Albert Einstein và Chủ nghĩa Xã hội - Dân Làm Báo

Albert Einstein và Chủ nghĩa Xã hội

Nhóm Hành Khất (Danlambao) - Không ai trên thế giới nầy khi thấy cái tên Albert Einstein mà không biết đến nhà khoa học nổi tiếng nầy trong thế kỷ 20, nhưng cũng ít ai biết rõ quan điểm chính trị của ông ta. Vì phần lớn thời gian và bài viết, ông ta dành cho khoa học và những nghiên cứu còn đang dở dang, thêm vào đó là những ưu tư cá nhân hướng đến nước Do Thái nơi mà đó là nguồn gốc của mình dù ông ta không phải là một công dân Do Thái chính thức hơn là một công dân Đức hoặc Hoa Kỳ sau này.

Tuy nhiên, vào tháng 5/1949, trong ấn bản đầu tiên của tạp chí Mothly Review, thuộc phe Chủ nghĩa Xã hội, đăng lên bài viết Tại sao là Chủ nghĩa Xã hội?(“Why Socalism?”) của Alber Einstein. Dường như người ta không tìm thấy một bài viết nào khác của ông ta bày tỏ về quan điểm chính trị. Qua tựa đề trên, người ta cũng có thể thắc mắc là nhà khoa học nầy muốn nói lên điều gì khi tựa đề lại nêu lên câu hỏi. Ông ta muốn nhấn mạnh đến vai trò Chủ nghĩa Xã hội hay ông ta đang đặt sự nghi vấn về nó? Ông ta có phải thực sự là người ủng hộ Chủ nghĩa Xã hội không hay ông ta cũng có ít nhiều những ngờ vực về nó?

Để có cái nhìn khá rõ về quan điểm chính trị của ông Einstein, xin trở ngược thời gian vào những năm trước khi bài viết nầy ra đời. Bắt đầu thời điểm là vào khoảng tháng 5/1933, tên của ông ta nằm trong danh sách của những mục tiêu ám sát của mật vụ Đức quốc Xã với tiền thưởng là 5.000 đô trên cái đầu của ông ta (trong khi đó, sau khi ông ta trốn chạy đến Hoa Kỳ cũng vào năm 1933, và làm việc cho Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ phận Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1943--1944 như là người cố vấn với mức lương 25 đô một ngày --khoảng 9.000 đô một năm) chỉ vì ông ta là người gốc Do Thái. Mặc dù là công dân Đức theo tự nhiên khi ra được sinh ra, ông ta đã từ bỏ quyền công dân đó lúc 17 tuổi để khỏi phải phục vụ trong quân đội Đức theo luật pháp. Tuy thế, ông ta không bao giờ viết bất cứ bài viết nào bày tỏ sự chống đối Đức quốc Xã. Ông ta là người yêu chuộng hòa bình và luôn luôn ủng hộ Chủ nghĩa Hòa bình mặc dù chính ông ta là người đồng ký tên vào bức thư cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt vào tháng 7/1939 --một vài tháng trước khi Thế Chiến thứ II bùng nổ, là vào tháng 9/1939-- nhằm báo động về cuộc nghiên cứu bom nguyên tử có thể có của Đức và khuyên nhủ Hoa Kỳ nên thực hiện trước, sau khi được nhóm khoa học gia Hungary, dẫn đầu là Leó Szilárd, thuyết phục.

Nhưng tại sao ông Einstein không chọn nước Cộng sản Liên Xô là nơi nương tựa nếu ông ta thực sự ủng hộ Chủ nghĩa Xã hội? Và nếu ông ta có quan điểm thuộc Phe tả, đáng lý ra, ông ta nên khuyên nhủ Liên Xô tiến hành cuộc nghiên cứu bom nguyên tử từ trước và có thể đứng ra trợ giúp. Vả lại, Hiệp ước Không xâm Phạm giữa Cộng sản Liên Xô và Đức quốc Xã xảy ra vào tháng 8/1939, có nghĩa là sau khoảng một tháng đối với bức thư trên. Những sự kiện nầy không cho thấy điều gì chứng tỏ rằng ông Einstein ủng hộ Chủ nghĩa Cộng sản. Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo FBI của Hoa Kỳ, đứng đầu là J. Edgar Hoover, có nhiều nghi ngờ về ông Einstein vì ông ta có liên hệ đến những tổ chức hòa bình và xã hội chủ nghĩa ở Hoa Kỳ, và cũng vì thế chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy e ngại nếu mời ông ta tham gia vào việc nghiên cứu bom nguyên tử dưới cái tên là Đề án Manhattan. Khoảng thời gian nầy, ông ta tham gia trong cộng đồng Do Thái vốn ủng hộ Phong trào Liên hiệp Quốc gia Cho sự Tiến bộ của Dân Da màu (NAACP = National Association for the Advancement of Colored People). Đó là Phong trào Đòi quyền Bình đẳng của những người Mỹ gốc Phi châu mà Đảng Cộng sản Hoa Kỳ đang ra sức thu hút nó, và phát triển mạnh hơn nhờ vào thế lực của nó. Chính vì thế là lý do tại sao ông Einstein bị Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ theo dõi và sự việc ngăn cấm những cuộc thảo luận về Chủ nghĩa Xã hội mà ông ta có nhắc đến trong bài viết của mình. Trong suốt cuộc chiến tranh, ông ta chỉ giữ vai trò cố vấn và đánh giá những công trình nghiên cứu bom nguyên tử cũng như về những hệ thống vũ khí trong tương lai cho Hải quân Hoa Kỳ. Và hơn thế nữa, ông ta đã dâng hiến 6,5 triệu đô qua cuộc bán đấu giá một bản thảo khoa học được viết tay của mình từ năm 1905 nhằm hỗ trợ cuộc tham chiến của Hoa Kỳ.

Sau khi Thế Chiến thứ II chấm dứt vào đầu tháng 9/1945, ngoài những nỗ lực kêu gọi quốc tế đưa vũ khí nguyên tử dưới quyền kiềm soát của Liên hiệp Quốc và vận động cho Phong trào Đòi quyền Bình đẳng, người ta không thấy ông Einstein có những hoạt động gì khác gọi là ủng hộ Chủ nghĩa Cộng sản. Việc tham gia tổ chức xã hội chủ nghĩa ở Hoa Kỳ của ông ta, là được nghe những cuộc thảo luận về nó. Đó là loại xã hội chủ nghĩa mang hình thức Âu châu, khác với loại xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô bước dần lên Chủ nghĩa Cộng sản. Mặc dù vào năm 1949, sức khỏe của ông ta rất yếu kém, bài viết “Tại sao là Chủ nghĩa Xã hội?” được ra đời.

Qua đó, người ta có thể nghĩ rằng, ông Einstein có khuynh hướng cộng sản trong vài đoạn trích dẫn như sau:

“...Tình trạng hỗn loạn về kinh tế của xã hội thuộc chủ nghĩa tư bản như nó tồn tại ngày nay, theo quan điểm của tôi, là nguồn gốc tai họa thực sự.”

“...Tôi tin tưởng rằng chỉ có một cách để loại bỏ những tai hại nghiêm trọng nầy, ấy là qua việc thành lập một nền kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, được kèm theo bởi một hệ thống giáo dục vốn sẽ được chuyển hướng đến những mục đích xã hội.” 

Việc thành lập một nền kinh tế theo chủ nghĩa xã hội có nghĩa là một nền kinh tế có hoạch định, được tập trung vào quyền lực nhà nước. Ông Einstein phản đối nền kinh tế dưới hình thức tư nhân với những hợp đồng lao động “không ràng buộc” đưa đến tình trạng sa thải công nhân tùy ý của chủ nhân tư bản, cũng như mức lương không xứng với khả năng, và giá trị mặt hàng sản xuất. Nhưng ông ta cảnh cáo rằng:

“...Tuy nhiên, điều cần thiết để nhớ rằng một nền kinh tế có kế hoạch chưa phải là chủ nghĩa xã hội. Một nền kinh tế có kế hoạch như là thế có thể được kèm theo bởi tình trạng nô lệ hóa hoàn toàn một cá nhân.”

Tình trạng nô lệ hóa đó chính là do nền giáo dục yếu kém, như ông ta đã nhắc đến trong đoạn trích dẫn bên trên. Tuy rằng, ông ta dường như hơi cực đoan khi chỉ đưa ra khía cạnh tốt hơn của nền kinh tế tập trung mà không nhắc đến một khía cạnh tốt nào của nền kinh tế tư nhân như những nước Tây Âu hiện nay đang ứng dụng cả hai dựa trên Chủ nghĩa Xã hội Cấp tiến, không phải là thứ Chủ nghĩa Xã hội Cổ điển kiểu Liên Xô. Ông ta đã đặt ra những nghi vấn mà qua đó có thể biểu hiện cho đề tựa của bài viết mình như sau:

“...Thành tựu của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một giải pháp về một số nan đề cực kỳ khó khăn về mặt chính trị--xã hội: điều có thể là như thế nào, theo quan điểm của việc tập trung sâu rộng quyền lực chính trị và kinh tế, nhằm ngăn chận giới quan liêu tránh khỏi trở thành những người nắm hết quyền lực và quá tự cao vênh váo? Những quyền hạn của một cá nhân có thể được bảo vệ như thế nào và với điều đó, một đối trọng dân chủ đối với quyền lực của giới quan liêu được bảo đảm không?”

Dĩ nhiên là, ông Einstein thừa biết rằng “dân chủ” là một đối trọng khắc tinh một khi nền kinh tế có kế hoạch được tập trung vào quyền lực nhà nước hoàn toàn. Và điều nầy quả thật không sai trong những quốc gia cộng sản đang trên đường Chủ nghĩa Xã hội Cổ điển mà sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống kinh tế Cộng sản Đông Âu, bắt nguồn từ cội nguồn Cộng sản Liên Xô, là một minh chứng mà ông Einstein không có dịp nhìn thấy.

“Tại sao là Chủ nghĩa Xã hội?” đúng hơn là những lời cảnh tỉnh ngắn gọn dành cho Chủ nghĩa Tư bản Phôi thai như Hoa Kỳ và Chủ nghĩa Tư bản Già nua cùng Chủ nghĩa Thực dân Cổ điển như Anh, Pháp với sự mong mỏi là nó sẽ được cải tiến xa hơn về mặt xã hội nhằm bảo đảm phúc lợi cho tầng lớp công nhân hơn là một chủ trương đi theo đường lối Cộng sản Liên Xô. Vì ngay chính bản thân ông Einstein chưa bao giờ ông ta ca ngợi chủ thuyết Mác-xít--Lênin-nít --dùng bạo lực thực hiện cách mạng-- trong khi ông ta là người luôn chuộng hòa bình. Nếu không là thế, ông ta không bao giờ chọn đề tựa trong dấu hỏi mà là một đề tựa xác định hơn.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo