Tính cách người Việt trong việc tập hợp đấu tranh dân chủ - Dân Làm Báo

Tính cách người Việt trong việc tập hợp đấu tranh dân chủ

LMHT (Danlambao) - Câu chuyện giá xăng tăng vào tối ngày 21-2 hay câu chuyện biệt thự của ông Trần Văn Truyền, (nguyên tổng Thanh Tra Chính phủ) có làm cho chúng ta (những con người đã thức tỉnh trước thực trạng xã hội cộng sản hiện tại) nhận ra được điều gì không? 

Sẽ có vô vàn lời ca thán, hờn trách, phỉ báng trên các mạng xã hội thông qua các status ngắn, những bình luận dài... Hay những lời chửi công khai của những anh lái xe vào ban sớm, chửi thầm của những bạn sinh viên khi dắt xe vào đổ xăng. Giá cả sẽ tăng lên ở chợ, và những bà nội trợ lại thở dài... Phẫn nộ cũng có, nhưng cuối cùng vẫn là xi xoa cho qua và đa phần vẫn tiếp tục một nhịp sống đều đều cho đến khi xăng tăng tiếp, vẫn là những tâm trạng cũ xì được lập lại.

Chúng ta (những con người mong mỏi sự tự do, quyền tự do cơ bản, quyền được nhà nước phục vụ cho xứng đáng đồng thuế mình bỏ ra, quyền được yêu cầu sự thỏa đáng về mặt tìm kiếm đảng phái bằng phiếu bầu) trong thời điểm trước đây lẫn hiện thời thường hay tìm kiếm phương pháp, đường lối để đấu tranh cho một xã hội dân chủ để đảm bảo chúng ta không bị nhà nước bóc lột, mà ngược lại là sự phục vụ với sự đa nguyên về mặt chính trị. Và bằng cách nào đó, những con người dấn thân, tiên phong luôn nuôi dưỡng ước muốn thức tỉnh được phần lớn người Việt, khiến họ cất lên tiếng nói của sự tự do, đưa đôi chân họ xuống đường như một người chủ thực sự... 

Thế nhưng! Với những gì mà “người tiên phong” làm trong thời gian qua, kể cả khi có sự trợ lực mạnh mẽ của internet, cái sự thức tỉnh của người Việt vẫn diễn ra một cách chậm chạp, có những tín hiệu (cá nhân, nhóm, hoạt động) nổi lên nhưng sớm tắt lịm... Ngoài yếu tố của sự phân lập từ chính quyền Cộng sản, thì còn có cả sự thiếu đồng hành và thiếu sự lan truyền thức tỉnh trong cộng đồng người Việt. Nói một cách rõ hơn, phong trào dân chủ tại Việt Nam đang co cụm lại mà không bứt phá được ra bên ngoài, dù cho rằng có rất nhiều LIKE – COMMENT phẫn nộ mỗi khi có bài viết hay trích dẫn về những câu chuyện trời ơi đất hỡi ở xứ thiên đường (Việt Nam). 

Tôi không rõ là có ai đã và đang hoặc sắp hoạt động chính trị có tìm hiểu về nguyên nhân tại sao dân chủ ở ta phát triển quá chậm hay chưa? 

Nếu quy chụp cho sự đàn áp, tuyên truyền của chính quyền thì đó có vẻ hời hợt... Tại sao ta không nghĩ rằng, đó chính là tính cách - là tâm lý người Việt. Và chỉ khi nghĩ được như vậy, ta mới có thể nắm bắt được tâm lý - tính cách đó, đưa nó trở thành một lực lượng cho sự đấu tranh phong trào dân chủ lớn mạnh ở Việt Nam. 

Sự an phận, nhẫn nhục quá giỏi 

Không rõ có phải là do một nước nông nghiệp với tư duy cái lũy làng hàng ngàn năm hay không mà người Việt thường có sức chịu đựng, nhẫn nhục rất là cao. 

Theo nhà sử học Hà Văn Thịnh thì ngay từ thời kỳ 1.117 năm dưới nền đô hộ phương Bắc, nhân dân Việt Nam “chỉ nổi dậy khởi nghĩa có tất cả 12 lần lớn, nhỏ: Năm 111 B.C. là khởi nghĩa (đầu tiên) của Tây Vu Vương, năm 40-43 là Hai Bà Trưng, khởi nghĩa của Chu Đạt (năm 157), của Bà Triệu (năm 248), của Lý Trường Nhân (468-485), của Lý Bí (542-548), của Triệu Quang Phục - Lý Phật Tử (năm 547-602), của Lý Tự Kiên và Đinh Kiến (năm 687); của Mai Thúc Loan (năm 722); của Phùng Hưng (766-791), của Dương Thanh (819-820), Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyển (905-938). Như vậy trung bình cứ 92 năm thì khởi nghĩa 1 lần!” 

Cũng chính từ trong tính cách nhẫn nhịn, chịu đựng đến vô thường đó mà đã khiến dân Việt tiếp tục chịu đựng “100 năm nô lệ giặc Tây”. Đến độ, trong 10 điều bi ai mà cụ Phan Châu Trinh nói ra, thì 10 điều đúng cả 10 đối với dân tộc ở hiện tại (2014) và cả sau này nữa. Trong đó, việc “người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày”. 

Một dẫn chứng nhỏ nữa về tính an phận - nhẫn nhục của người Việt là câu chuyện về nhiều năm liền, Việt Nam là quốc gia được xếp hạng cao trong đánh giá về mức độ “ thỏa mãn”, “hạnh phúc”, không hẳn vì yếu tố vật chất - tinh thần tăng, mà là vị người Việt biết thân, biết phận. Và dù xăng có tăng 10.000 đồng trong một đêm, hay ngày mai công an có đập chết 1 người dân trong đồn hay kể cả khi cán bộ cướp đất thì chuyện đó họ cũng xem là chuyện của cá nhân, của đèn nhà đó mà tắt thì tự chịu, chứ họ không thể mở rộng tầm nhìn hoặc nghĩ về mình sẽ bị như thế ở trong tương lai. 

Câu chuyện về những vụ bạo động ở nhà máy Samsung (Thái Nguyên), những vụ đưa quan tài xuống đường hay gần nhất là vụ hàng trăm người dân ở xã Hợp Lý bao vây xe thùng chuyên dụng của công an huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), thậm chí là đột nhập vào UBND xã để đánh hai thanh niên trộm chó vào ngày 22/02 vừa rồi là câu chuyện của sự bùng phát, biểu hiện đặc sệt của tâm lý đó. Người Việt dễ dàng bị kích động và tập hợp lực lượng khi bị dồn vào đường chân tường và kích hỏa. 

Nhưng cũng sớm chóng tàn. 

Chính tâm lý nhẫn nhục - chịu đựng đó khiến cho người Việt trở nên biết cách sống biệt lập, giam mình vào trong một không gian nhất định, họ không nhìn thấy được cái điểm tương đồng của họ với nhóm người đông đảo còn lại. Nếu có một sự kiện bạo động, bạo loạn nào đó xảy ra, có xuống đường hay nhóm người “chống lại người thi hành công vụ” trong vấn đề đất đai thì nó cũng sớm tàn nhanh, bị quên lãng. Một phần vì sự giải quyết nhanh chóng của chính quyền, một phần vì sự cô lập của họ, dẫn đến tính an phận, nhẫn nhục trỗi dậy. 

Sẽ còn có nhiều nhiều sự kiện bất công xảy ra, sẽ có nhiều nhiều những vụ xuống đường, vay các trụ sở chính quyền... Nhưng cũng sẽ sớm chóng tàn nếu không có được sự tập hợp và cho những con người đường cùng đó, những con người có tính cách - tâm lý nhẫn nhục, an phận giỏi đó một điểm tựa của sự tập hợp và dẫn dắt. Đảm bảo cho họ nhìn thấy ở một tương lai gần sát với những gì họ đáng được nhận thay vì một viễn cảnh mơ hồ. 

Chỉ khi nào có một lực lượng lôi kéo, và nó đảm bảo duy trì sức ảnh hưởng, hỗ trợ họ trước và sau khi họ bị dồn ép họ vào con đường cùng thì khi ấy mới xuất hiện sự phản kháng mới được nhân rộng và liên kết giữa các cá nhân chịu đựng sự bất công với cộng đồng chịu an phận còn lại. 

Cách thức tập hợp là nòng cốt 

M.K. Gandhi từng nói: “Điều làm ta hoảng sợ không là sự tàn nhẫn của kẻ ác mà là sự cam chịu của người thiện.” Chúng ta thường hay trích dẫn điều đó để tỏ ra nỗi xót xa trước đám đông người việc bàng quan, thờ ơ trước sự bất công mà chính quyền Cộng sản đem lại, nhưng chúng ta lại không biết cách để khiến cho người dân nhận ra được điều đó và hỗ trợ họ có thể nói lên được điều đó. 

Chúng ta cũng nhận thức rõ dân tộc Việt Nam hiện nay như một đám đông đầy xô bồ, đám đông ấy được cai quản bằng chính quyền với bàn tay sắt, sự kiềm kẹp của 2 chữ TIỀN QUYỀN. Có những cá nhân đứng lên trên sự cai quan đó và nắm được 2 yếu tố Tiền Quyền, nhưng đó lại là thiểu số. Còn đa số hiện lại là nhóm người không có Quyền, Tiền, những con người thấp cổ bé họng, thất nghiệp và bị tước mất cơ hội... Đây là lực lượng chính nhất của phong trào đấu tranh dân chủ. Nhưng chúng ta lại chưa biết cách làm cho nó chuyển động. 

Một tổ chức đúng nghĩa cần phải ra đời là điều cấp thiết. Tổ chức đó cho họ biết sự đấu tranh mang lại hạnh phúc chứ không phải mầm họa hay là sự bấp bênh đối với gia đình &; xã hội về sau này. Tập hợp họ bằng cái thực tế mà dân chủ - tự do mang lại thay vì chỉ nói khơi khơi, hãy tìm cách gắn liền dân chủ - tự do với sức khỏe, với cơm áo – gạo tiền (là những mưa cầu cơ bản nhất của cộng đồng Việt Nam hiện nay). Đảm bảo được họ toàn tâm - toàn ý với sự đấu tranh đó, thay vì khiến cho họ phải vì cơm - áo - gạo - tiền mà trở nên... Chỉ có như thế thì tổ chức đó mới đảm bảo được điểm tựa cho họ về mặt tinh thần khi đấu tranh, kể cả khi lao tù và khi ra khỏi đó. Giúp cho các cá nhân bị tước đoạt quyền làm người rời khỏi thế thủ thân. 

Để rõ hơn, ta trở về năm 1906, khi cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu sang gặp Lương Khải Siêu ở Nhật thì hai cụ nhận được lời khuyên: “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập. Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”. 

Và hai cụ đã tiến hành công cuộc chấn dân khí, dân trí trong nước. Có điều, hoàn cảnh Lịch sử trớ trêu, lại thêm cái tính cách – tâm lý Việt quen thói an phần - chịu đựng, mười người học về mở mang mà 100 người không thấu cũng lẽ 0. Do đó mà vai trò lịch sử lại nhường cho những con người Cộng Sản. 

Họ có cái gì hơn so với Phan Châu Trinh? Phan Bội Châu? 

Đó là họ biết gắn liền cái độc lập - dân tộc, cái nỗi cay đắng mất nước ngay trong cơm áo gạo tiền bằng các hình thức tuyên truyền, họ biết tập hợp và hoạt động ở nhiều cách thức khác nhau. Họ biết tận dụng cái tâm lý - tính cách người Việt trong hoàn cảnh lịch sử bí bách lúc đó. 

Một số nhà đấu tranh dân chủ, tổ chức - phong trào đấu tranh dân chủ trước đây và hiện nay đang mắc sai lầm gì? 

Đó là, chúng ta thường hay nhấn mạnh khai dân trí, chỉ khi dân trí cao thì nước Việt mới hưởng được dân chủ - đa đảng. Nhưng thế nào gọi là cao thì không ai giải thích được. Nếu căn cứ vào việc xóa mù chữ thì hàng chục năm trước dân ta đã là cao rồi. Còn nếu dân trí cao mà để bảo là khi phần đông họ nhận thức được mối hiểm nguy của chính quyền hiện tại đối với họ và tương lai con cháu họ thì lại càng sai. Sai khi người ta không nhận ra họ đang Sợ, cái sợ đó khiến họ an phận - thủ thường dù cho bị đì đọa thế nào. 

Muốn trông chờ vào dân trí của thế hệ sau mà thay đổi thì lúc đó đất nước này thành cái gì trước sự tàn phá khủng khiếp của những người Cộng sản lẫn những người dân an phận nhưng ham lợi dưới sự cai trị của chính quyền Cộng sản. Và liệu thế hệ sau có khác gì thế hệ bây giờ hay không mà trông chờ? Hay ta trông chờ để rồi nhận được kết quả 10 điều bi ai (Phan Châu Trinh) thời nào cũng đúng! 

Do vậy, thay vì cứ chấn dân khí, thay vì cứ viện lý do dân trí chưa cao, hãy biết lợi dụng cái tính cách - tâm lý đó. Tập hợp họ vào một tổ chức nhất định. Nơi đó là điểm tựa, là điểm tiếp sức cho họ đấu tranh. 

Tổ chức bí mật là điểm tựa 

Chúng ta luôn quan niệm một cách cứng ngắc là đấu tranh với chính quyền Cộng sản là đấu tranh bất bạo động và vì thế nên công khai. 

Quan điểm tôi ủng hộ bất bạo động, nhưng tôi luôn cho rằng, không công khai, tuyệt đối không công khai. Nó gần như điểm chết của cái phương pháp bất bạo động, nhất là đối với tâm lý, tính cách dân tộc Việt. Một số đông người an phận, nhịn nhục và chịu bất công sẽ chịu đứng ra công khai với một chính quyền sẵn sàng bóp nát họ bằng bàn tay sắt ư? 

Đối với tôi, nếu một tổ chức không bảo việc được thành viên của mình, đưa thành viên của mình ra làm bia đỡ đạn với yếu tố “ công khai” thì không những không hút được các thành viên tham gia, mà ngược lại, không sớm thì muộn, nó sẽ bị xé nát, thậm chí nguy hiểm hơn là biến thành một tổ chức của những kẻ cuốn theo chiều gió. 

Kể cả đối với những người đi tiên phong, nếu cứ liên tục công khai thì chúng ta đã sẽ không bao giờ có được đội ngũ nhân sự được bảo tồn, để có thể xây dựng được một lực lượng có sự thống nhất và ràng buộc bên trong với nhau về mặt ý thức. 

Chúng ta không thể mơ hay nói về một mùa xuân ở Việt Nam với viễn cảnh đa nguyên – đa đảng khi chúng ta chưa định vị được chúng ta đang ở đâu và sẽ làm gì với tâm lý - tính cách người Việt như vậy. 

Việc tạo cho đám đông xô bồ, an phận đó trở thành một tập thể người biết kỷ luật, biết cách chuyển động như thế nào trong việc bẻ gãy guồng máy cộng Sản và cùng đồng hành xuống đường qua một sự kiện khi và chỉ khi ta cho thấy tổ chức đó là điểm tựa đối với họ trong mọi tình huống tốt xấu xảy ra. 

Nếu tiếp tục cái trò đấu tranh công khai - bất bạo động chẳng những sẽ không đem đến kết quả lớn lao, mà ngược lại những hình ảnh bị chính quyền giải tán hay đàn áp chi đem lại nỗi sợ cho chính người dân. Đám đông đó sẽ lan truyền nỗi sợ hãi và làm cho quyền lực ngày một cung cố. Những cá nhân người sẽ tiếp tục biệt lập, cái tính vô danh trơ nên nhún nhường và con người thấp cổ bé họng đó tiếp tục sống nốt chuỗi ngày an phận còn lại. 

Tôi lại một lần nữa nhắc đến trường hợp của bạn Phương Uyên, hãy xem những lời bạn ấy phát biểu lần đầu (BBC Vietnamese) và sau cùng (RFA Vietnamese) là sẽ nhận ra sự khác biệt 180 độ. Vì sao Phương Uyên có sự thay đổi như vậy? Đơn giản... bạn ấy đã thiếu đi sự đồng hành cần thiết khi ra tù. 

Như vậy, ở một phương diện khác, những nhà dân chủ hiện nay, dù với sự trợ lực của internet vẫn thua kém rất nhiều của lớp người Cộng sản thời Pháp - Mĩ... Và “dân chủ Việt Nam là đàn vịt con” (Lê Thăng Long) không phải là không có lý. 

Chỉ có một tổ chức bí mật mới đảm bảo tính lâu dài về mặt hoạt động, đảm bảo rằng các cá nhân sẽ không bị thao túng bởi like hay comment phong thánh, anh hùng, lãnh đạo - tổng thống tương lai... Đảm bảo tính hoạt động và kết nối liên tục giữa cá nhân đó đối với tổ chức. Đảm bảo cho họ sự tin tưởng trong đấu tranh lẫn tránh để họ đơn độc trong một xã hội mà cơm áo gạo tiền đang giằng xé họ, để rồi họ thấy... ngoài những lời tung hô có cánh, họ chẳng được ai dẫn dắt cho bước tiếp theo là gì, chẳng ai hỗ trợ cho họ cái này cái kia. 

Chính điều đó đã làm cho tính trỗi dậy của những con người đường cùng chỉ là những sự trỗi dậy bộc phát nhất thời - nhanh đến nhanh đi và mang tính lẻ tẻ. Và thế, có hằng sa số người mơ ước một Việt Nam dân chủ, với sự đa nguyên chính trị vẫn cứ ru ngủ trong câu sấm, kỳ vọng vào một cá nhân cộng sản (Nguyễn Bá Thanh) hay phi cộng sản, tung hô hoa mĩ đối với những hoạt động, phong trào thay vì sự vận động của chính họ. 

Và cũng vì thế, dù cho chính quyền Cộng sản có là “Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh / Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ / Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế / Gây thù kết oán trải mấy mươi năm / Bại nhơn nghĩa nát cả đất trời / Nặng thuế khóa sạch không đầm núi” (Nguyễn Trãi) thì cũng đừng mơ tưởng đến một Ucraina tại Việt Nam. Bởi đơn giản, một dân tộc mà có tính cách tâm lý an phận, nhẫn nhục, không có một tổ chức bí mật đúng nghĩa thì sẽ chẳng bao giờ có sự xuống đường thực sự cả (chưa nói đến thành công hay không). Nói cách khác, bất bạo động với sự kiên trì cao nhất nhưng thiếu một phương pháp đứng đắn tựu trung là thất bại. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo