Phương Bích - Thực ra trước ngày 17/2, một bác có nói, nên làm gì đó để nhắc nhở ngày lính Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Sau việc các bác cao niên đến đặt hoa ở đài liệt sĩ vô danh trên đường Băc Sơn bị ngăn cản, tôi và một chị có đến số 1 Ông Ích Khiêm để hỏi về việc, muốn đặt vòng hoa tưởng niệm cũng phải đăng ký là thế nào?
Họ giải thích nếu đăng ký theo đoàn thì sẽ có tiêu binh khiêng vòng hoa, có cử nhạc “Hồn tử sĩ”. Theo “quy định” thì băng rôn trên vòng hoa là mặc định vải đỏ, in dòng chữ vàng : “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ”
Chúng tôi lại hỏi, nếu cá nhân chúng tôi vào đặt hoa thì sao? Cũng phải đăng ký à?
Họ trả lời, nếu cá nhân thì chỉ cần làm việc với lính gác ở đó!
Xem ra, họ chả biết gì về chuyện xảy ra ở đài liệt sĩ trên đường Bắc Sơn hôm 17/2. Chúng tôi biết có tranh luận với họ cũng bằng thừa, vì lúc nào họ cũng sẽ chỉ nói một câu: theo lệnh cấp trên!
Có mỗi chuyện tưởng nhớ đến người đã khuất xem ra chả đơn giản. Chúng tôi đâu chỉ tưởng niệm các liệt sĩ, mà còn cả vạn người dân vô tội bị giết chết trong cuộc chiến tranh này nữa chứ?
Người thì bảo ta cứ làm theo ý ta, cứ căng băng rôn của mình lên vòng hoa. Nếu họ ngăn cản sẽ càng lộ cái bộ mặt xấu xa, khốn nạn của họ. Người thì bảo, bản chất nó đã lộ hết ra từ lâu rồi, đâu cần vạch mặt nữa? Không nhất thiết cứ phải “cãi cọ” với họ mới là yêng hùng…
Công việc đời thường cuốn mỗi người đi mỗi ngả công việc. Thời gian sầm sập trôi. Ký ức đau thương về cuộc chiến tranh biên giới năm nào, dường như vẫn nhạt nhòa trong đời sống thường ngày. Trong khi đó người ta không hề quên ngày rằm, mồng một. Người ta vẫn nườm nượp trảy hôi chùa chiền, cầu bái…
Mồng 5 tháng 3 qua nhanh. Chưa kịp làm gì đã sắp tới ngày 14/3. Thấy trên mạng cũng kêu gọi nhiều hình thức tưởng niệm, ở nhiều địa điểm khác nhau. Tôi mắc “bố mọn” nên chọn phương án đến chùa Tảo Sách, để tham dự lễ cầu siêu các liệt sĩ Gạc Ma. Tuy nhiên vào phút chót, tôi lại thay đổi kế hoạch, phải “gửi” bố cho các anh chị chăm sóc hộ ngày rưỡi để đi Hải Phòng. Nhờ vậy tôi mới có một chuyến đi đáng nhớ như thế. Cảm ơn các anh chị em, những người đã góp phần làm nên chuyến đi này.
Về đến nhà, post ảnh, viết bài tường thuật chưa kịp nguội, một bác đã nhắc: Còn lễ tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ trong chiến tranh biên giới nữa đấy!
Thương sao đất nước mình. Một đất nước có quá nhiều ngày đau thương phải nhớ đến.
Một bác nói: Không việc gì phải đăng ký đăng cọt gì sất. Tiền của dân xây nên đài liệt sĩ mà dân lại phải xin phép với đăng ký cái gì? Cứ để cho họ ôm lấy mà giữ.
Mọi người chọn phương án thả hoa trên sông. Một người nhận đi thị sát địa điểm trên sông Hồng. Buổi chiều tôi đi đặt hoa, loay hoay mãi mới chọn được kiểu vòng hoa tròn nhỏ. Ban đầu tiết kiệm, định chỉ đặt mỗi cái đế, nhưng chả ai đồng ý "bán cơm mà không kèm canh”. Đành rút xuống từ 25 vòng xuống còn 10 vòng. Bảo họ cắm thử một vòng, thấy cũng ổn ổn.
Tôi chợt nhớ đến hình ảnh “Phượng cháy”. Mỗi khi có mưa, những cánh Phượng đỏ thắm nổi bồng bềnh trên mặt nước, chảy thành dòng nên người ta gọi là Phượng cháy. Một em trong đoàn nhận mua hoa hồng, tẽ rời thành từng cánh để rắc xuống sông cùng với những vòng hoa.
9 giờ sáng chủ nhật, 17/3 - đang chờ lấy hoa thì trời bỗng đổ mưa. Lo lắng quá chừng. Trong khi đi mua lịch túi để cắm vào mỗi vòng hoa, tôi chợt nghĩ: sao lại là 10 vòng hoa mà không phải là 12 vòng, tượng trưng cho một tiểu đội nhỉ? Vậy là hối hả chạy lại, bảo họ cắm gấp thêm cho 2 vòng nữa.
Một mình tôi không chở hết hoa, phải gọi Xuân Diện đến chở phụ. Hắn đến, nhìn những vòng hoa rồi xin nhà hàng sợi dây, bảo để buộc những vòng hoa vào với nhau, cho trôi thành hàng giống như môt đội ngũ…
Mấy chị em tôi đội mưa ra sông Hồng. May quá! Đi một quãng thì trời tạnh ráo. Không đợi mọi người ở chỗ hẹn là cửa khẩu, chị em tôi ra bãi sông trước, hoang mang không nhìn thấy nhà đò, mới chiều qua còn đỗ ở đây. Cần đò là vì sợ thả hoa ở ven sông, nước chảy quẩn hoa sẽ không trôi xuôi được.
Trong khi còn nhìn quanh quất tìm đò, ngoảnh lại phía sau thấy từ xa cả một đoàn xe máy đi vào. Ban đầu chỉ dám rủ dăm bảy người, ai ngờ lại đông thế. Thấy cả vợ chồng giáo sư Đông Yên, giáo sư Hoàng Xuân Phú, bác Quang A, anh Ba Sàm, bác Đăng Quang và thêm nhiều anh chị em khác.Mọi người hồ hởi bắt tay, chào hỏi nhau tíu tít.
Mọi khi làm gì cũng còn ý ới chán. Riêng lần này chỉ ới có hơn một ngày. Cuối ngày thứ bảy Xuân Diện mới được “giao” soạn văn tế. Hắn giãy lên đành đạch, bảo gấp quá. Nhưng rồi cũng miệt mài viết được bài văn tế khá hay, thêm giọng đọc truyền cảm chẳng ai bằng.
Đã có những video clip, những bức ảnh thay mọi lời nói về lễ tưởng niệm đơn sơ bên bờ sông Hồng, cho gần 6 vạn chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh này. Có rất nhiều điều may mắn mà không ít người nghĩ đó là do trời phù hộ. Như trời đang mưa lại tạnh. Không có đò rồi lại gọi được đò. Rồi bát hương bỗng hóa lúc tàn hương v.v…
Nhìn những cánh hoa trôi bập bềnh trên những ngọn sóng, tôi lại nghĩ về một tượng đài mà người ta phải được phép mới được bước chân vào. Hơn tất cả mọi tượng đài hoành tráng, khô cứng nào khác được xây nên, có tượng đài nào lớn hơn tượng đài trong tim mỗi người, hơn tượng đài bằng dòng sông lớn chảy trong lòng đất mẹ hôm nay?
Xin hãy đón nhận hương, hoa, và tấm lòng thành kính của chúng tôi!
Bồng bềnh trôi về biển
Bát hương bốc cháy rừng rực. Mọi người bảo, vậy là thiêng lắm đấy.
Cả đoàn chụp kỷ niệm trước khi ra về (vẫn thiếu 2 phó nháy và giáo sư Đông Yên)