Le Nguyen (Danlambao) - Ba mươi tám năm thời gian “hơi bị dài” cho dân tộc Nhật Bản, một nước bại trận trong thế chiến thứ 2 đã sừng sững đứng lên từ đống tro tàn đổ nát, kiến thiết phát triển đất nước của con cháu Thái Dương Thần Nữ trở thành siêu cường kinh tế.
Ba mươi tám năm thời gian đủ dài cho phần đất tự do phía nam bán đảo Triều Tiên của dân tộc Đại Hàn vừa chiến đấu, vừa hòan thiện thể chế chính trị dân chủ đưa nửa nước phát triển trở thành con rồng, con hổ kinh tế Á Châu.
Ba mươi tám năm biến thiên vật đổi sao vời, với biết bao đổi thay của tư tưởng, tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà thế giới văn minh mang đến cho loài người. Chuyện thay đổi tưởng chừng như chuyện thần thoại là ông Barack Obama người da màu 200 năm trước ở Hoa Kỳ là sắc dân nô lệ, 100 năm sau sắc dân này mới được bình quyền đầu phiếu, 50 năm gần đây vẫn còn bị phân biệt đối xử nơi công cộng, vậy mà hiện nay dân da màu Obama là đương kim tổng thống của siêu cường Hoà Kỳ. Thay đổi khác là sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của mạng lưới điện toán toàn cầu đã xé nát bức màn bưng bít thông tin, đem loài người sống khắp nơi trên thế giới đến gần nhau, chỉ vài động tác cảm ứng hay vài ba cái nhấp chuột là cộng đồng mạng có thể chia sẻ chuyện vui buồn trong cuộc sống đời thường hoặc chuyện quốc gia đại sự.
Với ba mươi tám năm... ba mươi tám năm kết thúc chiến tranh của cái ngày gọi là 'đại thắng mùa xuân 75', 'giải phóng miền nam, thống nhất đất nước'. Cũng với ba mươi tám năm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã dìm đất nước Việt Nam xuống dưới đáy danh sách của các nước đói nghèo, lạc hâu, chậm tiến, xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi – "khó phát triển” như tướng công an Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện chiến lược bộ công an nhận định! Thế mà đảng cộng sản cứ nhắm mắt bịt tai, kiên quyết giành độc quyền dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi vào chốn hư vô bất định mang tên xã hội chủ nghĩa và thiểu số những kẻ cầm lái con tàu không định hướng, chính họ cũng chẳng ai biết điểm đến chủ nghĩa xã hội là cái quỷ quái gì, tròn méo ra sao nhưng vẫn luôn miệng hô hào xã hội chủ nghĩa là xã hội ưu việt, là xã hội lý tưởng của loài người văn minh?
Kết quả thực tế của con đường tiến lên xã hội của nghĩa của lý tưởng cộng sản đã mở ra cho loài người thấy, nó chỉ là mơ thôi, chẳng để lại dấu ấn gì cho nhân loại ngoài chết chóc khổ đau, chiến tranh loạn lạc, ám sát thủ tiêu, đày đọa hành hạ con người trong các trại tù khổ sai như thời trung cổ, cướp đi mạng sống của cả hàng trăm triệu người.
Ngày nay nhân loại hối tiếc vì đã nhận ra chủ nghĩa cộng sản là chọn lựa sai lầm tệ hại trong tiến trình phát triển xã hội loài người và chính thể cộng sản là tổ chức cai trị man di mọi rợ có một không hai trong lịch sử chính trị của loài người. Nguyên nhân lẫn hậu quả đến từ sự lãnh đạo phản khoa học, đầy mâu thuẩn với lý thuyết của chính nó đưa ra, ngay như khi Karl Marx, ông tổ cộng sản sử dụng duy vật biện chứng, duy vật sử quan đã vay mượn, bám víu vào thuyết tiến hóa của Charles Darwin để chứng minh loài người có nguồn gốc từ loài khỉ nhưng sang đến tay “đầu bếp” gian manh Lenin, thuyết Marx được “xào nấu” biến thành chủ nghĩa Marx-Lenin man rợ ứng dụng trong đấu tranh cách mạng, trong tổ chức cai trị thì Lenin lại lờ đi phần nghiên cứu “tác động hỗ tương dây chuyền” của đấu tranh sinh tồn, của chọn lọc tự nhiên trong thuyết tiến hóa của Darwin.
Qua quan sát trong thiên nhiên và phát triển tự nhiên của vạn vật gồm có nắng gió, mưa bão, chim chóc, bướm hoa, sâu bọ, cây cỏ... tất cả đều ít nhiều có tác động hoặc ảnh hưởng dây chuyền với nhau. Chẳng hạn như ít mưa thiếu nước sẽ làm cho cây cỏ khô héo úa vàng hay chim chóc vì nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan bị tiêu diệt sẽ làm cho sâu bọ gia tăng phá hoại mùa màng... và xã hội là sự hợp thành, hợp lực của nhiều thành phần khác nhau cấu thành động lực dây chuyền thúc đẩy xã hội phát triển.
Thế nhưng trong mô hình tổ chức nhà nước, tổ chức cai trị quản trị xã hội loài người, chủ nghĩa Marx- Lenin “tự tiện” phân chia giai cấp, hô hào đấu tranh giai cấp loại trừ “trí, phú, địa hào” đưa giai cấp công nông, thành phần lao động hiểu biết giới hạn, dư thừa “hung hăng” làm đội quân tiên phong lãnh đạo nhà nước và xã hội, là hành động phản khoa học phản tự nhiên biến thiện chí của những cá nhân dốt nát thiếu khả năng trở thành thảm họa cho nhu cầu phát triển cộng đồng nhân loại và thực tế cho thấy, tất cả các nước nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nông lãnh đạo bày trò kinh tế tập trung, kinh tế quốc doanh làm chủ đạo đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế hợp lẽ tự nhiên, phá nát nền tảng kinh tế truyền thống làm cho người dân của các nước xã hội chủ nghĩa ngoắc ngoải ở ngưỡng cửa nghèo, đói kém triền miên.
Đối chiếu từ kết quả xây dựng phát triển kinh tế của các nước trong chính thể dân chủ văn minh giàu có với chính thể cộng sản lạc hậu đói nghèo, chỉ ra cho chúng ta thấy rằng trong kế hoạch phát triển kinh tế làm cho dân giàu nước mạnh, ngoài nông dân, công nhân thành phần lao động chiếm đa số, không thể thiếu hoặc loại trừ thành phần thiểu số chuyên gia, trí thức, thương gia, kỹ nghệ gia... tức giai cấp trung lưu là xương sống của nền kinh tế, kinh tế thị trường góp phần không nhỏ giúp cho quốc gia của họ tiến lên hùng cường, thịnh vượng.
Cụ thể cho tư duy “công nông” lãnh đạo chính trị, hoạch định chính sách phát triển kinh tế của chính thể độc tài cộng sản Việt Nam là nguồn gốc phá hoại, gây ra thảm hoạ kinh tế được thể hiện qua các câu phát ngôn rất vai u thịt bắp của các lãnh đạo cao cấp: “... vừa làm vừa học... sai đâu sửa đó... thủng đâu vá đó...” nên đất nước tan hoang, kinh tế lụn bại kiệt quệ không có gì lạ, nó không tan hoang, không lụn bại kiệt quệ mới là chuyện lạ!
Nói rõ hơn, với một người có trình độ văn hóa cấp tiểu học khó có khả năng tiếp thu, nghe hiểu bài giảng kinh tế của cấp đại học để mang ảo tưởng “vừa làm vừa học” hay anh chị công nhân thiếu kiến thức kiến trúc, xây dựng nhà cao tầng gây ra sụt lún, nứt vỡ chỉ có cách là dỡ bỏ chứ làm gì “sai đâu sửa đó” được hoặc ông bà nông dân chèo xuồng ba lá, hăm hở vươn ra biển lớn với tư duy “thủng đâu vá đó” chỉ có nước làm mồi cho cá trước khi đối đầu với sóng to gió lớn mà thôi!
Giá trị nông dân chỉ có khả năng làm ra lương thực, nông phẩm. Công nhân chỉ góp phần làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống con người chứ giai cấp công nông không thể chế tạo máy móc, cải tiến kỹ thuật, hoạch định chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Tất cả phải cần đến chuyên gia, kỹ thuật gia, trí thức... cũng như bệnh cần phải có thầy thuốc, bác sỹ khám chữa bệnh, giáo dục phải cần có đội ngủ giáo viên, giáo sư giảng dạy và để nhiệm vụ giáo dục của trường đại học hay công tác y tế của bệnh viện đạt hiệu quả không nhất thiết cần đến khả năng của bác sĩ, giáo sư có cũng được, không có cũng không sao nhưng chắc chắn chuyên gia chuyên ngành quản trị và điều hành là nhân tố không thể thiếu trong hệ thống tổ chức vận hành đại học, bệnh viện.
Mặt khác, những người “vô sản chuyên chính” cả đời không có khả năng làm ra của cải vật chất nuôi sống bản thân, làm giàu cho chính mình lại thiếu giáo dục về đạo đức truyền thống nên khi tiếp cận với “phồn vinh giả tạo,” với “nếp sống đồi trụy dễ thương” với “chân dài thơm như múi mít” thì con thú nằm trong con người “vô sản” trỗi dậy dẫn đến hành động ăn cắp, ăn cướp giết người để cưỡng đoạt thoả mãn thú tính, vô cảm như những người máy không tim óc và tổ chức cai trị, quản trị không phải là sở trường, khả năng của “vô sản chuyên chính” thành phần công nông, nhân dân lao động mà luận thuyết công sản đề cao, đưa lên làm đội quân tiên phong lãnh đạo nhà nước, xã hội thì chuyện họ gieo rắc thảm họa cho nhân loại là đương nhiên không có gì khó hiểu cả.
Đến hôm nay gần 100 năm chính thể độc tài cộng sản hiện hữu bên giòng lịch sử nhân loại, 68 năm ngự trị trên nửa nước Việt Nam và 38 năm thống trị toàn cõi Việt Nam và qua tiếp cập thực tế giúp cho những người con của mẹ Việt Nam một lòng, một dạ “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” nhận diện rõ hơn chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, cơ cấu tổ chức nhà nước độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo là sai lầm tệ hại, không thể dẫn đưa đất nước dân tộc Việt Nam đi đến hùng cường thịnh vượng, sánh vai cùng bè bạn năm châu.
Bên cạnh cả nước tiếp cận “bị” sống trong thể chế độc tài cộng sản là số lượng nhiều triệu người Việt Nam lưu lạc khắp nơi trên thế giới sống hít thở không khí tự do trong lòng nhiều chính thể dân chủ khác nhau cũng đã nhận ra ưu khuyết điểm tồn tại phát sinh của các loại mô hình dân chủ trong quá trình hình thành, phát triển chính thể dân chủ. Qua đó cho chúng ta có cơ sở so sánh để biết rằng, muốn đất nước phát triển hoà nhập vào nếp sống văn minh tiến bộ của cộng đồng nhân loại, chúng ta phải, bắt buộc phải loại trừ mọi tàn tích cộng sản ra khỏi đời sống của dân tộc Việt Nam và thực hiện dân chủ, thiết lập chính thể dân chủ làm bệ phóng cho đất nước tiến lên, dù chính thể dân chủ đa đảng chưa là một chính thể hoàn hảo nhưng qua thực tiễn đời sống cho chúng thấy chính thể này dù có hạn chế nhất định, vẫn vạn lần tốt hơn chính thể độc tài cộng sản mà dân tộc Việt Nam phải cam chịu sống cùng.
Chúng ta biết rằng dân chủ là xu thế thời đại không thể đảo ngược, các hình thái độc tài phải bị đào thải và độc tài cộng sản Việt Nam không là ngoại lệ nhưng để giảm thiểu sai phạm có thể xảy ra trong thiết chế dân chủ trong tương lai, chúng ta cần phải suy nghĩ về mô hình dân chủ cho Việt Nam từ hôm nay.
Chúng ta cũng biết ngoài các điều kiện bắt buộc để hình thành chính thể dân chủ là Hiến Pháp, Các Đảng Chính Trị, Bầu Cử Tự Do, Truyền Thông Độc Lập còn rất nhiều vấn đề liên quan đến dân chủ cần phải suy ngẫm. Chẳng hạn như có nhà nước dân chủ tổ chức lập pháp nhất viện, có nước lưỡng viện, có nước thực hiện đa đảng với năm ba đảng, có nước có đến vài ba chục đảng cạnh tranh giành lấy quyền lãnh đạo chính trị... và trong hiện tại có hai mô hình dân chủ song song tồn tại rất phổ biến là dân chủ cộng hòa, dân chủ đại nghị.
Dân chủ cộng hoà, người lãnh đạo quốc gia nắm giữ quyền hành pháp là tổng thống, là tổng tư lệnh tối cao do dân bầu trực tiếp hay gián tiếp được cá nhân hoặc đại cử tri đoàn bầu chọn. Chính thể này có thể có hoặc không có thủ tướng và nếu có thủ tướng sẽ không thông qua bầu chọn mà do tổng thống chỉ định để thủ tướng thành lập nội các điều hành chính phủ.
Dân chủ đại nghị, người lãnh đạo quốc gia là tổng thống nhưng chỉ mang tính nghi thức và thủ tướng là người nắm thực quyền do tổng thống chỉ định hay thủ tướng là lãnh đạo đảng chính trị thắng cử trong cuộc phổ thông đầu phiếu hoặc thủ tướng được bầu bán sau cuộc thắng cử của đảng cũng như do thoả thuận của liên minh nhiều đảng cầm quyền.
Cả hai mô hình dân chủ này ngoài ưu điểm tổ chức cai trị hữu hiệu hơn chính thể độc tài cộng sản đã được chứng minh qua đời sống chính trị thực tiễn không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, hai chính thể dân chủ này vẫn tồn tại ít nhiều bất công, bất hợp lý mặt này hay mặt khác do các yếu tố lịch sử truyền thống đặc thù phát sinh từ chủ quan lẫn khách quan trong tiến trình xây dựng phát triển chính thể dân chủ của chính nó, và chúng ta là đất nước đi sau tuy có thiệt thòi nhưng bù lại được ưu thế chọn lựa ưu điểm, loại trừ khuyết điểm của các chính thể dân chủ đi trước đã phạm phải để thiết lập, cải tiến một chính thể dân chủ tốt hơn các chính thể dân chủ “già cỗi” với tất cả cố gắng của chúng ta có được sau ba mươi tám năm lưu lạc, tiếp cận sống trong lẫn trải nghiệm các loại mô hình tổ chức cai trị, quản trị cộng đồng xã hội trên chính quê hương lẫn ngoài quê hương của mình.