Một ngày ở tù cũng là quá nhiều - Dân Làm Báo

Một ngày ở tù cũng là quá nhiều

Bùi Tín (VOA) - Cả thế giới đều biết Việt Nam hiện là nước chiếm vị trí “đèn đỏ” về tự do báo chí, đứng thứ 174 trong tổng số 185 nước theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2013, và cũng là nước có số nhà báo và blogger tự do bị giam giữ nhiều nhất thế giới - ước tính hơn 60 người. Việt Nam cũng là nước kiểm soát chặt chẽ, cản trở, cầm tù nhiều luật gia, luật sư nhất - từ Ls Lê Chí Quang, Ls Phan Thanh Hải (anh Ba Sài Gòn), Ls Lê Thị Công Nhân, Ls Nguyễn Văn Đài đến Ls Cù Huy Hà Vũ, Ls Lê Công Định, Ls Nguyễn Bắc Truyển…

Báo chí tư nhân là điều tự nhiên ở mọi nước có thể chế pháp quyền, nhưng bị tuyệt đối cấm ở Việt Nam hiện nay, còn tệ hơn cả thời thuộc địa.

Ấy vậy mà trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết một cách tỉnh bơ rằng: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ viên chức chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép.’’

Với bản thông điệp này, hàng vạn người dân có thể phát đơn kiện thủ tướng Việt Nam về tội nói dối, đánh lừa nhân dân, vì cán bộ viên chức của ông vẫn ngăn cản nhân dân thực hành quyền tự do ngôn luận như Hiến pháp khẳng định, tòa án của ông vẫn áp dụng luật rừng với công dân. Mặc dù pháp luật quy định phiên tòa xử “công khai “có nghĩa là công dân, giới thông tin báo chí được tự do vào dự, nhưng thực tế họ đã bị ngăn cấm rất thô bạo.

Trong phiên tòa gọi là «công khai» ở Đà Nẵng ngày 4/3 vừa qua, hơn 200 công dân đã bị chặn đứng ngoài phòng xử, và phiên tòa đã được tiến hành một cách qua loa trong 3 giờ, không có nhân chứng, không có tranh biện giữa Hội đồng xét xử, công tố viên với bị cáo cùng luật sư. Kết quả là nhà báo Trương Duy Nhất đã bị tuyên án 2 năm tù một cách vũ đoán, trong khi ông Nhất chỉ nói lên suy nghĩ, nhận định, quan điểm của mình về tình hình thời sự đất nước theo trách nhiệm công dân, không hề có một hành động gì khác. 

Như thế có nghĩa là cái thông điệp đầu năm của thủ tướng Việt Nam không có một giá trị gì cả, nó chỉ là một trò đùa dai, coi thường công luận, thách thức xã hội công dân. Điều này càng đáng trách gấp bội vì Việt Nam vừa được vào Hội Đồng Nhân Quyền và đã cam kết với thế giới sẽ nghiêm chỉnh thực thi nhân quyền trong nước mình.

Mọi người còn nhớ tháng 5 năm 2012 Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhân Ngày Tự Do Báo chí Thế giới (3 tháng 5) đã nói rõ: “Chúng ta không quên các nhà báo đang nằm trong nhà tù Mazen Durwish ở Syria, Điếu Cày ở Việt Nam và Dawit Isaak ở Erythée”. 

Sau đó Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng: “Với những con người đòi tự do ngôn luận như vậy, một ngày trong tù cũng là quá nhiều”. Một câu nói chí lý, nêu bật giá trị vô hạn của tự do trong xã hội, cùng có nghĩa với câu ngạn ngữ dân gian của ta: “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”.

Nhà báo Trương Duy Nhất bị tuyên án 2 năm tù giam, nghĩa là 730 ngày đêm mất tự do chỉ vì làm những việc mà không có điều luật nào cấm, chỉ vì anh tự cho mình cái quyền công dân là có “góc nhìn khác” của anh, khác với cái nhìn của đảng CS mà anh cho là có hại cho đất nước.

Với thế giới văn minh, với Liên Hiệp Quốc, rõ ràng Toà án ở Đà Nẵng đã vi phạm pháp luật nước mình và pháp luật quốc tế, uy tín quốc tế của nhà nước VN vốn đã rất thấp đã bị sứt mẻ giảm sút thêm với vụ xử theo đường mòn tệ hại này.

Sắp tới, một phiên tòa nữa sẽ xử blogger Phạm Viết Đào, cùng bị bắt một dịp với blogger Trương Duy Nhất, vào tháng 6 năm 2013, cũng cùng bị truy tố vì “lợi dụng quyền tự do xâm phạm lợi ích nhà nước”. Nhà báo, nhà văn Phạm Viết Đào tham gia quân đội từ năm 16 tuổi, từng dự các trận đánh ở đường 9, Nam Lào , là cựu chiến binh, lại là đảng viên Cộng sản từ khi 22 tuổi, từng là cán bộ thanh tra của Bộ Văn hóa, hiện là Hội viên Hội nhà văn VN . Anh có em ruột là liệt sỹ Phạm Hữu Tạo, chết do bị đạn pháo của bọn bành trướng Trung Quốc tại vùng núi Lão Sơn,(Hà Tuyên) tháng 7/1984. Phiên tòa sẽ mở ngày 19/3 này giữa thủ đô Hà Nội, nơi anh Đào có nhiều người thân, bạn bè trong Hội bloggers VN, trong Hội Điện ảnh, Hội nhà văn VN và Hội nhà văn Hà Nội cũng như trong Hội Cựu chiến binh và trong đảng bộ CS ở Hà Nội.

Điều lý thú là qua vụ xét xử này, có thể thấy Bộ Chính trị có thái độ ra sao đối với đảng viên cán bộ của mình, khi anh chỉ nói ra một cách ngay thật những điều mình nghĩ về nạn tham nhũng quan liêu, về thái độ mềm yếu trước họa bành trướng Trung Quốc.

Đối với blogger Phạm Viết Đào câu nói “một ngày ở tù cũng là quá nhiều” càng có ý nghĩa sâu đậm. Lẽ ra anh phải được tự do ngay sau khi bị giam cầm phi pháp hơn 8 tháng trời.

Chẳng lẽ Bộ Chính trị thời đổi mới, thời hậu Xô viết vẫn giữ cái não trạng của thời Stalin và Mao, với 2 hung thần Beria và Khang Sinh, chủ trương “làm thịt” các đồng chí CS của mình không chút ngần ngại, trả thù các đảng viên ương bướng còn mạnh tay hung hãn hơn đối với kẻ thù chính trị và kẻ thù giai cấp của họ.

Có một sự ngẫu nhiên, phiên tòa xử blogger đảng viên Phạm Viết Đào ngay sau khi nhà báo Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, đã công khai chia tay với đảng CS một cách vừa đau lòng vừa nhẹ nhõm.

Rõ ràng với 2 blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào cũng như đối với các tù chính trị, tù lương tâm, tù tôn giáo ở VN, “một ngày ở tù cũng là quá đáng, quá nhiều”. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo