tôi không còn là sự nghi ngờ nữa. Cái mà giờ đây tôi không tin, chính là những thứ đã nhồi nhét vào đầu tôi suốt mấy chục năm qua. Giống như một khối ung thư, cái gì cố giấu diếm thì một ngày nào đó cũng sẽ vỡ toác ra thôi. 

Nhưng từ việc không tin, đến việc nói ra để phản đối là hai chuyện có khoảng cách khá xa nhau. Trước đây, khái niệm tù luôn đi với tội. Khi đã biết nhiều người bị kết án tù chỉ vì họ lên tiếng phản đối chế độ, thì tôi mới hiểu câu nói: "Ðòi cho bằng được tự do, công bằng, quyền căn bản của con người không thể xem là một cái tội".

Tôi không được vinh dự biết đến những con người mà dưới mắt chính quyền họ là những tội đồ, nhưng trong con mắt của nhiều người khác (trong đó có tôi) thì họ là những con người cấp tiến. Họ đã không chịu khom lưng quỳ gối, sẵn sàng đánh đổi tự do của mình cho một tương lai tươi đẹp hơn cho nhiều người. Trong số họ, có người vẫn trong ngục tù, có người đã mãn hạn, và tôi luôn dành cho họ một sự cảm phục, mến thương. 

Trong ngày đầu xuân năm nay, khi được rủ đi thăm một người tù có cái tên khá quen thuộc trên mạng – Phạm Văn Trội, tôi bỏ qua được sự e ngại không phải từ phía chính quyền để đến với họ, mà vì họ là một trong những người tù khá nổi tiếng, vì đã dám lên tiếng đấu tranh từ cách đây nhiều năm. 

Thật may mắn là chúng tôi được gặp cả vợ chồng luật sư Nguyễn Văn Đài, người cũng đã mãn hạn tù gần hai năm trước. Trong khi những người đàn ông nói chuyện với nhau, tôi xúc động nhìn những người vợ trẻ của họ, cảm nhận được sự kiên cường của họ trong lúc chuyện trò. Cho dù họ rất cứng cỏi, nhưng tôi cứ mườn tượng về những ngày tháng vất vả, cô quạnh của họ trong suốt thời gian chồng họ bị bắt giam. Một người ví họ như người đàn bà trong chinh phụ ngâm, vò võ chờ chồng nơi chiến địa. Tuy sự so sánh này không hoàn toàn chính xác, và không chỉ là vò võ chờ chồng mà họ còn phải chịu bao nhiêu cực khổ khác không sao đong đếm được. 

Thời gian trôi nhanh trong buổi chiều mùa đông. Câu chuyện của những người cựu tù dù không mới nhưng vẫn gây một cảm giác buồn, nặng nề và phẫn uất. Bà mẹ của Trội đi chúc tết hàng xóm về, cũng ngồi xuống chiếu nói chuyện với chúng tôi. Nghe bà kể chuyện, tôi thích lắm. Có vẻ như với những người tù chính trị như Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Đài luôn được sự đồng thuận từ những người mẹ, người vợ. Đơn giản vì những gì họ làm là lẽ phải mà thôi. 

Thêm một điều thú vị là chúng tôi gặp cả thày giáo Đỗ Việt Khoa cũng đến chơi nhà Phạm Văn Trội. Tôi thực sự không muốn dùng từ "Người đương thời" để chỉ thày, nhưng cũng cảm phục thày không kém vì những gì thày đã dũng cảm lên tiếng, tố cáo những sai phạm trong ngành giáo dục. Chỉ tiếc rằng những người như thày Khoa còn quá ít, và cuộc đấu tranh của các thày quá đơn độc. 

Rời nhà Phạm Văn Trội khi trời đã tối. Mấy tiếng đồng hồ mà dường như chưa nói với nhau được bao nhiêu. Lưu luyến chia tay với lời hẹn gặp lại, chúng tôi tiếp tục đến điểm tiếp theo là gia đình Lê Thị Công Nhân. 

Tương tự như mẹ của Phạm Văn Trội, mẹ của Lê Thị Công Nhân rất ủng hộ con. Bà cũng kiên cường không kém gì cô con gái. Bà say sưa kể về những ngày tháng bị chính quyền o ép, theo dõi, gây khó dễ đủ bề trong thời gian Nhân bị giam giữ. Dù những người tù có bị đày đọa về thể xác và tinh thần trong tù ghê gớm đến đâu, nhưng có lẽ, người tôi thương và cảm phục nhất chính là những người vợ, người mẹ. Mượn lời của một facebooker “Hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới chiến thắng được”.

*** 

Chiều 30 tết, ngồi ăn cùng bố, phát hiện ra bố "giác ngộ" hơn tôi tưởng. Chính bố mào đầu câu chuyện, về việc bố nghe tay đại tá nào đó nói trên đài về vai trò lãnh đạo cần thiết của đảng. Bố bảo đúng là kiểu nói cùn, nói lấy được. Một mình nó một diễn đàn, ai nghe hay không "mặc mẹ" mày. Chứ cứ thử đăng đàn đối thoại xem, nó chả chết liền tại trận. Kiểu này đúng là nó nói một mình nó nghe, ngứa tai không chịu được. 

Bố còn nói một tay phó thủ tướng Trung Quốc, từng nói về sự tồn tại của mặt trận tổ quốc. Bảo rằng đó là một nơi để dùng để trang trí cho dân chủ, toàn những kẻ hết hơi, bảo sao nghe vậy, không được tích sự gì mà chỉ tốn tiền nuôi báo cô. Đấy! Cỡ phó thủ tướng Trung Quốc mà nó còn nói thế... 

Nhân thể, tôi hỏi, vậy các nhân sĩ trí thức đang kiến nghị sửa đổi Hiến pháp đấy, bố có đồng ý ký không? Bố bảo đồng ý 3 điểm: 

1/ Sửa đổi điều 4, bác bỏ vai trò lãnh đạo đất nước của đảng (ủng hộ có 3 đảng cạnh tranh và kiểm soát lẫn nhau như đảng Xã hôi, đảng Dân chủ, chứ không thể độc đảng Cộng sản như hiện nay được) 

2/ Quân đội phải trung thành với Tổ quốc và Nhân dân (không phải trung thành với đảng). 

3/ Sở hữu đất đai phải là đa thành phần, trong đó có tư nhân. 

Thoạt đầu bố còn băn khoăn về điểm thứ 3- luật đất đai. Tôi giải thích, nếu không có sở hữu tư nhân, người ta sẽ lợi dụng danh nghĩa nhà nước để thu hồi đất của người này giao cho người khác, thế thì khác gì ăn cướp? Chính vì thế mà bao nhiêu năm nay, các công ty này nọ núp bóng chính quyền để phá nhà, cướp đất của người dân, khiến cho họ đi khiếu kiện hết năm này qua năm khác như thế đấy. Bố gật gù bảo, vậy con đăng ký cho bố. 

Sáng mồng một tết, tôi gửi emai đăng ký cho bố ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp rồi thông báo cho bố, bố có vẻ phấn khởi lắm. Bố bảo bố sẵn sàng tranh luận với bất cứ ai muốn đến “thuyết phục” bố. 

Vâng! Cứ thử xem. 

Chùm ảnh chuyến đi chúc Tết ngày 2 tháng giêng năm Tân Tỵ: 

Khởi đầu chuyến đi chúc tết là đến thăm cụ bà Lê Hiền Đức 

Tại cổng nhà Phạm Văn Trội 

Từ trái sang: thày giáo Đỗ Việt Khoa, Phạm Văn Trội, 
Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Kim, nhà văn blogger Nguyễn Tường Thụy, 



Từ trái sang: vợ Nguyễn Văn Đài, vợ Phạm Văn Trội. 
 Nhìn họ, tôi lại nhớ vợ những người cách mạng tháng Chạp ở Nga thời Sa Hoàng. 

Tạm biệt trong lưu luyến 

Thăm gia đình luật sư Lê Thị Công Nhân




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo