Phạm Duy Nghĩa (TT) - Khi người bán chỉ mong được giá 5 triệu USD cho một cái ụ nổi dùng vào việc sửa chữa tàu biển mà người mua sẵn lòng trả tới 9 triệu USD, những thương vụ ngược đời ấy chỉ có ở loại doanh nghiệp cha chung không ai khóc.
Nhận “lại quả” hàng triệu USD từ thương vụ ấy, nguyên giám đốc Dương Chí Dũng của Vinalines được cho là đã vung tiền tỉ mua nhà cho bạn gái. Tham ô, cố ý làm trái là những ngôn từ khô khốc của luật pháp. Trong khi dân nghèo tần ngần lựa những mớ rau ngày càng nhiều.
Chính việc thiếu giám sát đã tạo cơ hội cho người quản trị doanh nghiệp nhà nước lạm dụng quyền lực được ủy nhiệm, làm giàu bất chính. Bất công ấy nếu dai dẳng kéo dài sẽ gieo mầm mống bất an rất lớn cho xã hội.
Ông giám đốc có đi tù, song gánh nặng nợ nần của doanh nghiệp nhà nước vẫn đè nặng lên ngân sách quốc gia, tức trên vai mỗi người dân. Càng bơm tiền cho doanh nghiệp nhà nước càng tăng rơi vãi, của cải khan hiếm của một đất nước vốn đã nghèo lại góp phần làm giàu cho tư gia các nhà quản trị trong nước và làm giàu thêm cho các công ty đồng lõa nước ngoài. Ụ nổi nay đã thành đống sắt han gỉ, song cái ụ chìm đang nâng đỡ những đống sắt vụn ấy cũng cần nhận diện đích danh. Gần 30 năm cải cách, doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự trở thành đầu tàu tạo ra của cải và giúp phân bổ phúc lợi hài hòa, chưa trở thành hình mẫu năng động trong quản trị kinh doanh, chưa đóng góp được nhiều việc làm cho thị trường lao động, và chưa tạo ra hiệu suất sử dụng đồng vốn đầu tư cao tương xứng với những ưu tiên mà Nhà nước đã dành cho chúng.
Để ngăn chặn tham ô và hoang phí tiền dân, cần vun đắp các thể chế tạo ra một nền kinh tế tư hữu và công hữu cùng cạnh tranh năng động. Vụ án liên quan đến ông Dương Chí Dũng của Vinalines, thêm một lần nữa nhắc nhở rằng doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát đầu tư công, sau ba thập kỷ cải cách, vẫn cần phải đặt ở vị trí trung tâm trong cải cách thể chế kinh tế hiện nay. Cần xác định rõ chủ sở hữu, tạo điều kiện cho người dân, báo chí, các cơ quan dân cử tham gia quyết định, kiểm soát và giám sát ngày càng chặt chẽ hơn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, giảm độc quyền và ưu đãi, buộc họ phải cạnh tranh với khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh, chỉ khi đó doanh nghiệp nhà nước mới tuân thủ kỷ luật thị trường và hi vọng được quản trị hiệu quả. Chỉ khi ấy mới mong ít dần những thương vụ ngược đời như cái ụ nổi của Vinalines.