Vũ Đông Hà (Danlambao) - 750 năm trước. Mười vạn hùng binh Mông Cổ vượt Lạng Sơn, tràn về Thăng Long. Vua Nhân Tông triệu tập bô lão, lấy quyết định của lòng dân nên hòa hay chiến. Hưng Đạo Vương gióng lên lời Hịch Tướng Sĩ nguyện phơi thân ngoài nội cỏ, da ngựa bọc thây. Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt nghĩ binh thư, âu lo vận nước. Trần Quốc Toản đem khí phách thêu vào ngọn cờ phá cường địch báo hoàng ân.
750 năm trước. Diên Hồng. Bình Than. Tây Kết. Hàm Tử. Chương Dương. Vườn không nhà trống. Tiếng đập cùng nhịp điệu của những con tim Đại Việt, vua cũng như thần cũng như dân, làm nên con sóng Bạch Đằng.
750 năm sau. Không tiếng vó ngựa giày xéo. Không những nhát gươm vung lên để đầu rơi lăn lóc. Không những xóm làng ngùn ngụt khói lửa trong tiếng hò reo man rợ Nguyên Mông. 750 năm sau. Chỉ có tiếng rú của những chiếc xe dream thay cho vó ngựa. Phố phường ám khói thế cho dấu binh lửa xa xưa. Mười vạn hùng binh nhường bước cho nghìn vạn món hàng ào ạt băng qua cửa khẩu Hữu nghị quan. Thăng Long chỉ còn lại những chiếc lưng còng khom xuống từ ngai vàng hướng về phương Bắc: nên hòa hay bại. Bô lão Diên Hồng được trám chỗ bằng những cái đầu gật ở Hoàng Văn Thụ. Những hình xâm Sát Thát giờ chỉ còn là khuôn mặt của Oa-sinh-tơn.
750 năm sau. 90 triệu cái đầu bị bắt nhìn xuống đất. 90 triệu đôi chân bị cấm đi trái lề. 90 triệu bàn tay phải bỏ phiếu theo lệnh triều đình. Để du đãng đóng vai chánh án. Để đạo tặc mặc áo thầy tu. Để việt gian giảng bài ái quốc. Để kẻ cướp cầm quyền. 750 năm nhìn lui nhìn tới, nhìn ngược nhìn xuôi, mới biết:
Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo đói, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội.
750 năm sau.
Bây giờ.
Đã đến lúc con người phải đứng dậy.
Đã đến lúc lịch sử phải sang trang.
Đã đến lúc lịch sử phải sang trang.