Tường Vi (Danlambao) - Phiên tòa phúc thẩm ngày 10/ 6/ 2014 tại TANDTC TP Hồ Chí Minh tuyên xử Nhà báo Đoàn Hữu Hậu, nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Gia đình & Xã hội tại ĐBSCL, ngụ tại số 509/17, Nguyễn Trung Trực, P Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá tỉnh Kiên Giang, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xử phạt 1 năm tù (cấp sơ thẩm xử 2 năm tù) buộc bồi thường 32 triệu đồng.
Vụ án khởi tố ngày 9/4/2012 đã hơn 2 năm, qua 8 lần xét xử (4 lần hoãn xử) diễn biến như loạt bài chúng tôi đã thông tin trước đây. Nay kết thúc, một sự kết thúc “không có hậu”.
Điều không may đã báo trước
Ngay từ đầu Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” theo Điều 291 BLHS.
Trả lời PV báo Nhân dân số ra thứ hai ngày 16-4-2013, thượng tá Nguyễn Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho biết: “Nếu Hậu nhận tiền mà không gặp những người có chức trách để lo, sẽ bị truy tố tội “lừa đảo”. Nhưng đây, Hậu có lo nhưng không thành, nên truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Nghĩa là cơ quan tố tụng đã nghĩ tới tội danh đó và xác định từ đầu là không có việc lừa đảo ở đây. Nên khởi tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng…”
Ngày 08/4/2013 Tòa án tỉnh Kiên Giang xét xử, bản án số 26 /2013/HSST tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Ngày 24/06/2013 TANDTC tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm. Bản án số 646/2013/HSPT tuyên: Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, vì vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự, trả hồ sơ điều tra xét xử lại.
Ngày 03/9/2013 Cơ quan CSĐT tỉnh ra Bản kết luận điều tra Số 09/KLĐT-PC46, chuyển đổi tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (?!)
Theo đó ngày 09/9/2013 Viện Kiểm sát ra cáo trạng số 23/ KSĐT-KT truy tố, với kết luận gần như đối lập với cáo trạng trước đây. Trong khi cùng một hành vi, sự việc.
Bản án số 08/2014 – HSST ngày 16/01/2014 của Tòa án tỉnh Kiên Giang, tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt…” xử phạt 2 năm tù. Ông Đoàn Hữu Hậu kháng án.
Bị Tòa gài thế “việt vị”
Sau một lần tạm hoãn, ngày 10/6/2014 TANDTC mở phiên xử phúc thẩm tại TP Hồ Chí Minh.
Ngay từ đầu Thẩm phán Nguyễn Hữu Ba từ chối 2 vị Luật sư bào chữa tham gia tố tụng, với lý do là mới nhận giấy đăng ký, dù rằng thủ tục này đã gửi qua đường Bưu điện trước đó 10 ngày. Đến khi bị cáo xin cho được bào chữa, mới được miễn cưỡng đồng ý. Nhưng cũng bị Chủ tọa “dằn mặt”. Trước đây, ngày 22/4/2014 tại phiên Tòa Phúc thẩm tại Tòa án tỉnh Kiên Giang cũng vị Chủ Tọa này cũng đã từ chối 2 Luật sư này với lý do tương tự, nên bị cáo xin hoãn lại phiên xét xử.
Hội đồng xét xử nhiều lần gợi ý “xin kháng cáo giảm nhẹ”, bị cáo đã 3 lần trả lời là “xin được xem xét không phạm tội”. Một vị Hội thẩm đã nói là “Bị cáo không phạm tội thì cả hệ thống pháp luật ở Kiên Giang không ra thể thống gỉ cả, phải bồi thường cho bị cáo à?” Có nghĩa là bị cáo vô tội, thì mất danh dự và các Cơ quan Tố tụng ở Kiên Giang phải bồi thường
Một vị lại nói “Nếu không phạm tội lừa đảo, thì có dấu hiệu phạm tội "chạy án”. Nghĩa là đường nào cũng phải có tội. Nhận tội đi để được giảm nhẹ.
Từ ngày khởi tố vụ án, cấm đi khỏi nơi cư trú (09- 4- 2012) đến nay đã hơn 2 năm và qua 8 lần xét xử, trong đó có 4 lần hoãn. Ông Đoàn Hữu Hậu bị đình chỉ công tác, không đi đâu, làm được gì, tâm trạng nơi nớp bất an, gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ, trong một thời gian dài như thế. Trước áp lực phủ đầu ngay từ đầu của HĐXX, làm bị cáo bị khủng hoảng tinh thần.
Đến khi vị đại diện Viện Kiểm Sát gợi ý nên xin giảm nhẹ, vì có tình tiết giảm nhẹ, thì bị cáo chấp thuận theo hướng đó.
Bị cáo nhận mình có lỗi là phạm quy định nghề nghiệp, Điều lệ Hội Nhà báo, làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín Nhà báo. Chủ tọa bắt ngay bị cáo thế “việt vị” và lưu ý Luật sư là chỉ bào chữa theo hướng giảm nhẹ.
Chủ Tọa phiên Tòa cho rằng bị cáo “thật thà khai báo, nhận tội”. HĐXX đã sai lần khi nhận định đánh đồng giữa hai ý tưởng. Và đã tuyên án bị cáo phạm tội, xử phạt 1 năm tù giam.
Nhận định này hoàn toàn không đúng với thực chất ý tưởng những gì bị cáo đã nói. Trong toàn bộ phiên xét xử, bị cáo không có một lời nào nhận tội. Bị cáo chỉ nói là mình có “lỗi” khi làm một việc không đúng với nghề nghiệp và nhận lỗi. Chỉ có thế. Thế nhưng!.... Dư luận cho rằng việc làm đó không phạm tội. Vì giữa “tội” và “lỗi” là khác nhau. Đánh đồng “lỗi” và “tội” HĐXX đã kết án oan sai cho bị cáo.
Thế này sao gọi là lừa đảo?
Trong đơn yêu cầu của bà Đinh Ngọc Diễm gửi Tòa án và VKS tỉnh Kiên Giang đề ngày 29/11/2013, chúng tôi có được nhờ một “kỳ công” của một đồng nghiệp (trích) “ông Đoàn Hữu Hậu cũng nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn làm thủ tục khiếu kiện cho tôi thời gian xét xử sơ thẩm ở Tòa án huyện Phú Quốc…”
Trong đơn thứ 2 đề ngày 08/01/2014 bà Diễm ghi rõ:
“Tôi đã trả tiền bồi dưỡng cho ông Hậu tổng cộng 70 triệu đồng. Nhưng vì ông Hậu không tiếp tục giúp đỡ tôi, nên tôi đòi tiền lại. Tôi đã nhiều lần khẳng định là ông Hậu không có lừa đảo… Khi cơ quan điều tra Công an tỉnh mời tôi làm việc, tôi cũng chỉ đưa đơn khởi kiện Dân sự theo hướng dẫn của CATP”
Nhưng 2 đơn yêu cầu này không được 2 cấp Tòa xem xét và đã bị thủ tiêu.
Nội dung hai lá đơn nầy được Luật sư bào chữa trình bày trong phiên Tòa sơ thẩm Tòa án tỉnh Kiên Giang. Bà Diễm thừa nhận là có viết, và gửi. Nhưng không hiểu vì sao hai tờ đơn đó không được HĐXX cả 2 cấp xem xét. Họ đã quăng vào sọt rác hay đã đốt đi rồi. Mà lại tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt…” (?!)
Ngay sau khi phiên Tòa kết thúc, trong dư luận râm ran rằng Đoàn Hữu Hậu đã nhận tội và đã làm kinh động đến với giới trí thức. Một tội mà anh đã chống trả quyết liệt hơn hai năm nay. Là người theo dõi xuyên suốt vụ án và trực tiếp tham dự các phiên Tòa, kể cả phiên cuối cùng này. Tôi khẳng định anh không nhận tội.
Nhưng việc anh có nhận tội hay không thì Tòa Phúc thẩm cũng đã tuyên và có hiệu lực pháp luật. Họ có giảm 1 năm tù so với cấp sơ thẩm tuyên, vì anh có nhân thân tồt. Nhưng anh sẽ phải vào tù thi hành án. Còn việc xin Giám đốc thẩm vụ án, có vẻ còn xa vời và rất ít hy vọng.
Có lần anh tâm sự: “ Mình viết báo không đủ sống, sẵn có mấy chuyện oan sai người ta nhờ hướng dẫn giúp đỡ, rồi đưa tiền chi phí giao dịch. Đến khi có chuyện lôi thôi ra cớ sự này…Mình mong có đen trời soi xét…”. Thực ra việc làm của anh nó nhan nhản ở đất nước này, là một việc bình thường của hàng ngàn người. Anh bị truy tới cùng là do một sự trả thù của bọn quan tham. Anh là “khắc tinh” cuả những kẻ tham ô, độc ác đang nắm quyền hành.
Rồi đây trong tù anh sẽ bị đối xử như thế nào đây? Chắc chắn là không được tử tế. Nghỉ tới đây tôi cảm thấy nhói lòng. Tôi phải tạm biệt một người bạn, một đồng nghiệp tài năng “hảo hán” dám xả thân. Và giờ đây chịu nhiều oan trái, trong vòng lao lý.
Qua đây tôi cũng xin kêu gọi mọi người hãy hiểu và thương nhà báo Đoàn Hữu Hậu. Còn những ai hại anh hãy tự để lương tâm dày vò. Vụ án nhà báo Đoàn Hữu Hậu đến đây coi như kết thúc. Xin cảm ơn quý đã chuyển tải thông tin về vụ án này trong thời gian qua ./.