Các quan ăn chơi quá! - Dân Làm Báo

Các quan ăn chơi quá!

Bùi Đức (PetroTimes) - ...Quan chức cấp cao hơn hiện nay trong cả nước đang được dư luận quan tâm khi họ sở hữu những khối tài sản khổng lồ ngày càng xuất hiện nhiều... Với điều kiện kinh tế như nước ta, quan chức Nhà nước có lương bổng cao đến mấy, chi tiêu tiết kiệm đến đâu cũng không thể giàu có được... Và nếu những quan chức đó có được ông cha để lại cho ít của chìm thì cũng không thể nhiều đến mức xây được cơ ngơi giá trị lớn như thế. Vậy họ lấy ở đâu ra? Người dân chỉ hiểu đơn giản một điều: Họ làm quan nên mới có! Thế nên dân nghèo cố thắt lưng buộc bụng nuôi con ăn học để mơ sau này làm quan...

*

Nhớ lại cách đây 17 năm, khi nhân dân Thái Bình khiếu kiện các quan chức địa phương về hành vi quan liêu, tham nhũng thì nhiều vụ việc mờ ám, khuất tất đã được làm sáng tỏ.

Một số quan chức đầu xã ở huyện Quỳnh Phụ bị dân chất vấn một điều rất đơn giản: “Tại sao đang có mức sống ngang nhau mà có người mới lên làm chủ tịch xã chưa được một khóa đã giàu có, nhà cao cửa rộng, đồ dùng đắt tiền? Vậy các vị hãy dạy dân cách làm giàu nhanh như thế đi!”. Chủ tịch xã cứ cuối giờ chiều là áo phông, quần soóc vác vợt, cưỡi xe lên tỉnh chơi cầu lông. Cô vợ chủ tịch thì váy hoa phấp phới, dắt chó tây ra ruộng đi vệ sinh. Thấy bà con nông dân xì xào bàn luận thì chị này còn cong cớn: “Chúng mày có giỏi thì đi kiện chồng bà đi!”. Sau cuộc khiếu kiện và thanh tra, gã chủ tịch xã ấy đã phải đi tù vì tham ô tiền bạc. 

Ngày ấy Thái Bình đã có phong trào xây dựng nông thôn mới khá rầm rộ. Điện, đường, trường, trạm đồng loạt mọc lên, trở thành tỉnh đi đầu của cả nước. Nhưng khi dân kiểm tra lại chất lượng các công trình thì mới phát hiện ra rằng, tiền của do dân đóng góp đã bị bớt xén mất một nửa. Dân bức xúc và hỏi lãnh đạo địa phương: “Tiền của thất thoát vào túi ai nếu như không phải các quan xã, huyện?”. Chính từ những cuộc kiểm tra, giám sát và khiếu kiện của dân năm ấy đã khui ra ánh sáng hàng loạt quan tham để pháp luật xử lý. Và cũng từ “cuộc cách mạng dân chủ” ấy của nông dân Thái Bình, đảng ta mới ra được nghị quyết về dân chủ ở cơ sở. Người dân lại truyền tụng nhau một triết lý rằng, muốn giàu nhanh thì chỉ có làm quan! 

Quan chức ở cấp xã, huyện của Thái Bình thời ấy cũng chỉ “ăn bẩn” được của dân vài ba trăm triệu. 

Còn quan chức cấp cao hơn hiện nay trong cả nước đang được dư luận quan tâm khi họ sở hữu những khối tài sản khổng lồ ngày càng xuất hiện nhiều. Gần đây nhất là hai trường hợp: Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có khu dinh thự lộng lẫy ở tỉnh Bến Tre quê ông và ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch tỉnh Bình Dương với mấy vườn cao su chục vạn mét vuông. Với điều kiện kinh tế như nước ta, quan chức Nhà nước có lương bổng cao đến mấy, chi tiêu tiết kiệm đến đâu cũng không thể giàu có được. Với hai vị quan chức nêu trên, nếu cả vợ chồng, con cái có đem hết mồ hôi, trí tuệ ra cống hiến và có ý thức dành dụm thì cả đời cũng không đủ tiền để xây dựng những biệt thự lộng lẫy và đồn điền cao su như vậy được. Và nếu những quan chức đó có được ông cha để lại cho ít của chìm thì cũng không thể nhiều đến mức xây được cơ ngơi giá trị lớn như thế. Vậy họ lấy ở đâu ra? Người dân chỉ hiểu đơn giản một điều: Họ làm quan nên mới có! Thế nên dân nghèo cố thắt lưng buộc bụng nuôi con ăn học để mơ sau này làm quan. 

Đảng và Nhà nước đã hô hào chống tham nhũng, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức kê khai tài sản. Nhưng rồi những quy định ấy vẫn chỉ là hình thức và quan chức có kê khai hết hay không lại tùy vào mỗi người. Vấn đề là ở chỗ, khi những quan chức có khối tài sản khổng lồ, giá trị lớn bất bình thường bị tố giác, thậm chí phơi bày trước bàn dân thiên hạ thì cấp có thẩm quyền sẽ giải quyết như thế nào? Nếu bị thanh tra, chủ tài sản không chứng minh được nguồn gốc số tài sản lớn ấy thì nhà nước có tịch thu sung công hay không? Đó mới là điều mà người dân mong đợi. 

Trường hợp của ông Lê Thanh Cung, ngoài tòa nhà hoành tráng đã phát lộ thì còn rừng cao su của ông ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đang gây tranh cãi. Ông Cung và chính quyền sở tại đã vi phạm luật mà cố tình làm sai: Đang là công chức Nhà nước thì không được giao đất để sản xuất, kinh doanh, hạn mức giao đất tối đa là 10ha nhưng ông lại nắm trong tay tới mấy chục ha. Thiết nghĩ, làm đến chức chủ tịch tỉnh như ông Cung thì làm gì mà không hiểu những điều sơ đẳng nói trên của luật pháp mà còn cố ý làm liều! 

Lâu nay chưa có vụ nào xử đến nơi đến chốn các quan chức khi phát lộ ra những khối tài sản lớn mà không thể chứng minh được nguồn gốc. Vì thế nên niềm tin của dân với công cuộc chống tham nhũng bị mai một. Cứ nhìn thấy các quan chức giàu có bất thường thì dân càng xa lánh, khinh thường. Lại còn thấy quan chức ăn chơi, nhậu nhẹt tối ngày nữa thì dân còn biết tin ai. Một thông tin sốt dẻo nhất là ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa giật giải Nhì về đấu golf 18 lỗ ở Lăng Cô, càng giảm lòng tin cho dân địa phương. Với cương vị một quan đầu tỉnh, có trăm công nghìn việc mà lại dành thời gian đi chơi gôn để dành giải cao như vậy thì hỏi còn tâm sức đâu lo cho dân. Hèn nào mà trong bảng xếp hạng về cải cách hành chính năm 2013 vừa qua, Thừa Thiên - Huế chỉ đứng thứ 41 về chỉ số Par Index, thuộc loại dưới trung bình của cả nước rồi. 

Các quan chức của ta ăn chơi thật! 


*

"Ăn chơi" ngày xưa: Giết!

"Ăn chơi" ngày xưa: Giết nữa!

Giết!!! Bàn tay không ngơi nghỉ.

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong.
"Cho Đảng Ta chúng bước 1 lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!"

*

Thấy gì qua thu nhập 64 tỉ đồng của Chủ tịch tỉnh Bình Dương?

Hưng Long (PetroTimes) - Câu chuyện về tài sản của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương được Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận. Theo đó, vị lãnh đạo này sở hữu hàng chục hécta cao su gây sửng sốt trong dư luận. Hơn hết, hàng chục hécta đất cao su đã được cấp trái phép. 

Hàng chục hécta đất vào tay ông chủ tịch như thế nào? 

Ngày 4-9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức họp giao ban báo chí quý III/2014. Ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung hiện đang sở hữu vài chục hécta cao su. Ông Giao đã đưa ra thông tin khiến dư luận như “xóa tan” ngờ vực về việc ông Lê Thanh Cung đang sở hữu lô đất cao su hơn 100ha. Cũng tại buổi giao ban báo chí này, ông Giao còn khẳng định, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2004, ông Cung có thu nhập 50 triệu đồng/ngày. Đối với người dân Việt Nam, thu nhập của Chủ tịch tỉnh Bình Dương thuộc hàng “khủng”. 

Nhưng nếu như vườn cao su ông Cung có được từ thừa kế của người thân hay do lao động bằng năng lực thì chắc hẳn chẳng ai quan tâm. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM phân tích: UBND huyện Bến Cát đã có sai phạm khi giao đất nông nghiệp cho Phó chủ tịch nay là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sử dụng. 

Biệt thự của ông Lê Thanh Cung 

Thời điểm từ tháng 1-1997 đến tháng 12-2000, hàng chục hécta cao su bỗng dưng như từ trên trời rơi xuống theo “quyền lực” của lãnh đạo tỉnh. Lô đất của ông Cung lại “nằm gọn” trong 980,137ha của Công ty Chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương (tên viết tắt: Công ty Sobexco). Hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ cho đến khi công ty này giải thể, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thu hồi đất của Công ty Sobexco số đất trên. Trong đó, giao cho dân đã nhận khoán trước: 320,24ha; bán thẳng vườn cây cao su cho người sử dụng 306,979ha; đấu giá vườn cây cao su: 352ha; đấu giá đất chuyên dùng: 0,918ha. 

Ông Cung cũng là “dân” nên được giao phần đất nằm trong diện “giao cho dân đã nhận khoán trước: 320,24ha” thuộc khu đất lâm trường Long Nguyên tại ấp 8, xã Long Nguyên (huyện Bến Cát). Ngày 9-9-2003, UBND tỉnh có công văn về việc chấp thuận giao 320,7ha đất trước đây do Công ty Sobexco quản lý cho UBND huyện Bến Cát quản lý và xem xét giao đất sản xuất nông nghiệp cho người dân có nhu cầu theo thẩm quyền. 

Căn cứ vào công văn nói trên của UBND tỉnh, UBND huyện Bến Cát đã thực hiện giao đất theo thẩm quyền trên cơ sở sổ xanh đổi sổ đỏ. Không quá ngạc nhiên khi, ông Phó chủ tịch Cung cũng nằm trong danh sách các hộ dân được giao đất. Diện tích đo đạc lại khi cấp sổ đỏ là 320,24ha. Trong đó, cấp sổ đỏ cho 112 hộ dân: 283,53ha; diện tích hành lang đường: 9,61ha; đất khu dân cư ấp 8 Long Nguyên: 24,3ha; đất bãi rác: 2,8 ha. 

Trong 112 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 283,53ha, ông Cung đứng tên hàng chục hécta đất. Một Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời bấy giờ từng phải làm giải trình trong việc phân cấp đất của Công ty Sobexco đã để lại bút tích về việc có ít nhất 3 cán bộ được cấp đất trong đợt này. Bản viết tay thể hiện: “Cán bộ: 9 Cung - Phó chủ tịch, Út Đoàn - Phó chủ tịch, Út Tuyền (Ban TC)”. Báo cáo Kết quả Thanh tra của tỉnh Bình Dương có đề cập đến diện tích đất mà ông Cung được giao nhưng không nhắc đến việc thu hồi phần đất của ông Lê Thanh Cung. 

Cần làm rõ nguồn gốc đất và thu nhập 

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra dẫn chứng, căn cứ vào thời điểm xảy ra sự việc và các quy định tại Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28-8-1999 của Chính phủ để xác định tính pháp lý của các quyết định giao đất nông nghiệp của UBND huyện Bến Cát đối với ông Lê Thanh Cung. Vị Phó chủ tịch tỉnh được giao hàng chục hécta đất cao su là bất thường, trái với quy định của pháp luật. 

Điều 8 Nghị định 85/NĐ-CP quy định: “Đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, nếu có khả năng sản xuất, có nhu cầu sử dụng đất, thì UBND xã, phường, thị trấn căn cứ vào quỹ đất ở tại địa phương và tùy theo đối tượng cụ thể mà cho họ được thuê có thời hạn một số đất để sản xuất...”. 

Vườn cao su của gia đình ông Cung 

Căn cứ theo quy định trên, UBND huyện Bến Cát giao đất nông nghiệp cho ông Lê Thanh Cung là vi phạm về đối tượng được giao đất. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 85/1999/NĐ-CP thì chỉ hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận, thì được Nhà nước giao đất trong hạn mức để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và không thu tiền sử dụng đất. 

Luật sư Hậu khẳng định: “Khi đó, ông Lê Thanh Cung đang là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nên không thể là đối tượng để được giao đất nông nghiệp theo quy định trên”. Quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/1999/NĐ-CP thì các đối tượng là cán bộ, công chức Nhà nước đang sinh sống tại địa phương chỉ được thuê đất từ quỹ đất công ích của UBND xã để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. 

Ngoài ra, UBND huyện Bến Cát còn vi phạm về hạn mức giao đất nông nghiệp. Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 85/1999/NĐ-CP thì hạn mức giao đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm là không quá 10ha. Do đó, việc giao 50ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm cho một cá nhân, hộ gia đình là trái quy định pháp luật. 

Ngày 26-12-2000, Tổng cục Thuế đã có công văn trả lời về chính sách thu đối với Công ty Sobexco cho Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Khi công ty không có nhu cầu sử dụng đất thì diện tích đất nông nghiệp phải được trả lại cho Nhà nước để giao cho các đơn vị khác sử dụng theo hình thức giao đất hoặc cho thuê đất. Công ty chỉ được phép bán giá trị tài sản trên đất như: cây cao su và các cơ sở hạ tầng khác nếu có. 

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa đưa ra ý kiến về việc thu thuế thu nhập của ông Lê Thanh Cung. Nếu ông Lê Thanh Cung không nộp thuế thu nhập cá nhân là hành vi phạm pháp, cần xử lý! 

Luật sư Lễ đánh giá: “Một cá nhân thu nhập trên 64 tỉ đồng trong 5 năm, đây là một khoản thu nhập “khủng” nên theo tôi cơ quan thuế phải kiểm tra chặt chẽ về trách nhiệm nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (trước đây) hoặc nộp thuế thu nhập cá nhân (hiện nay)”. Trách nhiệm của người nộp thuế là kê khai nộp thuế phải rõ ràng, đầy đủ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và quyết toán thuế đối với mọi khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân). 

Nếu cơ quan quản lý thuế phát hiện cá nhân, tổ chức có vi phạm pháp luật về thuế thì có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và thông báo tiến độ, kết quả xử lý vụ việc cho cơ quan quản lý thuế. (Điều 9, Điều 13 Luật Quản lý thuế). 



*
"Đầy tớ" vinh thân

Nguyễn Duy Xuân (Dân trí) - Thì báo chí đưa tin nhan nhản đó. Nào là đầy tớ này biệt thự “khủng” hai ba cái, đầy tớ kia trộm vào nhà cuỗm mấy tỉ ngon ơ. Có đầy tớ tiền nhiều đến nỗi nhà không còn chỗ cất phải mang đến chưng ở hộc bàn, ngăn tủ phòng làm việc...

(minh họa: Ngọc Diệp) 

- Cậu hay chữ giải thích giùm mình từ "đầy tớ" với. 

- Đầy tớ là người đi ở cho chủ. 

- Ấy là ngày xưa, bây giờ cơ! 

- Thì là ôsin. 

- Không phải! 

- Ủa, thế là sao? 

- Ý tớ muốn nói là đầy tớ dân ấy. 

- A! Quan chức chứ gì? 

- Đúng thế. 

- Họ cũng là đầy tớ, nhưng không phải đi ở cho chủ mà là phụng sự chủ, chủ ở đây là dân. 

- Điều đó thì tớ biết. Cụ Hồ cũng đã từng nói: Cán bộ là công bộc, là đầy tớ dân… 

- Biết rồi sao còn hỏi. Cậu đúng là… hết chuyện. 

- Tớ hỏi vì thấy hai chữ “đầy tớ” bây giờ thay đổi nhiều quá! Làm đầy tớ ngày nay sướng, sướng lắm, có khi hơn cả vua chúa chứ chẳng chơi. 

- Thế thì tốt chứ sao! Đầy tớ mà như thế thì ông chủ chắc phải gấp vạn lần! 

- Dưng mà không phải thế. Ông chủ vẫn còn cực lắm! 

- Ủa, sao lại có chuyện ngược đời vậy? 

- Cậu không thấy báo chí đưa tin nhan nhản đó à. Nào là đầy tớ này biệt thự “khủng” hai ba cái, đầy tớ kia trộm vào nhà cuỗm mấy tỉ ngon ơ. Có đầy tớ tiền nhiều đến nỗi nhà không còn chỗ cất phải mang đến chưng ở hộc bàn, ngăn tủ phòng làm việc nơi cơ quan. 

- Ừ nhỉ. Hôm rồi lại thấy có ông đầy tớ giật giải… á quân chơi golf nữa chớ. Thật vinh hạnh quá! 

- Thấy đầy tớ sung sướng, giỏi giang thực lòng tớ cũng mừng. Nhưng mà vẫn buồn lắm! 

- Buồn là buồn thế nào? 

- Đầy tớ cao sang là vậy thế mà các ông chủ thì vẫn quanh năm suốt tháng ngụp lặn trong cuộc mưu sinh, lo miếng cơm manh áo hàng ngày đã bở cả hơi tai, nói chi đến chuyện chơi golf, chơi bóng…. 

- Thôi thì đành phận. Ông chủ sung sướng nhiều rồi bây giờ nhường cho đầy tớ, có sao đâu! Cứ “chiết ní” như bà cụ Tứ của ông nhà văn Kim Lân mà sống: “Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”. 

- Cậu nói phải, nghĩ thế cho đời nó nhẹ tênh, nhẩy? 

- Thì vưỡn! 


*

Gần triệu người kê khai tài sản, chỉ một bị kỷ luật vì không trung thực

Trong số hơn 944 nghìn trường hợp đã kê khai thài sản thu nhập (TSTN), chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ duy nhất một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. 

Những con số trên được đại diện Thanh tra Chính phủ nêu ra trong báo cáo công tác phòng , chống tham nhũng năm 2014 tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp sáng ngày 15/9. 


Nhận định về thực trạng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho hay, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tình trạng sách nhiễu, või vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Đối với việc minh bạch tài sản, thu nhập, trong năm 2013 có 944.425 người đã kê khai tài sản thu nhập. Số người chậm kê khai tài sản thu nhập trong năm là 6,9 nghìn người. Có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, trong đó đã có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực và 6 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập. 

Nhận định về con số trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc công khai tài sản thu nhập để kiềm chế tham nhũng kết quả không như mong muốn, rất hạn chế. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và cán bộ công chức...

Ông Lượng thì nhận định, một trong những nguyên nhân là do việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức chưa tốt. Vẫn còn cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp vẫn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. 

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan tổ chức đơn vị còn hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. 

Vì thế, Thanh tra Chính phủ đề nghị QH xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi bà bổ sung các tội danh về tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Phòng, chống tham nhũng với Bộ Luật hình sự, trong đó việc nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác; quy định nghĩa vụ giải trình của người bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội tham nhũng; kiểm soát việc trả hồ sơ điều tra bổ sung.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo