Trần Nguyễn Anh (Tiền Phong) - Tài liệu của chính quyền VNCH cho biết: “Năm 1959, Hải quân Việt Nam đã bắt được 40 ghe đánh cá Trung Quốc đưa về Đà Nẵng lưu giữ 6 tháng...” Trong lĩnh vực đánh cá, ngày 26/12/1972, Tổng thống VNCH ban hành sắc luật quy định lãnh hải Việt Nam về phương diện ngư nghiệp có một chiều rộng là 50 hải lý, tính từ hải phận quốc gia trở ra. Trong vùng này cấm các loại ghe tàu, thuyền bè ngoại quốc đến đánh cá, khai thác hoặc mua bán hải sản, trừ khi có giấy phép trước của chính phủ...
*
Giáo sư Nguyễn Hữu Lành trong bài nghiên cứu mang tên “Luật quốc tế và vấn đề đánh cá trên biển” đã nhận định: “Ngày nay, thực tế người ta nhận thấy các tài nguyên sinh vật ngày càng giảm trước sự khai thác quá mức bằng kỹ thuật tân tiến. Vì vậy vấn đề bảo tồn các tài nguyên sinh vật đã được đặc biệt chú ý. Mặt khác, các quốc gia đều muốn dành cho dân chúng của mình độc quyền khai thác các tài nguyên trong vùng biển tiếp cận và đều có khuynh hướng nới rộng phạm vi thuộc chủ quyền quốc gia”.
Cảnh ngư dân đánh cá ảnh của nhiếp ảnh gia Cao Lĩnh trước năm 1975
Kỳ 2: Phát triển Kinh tế Biển
Bài nghiên cứu công bố năm 1974 này của giáo sư Lành cũng cho thấy quan điểm chung lúc bấy giờ đó là muốn bảo vệ được lãnh thổ, lãnh hải thì phải phát triển kinh tế, trước hết là kinh tế biển. Ông viết: “Trên thực tế, sức mạnh của quốc gia vẫn giữ vai trò quyết định cho đến khi nào trong xã hội quốc tế, quyền lợi riêng của quốc gia nhường bước cho quyền lợi chung”.
Khoan dầu mỏ
Theo nhà nghiên cứu về dầu mỏ, khí đốt Nguyễn Bá Liệu thì công cuộc tìm kiếm dầu hỏa ở Việt Nam có thể nói đã bắt đầu trong những năm đầu của thập niên 1940 ở Vịnh Quy Nhơn. Vào hồi đó, dầu hỏa đã xuất hiện và loang trên mặt nước trong vịnh. Sự kiện đó đã đưa đến việc đào một số giếng khảo sát, “tuy nhiên kết quả cho thấy lớp đá nền (basement) quá gần mặt đất và dầu hỏa được sinh ra trong một lớp bùn quá mỏng không đáng được khai thác”.
Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã cho khảo sát địa vật lý ngoài khơi từ năm 1967 với 140 km đường khảo sát không từ, và năm 1968 với 657 km đường khảo sát địa chấn. Những cuộc khảo sát này đều do cơ quan Liên hợp quốc CCOP thực hiện.
Ông Nguyễn Hồng Cẩn nhận xét rằng nghề cá ở miền Nam trước 1975 rất phát triển
Cuối năm 1969, 2 công ty dầu hỏa đã chung nhau thuê công ty vật lý Ray Geophysical và được chính phủ VNCH cho phép để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn trên vùng thềm lục địa phía Nam với đường khảo sát lên đến 8.406 km.
Để phục vụ việc khai thác biển, Luật dầu hỏa đã được ban hành ngày 1/12/1970, tiếp theo đó Ủy ban quốc gia dầu hỏa được thành lập với một văn phòng thường trực để xúc tiến công cuộc tìm kiếm dầu hỏa theo luật định. Quá trình hoàn thiện luật pháp và khai thác được xúc tiến nhanh.
Theo số liệu thì vào tháng 8/1973 chính phủ VNCH đã cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm trên 8 lô với tổng số diện tích là 57.223km2 cho 4 nhóm công ty Pecten, Mobil, Esso và Sunningdale. “Trong đợt này các công ty đã trả cho chính phủ một số tiền hoa hồng chữ ký là 16.600.000 USD và cam kết một số tiền đầu tư trong 5 năm tổng cộng là 59.250.000 USD. Ngoài ra các công ty còn dành một số tiền tổng cộng 300.000 USD mỗi năm cho việc huấn luyện chuyên viên kỹ thuật ngành dầu hỏa”.
Tháng sáu, năm 1974, chính phủ VNCH lại cấp thêm 5 quyền đặc nhượng tìm kiếm dầu mỏ thêm 5 lô với tổng diện tích 24.380km2 cho 4 tổ hợp là Mobil, Pecten, Union và Marathon. Trong đợt này các công ty cũng trả cho chính phủ VNCH hoa hồng chữ ký là 29.100.000 USD và cam kết đầu tư trong 5 năm là 44.500.000 USD.
Các thông cáo cho thấy hoạt động đào giếng bắt đầu vào ngày 17/8/1974 với giếng thăm dò Hồng I-X, giếng dầu đầu tiên được đào trong thềm lục địa Việt Nam do công ty Pecten thực hiện. “Kết quả đã tìm thấy dầu ở độ sâu 5.320 feet. Tiếp theo đó là việc đào giếng dầu Dừa I-X với sự phát hiện ra dầu và khí thiên nhiên”.
Khảo sát các điều khoản trong hợp đồng đặc nhượng của VNCH, chúng ta thấy nó được dựa trên thông lệ quốc tế, tuy nhiên luôn nhấn mạnh đến lợi ích của Việt Nam cũng như quyền chủ động trong khai thác, vận hành. Các điều khoản đặc nhượng bao gồm:
- Giai đoạn tìm kiếm là 5 năm và được gia hạn thêm 5 năm nữa.
- Công ty thọ nhượng phải gánh chịu mọi phí tổn trong việc tìm kiếm dầu.
- Sau 3 năm công ty phải giao hoàn cho chính phủ 25% số diện tích được cấp phát và sau 5 năm số diện tích phải giao hoàn là 50%.
- Trong trường hợp tìm thấy dầu, chính phủ có quyền tham gia trong việc khai thác theo một tỷ lệ đã được áp dụng ở các quốc gia Trung Đông hay Đông Nam Á lúc đó.
- Khoáng nghiệp nhượng tô được ấn định là 12,5%.
- Thuế suất lợi tức là 55%.
- Sau 5 năm khai thác, công ty sử dụng 90% công nhân Việt Nam và cấp điều hành người Việt phải là 60%.
- Ngoài ra hợp đồng còn quy định các công ty thọ nhượng phải sử dụng các phương tiện và cơ sở Việt Nam trong mọi dịch vụ yểm trợ.
Hiện đại nghề cá
Theo nghiên cứu của các học giả thời VNCH thì chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa gắn với quyền lợi của ngư dân nhiều đời. Sử cận kim nói quần đảo có tấm bia ghi “Vạn lý Ba Bình” cả bốn năm trăm năm trước. Tờ Tia Sáng, tháng 1/1974 viết: “Theo sử thì quần đảo thuộc Việt Nam từ khoảng 1638, nếu lui về quá khứ xa xăm thì tập tục đi lấy Hải Vị ở Hoàng Sa đã có từ thời miền Nam Việt Nam là đất Chiêm. Tuy nhiên, nếu lui về thời Chiêm Thành thì chủ quyền ngư dân Lý Sơn thuộc về Việt Nam từ 1402, lúc Hồ Quý Ly thiết lập sự bảo hộ trên vùng lưỡng Quảng”.
Bia chủ quyền trên Trường Sa những năm 1960
Ngay từ những năm 1950 vấn đề phát triển nghề cá đã được chú trọng ở miền Nam. Trên tờ báo Dân Đen số ra tháng 4/1955 có đăng bài dài với tựa đề “Ngành đánh cá biển tại Việt Nam” khẳng định: “Số cá sản xuất tại Việt Nam mỗi năm là: cá biển 180-200.000 tấn, cá sông ngòi: 20.000 tấn” và kêu gọi thành lập các hợp tác xã, các hội ái hữu, phát triển kỹ nghệ mới. Tờ báo đánh giá: “Bờ biển Việt Nam kéo dài 2.000 cây số và có thể chia làm 5 vùng và tất cả đều là những chỗ có nhiều cá”.
Tài liệu của chính quyền VNCH cho biết: “Năm 1959, Hải quân Việt Nam đã bắt được 40 ghe đánh cá Trung Quốc đưa về Đà Nẵng lưu giữ 6 tháng”. Đồng thời cho biết “Hãng phân bón Việt Nam” được thành lập và chính thức hoạt động từ 4/1959, khai thác được 20.000 tấn phốt phát tại Hoàng Sa, rồi bỏ dở từ năm 1960 do thời tiết và vận chuyển khó khăn.
Trong lĩnh vực đánh cá, ngày 26/12/1972, Tổng thống VNCH ban hành sắc luật quy định lãnh hải Việt Nam về phương diện ngư nghiệp có một chiều rộng là 50 hải lý, tính từ hải phận quốc gia trở ra. Trong vùng này cấm các loại ghe tàu, thuyền bè ngoại quốc đến đánh cá, khai thác hoặc mua bán hải sản, trừ khi có giấy phép trước của chính phủ.
Năm 1970, miền Nam có 317.442 ngư dân và 85.000 tàu thuyền. Trong đó 42.603 tàu có động cơ và 42.612 thuyền không động cơ. 269 thôn và 700 ấp chuyên về ngư nghiệp. 75 Hợp tác xã ngư nghiệp. 200 tàu hộ tống ngư dân. Xây dựng hệ thống hải cảng: Cảng Sài Gòn được đầu tư 11 triệu USD, Đà Nẵng 1 triệu USD, Cần Thơ 10 triệu USD. Xuất khẩu ngư nghiệp 300 triệu USD, trong khi các sản phẩm còn lại như trà, lạc, cùi dừa… chỉ 158 triệu USD.
Không ai hiểu rõ ngành cá của VNCH hơn chính các đồng nghiệp ở miền Bắc. Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, ông Nguyễn Hồng Cẩn, người tiếp quản ngành thủy sản miền Nam sau khi đất nước thống nhất và là Thứ trưởng phụ trách phía Nam. Ông kể với tôi rằng khi vào Nam ông thực sự bất ngờ vì hệ thống cơ sở hạ tầng như tàu thuyền, nhà máy, thị trường tại đây. Ông nói: “Trong kháng chiến ở miền Bắc chỉ mong ước một năm xuất được 100.000 USD thủy, hải sản nhưng không bao giờ được. Trong khi đó ở miền Nam năm 1960 họ đã xuất khẩu được 21 triệu USD rồi”.
Tuy vậy, trước sự gây hấn của Trung Quốc, vấn đề chủ quyền gắn liền với an ninh cho kinh tế biển được đặt ra bức thiết. Ông Trần Văn Khởi, nguyên là Tổng Giám đốc Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản - Luật biển và thềm lục địa dưới thời VNCH đã từng đưa ra nhận định trong thời điểm đó rằng: “Các tranh chấp dù song phương, cấp vùng, hay toàn cầu trong lãnh vực biển đều ít nhiều ngăn chặn nỗ lực nhằm sử dụng tối đa, khai thác tối hảo và bảo toàn hữu hiệu biển để phục vụ con người - an ninh, đánh cá, hải hành, dầu hỏa, giải trí v.v…”.
(Còn nữa)