Bô xít Tây Nguyên dự kiến lỗ hàng nghìn tỷ đồng - Dân Làm Báo

Bô xít Tây Nguyên dự kiến lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Hoàng Lan (VnExpress) - Nhà máy tại Tân Rai có thể lỗ khoảng 460 tỷ đồng trong 3 năm đầu, trong khi con số ở Nhân Cơ là 3.000 tỷ cho 6 năm nhưng chủ đầu tư vẫn tin có lãi nếu xét cả vòng đời 30 năm.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có báo giải trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hiệu quả của hai dự án bô xít Tây Nguyên, theo yêu cầu của đoàn giám sát thuộc cơ quan này. Kết quả cho thấy, dù tổng mức điều chỉnh hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ lần lượt lên tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng (tăng 3.800 tỷ đồng-4.300 tỷ đồng), hiệu quả của hai dự án trong những năm đầu chưa cao. Mức lỗ ở các đơn vị lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Dự án bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2013. Sau thời gian chạy thử, nhà máy tại Tân Rai dự kiến lỗ 258 tỷ đồng trong năm đầu. Con số lũy kế đến năm 2015 là 460 tỷ và dự án dự kiến có lãi từ năm 2016. 5 năm sau đó, nhà máy này sẽ có lãi khoảng 870 tỷ đồng, theo tính toán của chủ đầu tư. Còn với dự án tại Nhân Cơ, số lỗ được ghi nhận trong 6 năm đầu dự kiến là gần 3.000 tỷ (từ 2015 đến 2020).

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Vinacomin cho hay, mức lỗ trên đã được tính toán khi triển khai dự án. Với vòng đời 30 năm, sau khi lỗ trong vài năm đầu, tính tổng thể, việc khai thác bô xít tại Tây Nguyên vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. “Dự án đảm bảo thu hồi vốn trong 12-13 năm. Mức lỗ vài trăm tỷ so với doanh thu trung bình mỗi năm 4.000 tỷ đồng thì không đáng ngại”, vị này cho hay.

Theo ông, trong thời gian đầu, do cần khấu hao và phải trả lãi vay nên dự án bị lỗ. Về lâu về dài, tiền nợ sẽ trả dần và mức lỗ sẽ giảm đi. “Dự án được đánh giá là có hiệu quả do kim loại màu càng ngày càng khan hiếm”, ông tái khẳng định.

Bô xít Tây Nguyên lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Vinacomin 

Giải thích về chuyện lỗ lãi, Bộ Công Thương cho hay, giá bán alumin là một trong các yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của dự án. Tính đến 31/12/2013, dự án Tân Rai đã xuất khẩu được 160.340 tấn alumin cho các Công ty của Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore... Tuy nhiên giá bán mặt hàng này chỉ đạt gần 300 USD mỗi tấn, thấp hơn 79 USD so với dự báo. Ngoài ra, chất lượng cỡ hạt chưa phù hợp với nhu cầu thế giới và nhà máy đang trong gia đoạn chạy thử chưa ổn định cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận không được như kỳ vọng. 

Vinacomin cho rằng, khi cỡ hạt alumin được cải thiện, tương đương với cỡ hạt alumin giao dịch trên thị trường thế giới, giá bán sẽ được tăng lên. Thừa nhận rủi ro lớn và tác động đến hiệu quả của các dự án chính là giá bán thấp song Bộ Công Thương cho rằng, với vòng đời 30 năm, hai dự án bô xít Tây Nguyên đã tính đến yếu tố này.

Viện dẫn số liệu từ Vinacomin, Bộ Công Thương cho hay, thị trường tiêu thụ sản phẩm alumin cũng không đáng lo ngại, bởi năm 2014, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni (Nhật Bản); Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) và tiếp tục bán cho các đối tác khác.

Vinacomin cũng cho biết đã đàm phán với một số đối tác chấp nhận mua alumin ở mức khoảng 18% giá nhôm, tương đương khoảng 320-330 USD mỗi tấn.

Về vấn đề hồ bùn đỏ, Bộ Công Thương cho hay, với chi phí cho dự án Tân Rai, Nhân Cơ lần lượt là 374 và 507 tỷ đồng, hai dự án đang được áp dụng công nghệ lắng rửa nhiều cấp phổ biến trên thế giới đồng thời phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết, tại hồ bùn đỏ Tân Rai, do áp lực dư luận, nhà thầu đã tính toán thiết kế với độ an toàn quá cao gây lãng phí đầu tư không cần thiết. Do vậy chi phí xây dựng 2 khoang chứa bùn đỏ đầu tiên đã tăng lên 238 tỷ đồng.

Rút kinh nghiệm, hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật do Bộ Công Thương chủ trì đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại thiết kế hồ bùn đỏ Nhân Cơ và các khoang tiếp theo của dự án Tân Rai để tiết kiệm chi phí. Theo cơ quan quản lý, Viện hàn lâm khoa học đã xử lý thành công ở quy mô thí nghiệm việc tái sử dụng bùn đỏ để thu hồi tính quặng sắt sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng. Việc này thành công sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường của hồ bùn đỏ.

Hai dự án bô xít Lâm Đồng và Nhân Cơ đều có công suất thiết kế giai đoạn một là 650.000 tấn alumin mỗi năm. Theo kế hoạch, thời gian hoàn vốn đối với hai dự án là khoảng 13 năm. Dự án alumin Tân Rai hính thức vận hành vào cuối tháng 9/2013 sau hơn một năm chạy thử. Trước đó, khi huy động thành công 5.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, lãnh đạo Vinacomin cũng cho biết sẽ dành 30% (1.500 tỷ đồng) cho dự án bô xít tại Tây Nguyên.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo