HÀ NỘI (NV) - Hội thảo do Đoàn Luật sư Hà Nội tổ chức để bàn về Thông tư 28 mà Bộ Công an Việt Nam ban hành hồi đầu tháng trước, vừa bị hủy bỏ do tác động của Bộ Công an CSVN.
Theo dự kiến, hội thảo vừa kể sẽ diễn ra vào ngày 16 tháng 8-2014, tại Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ở số 1 đường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Cũng theo dự kiến, các thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội sẽ thảo luận về Thông tư 28. Nhiều tờ báo tại Việt Nam đã cử người tham dự hội thảo để ghi nhận thêm ý kiến của giới luật sư Hà Nội về Thông tư 28.
Tuy nhiên đến 8 giờ tối ngày 15 tháng 8, bộ phận quản lý Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gọi điện thoại, thông báo cho Chánh Văn phòng Đoàn Luật sư Hà Nội, rằng họ không thể cho mướn hội trường vì Bộ Công an Việt Nam yêu cầu như thế!
Bộ phận quản lý Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói thêm, Đoàn Luật sư Hà Nội muốn đòi bồi thường vi phạm hợp đồng bao nhiêu thì cứ kiện đòi, riêng phía quản lý Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ không mở cửa cho Ban Tổ chức đưa các luật sư vào đó thảo luận về Thông tư 28!
Thông tư 28 do Bộ Công an Việt Nam ban hành hôm 7 tháng 7-2014, “Quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân” và sẽ có hiệu lực từ 25 tháng 8-2014.
Trong bối cảnh dân chúng Việt Nam sôi sục vì nhiều nghi can đột tử khi bị công an tạm giữ, tạm giam, nhiều oan án mới được làm rõ cho thấy, công an không điều tra, chỉ tra tấn, ép người lương thiện nhận tội thì Thông tư 28 được Bộ Công an Việt Nam giới thiệu như một nỗ lực nhằm giải quyết thực trạng tồi tệ đó.
Thân nhân đón ông Nguyễn Thanh Chấn khi ông được phóng thích. Ông Chấn bị tra tấn, ép cung để bị kết án chung thân vì “giết người”, ở tù mười năm mới được minh oan. (Hình: Tiền Phong)
Thông tư 28 có một số quy định mới về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan điều tra thuốc Bộ Công an Việt Nam và được cho là để ngăn ngừa giới điều tra viên tiêu cực và lạm quyền (cấm giữ những tài sản hoặc vật chứng liên quan tới vụ án, cấm tiếp – nhờ vả - nhận quà – ăn nhậu với thân nhân của người đang bị điều tra, cấm “mời” đương sự đến làm việc bằng cách gọi điện thoại,…).
Tuy nhiên Thông tư 28 vẫn không đề ra bất kỳ quy định nào nhằm ngăn chặn việc giới điều tra viên cản trở luật sư thực hiện công việc của họ.
Đáng chú ý là tại điều 38, Thông tư 28 xác định, nếu người bào chữa có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra (cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác) thì giới điều tra viên có thể “lập biên bản, ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành các biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ, chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra”.
Điều 38 của Thông tư 28 đã bị giới luật sư Việt Nam chỉ trích kịch liệt. Giới này cho rằng, việc trao đổi giữa họ và thân chủ có tính riêng tư và họ có nghĩa vụ bảo vệ bí mật thông tin của thân chủ nên điều tra viên không thể ghi âm, ghi hình.
Ngoài ra, bởi công việc của luật sư là phản biện, theo qui định của pháp luật Việt Nam (Luật Luật sư, Luật Tố tụng Hình sự) nên luật sư có quyền kiến nghị, khiếu nại. Bộ Công an Việt Nam không có quyền cho phép chỉ huy các cơ quan điều tra bác bỏ kiến nghị, khiếu nại của luật sư hay thu hồi Giấy Chứng nhận bào chữa của luật sư.
Theo giới luật sư, nếu có luật sư nào “cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật” thì việc điều tra những hành vi đó phải do Cơ quan Điều tra thuộc Viện Kiểm sát Tối cao thực hiện, Bộ Công an Việt Nam không thể giành lấy, làm thay.
Cũng vì những phản ứng mạnh mẽ của giới luật sư, hồi thượng tuần tháng 8, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử đại diện đến gặp Vụ Pháp chế của Bộ Công an CSVN. Tổ chức này cho biết họ sẽ có văn bản nêu ý kiến chính thức về Thông tư 28.
Hội thảo của Đoàn Luật sư Hà Nội cũng nhắm đến mục tiêu tập hợp ý kiến trước khi soạn – gửi văn bản phản đối chính thức. Đoàn luật sư Hà Nội không dè chỉ vì Bộ Công an không thích mà họ không có chỗ để bàn luận. (G.Đ)