VN có nhượng bộ TQ về biên giới không? - Dân Làm Báo

VN có nhượng bộ TQ về biên giới không?

BBC - Nếu Việt Nam công bố minh bạch và đầy đủ thông tin thì đã không có nhiều người làm công tác nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo “mơ hồ, lăn tăn” về các hiệp định lãnh thổ và biển, mà dư luận người dân cũng đã đỡ xôn xao. Thông tin đó không thể dựa trên việc quan chức hé ra một phần, không thể được thay thế bằng thông tin hành lang, hay những lời khẳng định, trấn an. Ngược lại, Việt Nam phải có chính sách cung cấp cho nhân dân thông tin chính thức, minh bạch và đầy đủ, theo tư duy 3C, “Công khai, Công luận, Công pháp quốc tế”...

*

Vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn thu hút sự quan tâm và tranh cãi trong dư luận người Việt trong và ngoài Việt Nam.

Cho đến hôm nay, Hiệp ước Biên giới trên đất liền được hai nước ký năm 1999 vẫn gây ý kiến trái ngược.

Một nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, Dương Danh Huy, mới đây gửi cho BBC bài viết về chính sách thông tin của Việt Nam liên quan biên giới lãnh thổ và ranh giới biển. Bài viết đặt ra một số câu hỏi cho Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, sau khi ông Trục, trên báo Việt Nam, kể lại những năm đàm phán biên giới với Trung Quốc.

Khi được Lê Quỳnh của BBC liên lạc, ông Trần Công Trục đồng ý trả lời những "băn khoăn" về cuộc đàm phán biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Xin giới thiệu với quý vị hai bài viết muốn giải đáp thêm các câu hỏi về quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc.



Cho đến nay vẫn có có nhiều ý kiến khác nhau về tính công bằng của hai hiệp định Việt-Trung về ranh giới trên bộ và về vịnh Bắc Bộ được ký vào năm 1999 và 2000. 

Mới đây, trả lời phỏng vấn trên báo Giáo dục Việt Nam về hai hiệp định này, TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói: 

“Điều đáng nói là không chỉ dư luận người dân mà ngay cả những người làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học lẫn những nhà quản lý, lãnh đạo vẫn còn nhiều người mơ hồ, lăn tăn về chuyện này. Thậm chí có người suy đoán “chắc là dư luận nói đúng” bởi vì họ nghĩ Việt Nam là nước nhỏ, nước yếu ở cạnh một nước mạnh, nước lớn như TQ thì phải có sự nhượng bộ không thể tránh khi đàm phán tranh chấp biên giới, lãnh thổ.” 

Điều TS Trần Công Trục nói đến là do một khuyết điểm cơ bản trong chính sách của Việt Nam về thông tin liên quan đến biên giới lãnh thổ và ranh giới biển. 

Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được ký năm 1999

Trấn an? 

Nếu Việt Nam công bố minh bạch và đầy đủ thông tin thì đã không có nhiều người làm công tác nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo “mơ hồ, lăn tăn” về các hiệp định lãnh thổ và biển, mà dư luận người dân cũng đã đỡ xôn xao. Thông tin đó không thể dựa trên việc quan chức hé ra một phần, không thể được thay thế bằng thông tin hành lang, hay những lời khẳng định, trấn an. Ngược lại, Việt Nam phải có chính sách cung cấp cho nhân dân thông tin chính thức, minh bạch và đầy đủ, theo tư duy 3C, “Công khai, Công luận, Công pháp quốc tế”.

Không thể bác bỏ những suy đoán mà TS Trần Công Trục đề cập đến, hay những suy đoán khác, bằng những lời phủ định “chay”. Để bác bỏ chúng, cần công bố những thông tin như: trong đàm phán Việt Nam đã đòi gì, Trung Quốc đã đòi gì, mỗi bên đã đưa ra dẫn chứng và lập luận gì cho yêu sách của mình, và cuối cùng mỗi bên được gì với lý do gì. Người quan tâm sẽ dùng những thông tin đó để đánh giá giá trị pháp lý của chứng cứ của mỗi bên và tính công bằng của thỏa hiệp.

Nếu thay thế những thông tin đó bằng những lời trấn an thì nhân dân không thể biết có bên nào đã ngang ngược hay không, và bên kia có đã đành phải chấp nhận hay không; họ chỉ có thể lựa chọn giữa có tin lời trấn an hay không. Lãnh thổ là của nhân dân cho nên họ phải được hơn như thế: họ phải được có thông tin về đàm phán lãnh thổ và biển. Các lời khẳng định, các lời trấn an, tin hành lang và tin đồn là không đáp ứng đủ quyền được biết của nhân dân.

Nhưng cho tới nay, mặc dù tọa độ của các cột mốc đã được công bố, vẫn chưa có thông tin đầy đủ và minh bạch về cuộc đàm phán dẫn đến chúng.

Khu vực Núi Đất

Một thí dụ là khu vực Núi Đất, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn và đánh chiếm vào tháng 4 năm 1984. Vào tháng 7 năm 1984 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch kéo dài nhiều năm, chiến đấu quyết liệt để giành lại những vùng bị Trung Quốc chiếm đóng. Với xương máu của rất nhiều người lính, Việt Nam đã giành lại được nhiều phần.

Trên bàn đàm phán, Việt Nam cũng đã giành lại được một số mỏm núi. Theo thông tin không chính thức từ phía Trung Quốc và phía Việt Nam thì có một mỏm có vẻ như cả hai bên không chối cãi là của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã xây nghĩa trang quân đội trên đó và họ chủ trương là khu vực nghĩa trang là bất khả xâm phạm.

Việt Nam có cuộc chiến biên giới với Trung Quốc tháng Hai 1979 

Có việc đó hay không? Nếu có thì vì ly do nào mà Việt Nam đã chấp nhận? Vì nhân đạo và địa chính trị, hay vì không có đủ chứng cứ pháp lý, hay lý do nào khác? Tại sao thông tin không được công bố?

Vịnh Bắc Bộ

Một thí dụ khác là ranh giới trong vịnh Bắc Bộ. Ban đầu Việt Nam chủ trương kéo dài đường phân định trong Hiệp định Pháp-Thanh 1887 để chia cả lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế bên ngoài 12 hải lý, nhưng Trung Quốc đã không chấp nhận. Sau đó Việt Nam chủ trương chia theo luật quốc tế về phân định biển. Theo tài liệu đã công bố của nhân viên nhà nước có chức năng thì Trung Quốc chủ trương chia đều 50:50, không cần đến lập luận pháp lý. Cuối cùng hai bên đã thỏa hiệp bằng tỷ lệ 53:47 nghiêng về Việt Nam.

Theo bản đồ độ phân giải cao thì nhiều điểm trong đường phân định vùng đặc quyền kinh tế trong vịnh Bắc Bộ nằm gần lãnh thổ Việt Nam hơn lãnh thổ Trung Quốc. Nổi bật nhất là điểm 17 nằm gần bờ biển Hà Tĩnh hơn đảo Hải Nam khoảng 50 km, và điểm 14 nằm gần bờ biển Nam Định hơn đảo Hải Nam khoảng 37 km. Trong khi đó, không có điểm nào nằm gần lãnh thổ Trung Quốc hơn lãnh thổ Việt Nam. Nếu lấy một đường trung tuyến nào đó làm chuẩn (có thể có vài đường trung tuyến khác nhau đều tương đối hợp lý) thì có thể nói là Việt Nam được ít hơn đường trung tuyến ít nhất là nhiều trăm cây số vuông.

Vì vậy, mặc dù lời phê phán rằng Hiệp Định Pháp-Thanh 1887 đã chia toàn bộ vịnh Bắc Bộ là lời phê phán không hợp lý, nhưng quan điểm chính thức của Việt Nam, rằng Hiệp Định vịnh Bắc Bộ 2000 là công bằng, cũng là quan điểm chưa thuyết phục.

Có thể cho rằng hiệp định đó là đại khái công bằng ở một mức nào đó, nhưng mức đó có là công bằng đủ hay không thì là điều có thể tranh luận. Trong tranh luận đó, thể có người cho rằng trước một Trung Quốc vừa mạnh, vừa tham, bất chấp luật quốc tế, thì việc Việt Nam đạt được mức công bằng đó là khá rồi, và có thể có người có quan điểm ngược lại.

Cũng có thể có người cho rằng việc được ít hơn đường trung tuyến đó là giá phải chăng cho việc có một ranh giới ổn định trong vịnh Bắc Bộ, và có thể có người có quan điểm ngược lại.

Điều quan trọng ở đây là phải có thông tin chính thức và có tranh luận khoa học, duy lý. Đó cũng là nguyên tắc chung cho việc nhận định về các hiệp đinh biên giới, ranh giới.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo