"Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi như xâm hại tính mạng sức khỏe, uy hiếp tinh thần người khác; chiếm giữ, phá hủy tài sản, hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, chất độc... của cá nhân, tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Việt Nam, hoặc gây hoảng loạn trong quần chúng." - Đại tá Trần Vi Dân – Vụ phó vụ pháp chế (Bộ Công an).
*
Thế nào là hành vi khủng bố theo Luật Việt Nam?
Lương Kết (Dân Việt) - Luật Phòng, chống khủng bố sẽ có hiệu lực từ ngày 1.10.2013, nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Sáng ngày 5.7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật phòng, chống khủng bố, Luật khoa học và công nghệ, Luật giáo dục quốc phòng an ninh, Luật phòng chống thiên tai và Pháp lệnh sưa đổi, bố sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
Diễn tập chống khủng bố
Về Luật phòng, chống khủng bố, theo trung tướng Trần Việt Tân – Thứ trưởng Bộ Công an, trong những năm qua hoạt động khủng bố trên thế giới diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề về tính mạng, sức khỏe, vật chất, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh quốc tế.
Đứng trước tình hình đó Việt Nam cần phải ban hành Luật phòng, chống khủng bố để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bộ Công an được Chính phủ phân công thành lập ban soạn thảo. Dự án Luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIII (tháng 12.2012), được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 khóa XIII (ngày 12.6.2013).
Luật Phòng, chống khủng gồm 8 chương, 51 điều, quy định tổ chức hoạt động phòng, chống khủng bố, phòng ngừa khủng bố; chống khủng bố; chống tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế phòng, chống khủng bố…
Trong tổ chức hoạt động phòng, chống khủng bố, Luật quy định Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu giúp việc chuyên trách. Công an cấp tỉnh là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh, có đơn vị tham mưu, giúp việc. Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, còn UBND cấp tỉnh thành lập Ban ở cấp tỉnh. Thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia và cấp tỉnh đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Trả lời câu hỏi phân biệt hành vi khủng bố với các hành vi khác như giết người, bắt cóc người tống tiền, đại tá Trần Vi Dân – Vụ phó vụ pháp chế (Bộ Công an), cho biết: Điểm phân biệt hành vi khủng bố với một số hành vi phạm tội khác, là mục đích.
Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi như xâm hại tính mạng sức khỏe, uy hiếp tinh thần người khác; chiếm giữ, phá hủy tài sản, hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, chất độc…của cá nhân, tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Việt Nam, hoặc gây hoảng loạn trong quần chúng.
Đại tá Dân cho biết thêm, để Luật được thực thi cần phải có 4 Nghị định, 2 thông tư để hướng dẫn.