Tôi đi biểu tình dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa - Dân Làm Báo

Tôi đi biểu tình dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Manh Dang - “Biểu tình” thường xuyên trên mạng xã hội, tôi tin rằng đã thực hiện quyền dân chủ của mình… nhưng ngày 11/05/2014, tôi phải xuống đường biểu tình, một cách khác thực hiện quyền dân chủ, không phải trên mạng mà trên đường phố!

Đón nhận thông tin 20 tổ chức xã hội dân sự đã ra lời kêu gọi đồng bào xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lược vào lãnh hải trên biển đông VN vào sáng ngày 11/05/2014, đồng thời, lời kêu gọi này cũng trùng khớp với lời kêu gọi của tổ chức Việt Tân từ hải ngoại, đã làm tôi băn khoăn không ít! Bởi lẽ, đây là những tổ chức chưa được chính quyền Việt Nam thừa nhận, thậm chí đang bị chính quyền tại Việt Nam xem như là tổ chức phản động, khủng bố (Việt Tân), dù tôi rất tán thành lời kêu gọi biểu tình của họ.

Tôi tán thành không vì cá nhân, tổ chức phát ra lời kêu gọi, mà là vì ý nghĩa của lời kêu gọi đó.

Cuối cùng, tôi vẫn quyết định tham gia biểu tình vào sáng ngày 11/05 chỉ vì một điều duy nhất: Vì chính tôi.

Chỉ còn điều lấn cấn cuối cùng là tập trung ở đâu? Ở Nhà VHTN (1) đường Phạm Ngọc Thạch (2)? Hay ở trước Nhà hát thành phố (3)? Hoặc ở trước Tòa Lãnh sự quán Trung Cộng (4) đường Hai Bà Trưng? 8h00’ sáng, tôi nhắn tin hỏi LS Hiếu tập trung ở đâu? LS Hiếu cho biết đang chuẩn bị đến Nhà VHTN đường Phạm Ngọc Thạch.

Tôi nghĩ nên “điều nghiên” trước. Ở khu vực Nhà VHTN, tôi thấy nhiều người đã đứng tập trung từng nhóm nhỏ nhưng rải rác ở hai bên lề đường kéo dài cho đến khu công viên trước Dinh Thống Nhất (5) và Nhà thờ Đức Bà, ước đoán tầm 300-400 người. Xuôi theo dốc Đồng Khởi (6) xuống đến trước Nhà hát thành phố, tôi thấy nơi đây số người tập trung trương sẵn cờ, biểu ngữ cũng đã tầm đến 500 người đang rục rịch khởi hành đi về phía Nhà VHTN.

Đoán chừng tất cả sẽ kéo về phía Tòa Lãnh sự quán Trung Cộng đường Hai Bà Trưng, nên tôi đến đấy là tốt nhất. Tôi gởi xe ở công viên Lê Văn Tám (7) rồi rảo bộ vào đường Hai Bà Trưng đi về phía Tòa Lãnh sự Trung Cộng, xế đối diện đường Nguyễn Văn Thủ (8).

Lúc này, suốt dọc đoạn đường Hai Bà Trưng từ giao lộ Điện Biên Phủ (9) đến giao lộ (10) Nguyễn Đình Chiểu thì lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an thành phố, quận, phường sở tại, dân phòng, Thanh tra xây dựng (?), bảo vệ ngân hàng (đối diện Tòa Tổng Lãnh sự), mặc đồng phục đông vô kể, chưa nói đến số nhân viên an ninh mặc đồ dân sự đứng nhan nhản, trong khi đó, tổng số người dân đến để chuẩn bị tham gia biểu tình chỉ vỏn vẹn độ khoảng 50 người.

Đến gần 9h00’ thì cảnh sát cơ động chạy rầm rập đổ dồn tập trung ở giao lộ Hai Bà Trưng – Nguyễn Đình Chiểu để đón đoàn biểu tình từ phía ấy đang tiến đến, xe cộ bị ngăn chặn lưu thông vào đây, các hàng rào thép gai nhanh chóng được đẩy ra thành hai hàng chướng ngại vật, cảnh sát cơ động mặc áo giáp đen phủ bên ngoài bộ quần áo rằn ri, mũ bảo hộ, tay che khiên, tay còn lại cầm lăm lăm cây ma trắc đen đứng sau mỗi hàng rào…

Tầm 9h05’ thì đoàn biểu tình vừa đến thì bị ngăn chặn bằng hai hàng rào thép gai và cảnh sát cơ động ngay tại giao lộ Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, tiếng hô vang “Việt Nam”, “đả đảo”, “Trung Quốc”. “Hoàng Sa”, “Trường Sa”… cứ hòa lẫn vào nhau tiếng được, tiếng mất khiến không nghe được câu nào rõ ràng, cứ ầm ầm như đám chợ vỡ, thật là tiếc khi thiếu người lĩnh xướng… cũng may khi ý nghĩa cuộc biểu tình vẫn được biểu hiện nhờ những biểu ngữ đã được căng lên. Mọi người đứng bên trong vòng rào sốt ruột chờ đợi đoàn biểu tình vào để cùng gia nhập, nhưng biết là không thể, nên muốn tiến ra thì cũng không còn ra được nữa!

Chỉ tầm mươi phút, không biết tác động từ đâu mà đoàn biểu tình bị tách thành hai nhóm, một nhóm trụ lại, một nhóm tiến xuôi theo đường Nguyễn Đình Chiểu tiến về phía đường Phạm Ngọc Thạch… chắc họ định đi vòng để vào trở lại đường Hai Bà Trưng bằng phía giao lộ Điện Biên phủ chăng? Hay đã mắc mưu “ai” đó tác động để làm giảm đi lực lượng người biểu tình?

Lúc này, người dân sống trong khu vực hay các nhân viên bán hàng tại các cửa hiệu lập tức bị yêu cầu vào nhà đóng cửa ngay, số thường dân đang đứng xớ rớ lộ ngay ra là những người có ý định tham gia biểu tình liền bị vòng vây công an, dân phòng, thanh tra xây dựng… cô lập và đẩy dần ra phía người Nguyễn Văn Thủ, cách xa nhóm biểu tình ở giao lộ Nguyễn Đình Chiểu…

Biết không xong, tôi đành trở ra lấy xe vòng về phía trung tâm để xem có thể gia nhập đoàn biểu tình được không, vừa lúc đoàn biểu tình trở lại xuôi về hướng Nhà hát thành phố, tôi dắt xe đi theo được vài trăm mét rồi tan hàng từ đó.

Có vẻ, cuộc biểu tình sáng ngày 11/05/2014 đã đạt được mục đích căn bản của nhiều phía, phía người dân muốn được biểu tình, thì đã được biểu tình, họ được toại nguyện, chỉ có điều cuộc biểu tình đó được tiến hành ở đâu trên phố xá Sài Gòn cũng được, ngoại trừ trước Tòa Lãnh sự Trung Cộng! Phía chính quyền muốn có một cuộc biểu tình biểu thị ý chí của dân, nhưng phải đảm bảo không được đi chệch một mục tiêu duy nhất là phản đối Trung Quốc trong phạm vi xâm chiếm biển đông Việt Nam, và càng đương nhiên không được biến tướng thành một cuộc biểu tình chống Đảng cộng sản hay chống chính quyền, một kiểu “biểu tình dân chủ theo định hướng XHCN” (là tôi tự nghĩ thế), thì chính quyền cũng đã được như ý ! 

Chỉ riêng tôi, tôi xấu hổ vì cuộc biểu tình của chính tôi bất thành vì quá amateur (nghiệp dư), tôi đã sống quá lâu dưới kiểu dân chủ được định hướng sẵn, tôi thật sự lúng túng khi thực hành theo một kiểu dân chủ khác, một kiểu dân chủ chủ động… Thế nên, tôi thật sự khâm phục đồng nghiệp của tôi là LS Hiếu PN và các bạn của anh, anh đã dấn thân một cách chủ động và hiệu quả! Hoan hô anh!

Nhưng với lần sau, tôi tin rằng cuộc biểu tình của chính tôi sẽ khác…

LS Hiếu PN và các bạn Xien Lai My Tam, Dung Lam Vo

05/11/2014


_________________________________________

Chú thích:

(1) Nhà Văn hóa thanh niên – Trước năm 1975 là trụ sở Tổng hội sinh viên.

(2) Đường Phạm Ngọc Thạch - Trước năm 1975 là là đường Duy Tân.

(3) Nhà hát thành phố - Trước năm 1975 là Trụ sở Thượng Viện chính quyền Sài Gòn cũ.

(4) Tòa Lãnh sự quán Trung Cộng - Trước năm 1975 là trụ sở Tòa Đại sứ Đài Loan.

(5) Dinh Thống Nhất - Trước năm 1975 là là Dinh Độc Lập.

(6) Đường Đồng Khởi - Trước năm 1975 là đường Tự Do.

(7) Công viên Lê Văn Tám – Trước năm 1980 là Nghĩa trang Đất Thánh Tây (hay còn gọi là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi).

(8) Đường Nguyễn Văn Thủ – trước năm 1975 là đường Tự Đức.

(9) Đường Điện Biên Phủ – Trước năm 1975 là đường Phan Thanh Giản.

(10) Đường Nguyễn Đình Chiểu – Trước năm 1975 là đường Phan Đình Phùng.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo