Cùng là con người sao phải đối xử với nhau như thế? - Dân Làm Báo

Cùng là con người sao phải đối xử với nhau như thế?



Viết Cường (GDVN) - Chú công an từ trên xe lao nhanh xuống vỉa hè, cô gái cuống cuồng túm lấy chồng ghế định bê giấu đi. Nhưng không kịp, chú công an đã nhanh tay hơn cô gái...

Cảnh tượng phản cảm trên diễn ra vào chiều tối ngày 9/7, trên đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Hôm đó là một buổi chiều đẹp, gió nhẹ, nhìn trời cũng có thể đoán chắc tối không mưa. Bốn chàng trai đi bán giày đang nhìn nhau cười nói, những đôi tay thoăn thoắt móc từng đôi giày để trong chiếc ba lô rồi đặt xuống vỉa hè đường Đỗ Đức Dục. Đây cũng là một con đường thoáng đãng, rộng rãi, vỉa hè lớn.

Bên cạnh chỗ bán giày của bốn chàng trai là cô gái trẻ bán nước chè xinh xắn. Nhìn khuôn mặt tươi tỉnh của cô gái, tôi đoán rằng cô đang hi vọng tối nay sẽ thật đông vui, nhiều khách.

Bất thình lình, chiếc xe công vụ của công an phường Mễ Trì ở đâu lao tới. Biết có chuyện chẳng lành, bốn chàng trai bán giày cùng cô gái vội vàng nhặt lấy đồ đạc của mình ném về phía bụi cỏ.

Việc tạm giữ đồ đạc của những người bày bán trên vỉa hè, 
về lí thì có thể đúng nhưng về tình thì còn nhiều điều phải suy nghĩ

Không để cho “đối tượng” kịp trở tay, bằng nghiệp vụ đã được rèn luyện, các đồng chí công an tách ra làm hai đội, một bên vơ hết những đôi giày để trên vỉa hè rồi ném chúng ra đằng sau thùng xe. Bên kia, một đội khác đang nhặt từng chiếc ghế của cô gái trẻ bán nước.

Chiếc thùng xốp để đồ, hay nói chính xác hơn là “cần câu cơm” của cô gái bán nước cũng bị hai đồng chí công an lôi ra dẫm nát. Cô gái không thể làm được gì hơn ngoài đứng nhìn đồ đạc của mình bị phá, bị đưa về trụ sở.

Sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ, các đồng chí công an leo lên chiếc xe công vụ để đi tiếp đến những nơi mà bao người không mong chờ.

Bốn chàng trai bán giày và cô gái bán nước đứng nhìn theo chiếc xe chở lỉnh kỉnh đồ đạc bằng con mắt buồn rười rượi. Họ mở chiếc ba lô ra đếm lại xem còn bao nhiêu đôi giày. Cô gái bán nước thì đi về phía bụi cỏ tìm lại những chiếc ghế đã được giấu đi. 

Một buổi chiều buồn bã!

Việc xử lí những người bày bán, kinh doanh trái phép trên vỉa hè đã được chính quyền các thành phố lớn làm mạnh từ nhiều năm qua nhưng kết quả không mấy khả quan. Lí do vì có quá nhiều người kiếm sống bằng hình thức này, lực lượng trật tự đô thị thì còn mỏng. Hơn nữa, trà đá vìa hè gần như đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, rất khó bỏ.

Thiết nghĩ, Hà Nội nên có quy định riêng đối với hình thức “mưu sinh” này. Có thể cấp phép cho bày bán rồi thu phí công khai những người bán hàng trên các tuyến phố có vỉa hè thông thoáng, ít người đi lại. Còn nơi vỉa hè hẹp, chật chội cần xử lí dứt điểm.

Làm được điều đó vừa tạo điều kiện cho nhiều người tiếp tục mưu sinh. Tiếp nữa là quản lí được số hộ kinh doanh và thu được nguồn phí cho địa phương, tránh để thất thoát vào túi riêng của một số cá nhân. Cuối cùng là giữ được nét văn hóa đặc trưng “trà đá vỉa hè” của người Hà Nội.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo