Nguyễn Văn Thạnh (Danlambao) - Miền Bắc với Hà Nội là trung tâm chính trị của đất nước, chắc chắn một điều, chính trị gia xuất thân tại đây hay nơi khác đến đều bị ảnh hưởng hoặc đối mặt với văn hóa phi dân chủ còn thâm căn cố đế nơi đây. Đây là một vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình xây dựng nền dân chủ cho đất nước...
*
Góp một lời bàn nhân đọc bài: Văn hóa ứng xử: Dân miền Nam "ăn đứt" người miền Bắc
Cách đây hơn một năm (2011) tôi có dịp sống ở miền Bắc, Hà Nội là chính trong gần 1 năm để thực hiện một dự án tình nguyện cho nhóm những người bị bệnh Hemo (www.hemoviet.org.vn).
Cuộc sống xa nhà, tôi ở trọ và ăn cơm bụi. Tôi phát hiện một nét văn hóa thú vị ở đây là chủ quán chỉ bán đồ ăn: cơm, phở, bún... nhưng không có nước uống như các quán ở miền Trung. Bên cạnh các quán ăn luôn có một người ngồi bán nước uống (nước chè) kèm với các món lặt vặt như thuốc lào, kẹo lạc... Khách sau khi ăn phải ra quán nước này để mua nước uống, tầm 2.000đ/cốc. Luôn luôn có sự cộng sinh giữa quán ăn và quán nước như vậy.
Ban đầu tôi cũng có phần bỡ ngỡ với lối làm ăn bắt chẹt này nhưng ngẫm lại thấy có điều thú vị. Từ một việc nhỏ này nhưng nếu suy ngẫm ta thấy nó ẩn chứa một nền văn hóa lớn về nhận thức của con người trong việc kinh doanh và xa hơn là về chính trị.
Miền Nam và miền Trung có truyền thống kinh tế thị trường từ lâu, dù sau năm 1975 có bị nền chính trị trấn áp và tiêu diệt nhưng nó không mất đi. Chính văn hóa kinh doanh thị trường miền Nam đã cứu đất nước khỏi miệng hố đói kém năm 1986 và giải phóng ngược lại miền Bắc (xem sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức). Trong kinh tế thị trường, người kinh doanh làm ăn luôn nghĩ đến khách hàng, làm hài lòng khách hàng để phát triển sự nghiệp. Tư tưởng này ăn sâu vào máu của người miền Nam. Do vậy mà tất cả các quán ăn ở đây đều phục vụ nước miễn phí, cả trà đá hoặc trà nóng tùy mùa, khách uống bao nhiêu cũng được. Kinh tế thị trường còn làm cho người dân có tính cách cởi mở và hợp tác hơn.
Người miền Bắc chỉ sinh hoạt kinh tế thị trường từ thời kỳ đổi mới. Tuy hấp thụ cách thức làm ăn mới nhưng tư duy họ vẫn chưa thay đổi. Tư duy làm ăn kiểu cũ là bắt chẹt người khác đến mức có thể để kiếm lợi cho mình. Lối suy nghĩ làm ăn như vậy còn tồn tại rất lớn ở người miền Bắc qua kiểu bán nước trên. Chủ quán biết người ăn không thể không uống nước và họ lại được dịp bán nước để có tiền thêm. Suy nghĩ của người dân trong nền kinh tế phi thị trường nó khác với kinh tế thị trường là như vậy.
Tôi suy nghĩ, tại sao không có ai đó thực hiện nước uống miễn phí để cạnh tranh thu hút khách? Không ai làm thế vì cả cộng đồng đều không nghĩ đến việc phục vụ trước mà chỉ nghĩ đến việc bóp chẹt. Văn hóa ảnh hưởng đến con người nó mạnh mẽ là làm cho tất cả mọi người có lối suy nghĩ giống nhau. Câu chuyện bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội mà báo chí đưa tin cũng là lối làm ăn của kiểu kinh tế phi thị trường còn sót lại.
Văn hóa, suy nghĩ của con người không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chính trị. Kinh tế thị trường thường đi kèm với nền chính trị dân chủ; kinh tế bóp chẹt đi với kiểu chính trị phi dân chủ tương ứng. Trong nền chính trị dân chủ, chính trị gia hướng đến phục vụ dân tộc, cộng đồng để thăng tiến sự nghiệp còn trong nền chính trị phi dân chủ, người làm chính trị chăm chăm đến lợi ích của mình và phe nhóm, triệt hạ, bắt chẹt nhau hơn là hợp tác, phục vụ. Con người chính trị dân chủ cũng có văn hóa cởi mở hơn con người chính trị phi dân chủ.
Nhà văn hóa Phan Khôi cách đây hơn nửa thế kỷ đã thấy vấn đề văn hóa ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề thay đổi xã hội nói chung và dân chủ hóa nói riêng. Ông viết:
“Người Tàu vì còn chưa cạo hết những tư tưởng cũ ở trong óc đi, nên trong mấy năm đó tuy đã đánh đổ Mãn Thanh, lập nên Dân quốc, nhưng mọi việc trong nước cũng vẫn còn hư bại. Nước thì nước Dân chủ mà óc của dân chúng thì là óc nô lệ, bởi vậy hồi Dân quốc ngũ niên (1916), Viên Thế Khải mới nổi lên xưng hoàng đế”. (Phan Khôi - trích "Vấn đề cải cách").
Miền Bắc với Hà Nội là trung tâm chính trị của đất nước, chắc chắn một điều, chính trị gia xuất thân tại đây hay nơi khác đến đều bị ảnh hưởng hoặc đối mặt với văn hóa phi dân chủ còn thâm căn cố đế nơi đây. Đây là một vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình xây dựng nền dân chủ cho đất nước.
Chúng ta có thể thực hành các qui tắc dân chủ trong vài năm nhưng để xây nền văn hóa dân chủ phải mất vài ba thế hệ. Nền tảng chính trị dân chủ chỉ có thể xây vững chắc trên nền văn hóa dân chủ. Xem ra việc này còn dài và gian nan đối với người Việt Nam chúng ta.
P.s: Bài viết là góc nhìn và suy nghĩ của tác giả khi sống ở đó hơn 1 năm trước đây (2011). Tác giả không dám quả quyết là hiện nay sẽ giống như vậy. (Tôi không biết là đã có nước uống miễn phí chưa).