Ngày nào là ngày tự quyết quyền tưởng niệm? - Dân Làm Báo

Ngày nào là ngày tự quyết quyền tưởng niệm?

Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Dĩ nhiên còn có nhiều cảm xúc và đề nghị tên gọi buổi lễ khác, ở một thời điểm sắp tới khác, ở một ghi dấu ghi ơn khác, của một đất nước tang thương đã phải buộc lòng tưởng niệm cho một tưởng-niệm-bất-thành. Ơi đồng bào, chúng ta đồng lòng lấy mốc điểm của nhiều biến cố năm 2014 để đến với nhau vào giờ thiêng và vẫn là Chủ Nhật của thường lệ. 35 năm sau, tên gọi “Ngày Biên Giới Việt Nam” của nhóm trẻ kêu gọi No-U Hà Nội đã phải chứng kiến quyền biểu tỏ tri ân, quyền linh thiêng tưởng nhớ của một dân tộc, bị một nhóm đảng trị, độc trị vốn vô thần vô gia đình vô tổ quốc bôi bác, tước đoạt không thương tiếc. Vậy không lẽ một nước lớn sau khi “đòi” dạy cho nước nhỏ một bài học, mới có quyền ban phát hoặc triệt tiêu lễ tưởng niệm của nội bộ “nhà” người khác? Bao giờ thì chúng ta, người Việt Nam mới có thể tự quyết quyền tưởng niệm của mình?

Cách đây không lâu, vẫn cùng một kịch bản, một đạo diễn coi thường lòng tự trọng và quyền lợi của nhân dân, bọn họ lại được dịp suy tôn thiên triều để sẵn sàng bán đứng dân tộc mình vào ngày tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa và liệu sự xúc phạm thương tổn vượt qua giới hạn này, những người con dân Việt sẽ phải làm gì trong lần tưởng niệm mà “nhân dân không thể quên: 14/3” sắp tới này? 40 năm, 35 năm hay với Gạc Ma, Trường Sa 1988 sẽ là 26 năm, không lẽ chúng ta lại cứ trố mắt ngao ngán nhìn những con robot rỉ sét này diễn xuất trò mèo, hoặc diễu dở và kém khả năng động não mà còn tỏ ra nguy hiểm như mấy tên DLV được động viên trà trộn để bốc (mùi) phét... “lác”. Bộ họ không thấy miếng-ăn-sai-khiến này là miếng tồi tàn nhất sao?

17/2/2014, dấu mốc 35 năm “Ngày bảo vệ biên giới Việt Nam” của 60 ngàn quân dân anh hùng bộ đội đã hy sinh, sao người ta lại dám rẻ rúng một chặng đường lịch sử được coi là anh dũng chống quân xâm lăng? Trung Cộng càng ngụy biện, phủ nhận và bắt chúng ta coi đó như là cuộc chiến phản kích tự vệ, thì chúng ta càng không thể cam tâm chôn vùi xương máu và thứ quá khứ oanh liệt được xem là cuộc giáo trừng đẫm máu nhất, của những dã tâm Đại Hán với một đất nước gọi là “anh em đồng chí” nhược tiểu.

Vậy thì sức mạnh nhược tiểu của chúng ta biến tiệt ở đâu, khi lịch sử của tiền nhân cha ông ta cũng luôn chứng minh rằng người Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục, và sẵn sàng giữ vững non sông độc lập bằng bất cứ giá nào.

Tất cả phải nằm trong máu huyết truyền thống bất khuất của dân tộc Việt. Ngoại trừ đã có những kẻ chủ mưu chủ “đảng” giỏi đầu độc, bơm máu Tàu vào máu bọn chúng. Nhìn mà xem, những “con” người đang dị dạng nhảy nhót dàn cảnh phá rối ở tượng đài Lý Thái Tổ, hay bên kia đường là những chiếc xe trùm mui vô cảm, răn đe chờ lệnh, hoặc đâu đó là đoàn thanh niên áo xanh lấm lét và chừng như tất cả đều không biết hổ thẹn, nhục nhã ê chề là gì.

Có phí phạm không, khi chúng ta cứ phải đập vào đầu họ câu nói bất hủ của vua Lê Thánh Tông năm 1473: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vất bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.” Lũ người (ngợm) này quả là an nhiên hoặc quá thờ ơ, mà không hề quan tâm càng ngày đất nước mình đang sống càng bị trói buộc, xuống dốc đủ điều, và không hề có một dấu hiệu tung xiềng phá cũi, như thể lời thề thốt hèn nhược năm nào Hội Nghị Thành Đô đang manh động trở về dày xéo đất Việt, và mối họa ngàn năm Bắc Thuộc lần thứ hai khó tránh khỏi.

Thử hỏi chúng ta đang ở nơi mô trên trái đất, đang có mặt trên giải đất gấm vóc của thứ “cha ông” nào, trong thời đại từ người xuống đười ươi rừng rú ra sao, mà ngay cả một tấc lòng, một cành hoa trắng, một nén hương, một ngọn nến bày tỏ tri ân hồn chiến sĩ của con dân một nước (mang chân rết trong Hội Đồng L.H.Q) cũng bị “đuổi khéo”, đập cắt, thổi tắt ngay từ mệnh lệnh của những ngọn gió bá quyền phương Bắc và của phường cơ hội quỳ gối, cúi đầu nô lệ trong những thanh vàng (khè) 16, 4 mặt lấp lánh đổi màu. Đập cắt của nhân dân một tưởng niệm nhớ ơn bằng mưu mô, mẹo vặt loa đá cay mắt ở tượng đài Lý Thái Tổ Hà Nội, và dập tắt những nến sáng tri ân chưa được thắp lên ở công viên Biển Đông Đà Nẵng, rồi thì cắm dùi nhảy nhót, loa nhạc ồn ào vô ý thức cốt khỏa lấp những thét gào hùng ca sông núi, là một toa rập, mở đường tiếp sức cho bàn chân xâm lược vốn dĩ là kẻ thù truyền kiếp của ngoại bang sấn tới.

Kỷ niệm hay tưởng nhớ “Ngày Biên Giới Việt Nam 1979” năm nay là một việc làm không một ai, không một thế lực (ngu xuẩn) nào bất chấp hậu quả ra tay cấm cản, cũng như liệu có một nhà lãnh đạo nào còn thản nhiên nổi khi thấy toàn dân đành âm thầm đóng cửa ở nhà, làm một màn tưởng niệm cho mỗi hoàn cảnh của mình. Đại loại như lời kêu gọi của 74 vị có tên tuổi mới đây, thế nhưng chỉ khác và hơi phiền là nếu Sài Gòn có thể có một ngày “đồng loạt đóng cửa bất tuân” để tưởng niệm và nhìn lại mình thì có lý hơn nhiều.

Phải chăng đây là một cách thế nói “không!” nhẹ nhàng, nhưng phản kháng hữu hiệu nhất, để nuôi dưỡng cho chúng ta tinh thần yêu nước và giữ nước, tinh thần không vong ân bội nghĩa với những anh hùng chiến sĩ đã xả thân cho từng tấc đất biên giới, biển đảo của Tổ Quốc; tinh thần dân tộc của một đồng lòng kết đoàn không để cho bất cứ một âm mưu nào bán rẻ sinh mệnh của dân tộc mình.

Và như thế, chí ít chúng ta cũng phải một lần cùng nhau tay trong tay nắm chặt, để củng cố lại niềm tin đã bị quá nhiều lừa mị làm đổ vỡ, tan tác. Nhìn quanh quất sao chẳng thấy còn ai nơi đây đang sống thật xứng đáng sáng ngời, cho ta theo cùng chăng. Chúng ta dường như vẫn còn chờ một hiền tài sẽ đến để mở rộng những ngục tù giam hãm này, có phải?

Không cần biết ai sẽ có khả năng dấy gọi và thực thi, nhưng những người trẻ yêu nước tự tin sẽ cùng nhau mò mẫm đi tới.

Ngục tù đó có thể đang nằm ngay trong mỗi người chúng ta. Vâng, một khi chúng ta đã xác định được biên giới sau chót của một lần phải trả giá để “đến đó”, cùng một điểm hẹn, một thí điểm lịch sử, một biểu tỏ thì nỗi trấn áp sợ hãi cũng chẳng còn là gì nữa cả. Cũng bởi chúng ta đã thề với chính mình là sẽ vượt qua tất cả để đi đến kỳ cùng sự chọn lựa ấy, hơn là cái tai hại phải chấp nhận nó.

Nghĩ cho cùng chẳng còn một sự lựa chọn nào khác. Bao lâu rồi chúng ta cũng đã bàn tới bàn lui, tổ chức này tổ chức nọ, nghĩ tưởng tới nghĩ tưởng lui quá nhiều, phương thức này phương cách khác, nhưng chừng như vẫn bị sức cản của sự thiếu đồng bộ nào đó, và vẫn chưa thể trườn qua được những bụi gai vẫn đâm thốn người mỗi chúng ta.

Có phải sau những ngôn ngữ có khi là những lời thề nguyền dứt khoát, những huấn ca hùng ca hay ho, những ngôn ngữ vũ bão và chó sói, chúng ta cốt yếu vẫn chỉ là những con cừu ngoan an phận, tiến thoái lưỡng nan ngày chủ nhật, như con số có mặt ở Hà Nội sáng nay? Và chừng như khi đội lốt cừu non, chúng ta thậm chí còn khó lòng trở về với những ngày chủ nhật của mùa hè cháy bỏng, rực lửa năm nao.

Theo một loạt đưa tin lấy từ hãng AP của các báo ngoại quốc, cộng đồng quốc tế lại được dịp soi thấu bộ mặt đáo để ngăn cản nhân quyền và giả hiệu của lễ tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979. Chỉ tiếc họ tường trình con số cũng quá khiêm nhượng của buổi tuần hành tưởng niệm này, mà không chịu khó biện luận thêm rằng khi 70 người Việt trẻ tuổi ghé qua ngôi đền Ngọc Sơn để làm lễ, thì cũng là một cách trả lời không kém phần xác quyết đối với tập đoàn bành trướng ngang nhiên (ở Biển Đông), hệt như tinh thần võ sĩ không hèn nhát nhịn nhục của Thủ Tướng Sinzo Abe của Nhật, trước những đe dọa của Tập Cận Bình đã nhún vai, mỉm cười khi chọn cách đối đáp là đến hành lễ tại ngôi đền của Thần Giáo Nhật Bản: đền Yasukumi. Dĩ nhiên ngôi đền này cũng có thờ tự các chiến sĩ Nhật Bản, có điều còn chứa cả những hài cốt của khá nhiều những tướng lãnh được coi là đồ tể chiến tranh thời Đệ Nhị Thế Chiến. Đền Yasukumi vốn là vùng cấm kỵ cho các viên chức, nhất là khi một vị Thủ Tướng đương thời lại ghé thăm, vì được coi là tín hiệu khiêu khích với Trung Quốc và Đại Hàn, qua những thảm cảnh đã do quân Phiệt Nhật gây nên.

Thôi thì chúng ta cứ tha hồ suy diễn mỗi người mỗi ý nghĩ, có khi chỉ đơn thuần là một lời cầu khẩn khấn vái những hồn thiêng sông núi, những “hồn tử sĩ gió ù ù thổi” để xem bao giờ bọn chúng mới chịu nhìn nhận và đền đáp lại máu xương của toàn quân dân ta đã đổ, nhất là sẽ được linh nghiệm thổi bay đi đâu khuất lấp những con người gian ác chẳng còn nơi trú ngụ. Những linh hồn ma lang thang tru tréo.

Hơn thế nữa, tôi đoán những người anh em No-U ra khỏi ngôi đền Ngọc Sơn để ai về nhà người nấy, sẽ mang theo nỗi khiêu khích cấm đoán của “lệnh trên” từ đường dây nóng vinh danh tình hữu nghị (dỏm) giữa nhà-đạo-đức-suy-thoái (chống tham nhũng) Tổng Trọng và kẻ-hoang-tưởng-giấc-mơ-Tàu-cộng Tập Cận Bình. Mang theo để thấy nỗi nhục quốc thể chúng ta lớn dần theo mỗi ngày, và để thấy chỉ có duy nhất nhà cầm quyền này đã để cho một thế lực ngoại bang dẫn dắt, thao túng kể cả chuyện tế nhị nội bộ của đồng bào, như là chuyện tưởng niệm những chiến sĩ đã bỏ mình cho quê hương. Để không những chúng ta không bị chính mình và con cháu đời sau nguyền rủa, mà còn hãnh diện như hôm nay tôi đã lên tinh thần nghĩ về câu nói hùng hồn của đồn phó liệt sĩ Đỗ Sỹ Hòa: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng bây đến đây, chúng bây sẽ chết.” Và làm sao chúng ta có thể quên được những mối tình không trọn trong cuộc chiến biên giới này của nữ dũng sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và Bùi Anh Lương liệt sĩ. Cũng như những cuộc tàn sát dã man những nữ tù binh và phụ nữ Việt Nam.

Lẽ nào chúng ta phải chịu đánh mất danh dự và truyền thống ông cha để lại, mà không thể nói rằng: Phút mặc niệm của toàn dân bắt đầu!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo