Lao Động Online - Phát biểu trong phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh sáng nay- 5.6 tại Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước phản bác các ý kiến đề xuất đưa luật biểu tình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2013-2014. “Khi đưa luật một cách gấp gáp như vậy là chúng ta đã tước đi quyền của người dân” - ông nói.
Trong một đất nước dân chủ, tự do, hiện đại cần có những đạo luật để điều chỉnh những sinh hoạt dân chủ tự do, luật biểu tình không thể không có. Tuy nhiên, tôi đồng tình với giải trình của UB Thường vụ QH khi nói rằng theo thứ tự ưu tiên không có lý do gì mà nôn nóng đưa ra yêu cầu về luật biểu tình.
Khi xây dựng luật đòi hỏi nhiều công phu, vì biểu tình ở VN không giống ở nước ngoài. Nếu tham chiếu luật pháp nước ngoài, chẳng hạn Úc có luật về tụ tập bất hợp pháp từ 1958 được sử dụng như công cụ để chính phủ ngăn chặn những hoạt động gây bất ổn về chính trị.
Trong những tội liên quan đến “biểu tình” thì có tới 9 tội, trong đó 4 nội dung, chẳng hạn xâm phạm vùng cấm, bạo loạn, phá hoại tài sản… Sự cẩn trọng cũng được đặt ra ở các cường quốc từ năm 1928 đến nay mà chúng ta có thể rút kinh nghiệm.
Biểu tình trong văn hóa VN, người dân đã có những góp ý qua email, tiếp xúc với ĐBQH, các chức sắc cao cấp từ TƯ đến địa phương. Đã đầy đủ ý nghĩa của biểu tình, chỉ còn thiếu vài chi tiết tụ tập đông người… Nếu chúng ta nói đây là điều cấp bách cần nghĩ tới và đưa vào chương trình xây dựng chứ không phải đến 2015-2016 thì phải chăng chúng ta nói những buổi tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến nhân dân đã không được thực hiện một cách hiệu quả?
Dư luận có ý kiến luật bBiểu tình rất cần thiết, tôi cũng xin nêu ra một số vấn đề: Khi có luật biểu bình thì phải sửa một số điều của Luật Hình sự, phải hỏi ý kiến của các DN bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm y tế. Chỉ khi đã làm việc được với cơ quan này và đưa những nội dung này vào bảo hiểm thì chúng ta mới yên tâm và có luật biểu tình.
Khi đưa luật một cách gấp gáp như vậy là chúng ta đã tước đi quyền của người dân. Người dân cần thời gian tham khảo, tham chiếu, nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi, tranh luận về sự cần thiết của luật. Luật biểu tình nếu có phải nghĩ đến trưng cầu ý dân.
Điều quan trọng nhất tôi muốn nói là Điều 3 Hiến pháp 1992 đã nói tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn diện. Vấn đề là trong rất nhiều chục năm qua, các khóa QH đã thực hiện được mục tiêu vì nhân dân chưa, nếu không thực hiện được là có tội với dân.