Phân biệt đối xử với cả mộ phần - Dân Làm Báo

Phân biệt đối xử với cả mộ phần

Cọc GPMB (Giải phóng mặt bằng) cắm giữa nghĩa trang Biên Hòa. Ảnh http://letungchau.blogspot.com/
Uyên Nguyên (RFA) - Nghĩa trang Biên Hòa

Dường như, nơi nào cũng gợi lên một nỗi buồn nào đó thật khó tả. Những ngôi mộ hoang vu, cỏ cây um tùm, bia đá trơ trọi và trâu bò giẫm nát mọi thứ… Có một điều lạ là cách nghĩa trang Biên Hòa chưa đầy 30 cây số đường chim bay, nghĩa trang Lái Thiêu của người Hoa nằm cạnh quốc lộ 13 thì rất khang trang, kín cổng cao tường, có bảo vệ nghiêm ngặt, trừ con cháu người Hoa, bất kì ai cũng không được bước vào bên trong nghĩa trang dù chỉ vài mét.

Sau Tết Nguyên Đán, người ta cho xây dựng hai bệ thắp nhang ở nghĩa trang Biên Hòa để đón khách, mà khách ở đây là những sứ giả của cộng đồng Châu Âu, tổ chức Nhân Quyền quốc tế, hoặc các dân biểu Mỹ.

Sự chăm chuốt qua loa, lấy lệ của nhà cầm quyền địa phương dường như có sự tính toán, có tính phô trương cái gọi là “lượng khoan hồng của chính thể mới” hơn là lòng trắc ẩn của con người với con người, sự tôn kính đối với người đã khuất, đặc biệt là những chiến binh đã nằm xuống sau một cuộc chiến tranh dài của đất nước. Liền sau đó, không bao lâu, nhà cầm quyền lại cho phóng tuyến mở đường băng qua khu nghĩa trang Biên Hòa, những cột mốc được cắm khắp nơi trong khuôn viên nghĩa trang. Điều này cũng cho thấy rằng có một chiến dịch ngấm ngầm nhằm xóa sổ nghĩa trang Biên Hòa.

Nghĩa trang Phú Ninh

Ở nghĩa trang Phú Ninh, đây là một khu mộ cải táng từ một hố chôn tập thể ngay chùa Dương Lâm, thôn Dương Lâm, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh. Theo những nhân chứng là những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tham gia trận đánh còn sống sót thì ngày 29 tháng 3 năm 1975, hai binh đoàn Dù và Biệt Động Quân ở phía Tây Quảng Nam đã rút về cố thủ ở thôn Dương Lâm, gom quân vào chùa Dương Lâm để tìm đường thoát ra biển. Những người lính không hề hay biết là mình đang lọt vào sào huyện của đối phương, những ngọn đồi Phú Ninh đã được đặt sẵn các ụ súng nhắm vào chùa Dương Lâm.

Trưa 29 tháng 3, phía Cộng sản Bắc Việt bắc loa kêu gọi đầu hàng. Các chiến sĩ VNCH vẫn cố thủ, không trả lời. Chiều hôm đó, một đặc công Bắc Việt bò vào đến bờ rào chùa Dương Lâm thì dính mìn phòng thủ của phía VNCH. Tiếp theo sau đó là trận pháo kích nảy lửa và các du kích, bộ đội Cộng sản tấn công tứ phía. Những chiến sĩ VNCH chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng, bị dính pháo kích, đạn bắn tỉa và lựu đạn, đã hy sinh gần như là toàn bộ. Vài ngày sau, người dân chung quanh tìm đến chùa, đào một hố chôn tập thể sau chùa để chôn xác các chiến sĩ VNCH.

Mãi đến hơn ba mươi năm sau, ngôi chùa bỏ hoang được một trụ trì trẻ pháp danh là Thích Pháp Tánh kêu gọi các đồng đạo, Phật tử, nhà hảo tâm tìm cách soi môi, cầu hồn báo mộng để các chiến sĩ về chỉ nơi mình đang nằm. Nhà chùa cải táng, âm thầm bốc mộ tập thể, mang lên đồi Phú Ninh, chôn thành từng mộ phần riêng lẻ. Nhờ vào các thẻ bài còn nằm trong thi hài nên việc nhận dạng từng liệt sĩ cũng không khó khăn mấy.

Và, cho đến bây giờ, khu mộ liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở Phú Ninh vẫn được nhang khói tử tế, tuy không được gắn tên cho khu nghĩa trang, chưa có tường thành chung quanh nhưng dẫu sao, những ngôi mộ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở Phú Ninh, Quảng Nam vẫn có bà con Phật tử khói nhang hằng tháng, mỗi rằm và xây dựng thêm một am thờ tập thể trước nghĩa trang. Người đến đây thăm viếng, thắp nhang không bị công an làm khó dễ.

Đây là điểm khá đặc biệt của nhà cầm quyền Quảng Nam so với nhà cầm quyền các địa phương khác.

Nghĩa trang Đồi Hoa Sim

Cổng vào nghĩa trang Trung Quốc ở Bình Dương. Hình do thính giả gửi cho RFA.

Nghĩa trang Đồi Hoa Sim ở xã Hiệp Hòa, Bảo An, Lagi – Bình Thuận thì bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, đến mùa hạ cháy trơ phơi gốc, trâu bò giẫm nát những độc bình sứ gắn bên cạnh bia mộ, người ta thi nhau xúc cát trong nghĩa trang về xây dựng, theo chúng tôi đoán là để xây dựng công trình công cộng, chứ không có nhà dân nào dám mang cát nghĩa trang về xây nhà cho mình cả. Nhiều áo quan lộ thiên giữa mưa nắng, thậm chí các hài cốt nổi lên, xương tay chân và sọ người lộ thiên. Nhìn vào, chỉ biết xót xa, đau buồn cho một kiếp chiến binh đã bỏ mình vì lý tưởng dân tộc, để rồi, cuối cùng phải phơi xương ngay trên mưa nắng quê nhà. Rất may, Soeur Nguyễn Thị Thanh Mai, Dòng Mến Thánh Giá, phụ trách cộng đoàn Đồng Tiến, đã vận động, quyên góp tài chánh để cải táng nhiều mộ về nghĩa trang của Giáo xứ.

Dường như tất cả những nghĩa trang Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều bị bỏ hoang, trừ những nghĩa trang đã cải táng như Phú Ninh và nghĩa trang mà các Soeur qui tập trong Giáo xứ Đồng Tiến. Còn lại, có nhiều nghĩa trang đã mất dấu, mọc lên nhiều công trình, xác người lẫn lộn với đất đá, làm nền cho những ngôi nhà đồ sộ. Riêng phần nghĩa trang mất dấu, chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.

Đến bao giờ?

Người Việt với người Việt, trước cái chết của đồng bào, đồng tộc, sao chỉ thấy dửng dưng và hờ hững, chỉ thấy phá phách, xóa sổ và san bằng phần yên nghĩ của liệt sĩ đối phương. Trong khi đó, ở Lái Thiêu, nghĩa trang rộng 400 hecta, cây xanh um tùm, có chùa, hồ nước, sân quần vợt và đài tưởng niệm, có bảo vệ nghiêm ngặt, mộ nằm thẳng thớm, khang trang của người Trung Quốc ngay trên đất Việt. Sau mấy ngày tìm cách tiếp cận, chúng tôi vào được bên trong nghĩa trang. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đồ sộ, rộng lớn và nghiêm mật của khu nghĩa trang này.

Tự dưng, chúng tôi nghĩ đến thân phận người Việt Nam, cũng là người Việt với nhau, nhưng sau ba mươi mấy năm, tình anh em một nhà vẫn cứ là cừu thù, mặc dù trên ngôn từ vẫn là hòa hợp, hòa giải. Nhưng thực tế, trước cái chết, trước mộ phần của đối phương, người ta không những không biết kính cẩn nghiêng mình đúng đạo làm người mà còn đập phá, xóa sổ một cách không hề thương tâm. Và, sau ba mươi mấy năm, những cái chết mang dòng máu Việt Nam bị dày vò, giẫm đạp, không may mắn như những cái chết của người Trung Quốc tại đất nước này, họ được chôn cất tử tế, có người chăm sóc mộ phần và có nghĩa trang rộng bao la để tiếp tục duy trì phần Tổng lãnh sự âm ti của mình trên đất khách.

Đến bao giờ người Việt biết yêu thương nhau? Đến bao giờ người Việt thôi giẫm đạp lên cái chết của nhau? Đến bao giờ người Việt sống tử tế và biết nghiêng mình trước cái chết? Câu hỏi này đã bỏ ngõ suốt ba mươi mấy năm nay. Câu hỏi này sẽ rất khó trả lời trong khi Việt Nam chúng ta đang sống dưới triều đại xã hội chủ nghĩa. Vì sao lại như thế? Lại thêm một câu hỏi khác trong hàng tỉ câu hỏi về quyền làm người!

Uyên Nguyên, tường trình từ Biên Hòa, Việt Nam.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo