Đại biểu chất vấn bị Bộ bắt giải trình: Trụ sở Quốc Hội to nhưng vị thế vai trò đại biểu còn quá nhỏ - Dân Làm Báo

Đại biểu chất vấn bị Bộ bắt giải trình: Trụ sở Quốc Hội to nhưng vị thế vai trò đại biểu còn quá nhỏ

Người Đồng Bằng - Việc ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (hiện là Phó Giám Đốc Sở Y tế TPHCM) chất vấn Bộ y tế về đấu thầu thuốc và chất lượng thuốc trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH bị Chánh văn phòng Bộ Y tế ra công văn bắt giải trình là chuyện ngược đời. Chủ hỏi, đầy tớ không thèm trả lời lại sai ôshin hạch sách.

ĐB chất vấn Bộ, Bộ “dằn mặt” Sở

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, thông qua vụ Tổng giám Đốc kiêm chủ tịch HĐQT công ty Dược VN Pharma, một doanh nghiệp trúng thầu nhiều lô hàng nhập thuốc bị khởi tố về hành vi buôn lậu thuốc tân dược cùng ý kiến phản ánh của nhiều cử tri trong ngành, bà nhận thấy có hai kẽ hở trong đấu thầu thuốc hiện nay: 

Thứ nhất, việc cấp giấy phép thuốc tân dược nhập khẩu chuyến của Bộ Y tế còn lỏng lẻo. Thông tư 47/2010 của Bộ Y tế quy định cấp giấy phép nhập khẩu chuyến cho các bệnh viện đối với các hoạt chất chưa có số đăng ký hoặc đã có số đăng ký mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Nhưng trường hợp với công ty VN Pharma Bộ lại cấp phép nhập khẩu chuyến cho thuốc H-capita với hoạt chất Capecitabine đã có các số đăng ký cả nội và ngoại nhập trên thị trường, khả năng cung ứng thì không thiếu nếu không muốn nói là thừa. 

Thứ hai, theo Thông tư 01 và Thông tư 11/2012 (hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế do Bộ Y tế ban hành), thuốc dự thầu phải vượt qua vòng kỹ thuật mới đến vòng đấu giá rẻ nhất nhưng thực tế hầu như mọi thuốc đều vượt qua vòng kỹ thuật. Lý do vì thang điểm kỹ thuật chưa đủ tạo sự phân biệt, không hề có tiêu chí chất lượng điều trị. Kết quả là rất nhiều thuốc giá rẻ trúng thầu, kéo theo nhiều quan ngại về chất lượng trong điều trị.

Ý kiến của ĐB Phong Lan được nhiều báo chí đăng tải vì vấn đề giá thuốc, chất lượng thuốc từ lâu nay đã luôn là vấn đề nhức nhối, bức xúc của dư luận, lần đầu tiên được đại biều QH chất vấn cụ thể, có trọng tâm. Người dân cũng hy vọng rằng qua chất vấn này, Bộ Y tế sẽ có giải đáp và giải quyết vấn đề đang là bức xúc chung của nhiều người. Thế nhưng cách giải đáp của Bộ Y tế thật khá bất ngờ và chưa có tiền lệ.

Ngày 2-10, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường đã có công văn gửi UBND TP.HCM về việc “làm rõ thông tin báo chí đăng tải về đấu thầu thuốc”. Công văn ghi: 

“Thời gian vừa qua, các báo liên tục đăng tải các thông tin do đồng chí Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu nhiều ý kiến như: Không đồng ý với đánh giá của Bộ Y tế về chất lượng thuốc thông qua đấu thầu được đảm bảo; thuốc vừa có số đăng ký hôm trước thì hôm sau đã đi đấu thầu, chưa có mặt trên thị trường là điều cực kỳ nguy hiểm; không nên để thuốc nhập chuyến tham gia đấu thầu rộng rãi, đã nhập chuyến thì nó chưa đảm bảo đủ các điều kiện để nhập khẩu chính thức và chỉ có giấy phép tạm thời…”. 

Công văn của Bộ Y tế nhấn mạnh “các ý kiến nêu trên là không chính xác, không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu, nhập khẩu thuốc”. Bộ Y tế đề nghị “UBND TP chỉ đạo Sở Y tế báo cáo và giải trình về các nội dung phát biểu không chính xác, không phù hợp của bà Phạm Khánh Phong Lan với các quy định hiện hành để tránh gây hiểu sai, tạo bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, công tác của ngành y tế nói chung, Sở Y tế TP nói riêng đối với hoạt động đấu thầu, cung ứng thuốc”.

Đáp lại công văn này, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Tôi đã phát biểu với tư cách ĐB QH đương nhiệm. Đây là ý kiến tôi đã đúc kết, tập hợp từ rất nhiều cử tri trong ngành y tế cũng như cử tri trên địa bàn và cũng là nội dung tôi đặt vấn đề chất vấn Bộ Y tế trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tháng 9 vừa qua, được báo chí thông tin đúng luật. Trách nhiệm của Bộ Y tế là giải trình và có những giải pháp để khắc phục những hạn chế. Chất vấn là quyền và nghĩa vụ giám sát của ĐBQH. Nếu xem nội dung công văn Bộ Y tế là một cách giải trình của Bộ Y tế thì theo tôi giải trình như vậy là chưa thỏa đáng và tôi sẽ tiếp tục chất vấn Bộ, đề nghị Bộ có văn bản chính thức trả lời cho ĐBQH và cử tri”.

Cũng theo PGS-TS Lan, từ trước tới nay chưa thấy ĐBQH chất vấn bộ, ngành mà bị bộ, ngành hỏi ngược lại. “Bộ Y tế phải hiểu rằng vấn đề mà tôi đặt ra là vấn đề lớn của ngành. Nó tồn tại như vậy cho nên Bộ Y tế phải nói là rất muốn tìm hiểu thêm để có những biện pháp chấn chỉnh tốt hơn, đề nghị Sở Y tế TP có ý kiến thêm thì tôi đồng ý chứ không phải là trả treo như công văn trên”.

Yêu cầu giải trình nhưng đã kết luận sai

Để đối phó với phản biện rất chửng chạc và có cơ sở pháp lý của ĐB Phong Lan, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế lý giải rằng, Công văn Bộ Y tế để “làm rõ thông tin báo đăng tải về đấu thầu thuốc”, không phải yêu cầu ĐB QH giải trình. Việc ĐB Phạm Khánh Phong Lan - đồng thời là Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM phát biểu tại buổi chất vấn của Ủy ban Các vấn đề Xã hội, Bộ Y tế không có ý kiến. Bộ Y tế chỉ đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo Sở Y tế báo cáo và giải trình về các nội dung về phát biểu không chính xác này”. 

Một chuyên gia hành chính còn cho rằng công văn của Bộ Y tế đã sai về thể thức. Công văn do chánh văn phòng bộ (tương đương lãnh đạo cấp cục, vụ) ký, gửi đến yêu cầu, chỉ đạo UBND TP.HCM một cơ quan cấp cao hơn, là sai về thể thức.

Công văn của Bộ Y tế cho rằng phát ngôn của bà Lan là thiếu chính xác, nhưng thực tế vừa qua Sở Y tế TP.HCM phải rút khỏi danh mục trúng thầu bảy mặt hàng do là hàng nhập chuyến đã hết hạn giấy phép, cung cấp hồ sơ nhà sản xuất giả mạo. Cục Quản lý dược cũng rút số đăng ký lưu hành bảy loại thuốc cùng lý do hồ sơ nhà sản xuất (Helix Canada) là giả mạo là thực tế cho thấy nội dung phát biểu của bà Phong Lan là có cơ sở. ĐB Phong Lan nói. “Ý kiến của một ĐBQH mà bị đối xử như vậy thì thử hỏi doanh nghiệp, người dân nào dám nói”.

ĐB quyền nhiều, ít khi sử dụng

Hiện tượng ĐB Phong Lan mạnh dạn chất vấn, tranh luận với cơ quan quản lý cấp trên của mình là sự phát huy trách nhiệm ĐB dân cử rất đáng mừng tuy nhiên điều đáng tiếc là hiện tượng ấy còn quá hiếm. Quyền và trách nhiệm chất vấn của các ĐB còn chưa phải là công việc hàng ngày mà chỉ được thể hiện xuân thu nhị kỳ theo các phiên chất vấn được chuẩn bị trước trong kỳ họp QH trong khi lắm lúc thực tế đang xảy ra những vấn đề bức xúc ở quy mô quốc gia mà hiếm khi ĐB QH lên tiếng. Cụ thể nhất là chuyện thời sự hiện nay, bùn đỏ hay nước màu đỏ đang vở đập tràn ở Tân Rai, đường phố TP.HCM đang chìm trong nước triều cường...

Theo Luật Tổ chức QH thì ĐB QH là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong QH. Luật có hẳn một chương với hơn 10 điều về quyền và trách nhiệm của ĐB QH nhưng hiếm khi ĐB sử dụng các quyền và trách nhiệm này. Ở điều 49 luật quy định ĐB QH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời về những vấn đề mà ĐB QH chất vấn. Thế nhưng rất nhiều vụ oan án hàng chục năm qua bao nhiệm kỳ QH mà người bị oan đã gởi hàng trăm lá đơn cho các cơ quan trong đó có đại biều QH nhưng tất cả những tiếng kêu ấy đều chưa được lắng nghe, chưa được phản ảnh. Người phát hiện và đấu tranh cho các oan án này không phải là ĐB.

Vì sao như vậy? Có phải chăng là các ĐB chưa làm tròn trách nhiệm? Một thực tế QH ta đa số ĐB là kiêm nhiệm. Hệ quả việc ĐB là công chức cấp dưới chất vấn cơ quan quản lý cấp trên sẽ bị những công văn như bà Phong Lan hoặc những hình thức trù úm nặng hơn sẽ là tất yếu. Hơn thế nữa, có những quy định về quyền lực của ĐB QH chưa được thể chế hóa đề thi hành. Thí dụ ở điều thứ 50 quy định “ĐB QH có quyền kiến nghị với Ủy ban Thường vụ QH xem xét trình QH việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Thế nhưng ngay đến việc bỏ phiếu tín nhiệm thường xuyên với các chức danh này đã khó, nhiêu khê và hình thức tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình,... thì việc cá nhân đại biều kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên chính phủ còn khó hơn việc hái sao trời.

Thiết nghĩ, từ kỳ họp tới, QH sẽ làm việc trong tòa nhà mới, hiện đại, tiện nghi to rộng đẳng cấp quốc tế, hy vọng rằng những định chế về quyền của ĐB sẽ được hoàn thiện, vị thế của đại biều cũng được nâng cao ngang tầm tòa nhà ấy.



*

Bà Phong Lan đã thực thi quyền đại biểu Quốc hội

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đề nghị của Bộ Y tế là không phù hợp. 

PL - LTS: Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP giải trình liên quan đến phát biểu của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TP) về công tác quản lý đấu thầu, nhập khẩu thuốc tại phiên họp do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức tiếp tục dấy lên mối quan ngại về việc đại biểu Quốc hội bị hạn chế khi thực hiện chức trách của mình. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến quanh vấn đề này. 

Phóng viên: Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP giải trình liên quan đến những phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM). Công văn này liệu có đúng quy trình? 

+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Theo quy định của pháp luật về QH và ĐBQH, khi bà Phạm Khánh Phong Lan đã đặt câu hỏi và nêu vấn đề với tư cách là ĐBQH thì Bộ Y tế phải có trách nhiệm giải trình những chất vấn và câu hỏi của bà Lan nêu ra. Tuy bà Lan là phó giám đốc Sở Y tế, về mặt hành chính là cấp dưới của UBND TP và của Bộ Y tế nhưng trong trường hợp này bà Lan đã nói rõ là bà thực thi quyền của ĐBQH thì Bộ Y tế phải đáp ứng yêu cầu của bà Lan. Lúc này, yêu cầu của bà Lan là đại diện cho yêu cầu của cử tri. 

Do đó, việc Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP giải trình liên quan đến những phát biểu của bà Lan về đấu thầu thuốc và chất lượng thuốc trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH ngày 25-9 là không phù hợp. 

Bà Phong Lan phát biểu tại diễn đàn Quốc hội về đấu thầu thuốc 
với tư cách là đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri. Ảnh: HA 

Phóng viên: Một thực tế hiện nay, nhiều ĐBQH đóng hai vai, vừa là ĐBQH vừa đóng vai chính quyền làm cho họ không dám nói vì sợ cấp trên khiển trách. Phải làm sao để thay đổi thực trạng đó, thưa ông? 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Nếu đã một lúc giữ hai vai thì phải làm tròn hai vai. Nếu một lúc giữ hai vai mà chỉ làm tốt một vai thôi thì xin nghỉ vai kia đi, nếu như không làm tốt vai ĐBQH mà chỉ làm tốt vai quan chức của chính quyền thì phải nghỉ vai ĐBQH đi để cho người khác làm. Trường hợp của bà Phạm Khánh Phong Lan là bà giữ cả hai vai, trong trường hợp này bà thực thi vai của ĐBQH. Một khi bà đã thực thi vai này thì Bộ Y tế phải có trách nhiệm trả lời theo yêu cầu của bà Lan, không được bắt lỗi bà về mặt hành chính. 

Phóng viên: Làm sao để nâng cao vai trò của ĐBQH tại các cuộc chất vấn? 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: ĐB phải tích cực, cố gắng đề xuất những người được chất vấn nhằm đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, của tình hình kinh tế-xã hội. ĐBQH phải có trách nhiệm trong việc chọn lựa vấn đề chất vấn. Khi đã chọn lựa rồi thì phải nâng cao kỹ năng chất vấn. Mỗi lần chất vấn phải đầu tư công sức suy nghĩ và phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thẳng thắn và không ngại va chạm. 

Bộ Y tế nên họp báo để giải trình 

Nhà báo Mai Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM tại Hà Nội, đã phát biểu như trên tại Hội nghị tăng cường công tác truyền thông cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức ở TP.HCM vào ngày 13-10. 

Bàn luận về vấn đề Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo bà Phạm Khánh Phong Lan giải trình (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin), ông Mai Phan Lợi cho rằng theo Luật Giám sát và Luật ĐBQH thì bà Lan đã làm trọn chức trách của một ĐBQH. Bà phát biểu đúng nơi, đúng quy định và Bộ Y tế phải có trách nhiệm giải trình, trả lời chứ không thể cư xử theo kiểu cấp trên, cấp dưới. Trên diễn đàn QH, bà Lan chuyển tải những ý kiến của cử tri nên Bộ Y tế (thay mặt Chính phủ) phải trả lời để bà trả lời cho cử tri. Cũng theo ông Lợi, chỉ trong hội nghị nội bộ của ngành y tế (như hội nghị này) mà bà Lan đến tham gia thì lúc này bà sẽ mang tư cách là cấp dưới và hỏi phải chính xác. 

“Nếu như Bộ Y tế muốn giải quyết vấn đề này thì phải tổ chức ngay cuộc họp báo, có cả bà Lan, Bộ Y tế, các công ty thuốc để giải trình toàn bộ các vấn đề liên quan. Nếu cần thiết thì mời cả Đoàn ĐBQH TP.HCM và Ban Công tác ĐB cùng tham gia” - ông Lợi nói. 

Ông HÀ MINH SƠN, Phó ban Công tác các ĐB thuộc Ủy ban TVQH: 

Đại diện cho cử tri, không phải cho ngành 

Việc Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế giải trình liên quan đến phát biểu của ĐB Phạm Khánh Phong Lan tại QH là chưa đúng, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi đã là ĐBQH thì họ có quyền phát biểu và chịu trách nhiệm trước QH về phát biểu của mình. 

Trong trường hợp nếu thấy ĐB phát biểu đó chưa đúng thì Bộ Y tế có thể phản ánh với QH hoặc cơ quan quản lý ĐB để xem xét, làm rõ. Chứ Bộ Y tế không có quyền yêu cầu ĐB phải giải trình về nội dung phát biểu. Thực tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan khi phát biểu tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội với tư cách là ĐBQH chứ không phải là cán bộ ngành y. Lẽ ra trong trường hợp trên, Bộ Y tế nên gặp ĐB lấy thêm thông tin để làm rõ. Việc lấy thông tin cũng phải trên nhận thức rằng cán bộ đó không phải là “quân của mình” mà họ đang là ĐBQH, phát biểu trên tư cách ĐBQH. 

Một vấn đề nữa cũng phải thấy rằng ở ta đa phần ĐBQH là kiêm nhiệm. Khi làm ĐBQH họ thường tham gia vào các ủy ban phù hợp với năng lực, chuyên môn của mình. Ví như ĐB là cán bộ ngành y tế thường tham gia vào Ủy ban Về các vấn đề xã hội; hiểu biết về luật thì tham gia vào Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp… Nhưng khi phát biểu trước QH thì họ phải đứng ở vai ĐB, đại diện cho tiếng nói của cử tri chứ không phải đại diện cho ngành, cho lĩnh vực mà mình đang quản lý. Ngay cả các bộ trưởng là ủy viên trung ương, anh đi họp trung ương anh phát biểu với tư cách là ủy viên trung ương. Nhưng khi ra QH anh phải phát biểu với tư cách là ĐBQH, đại diện cho tiếng nói của cử tri. 

Ông Đỗ MẠNH HÙNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH: 

Bắt ĐBQH giải trình là sai 

Khác với nhiều nước, ở ta phần lớn các ĐBQH là kiêm nhiệm. Nhưng khi đã làm ĐBQH thì anh phải nhìn nhận, đánh giá và phát biểu trên tư cách là ĐB của cử tri. Điều này đòi hỏi anh phải vượt qua được giới hạn, trách nhiệm chức năng, chuyên môn mà mình đang đảm nhiệm. Và anh phải chịu trách nhiệm trước cử tri, trước QH về phát biểu của mình. 

Ví như việc ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu ở đây là tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, tức là ở diễn đàn QH. Có nghĩa là lúc đó chị Lan đang là ĐBQH chứ không phải là cán bộ thuộc Sở Y tế TP.HCM nên Bộ Y tế không có quyền yêu cầu ĐBQH giải trình. Trường hợp nếu thấy phát biểu đó không đúng thì có thể làm văn bản gửi đến QH, các cơ quan của QH đề nghị trao đổi làm rõ về nội dung phát biểu đó. Thực hiện như thế thì mới đúng quy định. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo