Phương Bích - Khi có kêu gọi biểu tình trên mạng, điều đầu tiên tôi nghĩ là bố lại phải ăn bánh bích quy trừ bữa. Nghĩ nát óc cách thu xếp thế nào để tôi có thể ra khỏi nhà trước buổi chiều thứ bảy, vì nếu họ chặn như lần trước, họ sẽ không chờ đến sáng chủ nhật. Rốt cục năm mươi mấy tuổi đầu vẫn đi “bụi”. Trong khi tôi ra khỏi nhà từ đời tám hoánh, ở nhà họ vẫn canh tôi từ tối thứ bảy.
Có ra ngoài mới biết, chả phường nào người ta làm như vậy. Thế nên tôi tức lắm. Bụng bảo dạ phen này về sẽ ra tận phường làm cho ra nhẽ.
Sáng chủ nhật, khi đang đi bộ trên Bờ Hồ, có một tay cứ đi theo chúng tôi. Tôi kiểm tra bằng cách dừng lại để cho cậu ta đi lên trước thì cậu ta cũng dừng lại theo. Đi ngược lại, cậu ta cũng đi ngược lại. Ừ! Thà cứ công khai thế cho đỡ nhầm nhọt. Đi được một quãng, cậu ta tranh thủ hỏi han chuyện bố tôi. Hóa ra là an ninh phường!
Buồn cười là cậu ta cứ dụ dỗ tôi đi về, để cậu ta “đèo”. Không được thì lại lẵng nhẵng đi theo. Thôi kệ! Cứ để cho cậu có dịp chứng kiến chúng tôi “gây rối” như thế nào.
Khi những người biểu tình bị bắt, tôi và chị “Sông Quê” quay về lo bữa trưa cho gia đình để đầu giờ chiều sang Lộc Hà với anh em. Thế là cậu an ninh đèo hai chị em tôi về. Dọc đường điện thoại của cậu ta cứ réo suốt. Qua cách nói, có vẻ như thủ trưởng của cậu ấy rất quan tâm đến việc đưa được tôi về nhà. Họ mời tôi về phường uống cà phê. Nhưng tôi bảo chả mời tôi cũng sẽ ra, bây giờ thì chưa phải lúc. Tôi cũng nôn nóng chả kém gì họ.
Y hẹn, 4 giờ 4 phút chiều thứ hai (ngày 3/6), tôi có mặt ở phường. Anh trung tá công an khu vực đang đợi tôi ngay cổng. Anh ấy dẫn tôi lên phòng họp trên tầng 2. Trong sáu vị đang an tọa thì có một vị có tuổi, nghe nói là dân ở làng quốc tế Thăng Long. Nhưng qua cung cách nói (lo cho dân), tôi đoán bác ý là bí thư chi bộ.
Mào đầu câu chuyện, anh trưởng công an phường hỏi về chuyện hôm qua bên Lộc Hà.
Ối giời, chạm đúng mạch nhá. Tôi kể lại toàn bộ sự việc từ lúc Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Chí Đức bị đánh (chi tiết tôi sẽ kể trong bài về biểu tình).
Tôi kể về việc tôi đã chửi cái lũ hèn hạ đánh hội đồng thằng Phương, thằng Chí Đức là đồ chó. Và chửi xong tôi lại thấy tội nghiệp giống chó như thế nào, bởi tôi yêu quý chó và mèo lắm. Tôi chửi đến nỗi khản cả giọng như thế nào, nỗi uất hận đã biến thành lòng căm thù có thể khiến tôi cũng như nhiều người, sẵn sàng đi tù hay là chết ra sao, miễn là có thể trừng trị được bọn côn đồ khốn nạn kia. Tôi kể sự hung hãn của những kẻ đội lốt dân sự đánh người một cách ngang nhiên đã xẹp xuống như thế nào, khi những người biểu tình nằm chặn dưới bánh xe chở tù nhốt thằng Phương. Và điều gì sẽ xảy ra nếu như bánh xe hôm đó cán chết người biểu tình? Liệu đó có thể là mối lửa cho một cuộc nổi dậy của người dân như cái chết của Mohamed Bouazizi ở Tunisia không? Có thể chưa, nhưng chắc chắn là nó sẽ là một cơn chấn động mà không ai lường trước được hậu quả.
Nghe tôi phê phán cách ứng xử kém của chính quyền chừng như đã đủ, anh trưởng công an phường đề nghị đi vào việc chính. Anh ta nói trước.
Phải nói tôi phục sự kiên nhẫn của mình quá, khi phải nghe những lời sáo rỗng, máy móc mà tôi đã quá quen như việc biển đảo để nhà nước lo. Như là phải giải quyết bằng ngoại giao một cách khôn khéo. Như là yêu nước thì có nhiều cách….và biểu tình như thế là gây ách tắc giao thông, là mất trật tự công cộng, là làm xấu hình ảnh thủ đô trước con mắt của khách du lịch…
Tuy kiên nhẫn lắng nghe, nhưng tôi bắt đầu ngọ ngoạy. Phải nói rằng tôi rất ghét nghe điều gì lặp lại quá hai lần. Thời gian là vàng bạc mà.
Thấy tôi ngọ ngoạy liên tục, anh trưởng công an phường tìm cách kết thúc bài diễn văn, rằng đề nghị tôi không đi biểu tình nữa. Giờ thì đến lượt tôi. Tôi bắt đầu trả lời lần lượt từng vấn đề một.
Thứ nhất, không thể đảng và nhà nước lo được! Lo cái gì mà hết để mất ải Nam Quan đến Gạc Ma (chưa cần nói đến Hoàng Sa). Lo cái gì mà để kinh tế lụn bại, tham những tràn lan.
Thứ hai, không thể ỷ lại hoàn toàn vào nhà nước được. Như một cô nhà báo (Đoan Trang) nói, người dân biểu tình cũng là một hình thức ngoại giao, đó là ngoại giao nhân dân. (Cái này hẳn các ông cộng sản rành sử dụng thời trước năm 1975 lắm)
Thứ ba, các anh bảo biểu tình gây ách tắc giao thông. Trước tiên việc biểu tình chỉ diễn ra trong buổi sáng chủ nhật. Sau đó, việc người biểu tình đi xuống lòng đường là vì chả có vỉa hè cho người đi bộ, có thì hàng quán và xe cộ chiếm hết chỗ rồi. Nếu so với các nhóm cổ động viên bóng đá, hay fan âm nhạc thì việc gây ách tắc giao thông của biểu tình chống TQ (nếu có) còn thua xa. Hàng vạn thanh niên có thể đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của một đội bóng, khóc rưng rức khi đón một ngôi sao nhạc pop, nhưng hoàn toàn thản nhiên và thờ ơ khi đồng bào mình bị giặc Tàu bắn giết, cướp bóc và cấm ra biển mưu sinh. Đó là điều rất đáng lo ngại.
Thứ tư, các anh bảo làm xấu hình ảnh của thủ đô trong con mắt của khách du lịch. Chính hành động đàn áp người biểu tình ôn hòa của chính quyền mới làm xấu hình ảnh của thủ đô. Tôi kể về tâm sự của một cựu chiến binh, rằng tuổi ngoài sáu mươi cũng chả thiết tha gì chuyện biểu tình (trong khi tuổi trẻ thì chỉ lo ăn chơi nhảy múa). Cũng chỉ muốn nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng... nhưng trước sự ức hiếp đe dọa đến an nguy của đất nước mà chả nhẽ gần 90 triệu người không ai lên tiếng thì nhục quá, vậy thì đành phải xuống đường thôi, dù một lần cũng được. Thế nên tôi nghĩ rằng, hình ảnh người biểu tình là rất đẹp, nếu không có những hành động đàn áp của chính quyền.
Ngoài ra, chúng tôi đi biểu tình cũng là để nói rằng tư duy của chúng tôi không phải là tư duy của kẻ nô lệ, của một bầy cừu, chỉ biết nói sao nghe vậy. Các anh có nghĩ rằng chính quyền không bao giờ sai không?
Không! Đúng không?
Vậy thì khi chính quyền sai thì chúng tôi có quyền phản đối chứ? Tôi nói thẳng là tôi không yêu chế độ này. Nhân tiện tôi hỏi luôn, theo các anh, chế độ cộng sản này có tồn tại mãi mãi không?
(đến đây họ thoáng nhăn mặt, tôi lấy ví dụ mà báo chí nhà nước thường nói về ông Hồ là một người cộng sản , nhưng người khác dùng từ chế độ cộng sản thì lại thấy không ổn – cái tréo ngoe là ở chỗ đó)
Các anh đừng khó chịu vì cái từ cộng sản. Chả phải các anh là đảng viên đảng cộng sản hay sao?
Nhiều người có một qua niệm rất sai lầm là nếu cái chế độ này sụp đổ, sẽ không ai trả lương hưu cho họ. Họ nhầm hết cả. Những người làm công ăn lương là để đóng góp cho xã hội. Bản thân họ trong quá trình làm việc cũng phải đóng thuế và bảo hiểm hưu cho chính lương hưu của mình sau này. Bất cứ một xã hội nào cũng cần đến người lao động, và họ lao động cho xã hội đó chứ không phải cho bất cứ một nhà nước hay đảng phái nào cả. (đảng và nhà nước có đẻ ra tiền đâu mà trả cho người lao động – tiền của họ đấy chứ)
Cuối cùng, các anh là đại diện của pháp luật thì phải làm việc theo luật. Dân chúng tôi thì phải sống theo luật. Vì vậy các anh đừng có khuyên nhủ gì tôi cả. Mà tôi ngần này tuổi đầu, có còn là đối tượng để các anh phải khuyên nhủ tôi nữa đâu? Vậy các anh cứ cho tôi một cái lệnh, tôi sẽ chấp hành ngay. Nhưng tôi biết các anh không thể cấm được, vì các anh không được phép cấm. Còn nếu các anh dùng những biện pháp lấy người để cản trở thì tôi lại càng đi, vì thói đời càng cấm càng bị phản ứng mà.
Tiếp theo đó là đến bác ở làng quốc tế Thăng Long. Tuy bác ý nói ra phường để đề nghị giải quyết việc của làng bác ý, nhưng nhân có việc tôi ra phường nên cũng muốn chứng kiến...
Bác ấy tỏ ra khá rành về tôi, về những việc tôi đã làm và về cả … tuổi Canh Tý của tôi nữa. Bác ý bảo từ nãy giờ ngồi nghe, thấy không phải đàn ông ai cũng có tính cách mạnh mẽ như tôi (chết cười - cái này ông công an ghi biên bản cũng liệt kê vào đó). Sau đó bác ấy bảo, vừa nãy có nghe tôi nói, tôi không yêu chế độ này. Thế theo tôi thì phải làm thế nào? Rồi đảng và nhà nước bấy lâu nay vẫn lo giải quyết chuyện biển đảo, người dân vẫn biết mọi tin tức và đều rất quan tâm. Rồi chuyện biểu tình có hiệu quả gì không?
Tôi cũng hết sức kiên nhẫn nghe bác ý nói, rồi trả lời như ri:
Về câu thứ nhất, tôi lấy ví dụ: cả phố chỉ có một hàng phở. Đắt rẻ, ngon dở gì thì người ta vẫn bắt buộc phải chấp nhận nó. Nhưng nếu có hai ba hàng phở, thì ngay tức khắc sẽ có sự cạnh tranh, vì người dân sẽ lựa chọn hàng nào mình thích – nói đến đây bác ấy bảo: chị nó thế là tôi hiểu rồi. (tôi rất thích cách hiểu nhanh và ý nhị của bác ý)
Câu thứ hai, trước năm 2011, chỉ cần nói đến từ Hoàng Sa-Trường Sa là đi tù. Đảng và nhà nước không hề hó hé nói về chủ quyền biển đảo. Bố cháu không hề biết gì về Gạc Ma. Cháu thì đến khi đi biểu tình mới biết Gạc Ma đã mất và 64 chiến sĩ của ta đã bị lính Trung Quốc bắn chết ở Gạc Ma như thế nào. Vậy thì bao nhiêu người dân Việt Nam biết được những chuyện về biển đảo để quan tâm hay không? Cháu cho rằng đó là sự bưng bít thông tin. Báo chí nhà nước chỉ phản ảnh một chiều. Cháu vẫn nói với bố cháu, nếu bố chỉ đọc báo nhà nước thì không bao giờ biết được sự thật. Ví như khi ra tòa, tòa cũng phải nghe cả nguyên đơn và bị đơn, chứ cứ nghe một bên thì chết.
Ông Nghị chém gió Nguyễn Bá Thuyền. |
Mặc dù nghe hơi hài hước, nhưng đó là phát súng đầu tiên nhắc đến Hoàng Sa sau một thời kỳ dài tăm tối mà chỉ cần nhắc đến nó là bị bỏ tù. Tiếp đến mới là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy mà bảo là không có hiệu quả gì ư?
Bác ấy nghe chỉ gật gù cười, không nói gì. Tiếp đến, anh phó trưởng công an phường phát biểu. Nội dung thì chả khác gì trưởng công an phường, nhưng có thêm một câu là “phê phán” việc đi biểu tình của tôi. Vì thời gian còn quá ít nên tôi chưa “phản biện” lại việc phê phán đó. Nhưng nhất định tôi sẽ sớm trả bài cho anh phó TCAP non choẹt này.
Phần cuối là anh công an già đọc biên bản làm việc (he he, hóa ra đây là một buổi công an tiếp dân đấy).
Từ thuở đi làm nhà nước đến giờ, tôi chưa từng nghe một biên bản cuộc họp nào buồn cười đến vậy. Chỉ thiếu có ghi đoạn này chị ấy đừng lại ho thôi. Đến nỗi bác ở làng QTTL cũng phải cố dấu nụ cười, còn mấy anh công an kia thì chữa thẹn, bảo anh ấy ghi biên bản “trung thực” quá. Có đoạn lại tự diễn biến nữa chứ.
Tôi bảo tôi sẽ không ký vào một biên bản lủng củng như vậy, nhưng các anh ấy bảo tôi có quyền ghi ý kiến của tôi vào đó.
OK! Tôi cầm bút hý hoáy viết. Tay không quen cầm bút, chứ cứ bay loạn lên. Có lẽ không chính xác tuyệt đối, nhưng đại để tôi viết thế này:
Tôi đã đọc biên bản. Nhưng biên bản này khá dài và lan man. Vì vậy tôi có ý kiến như sau:
1/ Đề nghị công an Phường giải quyết vấn đề môi trường và an ninh quanh khu vực nhà N06.
2/ Công an Phường đã vận động, khuyên tôi không nên đi biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng việc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là cần thiết, và thể hiện quyền công dân. Nếu công an Phường có lệnh cấm tôi đi biểu tình bằng văn bản, tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cấm này.
Hà Nội, ngày... tháng... năm...
Ký tên
Tôi đọc ý kiến của tôi lên, bác ở làng QTTL lại tủm tỉm cười, bảo tôi nên làm thư ký cho lãnh đạo mới đúng. Tôi cũng cười bảo, trên đời, người ta sợ nhất là sự thật, nên chắc chắn chả ai cho cháu làm đâu ạ. Bữa nào bác rảnh, mời bác lên nhà cháu chơi, nói chuyện với bố cháu cho biết ạ.
Bắt tay vui vẻ, chào chiệc vui vẻ. Trước khi ra về , tôi lại bảo, giống như ông Galile ấy, tôi tuyên bố các anh càng cấm tôi càng đi đấy. Và tôi cũng không thể để đảng và nhà nước lo được, tôi cũng đòi quyền được lo của tôi chứ. Tất cả cười ồ. Tôi nói thêm, các anh phạt mũ bảo hiểm rởm, nhưng chính các anh lại đưa mũ bảo hiểm rởm cho tôi đội khi đưa tôi về đấy nhé.
Trưởng công an phường lại cười bảo, chị cứ phê phán công an suốt thôi, làm sao chị biết được đó là mũ bảo hiểm rởm? Tôi bảo tôi mua loại mũ đó có ba chục nghìn ở vỉa hè.
Còn nhiều chuyện râu ria mà kể hết ra thì dài dòng quá. Thí dụ như TCAP bảo chị nên ủng hộ chúng tôi, tôi bảo tôi không thể ủng hộ các anh mà lại trái với lương tâm của tôi được, như thế cũng là dối trá.
Khi về kể cho bố nghe, bố khoái chí lắm, bảo “lý trực khí hùng, lý cong khí đoản” là thế. He he, đúng là tôi chiếm diễn đàn hơi nhiều, vậy mà còn bao nhiêu điều chưa nói được với các anh ý.