Một tư tưởng mới trong một sách lược cũ hay lạc hướng? (Phần 2) - Dân Làm Báo

Một tư tưởng mới trong một sách lược cũ hay lạc hướng? (Phần 2)

Nhóm Hành Khất (Danlambao) - ...Chống họ, không có nghĩa là phải tiêu diệt họ, biến mất khỏi trái đất như những người Cộng sản từng thực hiện trước đây. Chúng ta chỉ chống lại tư tưởng họ, và động lực đó, hy vọng, sẽ khiến họ bừng tỉnh lại. Những người chống cộng, không phải là những sát thủ, đặc công Việt cộng lạnh lùng trong máu khi thực hiện một công tác mà thậm chí có nhiều khả năng gây thiệt mạng cho những thường dân vô can khác. Vì bất kỳ công tác được thi hành nào cũng được Cộng sản ca tụng hết lời, và người thi hành chỉ nghĩ đơn giản là vì đảng - nếu có lỗi chăng, đó cũng là vì đảng, không phải lỗi của họ...

*

Xin xem Phần 1 đã đăng.

6. Sự Hoán chuyển vs. sự Bao gồm:

Theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, chúng ta nên chuyển hướng đấu tranh từ "chống cộng" trở thành "chống độc tài", vì cộng sản không còn tồn tại từ cuối năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là chuỗi sụp đổ của những nước Cộng sản Đông Âu và Liên Bang Sô-Viết (mà trong đó bao gồm nước Nga ngày xưa và 14 nước cận phía tây của nó - mà Tiến sĩ NH Quốc dường như viết lầm là 16 nước) Trong khi đó, một số nước thứ ba thuộc Nam Phi cũng đã tự thoát khỏi Cộng sản, ngoài trừ một số nước thứ ba thuộc Châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Lào) và một nước thuộc vùng Nam Mỹ, Cuba.

Cho đến nay, hình ảnh búa liềm, biểu tượng của chủ nghĩa Cộng sản, và lá cờ đỏ búa liềm vẫn tồn tại trong 5 nước còn lại đó. Đó là chưa nói những học viện chính trị nghiên cứu về Marx-xít Lenin-nit dẫy đầy, và những khóa đào tạo cán bộ chính trị Cộng sản vẫn liên tục. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ NH Quốc cho rằng đây là thời kỳ "Hậu Cộng sản" có nghĩa là không còn Cộng sản nữa (5)

Theo Giáo sư Graeme Gill chuyên về phân khoa Nghệ thuật và Khoa học Xã hội của trường Đại học Sydney định nghĩa nhóm chữ "hậu Cộng sản" được sơ lược như sau:

"Hậu Cộng sản có thể được nhìn thấy trong 3 cách:

1) Hậu Cộng sản như là một hệ thống: biểu hiện sự đồng bộ về cấu trúc của chính trị, kinh tế, xã hội, và những giá trị và mô hình của niềm tin quần chúng.

2) Hậu Cộng sản như là một điều kiện: biểu hiện như là một tập hợp của những phẩm lượng về hình thức mà qua đó chúng hiển hiện trong những xã hội mà điều khoản được áp dụng cho nó; tuy nhiên, những hình thức thường không được tìm thấy cùng y nhau như là một hệ thống.

3) Hậu Cộng sản như là một tình huống: đơn giản là một giai đoạn sau khi một quốc gia đã chấm dứt là Cộng sản, thường được định nghĩa trong phần về sự sụp đổ của những nhà cầm quyền chính trị Cộng sản. Điều nầy ngụ ý rằng không có gì cả về bản chất của hệ thống xã hội và chính trị trong một đất nước, ngoại trừ nguồn gốc của nó. Loại nầy cũng mở ra khoảng trống hậu vận hơn so với hai quan điểm khác ở trên."

Như thế có nghĩa là trừ khi một quốc gia Cộng sản nào đã thực sự chấm dứt là một nước Cộng sản để chuẩn bị bước vào giai đoạn hậu cộng sản. Và trường hợp 1 và 2 cho biết rằng những quốc gia đó chưa hẳn đã chấm dứt là Cộng sản mà chỉ là một thời kỳ thay đổi theo hệ thống hoặc điều kiện của mỗi quốc gia. Do đó, hậu Cộng sản của Việt Nam không có nghĩa là không còn Cộng sản nữa. Và trong thực tế, điều nầy cũng đã được chứng minh trong hiện tình Việt Nam hôm nay.

Những nước Đông Âu, những quốc gia nằm phía tây nước Nga (từng bị cưỡng bức sát nhập vào Nga để trở thành Liên bang Sô-Viết) và những nước Nam Phi, tất cả là 28 quốc gia hậu Cộng sản, vì chúng đã tự giải thể từ chủ nghĩa Cộng sản.

Điều nầy quá hiển nhiên khi không thể kết luận là Việt Nam đang trong thời kỳ Hậu Cộng sản Giải thể như những nước vừa nói trên. Thì khó mà nói rằng: "Chống cộng là chống ai, và chống cái gì?"(5) như Tiến sĩ NH Quốc viết.

Điều nên biết rằng, hoàn cảnh mỗi nước khác nhau, và tình hình chính trị cũng khác nhau; vì thế, không thể tự tiện gán nhóm chữ "hậu Cộng sản" vào Việt Nam để kết luận là: Việt Nam chẳng còn ai là Cộng sản để mà chống. Và càng ngớ ngẩn đến buồn cười hơn nữa khi Tiến sĩ NH Quốc tưởng tượng ra thêm rằng những đảng viên Cộng sản Việt Nam hiện nay chẳng biết ông tổ Cộng sản Karl Marx, hay Lenin là ai và không những thế, họ sẽ còn cười mũi vào người hỏi (?) Giả như, cứ cho là đúng như vậy, nhưng chắc chắn rằng những đảng viên Cộng sản Việt Nam hiện nay phải biết Mao Trạch Đông là ai! Hoặc ít ra không thể nói rằng thậm chí họ cũng không biết Hồ Chí Minh là ai.

Nếu cho rằng Hồ Chí Minh là nhà cách mạng dân chủ, không là Cộng sản, như hiện nay, đảng Cộng sản Việt Nam phát động phong trào tái khai sinh mới đó - mà cũng nhiều lần trước đây, chính Hồ Chí Minh cũng phủ nhận mình là người Cộng sản, dù đang hoạt động như theo mệnh lệnh Cộng sản Liên Xô và Trung cộng, nhưng trong những buổi họp đảng không bao giờ thiếu cờ búa liềm và những hình cụ tổ Cộng sản. Cũng không đủ để chứng minh rằng Việt Nam đã chấm dứt chế độ Cộng sản. Đó là chưa nói đến những phát biểu gần đây của nhiều nhân vật Cộng sản có chức vụ luôn luôn muốn bảo vệ, giữ lại đảng Cộng sản. Mà đã là một đảng phái, thì những đảng viên không thể nào không biết lịch sử tối thiểu của đảng phái mình, biết đến những ông cụ tổ đảng mình. Hiển hiện, rõ ràng là thế! Cho dù họ, những đảng viên Cộng sản Việt Nam có giàu có và trưởng giả như thế nào đi nữa, có kiểu "tư bản đỏ" ra sao, thì đầu óc họ vẫn là thế. Vẫn là những tư tưởng Cộng sản đầy ấp trí não, cho dù chúng bị biến thái đến như thế nào, nhưng chúng vẫn không thoát ra khỏi hai chữ Cộng sản. Tại sao?

Rất đơn giản! Bởi vì đối với họ, không còn còn đường thoát nào ngoài con đường bắt buộc phải đi đó. Vì tự bản chất Cộng sản đã là độc tài để nắm giữ quyền lực, nếu giải thể - là từ bỏ hai chữ Cộng sản - họ sẽ dễ dàng từ bỏ những gì mà có được cho chính họ như hôm nay không? Dĩ nhiên là không!

Trong thế kỷ 21 nầy, sự tiến bộ vượt bực của kỹ thuật đã mở ra nhiều khía cạnh mới, thậm chí những khía cạnh "bí mật" của sử liệu. Những dân tộc trên toàn thế giới có cơ hội trao đổi với nhau nhiều kiến thức phổ thông, hoặc chuyên sâu hơn. Và nhất là khi thế giới hôm nay chỉ còn vỏn vẹn 5 quốc gia Cộng sản - mà qua đó nó như một chặng đường lịch sử mà nhân loại đã từng đi qua, thì không lý nào, người ta sẽ muốn đi ngược lại-- đủ để chứng minh rằng đại đa số người dân đã quá hiểu về Cộng sản là gì. Bằng chứng là Nghị quyết 1481 vào năm 2006 qua cuộc Hội họp Nghị trường của Hội đồng Châu Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe = PACE) đã đưa ra những điều khoản lên án chủ nghĩa Cộng sản. Có nghĩa là Cộng sản vẫn còn tồn tại! Và chưa ai từng nghe hay thấy rằng Việt Nam tuyên bố giải thể Cộng sản!

Hội đồng Châu Âu đã định rõ là chủ nghĩa Cộng sản. Vậy, có lý nào, bây giờ chúng ta lại đi hô hào thay đổi chiều hướng chống cộng thành chống toàn trị.(7) Toàn trị là chế độ gì? Việt Nam không có chữ đó trong các văn bản nhà nước, hay trên những bảng phường khóm đến công sở to lớn khác. Toàn trị tự bản chất, nó là một chủ nghĩa, nhưng không phải là một chế độ. Nó bổ sung thêm vào chế độ, như là một bản chất tiêu biểu được biểu hiện rõ nhất. Có nghĩa là khi chúng ta tự biến dạng khuynh hướng là chúng ta đang tự bước ra ngoài chiều hướng chung của thế giới - với mục đích loại trừ căn rễ Cộng sản - và ngầm nhìn nhận sự hiện hữu của Cộng sản trên đất nước Việt Nam.

Một khi Cộng sản không còn tồn tại, thì tất nhiên cái chủ nghĩa độc tài cũng phải biến mất. Nhưng nếu đặt ngược là, nếu chủ nghĩa độc tài biến mất có sẽ làm cho chế độ Cộng sản mất theo không? Câu trả lời là không! Tại sao?

Vì như đã nói, chủ nghĩa độc tài chỉ một trong những bản chất bổ sung cho chế độ. Như một cái bánh mất đi chất ngọt nào đó, nhưng nó vẫn là cái bánh với những chất vị khác hoặc chất ngọt đó chỉ biến dạng ra chất vị khác hơn là biến mất.

Trong thuật ngữ được tận dụng để tuyên truyền, đó là sức mạnh của Cộng sản. Chúng ta nên khẳng định những gì mà cả thế giới nhìn nhận hơn là bị lầm tưởng theo thuật ngữ tuyên truyền. Kinh nghiệm qua đó trong cuộc Chiến tranh Việt Nam; một lần nữa, hãy nên nhìn thật rõ những thuật ngữ mà Cộng sản thích chế biến để ẩn náu. Và luôn luôn nhớ đến câu nói chắc nịch của vị Tổng thống sau cùng của miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu - mà ai ai cũng đã biết - để tâm niệm cho hướng đi đúng nhất cho dân tộc, mai sau. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quả thật là một đối thủ đáng sợ không kém vị Tổng thống Ngô Đình Diệm, đối với Cộng sản Việt Nam, vì ông ta đã nhìn thấu suốt chế độ Cộng sản, bản chất của nó, con người Cộng sản như thế nào, ra sao. Đó là lý do tại sao, Cộng sản Việt Nam luôn luôn muốn loại bỏ hai nhân vật đó trong cương vị lãnh đạo đất nước.

7. Chống Cộng là chống ai?:

Trong bài viết khác của Tiến sĩ NH Quốc, "Chống toàn trị là chống cái gì?" cũng trên voatiengviet. Ông ta nêu lên vấn đề thân nhân, bạn bè đang còn lại ở Việt Nam và làm việc cho bộ máy Cộng sản. Và đó cũng là một lý do bổ sung cho bài viết "Tôi không chống Cộng."

Theo Tiến sĩ, có ngụ ý là "Tôi không chống Cộng" bởi vì ai ai cũng có người thân liên hệ ít nhiều với chế độ Cộng sản vì tôi không thể nào chống lại người thân của tôi, bạn bè tôi, hoặc có cả người yêu tôi. Tóm lại là tôi không thể chống cộng vì tôi không thể chống lại cái gì tôi yêu quí!

Đây chính là hình ảnh của đau đớn nhất của những người dân miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến đó. Vì tự bản thân cuộc chiến mang hình thức của một cuộc nội chiến, tương tàn huynh đệ được lồng trong một cuộc chiến quy mộ hơn trên bình diện quốc tế. Mà hậu quả chính là những trường hợp mà nhiều người Việt Nam giữa hai miền đối cực hận thù nhưng kết liền huyết thống. Không! Không thể nào tôi chống lại những người thân của tôi! Đó chính là một tâm lý chung. Chung cho cả thế giới nhân loại, không riêng gì Việt Nam.

Tình cảm luôn làm người ta khó xử khi phải chọn vị thế đối cực dù biết rằng đó là một sự lựa chọn sai lầm, thiếu tính chất cao thượng nhưng thói thường người ta chọn theo chiều hướng tình cảm hơn. Bất chấp kết cuộc thế nào, hậu quả gây ra cho người khác ra sao, họ chỉ biết rằng họ khó lòng cưỡng được sức mạnh của tình cảm riêng tư, gần gũi hơn là thứ tình cảm chung chung, xa vời về quê hương, dân tộc mà nó chỉ hiện ra đôi khi rồi biến mất.

Có một câu chuyện vào thời Thế Chiến thứ II đáng để chúng ta suy ngẫm và tự tìm hiểu xem mình sẽ hành động như thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Khi quân đội Hoa Kỳ mở cuộc tấn công Đức nhằm giải thoát cho Pháp. Một chiếc xe tăng dẫn đầu đang trên đường tiến sâu vào thành phố; bất ngờ chạm phải một tay súng bắn tỉa từ một căn nhà ngoại ô. Chiếc xe tăng có thể tung một quả pháo là xong, nhưng lúc đó, có một người đàn bà Pháp hớt hải chạy ra kêu gào bằng tiếng Pháp. Dù binh lính trên xe tăng không hiểu gì nhưng họ có thể đoán là không nên tung quả pháo vào căn nhà. Một mặt cầm cự bằng súng cá nhân, một mặt cho người lẻn ra phía sau và tiến lên tầng gác. Khi toán lính bước vào phòng, họ ngạc nhiên không ít khi thấy tay súng bắn tỉa là một cô gái trẻ nằm chết vì trúng đạn và bên cạnh đó, trên cái bàn nhỏ là một khung hình của cô ta đang tươi cười bên cạnh người sĩ quan Đức.

Tình cảm của cô gái Pháp dành cho người yêu của cô ta rất mãnh liệt, dù anh chàng đó là một quân nhân Đức, kẻ thù của dân tộc mình, đến nỗi cô ta cảm thấy căm thù những ai là kẻ đối nghịch với anh chàng sĩ quan đó, nên đã quyết lòng nã súng vào quân đội đồng minh. Đối với cô ta, tình yêu cá nhân là cái gì gần gũi hơn so với tình yêu tổ quốc, dân tộc Pháp xa vời vợi. Mà không hề nghĩ rằng cô ta đang phản bội đất nước mình!

Cũng tương tự thế, những bà mẹ miền Nam sẵn sàng giúp đỡ, che chở cho thân nhân mình dù họ có là Việt cộng. Những bà mẹ đó cũng không cần biết và nghĩ đến gì khác hơn là tình cảm dành cho người thân. Những người Cộng sản thừa hiểu điều đó; vì thế, họ biết tận dụng làm lợi thế nơi điểm yếu nhất là tình cảm của con người. Những người Cộng sản phải tuân thủ luật lệ đảng một cách trung thành và dâng hiến. Họ sẵn sàng vì đảng hơn là vì tình cảm mà họ phải xem là nhỏ nhen, ích kỷ, kiểu tiểu tư sản. Họ cũng là những con người có tình cảm như bao người khác nhưng luật lệ đảng luôn tôi luyện họ phải vì cái chung (đảng) trước cái riêng (cá thể) Đây là một điểm tâm lý chiến mà Cộng sản luôn nắm được phần thắng! Vì thế, không ít những gia đình ở miền Nam Việt Nam có thân nhân ở hai phía đối cực, hoặc họ là những gia đình của nhũng cán bộ Cộng sản vốn được gài lại sau Hiệp định Paris 54, họ sẵn lòng giúp đỡ những người Việt cộng hơn vì những người đó đang rất cần đến sự giúp đỡ, che chở cho sự hoạt động phía sau, ngay trên vùng đất địch. Đây là một vấn đề nan giải nhất đối với chính quyền Sài Gòn, và thậm chí nan giải hơn khi sự việc lan tràn vào quân đội. Biến một số sĩ quan của Quân đội Việt Nam Cộng hòa (QĐVNCH) trở thành những mật vụ, hoặc ầm thầm chờ đợi thời cơ theo mệnh lệnh tổ chức của phe Việt cộng. Trường hợp tiêu biểu là viên phi công lái phi cơ F5-E thuộc Không quân của QĐVNCH, Nguyễn Thành Trung.

Với câu hỏi nên lên của Tiến sĩ NH Quốc: "Trong một văn hóa mà vai trò của cá nhân và quan hệ cá nhân nổi bật như vậy, khi chống Cộng, người ta có bắt buộc phải chống lại người thân của mình hay không?"(7) Và ông ta dường như có ít nhiều mỉa mai khi cho rằng: "Nếu muốn chống và nếu may mắn có thể chống lại được cả bốn triệu đảng viên Cộng sản thì cũng không nên chống."(7) Có nghĩa là, theo ý kiến của vị Tiến sĩ NH Quốc, chúng ta không nên chống lại những thân là những đảng viên Cộng sản, vì đó là một khối rất đông thì không thể nào chống nổi. Mà dù có chống nổi cũng không nên chống vì "chúng ta chỉ chống lại hành động tàn bạo chứ cũng không phải chống lại con người."(7)

Và lần nữa, qua những lời trên, hình ảnh của một miền Nam Việt Nam ngày xưa trong thời gian còn chiến tranh, lại tái hiện. Đó là một hình ảnh thiệt thòi, bế tắc, không thể chống cộng, và chờ đợi sự thua thiệt. Và quả nhiên, miền Nam Việt Nam thất bại!

Có nên chăng, chúng ta đang lập lại bản án tự viết cho mình? Và phe Việt cộng sẽ hành xử ra sao nếu câu hỏi đó được ra cho họ? Hay vì con số to lớn của những đảng viên bao trùm hơn cả khối người lưu vong dù có đếm từ nhỏ đến già, vì vậy không thể nào chống nổi? Và nếu không chống nổi, chúng ta phải nhìn nhận sự hiện diện của họ, những đảng viên Cộng sản, sự tồn tại của chế độ Cộng sản, mà chỉ nên "chống đối" lại hay đúng hơn là "phản đối" những hành động tàn bạo, toàn trị đó thôi? Với hy vọng rằng sự phản đối đó, họ sẽ thay đổi và chế độ sẽ được cải tiến không còn là Cộng sản hoặc Cộng sản đổi mới nào đó (?)

Xin được phân tích cho những câu hỏi trên nhưng không cần theo thứ tự như sau:

a) Dường như Tiến sĩ NH Quốc đã tự mâu thuẫn khi cho rằng chế độ hiện nay không còn là Cộng sản theo cái nhìn hậu Cộng sản của ông ta đưa ra, nhưng đồng thời nhìn nhận có sự hiện diện của bốn triệu đảng viên mà họ là những người Cộng sản được chọn lọc.

b) Chế độ Cộng sản của bất kỳ quốc gia, luôn luôn thích tạo số đông trong lực lượng của họ hầu trấn áp tinh thần những ai có ý chống lại, hầu mượn số lượng to lớn để chính nghĩa hóa những gì Cộng sản tuyên truyền, và nhất là tạo sự liên kết phức tạp hơn nhằm trải rộng ra trong khối người dân to hơn trong mục đích kiềm chế, theo dõi, tố cáo chính những người thân hay quen biết của họ, và móc nối thêm những người khác ở bất cứ nơi nào mà họ có thể với đến được nhằm hoạt động cho đảng Cộng sản của họ bằng những lợi nhuận nhứ mồi cá nhân nào đó.

Cho dù số đông hơn 4, 5 triệu đảng viên, thì cũng không có nghĩa là chế độ Cộng sản được chính nghĩa hóa, và cũng không có nghĩa là những người chống cộng nên dẹp bỏ ý đó và chấp nhận sự kiện, bằng con số thực sự đó, hòa hợp với họ hơn là chống lại họ. Và có nghĩa là, chế độ Cộng sản sẽ vĩnh viễn tồn tại trong quyền lực độc tài riêng biệt của nó.

c) Không có một chế độ Cộng sản nào chấp nhận một đảng phái thứ hai. Đảng Cộng sản phải là độc tôn. Chỉ có thế, nó mới có thể giữ mãi quyền lực dù tình huống chống đối của người dân như thế nào. Thì không bao giờ có trường họp đổi mới theo đúng nghĩa của nó, như là chấp thuận đa đảng, những quyến dân chủ cơ bản v.v., mà chỉ là sự đổi mới nào đó theo cái nhìn lợi ích của một đảng Cộng sản tuyệt đối hay nói đúng hơn là một thuật ngữ khác sẽ được tạo ra nhằm mục đích tuyên truyền theo chiều hướng đương thời.

Sự sụp đổ của Liên Xô, thực ra nằm ngoài dự kiến của những người Cộng sản cổ thụ ở đó. Làn gió thay đổi bất ngờ chuyển hướng làm đánh rơi lá cờ búa liềm của họ hơn là cách thức đổi mới nào đó của ông Gorbachev chỉ nhằm cứu vãn tình hình Liên Xô, cứu lấy cái nôi của khối Cộng sản lúc bấy giờ.

d) Sự tồn tại của những tiếng nói lưu vong chống cộng hơn 1/3 thế kỷ là bằng chứng của một chính nghĩa hiển hiện. Dù rằng hiện tại, họ chưa đủ sức mạnh và hậu thuẫn để phản công một đòn cuối quyết định vì còn rất nhiều lý do khách quan khác nhưng chúng giữ một vai trò then chốt --đây là một đề tài bao quát hơn và nằm ngoài chủ đề bài viết nầy. Tuy thế, ngọn lửa luôn được thêm sức sống từ những ý thức bắt đầu vươn lên trong nước và sự vững chắc niềm tin ngày càng được củng cố nơi hải ngoại, đó là bước đe dọa rất đáng kể đối với chế độ Cộng sản. Cũng là một tác động khơi được tính tò mò hiểu biết của những người dân bản xứ; từ đó sự cảm thông sâu xa hơn, truyền cảm hơn trở thành những hậu thuẫn khó thay đổi của những người dân trên thế giới. Những hoàn cảnh tương đồng tự chúng sẽ được kết hợp theo tự nhiên. Dù dường như âm thầm là thế, nhưng khi thời điểm thuận tiện cho phép, chắc chắn rằng đó sẽ là một làn sóng dũng mãnh nhất.

e) Chống cộng không có nghĩa là phải chống người thân, bạn bè đang là đảng viên, nhưng cũng có nghĩa, tuyệt đối không phải là phải sự chấp nhận sự hòa giải, lệ thuộc vào những đảng viên Cộng sản. Đó là lằn ranh phải có giữa hai người khác tư tưởng hệ, như chính những người Cộng sản luôn tô đặm hơn lằn ranh đó bởi vì họ luôn luôn lo sợ - lo sợ sự phô bày cái chính nghĩa giả tạo của họ từ bấy lâu nay. Bổn phận đối với thân nhân, nghĩa vụ đối với bạn bè, là sự khai mở tư tưởng hiểu biết cho họ - vì chế độ Cộng sản luôn luôn giấu kín, ngăn chận, thông tin, tài liệu chân thực về họ, kèm theo là một nền giáo dục nhồi sọ, đầy ấp với tư tưởng là tất cả hy sinh cho lợi ích của đảng nếu mong muốn hưởng được lợi ích cá nhân từ đảng ban cho - bằng mọi cách có thể. Chúng ta nên hóa giải cho họ mà không phải bị đồng hóa bởi họ.

Những người thân nhân, bạn bè đang sống và làm việc ở Việt Nam dưới chế độ Cộng sản, là điều tự nhiên, không thể có cách nào khác hơn. Đây là sự cảm thông tất yếu dù là ngấm ngầm mà ai cũng thừa biết rằng nếu họ phải ở Việt Nam lúc bấy giờ, họ cũng sẽ là những người đó hôm nay. Vì thế, vấn đề họ là đảng viên hay không phải là đảng viên, không là sự việc đáng lưu tâm. Mà điều quan trọng là sự nhận thức tiếp thu, sự cởi mở, không cố chấp, và tinh thần biết tôn trọng người khác của họ (mà Cộng sản luôn thích gieo lòng căm thù, khinh khi, tự đại vào những đảng viên của họ đối với những ai khác tư tưởng hệ Cộng sản hầu nhắc nhở với họ rằng đó là lằn ranh của đảng)

f) Chiều hướng vẫn là chống cộng. Chống chế độ Cộng sản hay chủ nghĩa Cộng sản. Và dĩ nhiên là chống cả những ai thiên cộng mù quáng hay vì lợi ích cá nhân nào đó dù đó là người thân hay bạn bè, một khi họ cố tình không muốn hiểu điều gì khác ngoài lợi lộc riêng tư. Chống họ, không có nghĩa là phải tiêu diệt họ, biến mất khỏi trái đất như những người Cộng sản từng thực hiện trước đây. Chúng ta chỉ chống lại tư tưởng họ, và động lực đó, hy vọng, sẽ khiến họ bừng tỉnh lại. Những người chống cộng, không phải là những sát thủ, đặc công Việt cộng lạnh lùng trong máu khi thực hiện một công tác mà thậm chí có nhiều khả năng gây thiệt mạng cho những thường dân vô can khác. Vì bất kỳ công tác được thi hành nào cũng được Cộng sản ca tụng hết lời, và người thi hành chỉ nghĩ đơn giản là vì đảng - nếu có lỗi chăng, đó cũng là vì đảng, không phải lỗi của họ.

8. Kết thúc:

Danh vị, chức vụ của một người đó, chưa hẳn đã bảo đảm sự chân chính trong lời nói, hành động của họ. Thời đại 21 nầy, kiến thức phổ thông được lan rộng sâu vào công chúng trên thế giới. Đối với người dân, ý tưởng chân thực mới là vấn đề đáng lưu tâm hơn là danh vị. Ngược lại, danh vị càng bị bôi đen hơn khi người nào đó cố tình vay mượn nó để tô lên những ý tưởng thiếu trung thực nào đó.

Tuy nhiên, những người Cộng sản đã và đang phạm phải một sai lầm mà nó tự biến thành một phong trào hào nhoáng của thời đại: danh vị. Tại sao? Vì như đã nói, vị thế của một danh vị luôn có chỗ đứng riêng của nó, ngay cả trong mọi hoạt động, lời nói, cách hành xử v.v... nhưng đa số những người Cộng sản có được danh vị không phải do nỗ lực tôi luyện cá nhân, mà dưới hình thức như sắc phong, ân điển được ban cho từ đảng, nên họ không cách nào tránh khỏi những tác động ngược khi mà chính họ không quen thuộc hay xứng đáng trong tính cách chuyên môn của danh vị đó. Khi mà, ngày hôm nay, người dân những nước tự do, có quyền cười mủi trực tiếp vào những quan chức chính phủ nào có lời nói lộng ngôn, hay hành vi sai trái dù là vô tình hay lỡ lời. Không những thế, chính cá nhân đó phải đứng ra nhìn nhận và xin lỗi trước dư luận. Điển hình nhất là bà Clinton trong cuộc tranh cử Tổng thống trong những năm vừa qua khi buông ra lời không hay trong một lúc rối trí đối với đối thủ Obama của mình.

Và lần nữa, trong bài nầy, tôi không bao giờ có thành kiến với bất kỳ ai. Và không ngoài mục đích thảo luận. Chỉ cầu chúc, dân tộc Việt Nam càng ngày có được sự nhận thức xa rộng hơn.



___________________________

Chú thích:

1. Brian C. Anderson --cây viết người Mỹ, và là chủ bút của của tạp chí City - tố giác Jean-Paul Sartre là người biện hộ cho chế độ độc tài và khủng bố bởi vì sự ủng hộ của ông Sartre cho chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao, và chế độ Castro ở Cuba. Và Paul Johnson --nhà báo, sử gia, nhà soạn diễn văn, tác giả người Anh-- lên án những ý tưởng của ông Sartre cho ảnh hưởng của chúng trên Khmer Đỏ về vấn đề thảm sát chính những người dân của mình. (theo bài viết "Jean-Paul Sartre" trên en.wikipedia)

2. Đoạn văn "Trip to Hanoi" nằm trong cuốn sách "Style of Radical Will" bao gồm nhiều đoạn văn khác, được xuất bản vào năm 1969.

3. Qua bài viết "Dân chủ tại Việt Nam" trên vi.wikipedia.

4. Qua bài viết "George Orwell" trên en.wikipedia.

5. Qua bài viết "Tôi không chống Cộng" của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc trên voatiengviet.

6. Graeme Gill, Democracy and Post-communism, p201--202.

7. Qua bài viết "Từ chống Cộng đến chống Toàn trị" của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc trên voatiengviet.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo