‘Minh bạch’ (Transparency) là gì? Tại sao lãnh đạo cần phải minh bạch? - Dân Làm Báo

‘Minh bạch’ (Transparency) là gì? Tại sao lãnh đạo cần phải minh bạch?

Hanh Tran - Minh bạch là nhằm đảm bảo dân chủ trong xã hội, là quyền của người dân trong tham gia quản lý tổ chức, nhà nước và là một giải pháp quan trọng để hạn chế tham nhũng, quan liêu. Quá trình thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình không hề dễ dàng và gặp nhiều trở ngại nhưng nếu chính phủ, tổ chức và mỗi công dân hiểu rõ sự cần thiết của minh bạch thì sẽ tìm ra giải pháp để thực hiện... 

*

Định nghĩa 

- Ẩn chứa trong khái niệm ‘minh bạch’ là sự thoáng đạt (openness), tự do thông tin (free communication) và trách nhiệm giải trình (accountability). 

- Một hệ thống hay định chế minh bạch thường hoạt động theo cách để ai cũng có thể hiểu cách vận hành của nó. 

- Một tổ chức có thể được mô tả là “minh bạch” nếu quản lý chủ trương truyền đạt thông tin chuẩn xác về tổ chức của họ cho công chúng. 

- Minh bạch là nhằm đảm bảo dân chủ trong xã hội, là quyền của người dân trong tham gia quản lý tổ chức, nhà nước và là một giải pháp quan trọng để hạn chế tham nhũng, quan liêu. Quá trình thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình không hề dễ dàng và gặp nhiều trở ngại nhưng nếu chính phủ, tổ chức và mỗi công dân hiểu rõ sự cần thiết của minh bạch thì sẽ tìm ra giải pháp để thực hiện. 

Những phương sách để áp dụng tính minh bạch 

1. Trong mọi thông tin cho công chúng, không dùng thuật ngữ và ngôn từ khó hiểu để người dân tiếp cận thông tin một cách dễ dàng. 

2. Cách thức ấn định lương bổng của cán bộ công nhân viên phải minh bạch để bảo đảm ai cũng được trả lương theo công việc và trách nhiệm một cách công bằng. 

3. Quản lý công ty phải trình bày sự hoạt động của công ty và báo cáo lời lỗ cho nhân viên và cổ đông, cũng như cho những ai quan tâm về tác động của công ty lên môi trường hay nền kinh tế. Chính phủ phải báo cáo cho dân biết về mức tăng trưởng, tình hình phát triển kinh tế, mức nợ công...

4. Ngành lập pháp bảo đảm quyền tự do tiếp cận thông tin của dân chúng bằng những đạo luật cụ thể. Các nước dân chủ tự do thường có đạo luật ‘Freedom of Information’ (Tự do Thông tin) để phục vụ mục đích này. 

5. Mọi công ty, tổ chức và định chế chính phủ phải công bố báo cáo định kỳ. 

6. Mọi công ty, tổ chức và định chế chính phủ cần có nhân viên chuyên về quan hệ công chúng (public relation) hay quan hệ báo chí (press liaison) để trả lời những nghi vấn từ báo chí và người dân. Sự quan tâm và tham gia vào những quyết định của cơ quan công quyền là một phần tất yếu của nền dân chủ. 

7. Ngoại trừ những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, chính phủ phải cho dân chúng tìm hiểu về quá trình quyết định những chính sách. 

8. Giới hạn tối đa việc xếp hạng những tài liệu của chính phủ vào loại ‘mật’, ‘tối mật’ hay ‘an ninh quốc phòng’, vì bí mật thường được lợi dụng để tham nhũng và lạm quyền. 

9. Trong công cuộc bài trừ tham nhũng, minh bạch là một vũ khí chính vì một khi quan chức bắt buộc phải giải trình và công khai hoá công việc thì họ rất khó có cơ hội tham nhũng. 

10. Công bố những thông tin thuần tuý về hành chánh và lý do cho các quyết định hành pháp liên quan đến công quỹ và cho thấy nguyên tắc công bằng được tôn trọng. 

11. Dùng phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển tải thông tin. Ngày nay đó là trang thông tin trên Internet của mỗi cơ quan. 

Thực hành 

1. Liệt kê những cơ quan công và tư ở Việt Nam có hành động minh bạch hoá công việc của họ? 

2. Liệt kê những quyết định của chính phủ mà bạn cho là thiếu minh bạch. 

3. Mô tả một trường hợp tiêu cực mà bạn biết đã diễn ra vì thiếu minh bạch. 

4. Bạn cần làm gì để thực hiện minh bạch và đòi hỏi sự minh bạch từ công ty, công sở và nhà nước mà bạn đang sinh sống? 

5. Vì sao chính phủ Việt Nam cần minh bạch hoá các quyết định quan trọng của họ, nhất là những gì liên quan đến vận mệnh của đất nước? 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo