Một vài suy nghĩ về Cách mạng Dân chủ Việt Nam - Dân Làm Báo

Một vài suy nghĩ về Cách mạng Dân chủ Việt Nam

Lê Dủ Chân (Danlambao) - Chủ nghĩa cộng sản đã chết, phe xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ cách đây hơn 20 năm, tại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đất nước càng ngày càng bị thu hẹp, xã hội càng ngày càng suy đồi, kinh tế càng ngày càng suy sụp, nhân dân càng ngày càng đói khổ, tham nhũng cửa quyền, bạo lực, trấn áp càng ngày càng tăng, thế thì tại sao đảng cộng sản vẫn còn tồn tại trong vai trò lãnh đạo đất nước? Đó là câu hỏi cho tất cả các tầng lớp nhân dân, những ai còn quan tâm đến quốc gia, dân tộc và tương lai của con cháu, phải suy nghĩ.

Một chế độ độc tài tồn tại càng lâu thì quyết tâm duy trì quyền lực của nó càng lớn. Đặc biệt đối với đảng cộng sản Việt Nam thì quyết tâm này càng lớn hơn bởi vì ngoài đặc quyền đặc lợi cần phải bảo vệ, bọn họ còn có nỗi lo sợ những tội ác tày đình, trời không dung đất không tha mà họ đã lén lút làm trong 70 năm qua đối với tổ quốc và dân tộc Việt Nam bị phanh phui trước công luận một khi không còn quyền lực trong tay. Do đó đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ từ bỏ vị trí quyền lực nếu không có một cuộc tổng nổi dậy của toàn dân. Những ai cho rằng đảng cộng sản Việt Nam tự nó sẽ từ bỏ quyền lực do nhận thức được thời thế, thấy được chính nghĩa, phi nghĩa, biết được đúng, sai, tốt, xấu là hoang tưởng và sai lầm, hoàn toàn không nhận thức đúng về bản chất của đảng cộng sản Việt Nam.

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, đã có những phong trào phản kháng phát xuất từ các thành phần nhân sĩ, trí thức trong nước đối với đường lối, chính sách sai lầm của đảng cộng sản như phòng trào Trần Độ (1991-2002), Khối 8406, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, phong trào Bauxite Việt Nam, đảng Thăng Tiến... Nhưng do thế và lực còn non yếu, phương pháp đấu tranh thiếu tính quần chúng, do tình hình xã hội chưa được chín muồi, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng thế giới chưa được mạnh mẽ các phong trào này đã bị đảng cộng sản thẳng tay đàn áp. Tuy nhiên thời thế hôm nay đã khác, nhân dân Việt Nam, cộng đồng thế giới đã quay lưng đối với đảng cộng sản và ngay trong nội bộ của nó cũng đã chứa chất đầy mâu thuẫn, bất mãn và chia rẽ, triệt hạ lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Thời điểm này là lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy, xác định mục tiêu vận động, chỉnh đốn phương pháp đấu tranh để có được mục đích cuối cùng là xóa bỏ chế độ hiện hành với thành quả cao nhất, nhanh nhất và hòa bình nhất trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước.

A- Thay đổi tư duy 

Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hôm nay không có mục đích hủy diệt hay loại bỏ một tư tưởng chính trị, vì đó là quyền tự do tư tưởng của con người, mà mục đích của nó là xóa bỏ chế độ độc đảng độc tài để xây dựng một thể chế có tự do, dân chủ và pháp quyền phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và văn minh tiến bộ của loài người. Nó được đặt nền tảng trên quyền con người đối với bản thân, xã hội và trách nhiệm công dân đối với quốc gia và dân tộc với những ý thức sau:

1- Đảng cộng sản là đảng duy nhất cai trị Việt Nam trong hơn 70 năm nay (miền Bắc 70 năm, miền Nam 40 năm), kể từ ngày Hồ Chí Minh cướp được chính quyền (02/09/1945). Đảng tự viết ra hiến pháp, luật pháp, tự bầu ra quốc hội, tự lập nên chính phủ để quản lí đất nước và cai trị nhân dân. Thể chế độc tài, độc đảng này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đất nước và dân tộc đến tình trạng lụn bại ngày hôm nay. Nó phải được thay thế.

2- Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là điều kiện sống còn của một nước. Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước của nó trong thời gian cầm quyền đã đánh mất chủ quyền quốc gia và một phần lãnh thổ của cha ông để lại dưới áp lực của Tàu cộng. Không làm tròn trách nhiệm của mình đối với Tổ Quốc và Nhân Dân, đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước của nó phải bị đào thải.

3- Độc tài và dân chủ không thể hòa giải, hòa hợp. Chế độ độc tài không bao bao giờ chấp nhận tinh thần dân chủ và ngược lại chế độ dân chủ không có đất sống cho tư tưởng độc tài. Do đó con đường duy nhất để có được tự do dân chủ là phải xóa bỏ độc tài.

4- Muốn xóa bỏ độc tài phải có đấu tranh. Cường độ và nhịp độ đấu tranh là yếu tố quyết định để chế độ độc tài sụp đổ sớm hay muộn.

5- Với trách nhiệm và bổn phận công dân chúng ta tranh đấu vì tự do, vì dân chủ, vì công bằng xã hội, vì hạnh phúc nhân dân. Tuyệt đối không vì mục đích tranh giành quyền lãnh đạo đất nước. 90 triệu dân Việt Nam sẽ quyết định ai là người lãnh đạo quốc gia trong thể chế tương lai bằng lá phiếu tín nhiệm của mình.

6- Trên nền tảng tự do cho tư tưởng, dân chủ cho thể chế, chúng ta không chống lại sự hiện diện của đảng cộng sản trong sinh hoạt chính trị xã hội nhưng: Cương quyết chống lại tư tưởng độc quyền cai trị đất nước của đảng cộng sản đã áp đặt từ trước đến nay tại nước ta.

7- Chúng ta không chống quyền ứng cử và bầu cử của đảng viên đảng cộng sản vào các chức vụ lãnh đạo đất nước, các cơ quan dân cử nhưng: Cương quyết không chấp nhận tình trạng "đảng bầu dân cúi đầu chấp nhận" hoặc "đảng cử dân bầu" hiện nay.

8- Nhân quyền, trong đó quyền của người dân trong một quốc gia là dân quyền là nền tảng của tự do, dân chủ, công bằng xã hội. Chúng ta không chống lại người cộng sản thực hiện quyền làm người, quyền công dân của họ nhưng: Cương quyết chống lại chủ trương chính sách đàn áp, thủ tiêu quyền làm người, quyền công dân của đảng cộng sản đã và đang thực thi đối với dân tộc ta trong hơn 70 mươi năm nay.

9- Lấy mục tiêu Giải thể chế độ độc tài cộng sản làm mục tiêu cao nhất để từ đó liên kết hoặc ít nhất là đồng minh với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có cùng chung mục tiêu đó, bất kể họ là ai, phương pháp đấu tranh như thế nào và với mục đích gì. Nếu thực hiện được phương châm này - Xác định mục tiêu để giải quyết bất đồng - thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng "tay phải đánh tay trái, tay trái đánh tay phải" phân tán lực lượng, làm lợi cho đối phương hoặc vô tình dồn ép những người cộng sản thật tâm phản tỉnh phải bám víu vào đảng cộng sản để tồn như đã từng xảy ra từ trước đến nay. Cổ nhân chúng ta có câu "dụng nhân như dụng mộc" hoặc trước năm 1975, VNCH tại miền Nam Việt Nam có quốc sách "chiêu hồi" là hai phương pháp mà chúng ta cần phải suy ngẫm để áp dụng cho đường lối đấu tranh hôm nay.

10- Đấu tranh để xóa bỏ chế độ cộng sản độc tài độc đảng hiện nay trên quê hương chúng ta là cuộc đấu tranh sinh tử phải trả giá bằng sinh mạng, tù đày, máu và nước mắt. Do đó nó đòi hỏi chúng ta phải nhìn vào công cuộc đấu tranh bằng con mắt thực tế. Một trong những lý do để chế độ cộng sản tồn tại lâu dài trên quê hương chúng ta là nhờ vào chính sách "cai trị bằng bao tử". Chính sách đó đã làm tê liệt sức phản kháng của nhân dân miền Bắc trong 20 năm (1955-1975) và cũng chính sách đó dưới dạng đổi mới - bao vây kinh tế, triệt đường sinh sống - đã vô hiệu hóa một số nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ và làm tan rã nhiều tổ chức chống đối trên cả nước từ 1975 đến nay. Trước tháng 4 năm 1975 dân miền Nam Việt Nam, QLVNCH có yêu nước không? Có. Có chính nghĩa không? Có. Có quyết tâm không? Có. Có khả năng chiến thắng không? Có. Thế thì tại sao miền Nam sụp đổ? QLVNCH phải buông súng? Các bạn có biết tại sao không? Đó là vì bị cắt viện trợ từ đồng minh nên không có TIỀN để duy trì cuộc chiến!

Đưa ra một vài thực tế đau lòng như vậy để chúng ta thấy rằng: "...Những người đấu tranh, với nước lã, chân đất và chạy bộ không thể thực hiện được những gì mà người dân Việt trong và ngoài nước đang mong đợi..." (*). 

B- Xác định mục tiêu vận động

Thế lực nào có thể làm thay đổi chế độ chính trị hôm nay tại Việt Nam? Là câu hỏi mà chúng ta phải xác định để vận động cho công cuộc đấu tranh có được kết quả cao nhất, nhanh nhất và hòa bình nhất trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước. 

1- Quần chúng nhân dân Việt Nam

Nền tảng của chế độ là dân, dân không ủng hộ chế độ phải sụp đổ. Do vậy trước hết và trên hết thế lực chủ động làm cho chế độ hiện nay tại Việt Nam thay đổi phải là 90 triệu dân Việt Nam. Vận động một cuộc tổng nổi dậy của toàn dân là mục tiêu hàng đầu của phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam.

Một khi dân đã đứng dậy lật đổ chế độ thì mọi lực lượng chống đối, can thiệp từ bên trong hoặc bên ngoài Việt Nam đều trở thành phi nghĩa, bởi vì quyền thay đổi chế độ là quyền tối thượng của người dân đối với đất nước của mình và đó cũng là quyền dân tộc tự quyết đối với cộng đồng các quốc gia trên thế giới. 

2- Các tầng lớp trí thức

Làm cách mạng là quần chúng, nhưng phát động và dẫn dắt cách mạng đi đến thành công là giới trí thức. Trí thức ở đây không cần thiết phải có học hàm, học vị cao hoặc chức danh, chức phận lớn trong hệ thống cầm quyền, họ chỉ là những người có nhận thức, biết được đúng sai, yêu chân thiện mỹ, không bị gò bó bởi ý thức hệ, không khuất phục trước uy quyền, không bị tha hóa bởi danh lợi, dũng cảm đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lịch sử của mình để cứu nguy đất nước. Họ có mặt trong mọi tầng lớp xã hội, nông dân, công nhân, sinh viên, học sinh, khoa bảng, chuyên gia... Đây là thành phần cốt cán của phong trào, không có họ cuộc đấu tranh khó có thể phát động và khó có thể thành công trước những thủ đoạn chống phá tinh vi của đối phương.

3-Thành phần tiến bộ trong đảng cộng sản Việt Nam

Là những người cộng sản biết đặt quyền lợi của tổ quốc và tương lai của dân tộc trên quyền lợi của đảng, của phe nhóm, của bản thân và gia đình. Biết chủ nghĩa cộng sản đã chết, chủ nghĩa xã hội là hoang tưởng, đường lối chính sách của đảng cộng sản là sai lầm. Biết đất nước đang đứng trước họa xâm lăng, dân tộc đang đi vào vòng lệ thuộc. Họ là những người đang có ít nhiều quyền lực, có ảnh hưởng trong nội bộ đảng cộng sản, trong bộ máy cầm quyền và trong dân chúng, hoặc là tầng lớp sĩ quan trung niên và trẻ trong QĐND. Thế lực này có khả năng làm cho chế độ thay đổi một cách nhanh chóng, tương đối ổn định và tạo nên một chế độ bản lề cần thiết trong tiến trình chuyển hóa từ độc tài đến tự do dân chủ. Vận động một cuộc chính biến về chính trị, một cuộc đảo chánh bằng quân sự hay ít nhất là để tránh một Thiên An Môn Việt Nam xuất phát từ những tầng lớp này trong nội bộ đảng cộng sản là mục tiêu thứ hai mà phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ hướng tới.

4- Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa

Cộng sản Việt Nam tồn tại được nhờ sự đỡ đầu của cộng sản Tàu. Chế độ chính trị Việt Nam là phiên bản của chế độ chính trị của Tàu, lãnh đạo cộng sản Việt Nam là đồng chí anh em, là tay sai của lãnh đạo cộng sản Tàu. Do tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, quan hệ này là con dao hai lưỡi đang treo lơ lửng trên đầu cộng sản Hà Nội. Lưỡi dao thứ nhất là Tàu cộng sụp, tất nhiên Việt cộng phải đổ. Lưỡi dao thứ hai là tình trạng "đảng theo Tàu, quân và dân chống xâm lược Bắc Kinh" là trái bom nổ chậm treo lơ lửng trên bầu trời Ba Đình Hà Nội đang chờ nhân dân Việt châm ngòi nổ một khi tổ quốc của họ bị lâm nguy bởi bọn tay sai bán nước Ba Đình. 

6- Mỹ và cộng đồng thế giới tự do trong đó có LHQ, các nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức xã hội dân sự liên quốc gia

Cộng sản Việt Nam không ưa gì Mỹ và cộng đồng thế giới tự do bởi vì cộng sản Việt Nam biết rất rõ rằng đi với họ không sớm thì muộn cũng sẽ mất mất đảng. Nhưng trong tình thế hiện nay Việt Nam đang cần Mỹ để ngăn chận bớt tham vọng bành trướng của Tàu và hòa nhập vào nền kinh tế thế giới để nuôi sống chế độ. Ngược lại Mỹ và thế giới tự do cũng cần đến Việt Nam như một tiền đồn ngăn chận sự bành trướng của Trung cộng tại Châu Á và xa hơn nữa họ muốn Việt Nam là cửa ngỏ để tự do dân chủ đi vào nước Tàu một khi Việt Nam thay đổi chế độ. Quan hệ giữa Mỹ và thế giới tự do với cộng sản Việt Nam hiện nay là quan hệ mang tính "đồng sàn dị mộng". Vì cần nhau, do đó có lúc phải tương nhượng nhau hoặc có lúc tạo áp lực lên nhau để đạt được mục đích của mình. Phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ trong và ngoài nước cần phải khai thác triệt để tình trạng này để nhận được sự yểm trợ tối đa từ phía Mỹ và cộng đồng thế giới tự do hầu làm suy yếu và giảm bớt sự đàn áp dã man của chế độ. 

Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng nhân dân Việt Nam mới là động lực duy nhất có khả năng làm sụp đổ chế độ hiện nay tại Việt Nam. Mọi thế lực bên ngoài dù muốn cũng phải " bó tay " nếu người dân Việt Nam không chịu đứng lên giải quyết vận mệnh của mình.

C- Phương pháp đấu tranh

Xã hội Việt Nam hôm nay có thể phân làm 3 thành phần. Thành phần thứ nhất ủng hộ chế độ, thành phần thứ hai chống chế độ và thành phần thứ ba không hoặc chưa có thái độ. 

Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại nước ta thành công hay thất bại tùy thuộc vào ai sẽ vận động được thành phần thứ ba đứng về phía mình. Để làm được điều này, các phong trào dân chủ cần phải thành lập hai bộ phận đó là bộ phận nổi và bộ phận chìm. Đối tượng của bộ phận nổi là quần chúng nhân dân, đối tượng của bộ phận chìm là đảng viên đảng cộng sản và cán bộ, công nhân, viên chức trong nhà nước của nó.

- Bộ phận nổi cần số lượng (nhiều người), không nên quá chú trọng đến chất lượng của người tham gia. Hình thức đấu tranh của bộ phận nổi là công khai và trực diện, phương pháp đấu tranh là dùng "Gậy Ông Đập Lưng Ông", dựa vào hiến pháp, luật pháp, đường lối, chính sách cùng những ràng buộc của đảng cộng sản và nhà nước của nó đối với cộng động thế giới để liên tục đấu tranh và bảo vệ an toàn cho cá nhân và tổ chức. Mục tiêu cao nhất của bộ phận này là làm suy yếu chế độ, tranh thủ thành phần thứ ba đứng về phía mình để cuối cùng vận động toàn dân đứng lên xóa bỏ chế độ với sự ủng hộ của thế giới bên ngoài.

Trong thời gian gần đây phong trào đấu tranh dòi tự do, dân chủ và quyền người ở trong nước đã có những bước tiến khả quan trong tiến trình này qua sự ra đời của nhiều nhóm, hội hoạt động công khai như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, No-U, Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự Việt Nam... Theo ý kiến cá nhân tôi với sự cộng tác của các luật sư có tư tưởng nhân quyền tại Việt Nam, chúng ta nên vận động thành lập thêm ba hội đoàn nữa đó là Hội Dân Oan Toàn Quốc, Hội Chống Cưỡng Chế Đất Đai Toàn Quốc và Hội Chống Công An Giết Dân Toàn Quốc, để đòi lại công lý, công bằng cho các tập thể dân oan, dân bị cưỡng chế đất đai, nhà cửa, ruộng vườn và những người chết oan trong lúc làm việc tại đồn công an. Bên cạnh đó chúng ta cần phải thành lập các cơ sở báo giấy "Dân Làm Báo" để phổ biến tin tức đến những người dân không quen hoặc không có phương tiện đọc báo mạng.

- Bộ phận chìm cần chất (tính chất của người tham gia) không cần lượng (số đông). Hình thức đấu tranh của bộ phận này là kín và ngầm, phương pháp đấu tranh là tiếp xúc, phát hiện và móc nối. Họ có trách nhiệm xây dựng một lực lượng chìm ngay trong nội bộ đảng cộng sản, nhà nước của nó và trong nhân dân. Đây là một công tác vô cùng khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi phải có lòng yêu nước cao độ, phải chấp nhận hy sinh, có trí tuệ và kiến thức cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Lực lượng chìm đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh hôm nay, nếu thời thế cho phép họ có thể gây ra một cuộc chính biến về chính trị, làm một cuộc đảo chánh về quân sự, hoặc ngấm ngầm hổ trợ cho bộ phận nổi có được thuận lợi, cũng như tránh được sự đàn áp đẫm máu trong mỗi giai đoạn đấu tranh. Ngoài ra lực lượng này cũng đóng vai trò quan trọng trong thời gian đầu của thể chế dân chủ, nhờ có họ an ninh trật tự xã hội không bị xáo trộn, kinh tế quốc dân được vận hành ổn định, biên cương, lãnh thổ được trông coi giữ gìn, sinh hoạt người dân không bị hổn loạn.

Hai lực lượng nổi và chìm mặc dù không quan hệ, liên lạc với nhau nhưng nhờ có mục tiêu đã được xác định (đề cập trong đoạn 9/Thay đổi tư duy) sẽ nhịp nhàng hỗ trợ nhau trong quá trình đấu tranh.

D- Mục đích cuối cùng

Thay đổi chế độ bằng:

- Một cuộc chính biến chính trị phát xuất từ trong nội bộ đảng cộng sản.
- Một cuộc đảo chánh quân sự phát xuất từ Quân Đội.

Nếu hai trường hợp trên không xảy ra:

- Một cuộc xuống đường tổng nổi dậy của toàn dân tại Hà Nội, Sài Gòn và trên cả nước.

04/30/2014



_____________________________

(*) Trích từ: Quỹ đấu tranh Dân Chủ - Bao giờ. Nguyên Thạch/DanLamBao.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo