Bức ảnh của Chộp (chuyện phiếm) - Dân Làm Báo

Bức ảnh của Chộp (chuyện phiếm)

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Chiều nào cũng vậy, hễ cứ đi làm về là Chộp lại “dán mắt” vào màn hình computer. Bạn bè nhiều, vả lại giữa anh và họ đã thống nhất: những thông tin không cần chuyển gấp đều gửi bằng mail để đỡ tốn tiền, bí mật, tiện lưu trữ. Chiều nay trong hộp thư đến vẻn vẹn có một thư đó là thông báo ngắn gọn: “Bức ảnh gửi ngày... của tác giả... tới... đã được... trao giải…đề nghị tác giả thông báo địa chỉ hoặc tài khoản để gửi giải thưởng”.

Không ai trong số bạn bè của Chộp gửi.

Email của thư trùng với của tổ chức quốc tế trao giải.

Vậy đây không phải là thư rác hay là của một ai đó đùa chơi. Vốn thận trọng, nên sau khi xác minh lại thông tin trên bằng điện thoại Chộp mới dám tin rằng mình đã được giải của một tổ chức quốc tế.

Tham gia biểu tình, thấy cảnh công an bắt người mang đi, ghi lại, chưa kịp xem kỹ đã vội gửi ngay cho trang mạng để kịp cập nhật tin tức biểu tình. Thông báo trên khiến anh vội tìm xem lại bức ảnh của mình.

Bức ảnh ghi lại hình một người đội mũ bảo hiểm, mặc áo sơ mi cộc tay vải hoa bỏ ngoài quần đang “bế” một người. Tay trái anh ta giữ chặt cổ người đó, tay phải luồn qua khuỷu chân trá i(sau đầu gối) nắm lấy tay trái người đó như một thế võ. Nạn nhân (người bị “bế”) mặc áo sơ mi cộc trắng, mồm há hốc có thể do nghẹt thở hoặc đang la ó phản đối, chân trái bị xốc lên cao hơn đầu của người “bế”, chân phải thấp hơn và bị mất một chiếc dép. Người “bế” là công an mặc thường phục, nạn nhân là một thanh niên tham gia biểu tình. Chân người “bế” trong tư thế chạy chứng tỏ anh ta đang vội vã “bế” nạn nhân qua đường. Ngoài hai người, phía phải của bức ảnh còn có hình đám đông mang cờ, biểu ngữ tay vung cao, phía trái là một chiếc xe thùng của CS113. Xem lại, Chộp hiểu: tác phẩm của mình được giải vì nó đã ghi lại được một hình ảnh rất sinh động, ấn tượng và còn mang tính thời sự. Cũng có nhiều bức ghi được cảnh công an bắt người mang đi, nhưng cái động tác “bế” của tay công an mặc thường phục trong bức của anh là độc đáo hơn cả. Chộp đã chộp được toàn bộ cảnh trên hoàn toàn tình cờ và có phần gặp may. Chỉ cần chậm độ vài giây thì Chộp cũng không ghi lại được cảnh trên bởi nạn nhân sau khi bị “bế” qua đường đã bị thả vào chiếc xe thùng chờ sẵn. Còn sau khi bấm, nếu không mau chóng giấu máy, trốn vào đám đông Chộp cũng sẽ bị bắt, bị tịch thu máy như vài ba người khác. Chộp hình dung các công việc tuần tự tiếp theo từ nay đến hôm nhận giải. Trước tiên là thông báo cho bạn bè tin vui này bằng cách chuyển tiếp bức thư trên đính kèm bức ảnh đoạt giải. Lường trước có thể bị sách nhiễu vì bức ảnh, vì giải thưởng sắp được nhận nên Chộp cũng trù liệu kế hoạch để đối phó.

Giải thưởng là gì nhỉ? Có lẽ là tiền vì trong thông báo họ có yêu cầu mình cho biết tài khoản. Chộp thích hiện vật hơn nhưng tiền cũng tốt. Mình sẽ khao bạn bè một chầu ra trò, sẽ nâng cấp cái máy ảnh, cái laptop đang dùng bởi chúng đã cũ kỹ lạc hậu lắm rồi và có biết bao việc phải cần đến tiền. Giờ đây cứ nghĩ đến mình đã được một giải thưởng của quốc tế là trong người Chộp cảm giác lâng lâng, sung sướng xen lẫn tự hào rất khó tả. Đây chắc chắn sẽ là một kỷ niệm đẹp nhất trong đời Chộp. Phải rồi! Chộp sẽ phóng to bức ảnh được giải thành nhiều bức để gửi tặng bạn bè và treo tại phòng khách. Công việc này cũng khá tốn kém nhưng số tiền thưởng chắc cũng đủ để chi trang. Phòng khách nhà Chộp hiện đã treo nhiều bức ảnh của người khác mà Chộp rất thích giờ đây lại có thêm một cái mà tác giả là mình. Thật là tuyệt vời! Nhưng hình như vẫn còn quên một điều gì đó? Phải rồi! Đó là tên của bức ảnh hay lời đề dưới bức ảnh mà nhiều bức ảnh nổi tiếng đã có. Chẳng hạn: Bức ảnh chụp cô Võ Thị Thắng khi xưa bị áp giải giữa hai hàng cảnh sát nhưng vẫn cười rất tươi phía dưới ghi là “nụ cười chiến thắng”. Bức chụp cô dân quân bé nhỏ áp giải phi công Mỹ to lớn thì phía dưới lại là 4 câu thơ của Tố Hữu:

“Cô du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu
Ra thế to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.

Nếu ghi là “yêu nước” thì chỉ giải thích được hành động của đám đông biểu tình mà chưa đề cập tới được hành động của hai nhân vật chính trong ảnh. Còn đề là “biểu tình chống Trung Quốc” thì có vẻ như là một thông báo thời sự, “công an bắt người biểu tình” thì lại chung chung vì rất nhiều bức có cảnh này. Vốn khôi hài Chộp định đặt tên cho bức ảnh là “một thế võ” nhưng nghĩ lại thấy nó lại không mang tính thời sự. Vào mạng tham khảo các tác giả đặt tên, đề dưới các bức ảnh của mình như thế nào cũng không có kết quả.

Tình cờ vào trang “dân luận” thấy một bức thư của một nhà thơ khá nổi tiếng nguyên là cục phó cục điện ảnh gửi cho một blogger khác có đoạn: “Mình nhìn thấy hình ảnh anh CA mặc thường phục” cắp nách bạn trai trẻ vì đi biểu tình đưa về đồn. Trông vừa giận vừa buồn cười. Nói điều này với anh bạn bên ngành CA, anh ấy bảo “các anh ấy” buộc lòng “phải” diễn” như thế vì còn “ngoại giao” với bạn!!! Chứ lòng vả có khác gì lòng sung! Nói thì biết vậy! Ôi, mong sao CA không nên làm như thế với đồng bào mình thì vẫn tốt hơn”.

Rõ ràng “hình ảnh” trong đoạn thư trên là hình ảnh mà Chộp đã ghi lại được trong bức ảnh của mình. Tác giả đã xem bức ảnh của Chộp và có lẽ chính nó là một lý do để viết bức thư kia. Trong đoạn thư, lời của “anh bạn bên ngành CA” đã “tiết lộ” một chủ trương của nhà nước “buộc lòng phải đàn áp, bắt bớ dân để diễn ngoại giao với bạn”. Chộp thì không tin vào cái “buộc lòng” của công an mà cũng chính là của nhà nước. Nhưng điều quan trọng hơn là qua chủ trương đó anh đã lý giải được tư thế cũng như hành động của nhân vật trong ảnh một cách logic từ đó chọn được một câu khá “đắt” để ghi dưới bức ảnh. Nạn nhân bị công an “bế” trong tư thế rất khó chịu, tay công an phải “bế” nạn nhân cũng khó chịu không kém cả hai cùng trình “diễn ngoại giao với bạn” tức là để nhà nước chứng tỏ: tình hữu nghị của họ với Trung Quốc vẫn tốt đẹp. Từ địa vị là người bị công an bắt, nạn nhân cùng với tay công an bỗng trở thành những người chịu “khó”(ở trong tư thế khó chịu) để nhà nước chứng tỏ tình hữu nghị với Trung Quốc. Nhưng các hành động của chính quyền Trung Quốc đã từng làm với Việt Nam trong thời gian gần đây đã cho thấy quan hệ Trung-Việt không phải là quan hệ hữu nghị mà là quan hệ chủ-tớ. Do vậy nạn nhân với tay công an trong bức ảnh dù phải chịu “khó” thực sự cũng chỉ để nhà nước lợi dụng chứng tỏ lòng trung thành của kẻ nô bộc với ông chủ. Vì lẽ đó Chộp đã chọn đề dưới bức ảnh dòng chữ Cùng chịu “khó” để có “hữu nghị” với "bạn". Nghĩ đi, nghĩ lại thấy hay hay, vừa khôi hài, vừa châm biếm nhưng anh vẫn muốn bạn bè góp ý thêm trước khi quyết định. 

4/2014



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo