Người dân phải “lót tay” cho các dịch vụ công - Dân Làm Báo

Người dân phải “lót tay” cho các dịch vụ công

Thành Công (PNO) - Kết quả khảo sát chỉ ra phạm vi và quy mô chi phí “lót tay” trong các dịch vụ cụ thể: cấp “sổ đỏ” từ 123.000 – 818.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện từ 37.000 – 146.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ giáo dục tiểu học công lập từ 98.000 - 572.000 đồng/lượt/lần... “Việc phải “lót tay” cho các dịch vụ công phản ánh một sân chơi không bình đẳng đối với người dân, đặc biệt là các hộ gia đình còn nghèo và khó khăn” - Jairo Acuna AlfaroCố vấn chính sách của UNDP.

*

Ngày 1/7, Viện Nghiên cứu lập pháp (ILS) đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo công bố Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) đang được triển khai cấp tỉnh. 

Tham dự hội thảo có đại diện Điều phối viên thường trú của UNDP tại Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu HĐND các tỉnh thành khu vực phía Nam. 

Đại biểu HĐND các tỉnh, thành thảo luận tại hội thảo. 

Tại hội thảo, ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách của UNDP đã công bố chỉ số PAPI năm 2012 qua phỏng vấn trực tiếp 13.747 người dân tại các địa phương trên cả nước. (kể từ năm 2010 đến nay, PAPI đã thu thập và phân tích ý kiến của hơn 32.500 người dân). 

Cuộc khảo sát đã cho ra những kết quả hết sức cụ thể liên quan đến trải nghiệm của người dân đối với các dịch vụ công, trong đó đã chỉ ra nạn tham nhũng, hối lộ có chiều hướng tăng lên. 

Kết quả khảo sát chỉ ra phạm vi và quy mô chi phí “lót tay” trong các dịch vụ cụ thể: cấp “sổ đỏ” từ 123.000 – 818.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện từ 37.000 – 146.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ giáo dục tiểu học công lập từ 98.000 – 572.000 đồng/lượt/lần... “Việc phải “lót tay” cho các dịch vụ công phản ánh một sân chơi không bình đẳng đối với người dân, đặc biệt là các hộ gia đình còn nghèo và khó khăn”, Cố vấn chính sách của UNDP đánh giá. 

Việc tham nhũng, hối lộ diễn ra ở mọi dịch vụ công khiến người dân thờ ơ và bàng quan, mất niềm tin vào chính quyền. Kết quả khảo sát của PAPI cho ra con số 44% số người dân thừa nhận không biết xã/phường có công khai thu chi ngân sách hay không, trong khi có 22% nhìn nhận xã/phường không niêm yết công khai thông tin thu chi ngân sách. Thậm chí, nhiều người dân còn không biết có sự tồn tại của một số cơ quan công quyền quan trọng ở địa phương. Cụ thể, có 66% người dân cho biết ở địa bàn xã/phường của họ không có Ban thanh tra nhân dân hoặc không biết ban này có tồn tại hay không. Tương tự, có tới 83% số người được hỏi cho rằng ở xã/phường của họ không có hoặc không biết có tồn tại Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng hay không. 

Đánh giá về các dữ liệu PAPI cung cấp, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện ILS tâm tư: “Chúng tôi cho rằng đây là một phương pháp nghiên cứu mang chuẩn mực quốc tế, phủ hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và đề cập thẳng vào 6 trục nội dung hay lĩnh vực rất đáng quan tâm: trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; tính công khai, minh bạch trong thực thi chính sách...” Theo tiến sĩ Thảo, hiện các tài liệu liên quan đến PAPI đã được ban tổ chức cung cấp cho các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII, đồng thời đang được giới thiệu đến đại biểu HĐND các tỉnh/thành. 

“Đây là các dữ liệu cần thiết để các cơ quan dân cử có thêm một cách nhìn toàn diện, khách quan về việc hoạch định chính sách pháp luật, việc pháp luật được thực thi ở các địa phương như thế nào, cũng như quan điểm, cách nhìn nhận của người dân về hệ thống các cơ quan công quyền ở địa phương”, Viện trưởng Viện ILS nhấn mạnh.



http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/chinh-tri/nguoi-dan-phai-lot-tay-cho-cac-dich-vu-cong/a96426.html

*

Bộ máy 'khô dầu' dân mới phải 'bôi trơn'

- Không nên đổ lỗi cho tâm lý người dân muốn "bôi trơn" mà phải làm cho bộ máy công quyền không còn “khô dầu”. Trong vấn đề này, người dân bị đặt vào tình thế phải thích nghi.

Sáng 1/7, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH) phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức hội thảo giới thiệu báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012. Gần 14.000 người ở 63 tỉnh thành đã được phỏng vấn trong khảo sát của PAPI năm 2012.

“Lót tay” phổ biến

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là một trong 6 chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Phát hiện của PAPI cho thấy, hiện tượng phải đưa tiền “lót tay” để xin việc làm trong cơ quan nhà nước rất phổ biến. Có đến hơn 39% người được hỏi cho biết phải thực hiện việc này mới có việc làm trong cơ quan nhà nước.

Ngoài tình trạng “lót tay”, kết quả khảo sát PAPI cũng cho thấy, đa số người dân cho rằng, quan hệ thân quen với người có chức quyền là yếu tố quan trọng khi đi xin việc vào khu vực nhà nước.

Ông Đặng Ngọc Dinh. Ảnh: Tá Lâm
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) nêu: Không nên đổ lỗi cho tâm lý người dân muốn "bôi trơn" mà phải làm cho bộ máy công quyền không còn “khô dầu”. Trong vấn đề này, người dân bị đặt vào tình thế phải thích nghi với thực trạng hiện nay.

Ông lấy dẫn chứng từ việc người dân khi ra nước ngoài chữa bệnh không có tâm lý phải mang theo phong bì như khi đến bệnh viện ở ta.

“Thích nghi cũng là người dân thông minh. Họ bôi trơn, tức là họ quan niệm cái máy này trục trặc, khô dầu. Vậy cái máy khô dầu là tại ai? Tại người thiết kế máy, tại người vận hành hay tại người tu sửa không làm cho nó trơn?”. Theo ông Dinh, để chống tham nhũng cần phải tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược, đặc biệt là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền với nhân dân.

“Công tác chống tham nhũng rất khó khăn, phải có sự quyết tâm và lâu dài. Lâu dài ở đây không phải là đi chụp ảnh người lót tay, làm như thế không ăn thua mà phải làm đồng bộ, tổng thể”, ông Dinh nói.

Tham khảo PAPI trước khi lấy phiếu tín nhiệm

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết, tới đây HĐND các tỉnh thành sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, theo ông Thảo, để cuộc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan, công tâm và trách nhiệm, các đại biểu HĐND phải tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau nhưng vẫn thiếu một tài liệu quan trọng, đó là PAPI. “Hay nói chính xác hơn là một hệ quy chiếu chuẩn để chấm điểm một cách công bằng đối với tất cả các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm”, ông Thảo nói.

Theo ông, PAPI sẽ giúp các đại biểu HĐND ở các tỉnh thành trong cả nước có cách nhìn toàn diện, khách quan về việc hoạch định chính sách pháp luật, việc pháp luật được thực thi ở các địa phương như thế nào, cũng như cách nhìn của người dân về hệ thống các cơ quan công quyền ở địa phương.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo