BBC - Ngày 1/11, hàng chục người đã công khai đến viếng mộ cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm nhân 50 năm ngày mất của ông tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Lái Thiêu, Bình Dương.
Thông tin từ trang chuacuuthe.com cho biết buổi lễ có sự góp mặt của các giáo dân ở miền Nam và do cha Antôn Lê Ngọc Thanh chủ trì.
Blogger Nguyễn Hoàng Vi, người đi dự buổi lễ, nói với BBC trước đó đã nhận được thông báo về thời gian và địa điểm tổ chức lễ viếng từ linh mục Thanh.
Lực lượng an ninh đã có mặt để theo dõi và giám sát, nhưng không gây khó dễ gì cho khoảng 50-60 người đến dự, blogger này cho biết thêm.
Hình ảnh được đăng tải trên tài khoản Youtube của Dòng chúa Cứu thế Việt Nam cho thấy nhiều giáo dân và các cha xứ đứng chắp tay và mang theo hoa, vây quanh phần mộ của ông Ngô Đình Diệm và em trai ông, Ngô Đình Nhu.
Trong bài phát biểu được ghi hình, linh mục Thanh cũng lên tiếng phản đối cách nhìn về Tổng thống Diệm trong chương trình lịch sử của Việt Nam ngày nay.
"Hiện nay, trong chương trình môn sử thuộc bậc đại học cũng như trung học, khi nhắc đến ông Diệm, họ vẫn lên án ông là một người độc ác và phản quốc," ông nói.
"Tuy nhiên, cả các học sinh cũng lười biếng nghiên cứu, tìm hiểu, cuối cùng làm cho xã hội nối tiếp nhau cả một sự gian dối".
"Khi nhà cầm quyền không dám đối diện và trung thực với sự thật lịch sử thì sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng trở nên gian dối và băng hoại nhân cách con người, vì nhân cách con người không thể xây dựng khi không có nền móng.”
'Chấp nhận cái chết'
Linh mục Thanh cũng nói Tổng thống Diệm đã chống lại lời khuyên đánh phủ đầu các tướng lĩnh muốn đảo chính và chấp nhận cái chết của mình.
"Biến cố chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay là ngày ông Ngô Đình Diệm, và cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại vì chủ trương tuyệt đối không cho một quân ngoại bang nào được quyền chi phối đất nước Việt Nam," ông nói.
"Bối cảnh khi đó là người Mỹ muốn đưa quân vào, nhưng ông Diệm nói rõ là chúng tôi rất cần những người cố vấn, nhưng để lo liệu cho đất nước chúng tôi thì phải là người Việt."
"Vài ngày trước khi Tổng thống bị sát hại, ông Vỹ, một người thân cận với Tổng thống, đã xin lệnh đánh phủ đầu những nhóm [muốn đảo chính]".
"Tổng thống trả lời tại sao lại lấy quân Việt Nam đi đánh quân Việt Nam?"
"Chết thì đã sao, không thể vì mình mà để huynh đệ tương tàn, quân đội náo loạn, quốc gia ngày càng suy kiệt."
Đi tìm sự thật
"Là một người sinh sau năm 75, tôi học lịch sử về Tổng thống thì không có một ấn tượng gì tốt về ông hết. Có những sự thật về Tổng thống không như những người trẻ được học từ sách sử của mái trường xã hội chủ nghĩa."
Blogger Nguyễn Hoàng Vi
Blogger Nguyễn Hoàng Vi nói lý do cô dự lễ viếng vì muốn "đi tìm sự thật" về Tổng thống Ngô Đình Diệm.
"Là một người sinh sau năm 75, tôi học lịch sử về Tổng thống thì không có một ấn tượng gì tốt về ông hết," cô Vi nói.
"Có những sự thật về Tổng thống không như những người trẻ được học từ sách sử của mái trường xã hội chủ nghĩa."
Blogger cho biết nhóm của cô bắt gặp tại lễ viếng một cụ già 90 tuổi, người năm nào cũng đi từ Biên Hòa xuống viếng mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm nhân ngày giỗ của ông.
"Ông nói là ông biết ơn Tổng thống", blogger này thuật lại. "Chắc chắn rằng ký ức của ông cụ đó về Tổng thống Diệm phải rất tốt đẹp, ông mới không ngại đường xa và tuổi tác để đến viếng như thế."
"Tôi nghĩ rằng lớp trẻ nên đi tìm hiểu sự thật ngoài những gì mình được học, được đọc, qua những nhân chứng còn sống tới bây giờ như cụ già mà tôi gặp trong buổi lễ ngày hôm qua."
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/11/131102_remembering_president_diem_vietnam.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/11/131102_remembering_president_diem_vietnam.shtml