Nhóm “Công dân tự do” ra tuyên bố ủng hộ PV Nguyễn Đắc Kiên - Dân Làm Báo

Nhóm “Công dân tự do” ra tuyên bố ủng hộ PV Nguyễn Đắc Kiên

Gia Minh (RFA) - Trong thời gian gần đây những người có tâm huyết với vấn đề đất nước đã cùng nhau đưa ra những bản kiến nghị tập thể nêu ý kiến giúp mang lại những thay đổi tốt đẹp cho đất nước, cũng như ủng hộ cho những người dám công khai bày tỏ chính kiến và bị nhà cầm quyền trù dập. Việc làm đó đang lớn dần và có thể nói là một phong trào mà nhiều người biết đến đều ủng hộ...

*

Tán đồng 

Những người ký tên vào Lời Tuyên bố là những blogger, nhà báo, nhân sĩ, sinh viên… Nội dung của Lời tuyên bố cho biết họ sát cánh với nhà báo Nguyễn Đức Kiên; đồng thời kêu gọi những công dân khác cùng sác cánh với họ nêu ra 5 tuyên bố. 

Thứ nhất họ không chỉ muốn bãi bỏ điều 4 qui định về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mà cũng như trong bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là muốn tiến hành một hội nghị lập hiến. Từ đó lập ra một hiến pháp mà họ cho là thực sự phản ánh ý chí của toàn thể người dân Việt Nam. Nhóm cũng nói họ ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, tiến bộ và vì hòa bình. Nhóm cũng ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập; tăng tính tự trị cho các địa phương , xóa bỏ những tập đoàn quốc gia làm tiêu tốn ngân sách nhà nước... Nhóm cho rằng họ có quyền tự do được tuyên bố những điều như vừa nêu không ai có thể tước đoạt quyền đó của họ.

Blogger Gió Lang Thang, một trong nhóm những người ký tên đầu tiên trình bày lại lý do tham gia Lời Tuyên bố của các Công dân tự do: 

“Những điều trong bài viết của anh Nguyễn Đắc Kiên được đưa lên mạng thì mọi người đều cho đó là việc thể hiện quyền con người, tự do cá nhân, tự do ngôn luận. Ai cũng có những quyền như vậy. Nhưng sự việc mà anh ấy bị cơ quan chủ quản, tổng biên tập báo cho nghỉ; đó là một sự vi phạm các quyền đó một cách trắng trợn. 

Những điều anh ấy nói, phát biểu là đóng góp cho kiến nghị mà các cơ quan truyền thông, đài báo chính thống của Nhà nước tuyên truyền mọi công dân có quyền nói lên tiếng nói của mình; như vậy anh ấy làm việc đáng ra được khích lệ nhưng vì những lời phát biểu của anh ấy không theo định hướng của Đảng, không theo ý muốn của các nhà lãnh đạo của Đảng nên anh ấy bị như thế. 

Việc ký tên vào bản tuyên bố của Các Công dân Tự do như em nhằm ủng hộ tinh thần và thể hiện thái độ của mình, các quyền tự do của mình.” 

Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Courtesy NguyenDacKien's facebook. 

Một blogger khác là ông Huỳnh Công Thuận tại Sài Gòn nêu lại thực tế trong việc người dân góp ý cho cơ quan chức năng tại Việt Nam trong thời gian qua:

“Đã nhiều chuyện lắm rồi; nhưng vừa qua người ta đưa ra yêu cầu toàn dân góp ỷ sửa đổi hiến pháp. 72 nhân sĩ, trí thức đã đưa ra bản góp ý, và đến Quốc hội để trình đàng hoàng rồi. Chúng tôi cũng ủng hộ việc đó. Bây giờ đến trường hợp của anh Nguyễn Đắc Kiên quá nặng rồi. Người ta góp ý thực sự, công khai, ‘nhẹ nhàng, êm thắm’; người ta dùng quyền công dân để nói thì lại bị trù dập, trù ém một cách có thể nói theo từ bình dân là ‘đê tiện, hèn hạ’ quá. Thành ra tôi không thể chịu được trò đó nữa.” 

Tác động 

Tuy nhiên theo blogger Gió Lang Thang thì việc đưa ra lời tuyên bố ủng hộ cho nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đó cũng có thông điệp nhắn gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam: 

“Việc sửa đổi hiến pháp phải tôn trọng quyền lập pháp của người dân. Mọi người dân đều có quyền được đóng góp và phải được tôn trọng.Việc sửa đổi hiến pháp đó phải vì quyền lợi của nhân dân, chứ không phải vì giữ gìn một ‘chính thể, chính đảng’ đang nắm giữ quyền lực, và dùng quyền lực đó để bắt mọi người, mọi công dân phải im miệng, phải nghe theo những điều mà Đảng Cộng sản, những nhà lãnh đạo Nhà nước hiện tại muốn làm.” 

Blogger Huỳnh Công Thuận tại Sài Gòn cũng nói đến tác dụng có lợi của việc lên tiếng lâu nay của nhiều tầng lớp người dân trong các vấn đề của đất nước nhất là đợt góp ý sửa đổi hiến pháp năm 1992 hiện nay:

“Dù theo chiều hướng nào cũng có lợi. Nếu theo chiều hướng tích cực, người ta có nghe, có sửa đổi thì tốt; còn nếu người ta đàn áp mạnh thêm nữa cũng tốt thôi. Ví dụ bản thân tôi bị theo dõi bao nhiêu năm nay, bị những trò ‘dơ bẩn’ đối với tôi rồi, bây giờ làm thêm nữa có sao đâu. Cũng dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của đất nước này chứ có hại gì lắm đâu. Điếu Cày bị tù 12 năm, Tạ Phong Tần 10 năm, rồi những người ở Bia Sơn có gì đâu mà tù chung thân! 

Theo tôi thì hai chiều hướng: tích cực cũng tốt mà tiêu cực cũng tốt. Lúc trước chúng tôi góp ý, kiến nghị; qua giai đoạn bây giờ chúng tôi lại tuyên bố, và chúng tôi đưa ra tố cáo những sự việc mà nhân danh công an làm những chuyện phi pháp về hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi không xin xỏ, không khiếu nại nữa. Rõ ràng đó là một bước dài, phải mười mấy năm mới được như vậy. 

Chúng tôi từng kêu gọi người dân có quyền lập hiến. Đầu năm vừa rồi chúng tôi dựng biểu ngữ kêu gọi người dân có quyền lập hiến. Đó là quyền ở tất cả các nước. Lập hiến là quyền của công dân chứ không phải của một đảng phái nào!” 

Trong thời gian gần đây những người có tâm huyết với vấn đề đất nước đã cùng nhau đưa ra những bản kiến nghị tập thể nêu ý kiến giúp mang lại những thay đổi tốt đẹp cho đất nước, cũng như ủng hộ cho những người dám công khai bày tỏ chính kiến và bị nhà cầm quyền trù dập. 

Việc làm đó đang lớn dần và có thể nói là một phong trào mà nhiều người biết đến đều ủng hộ.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo