Trần Việt Hoàng (Danlambao) - "...Khi chính quyền hiện tại đã không còn hữu dụng và người dân không thể trao “khế ước xã hội” cho chính quyền được nữa mà họ vẫn cố thủ bám víu vào quyền lực bằng đủ mọi phương cách thì người dân phải làm gì? Triết gia Rousseau cho rằng người dân có quyền làm cách mạng để bảo vệ ý nghĩa ban đầu của “Khế ước xã hội” và có quyền lập nên một chính quyền khác hợp pháp và hữu dụng hơn. Một chính quyền hợp pháp và hữu dụng là một chính quyền phải được tạo nên trên nền tảng là sự ưng thuận của toàn dân và chính quyền đó phải đảm bảo thực hiện được các chức năng của nó. Có phải đã đến lúc chúng ta cần tỏ rõ thái độ với nhà cầm quyền?..."
Lịch sử tiến bộ của loài người đã nhiều lần minh chứng cho định luật bất biến ở trên, cho nên cái điều Nguyễn Phương Uyên nói ra và câu hỏi được đặt ra ở thời điểm nầy không phải là chuyện lạ. Cái lạ ở đây là những lý luận và câu hỏi mang tầm mức “đại sự” nầy được trình bày một cách công khai bởi một sinh viên còn rất trẻ trong một nhà nước độc tài có nhiều thành tích chà đạp nhân quyền và đàn áp người dân một cách vô luật lệ, mà chính cô cũng từng là nạn nhân của sự đàn áp trắng trợn đó.
Phương Uyên được rất nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ vì tấm lòng yêu quê hương đất nước sâu xa của cô. Cô là biểu tượng của một thế hệ trẻ lớn lên trong một xã hội đầy bất công và dối trá. Những người trẻ như cô luôn bị tuyên truyền, lừa bịp, bởi một chế độ độc tài toàn trị, nên những nhận xét và hiểu biết về quyền con người và những khái niệm dân chủ còn nhiều thiếu sót là một điều tất nhiên, cho nên một Phương Uyên hiểu biết và dũng cảm dám nói lên sự thật giống như một bông sen giữa những bùn nhơ của xã hội.
Cái chân lý “cách mạng” đó không ai có thể chối cãi, câu hỏi quan trọng mà Phương Uyên đã đặt ra là “phải chăng đã đến lúc chúng ta cần tỏ rõ thái độ với nhà cầm quyền?” là một điều nên phân tích sâu xa thêm.
Câu trả lời thì cũng khá rõ ràng từ những tuyên bố, kiến nghị, thư ngỏ của nhiều bậc thân hào, nhân sĩ, của đại diện các tôn giáo, các nhà đấu tranh cho dân chủ, của những phong trào truyền bá nhân quyền, chúng tôi muốn biết… Tuy nhiên chữ “chúng ta” ở đây của Phương Uyên có lẽ bao gồm nhiều hơn là số người đã gióng lên tiếng nói. Đó là các tầng lớp nhân dân, mà điển hình là các anh chị công nhân, các bác nông dân, các bậc trí thức và các em học sinh, sinh viên. Tiến trình dân chủ hóa đất nước đang đi dần từng bước vững chắc, nhưng một câu hỏi quan trọng là tại sao các tầng lớp nhân dân kể trên chưa có biểu hiện tham gia hoặc con số người tham gia còn quá ít?
Trả lời cho câu hỏi trên là một mấu chốt quan trọng cho bài toán cách mạng ở Việt Nam.
Nhìn chung thì có lẽ sự sợ hãi là nguyên do bao trùm lên tất cả. Nhưng nguyên do khác phải chăng là vì người dân chưa thấy một nhu cầu cấp bách cho sự thay đổi? Hay họ chưa hiểu hết những mất mát, bất công, vô lý mà họ phải gánh chịu? Hay người dân chưa đủ tin tưởng ở sự thành công của một cuộc cách mạng?
Đối với tầng lớp công nhân thì chuyện lo toan cuộc sống với đồng lương ít ỏi chắc là mối bận tâm hàng đầu. Tuy nhiên họ phải hiểu rằng, lương bổng và quyền lợi của những người công nhân ở các nước dân chủ đều cao hơn họ nhiều lần và hơn nữa với một chính quyền do dân và vì dân, thì xã hội sẽ ổn định, công bằng và tốt đẹp hơn về mọi phương diện, từ hạ tầng cơ sở, đường xá, cầu cống, các phương tiện giao thông, vấn đề an ninh xã hội, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế… Tất cả những điều trên đây cộng với những quyền con người được bảo vệ một cách tối đa chắc chắn là những mơ ước của công nhân Việt Nam. Khi đã hiểu ra và tin tưởng rằng họ cũng có quyền sống và làm việc trong một xã hội như vậy thì họ sẽ sẵn sàng đấu tranh một cách quyết liệt để dành được chúng. Ngày hôm nay giới công nhân Việt Nam vẫn chưa hiểu được những mất mát mà họ phải gánh chịu khi sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Một trong những giải pháp cho vấn đề nầy là tin tức trung thực với những dẫn chứng rõ ràng từ những cuộc đàm thoại của những người hiểu biết với từng nhóm nhỏ công nhân và tự nó sẽ lan rộng thêm ra. Khi nhiều người đã đồng ý về một sự đổi thay cần thiết và cấp bách thì sự liên kết và tổ chức sẽ dễ dàng xảy ra hơn, và một cuộc cách mạng từ đó sẽ bắt đầu.
Giai cấp nông dân thì đã có biểu hiện tích cực hơn với nhiều cuộc biểu tình khiếu kiện của dân oan. Tuy nhiên họ cần phải được giúp đỡ để nắm vấn đề một cách toàn diện hơn, và từ đó họ sẽ nhân rộng sự phản kháng về những bất công, những chèn ép của chính quyền và sự vô lý trong chính sách tư hữu ruộng đất mà người dân rất bất mãn.
Tầng lớp sinh viên học sinh đóng một vai trò quan trọng cho một cuộc cách mạng nhung, vì họ có thể là những đội quân xung phong đầu tiên mà luôn được người dân thương yêu ủng hộ. Tuy nhiên trước hết họ phải thức tỉnh ra khỏi những cơn mê của tuyên truyền và nhồi sọ mà họ phải gánh chịu bao năm qua, phải trở về thực tế từ những mộng mị vật chất cá nhân, những suy tôn thần tượng hảo huyền như các tài tử xi nê, những ông vua bóng đá, hay những tự ti của những người bất lực bị chèn ép lâu ngày. Nhà cầm quyền Việt Nam đã biến lớp trẻ Việt Nam trở thành những đàn cừu cho họ dẫn dắt, đã làm cho các bạn sinh viên trở nên bé nhỏ và hết sức thiếu tự tin mà ngay cả chuyện mất còn của đất nước cũng không dám bày tỏ ý kiến của mình, cứ để cho nhà nước lo. Cũng may là có những Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, các thanh niên công giáo và nhiều bạn trẻ khác đã dõng dạc đứng lên đáp lời sông núi. Nhưng trách nhiệm thức tỉnh giới trẻ là ở mọi người, ở các bậc cha anh, các nhà giáo dục còn lương tâm và nghĩ suy cho đất nước, những nhà trí thức biết lo cho tiền đồ dân tộc, và ngay cả những kẻ lầm lỡ đi sai đường và nay quay về với dân tộc. Tuổi trẻ Việt Nam phải được vực dậy vì họ là tương lai của đất nước chúng ta.
Tuy nhiên trong tầng lớp sinh viên học sinh cũng đã có người thấu hiểu tình hình đất nước và biết mình phải làm gì. Cho dù mạnh dạn lên tiếng hay âm thầm lan truyền hạt giống để gầy dựng phong trào chờ thời cơ đứng dậy, các bạn ấy đang góp phần mình vào tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam. Phương pháp nào cũng tốt cả, vì cuộc đấu tranh nào cũng cần sự công khai cổ vũ, nhưng cũng cần sự thầm lặng tổ chức và chuẩn bị bên trong. Điều quan trọng là khi thời cơ đến phải hợp sức cùng nhau và ra tay quyết liệt, vì đó là sự sống còn của đất nước.
Tầng lớp trí thức thì đã có biểu hiện rõ ràng hơn tất cả vì họ là những người biết nhận xét và có cái nhìn sâu xa hơn trong mọi vấn đề. Họ thường theo dõi thời cuộc và biết đâu là nguồn gốc của những bất công trong xã hội, đâu là nguyên do của sự yếu kém về mọi mặt ở Việt Nam. Người trí thức yêu nước đã mạnh dạn đứng lên không quản ngại những trù dập, tù đày mà nhà nước nầy đã áp đặt lên họ. Họ luôn là những tiếng nói bất khuất, can trường, ngay cả khi đã bị trù dập qua nhiều năm tháng trong các nhà tù cộng sản.
Tuy nhiên cũng còn không ít những nhà trí thức vẫn che tai, bịt mắt trước những bất công của xã hội, vẫn u mê đi theo con đường của Đảng, lệ thuộc Trung Cộng, vì những quyền lợi nhỏ mọn của mình. Họ thấy rõ con đường xã hội chủ nghĩa mơ hồ, cơ chế độc đảng tạo ra những vấn nạn lớn lao cho đất nước như tệ nạn tham nhũng cựa quyền, lãnh đạo bất tài vô dụng, dân tình lầm than, đất nước kiệt quệ và đang ở trong nguy cơ mất vào tay giặc. Thấy mà làm ngơ, hay còn tệ hơn nữa là dối gạt lương tâm, ngợi ca chế độ, quả không xứng đáng là bậc sĩ phu.
Qua những phân tích ở trên chúng ta thấy cũng còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên với phương tiện truyền thông hiện đại và thế giới nối kết ngày hôm nay, mọi việc có thể xảy ra nhanh chóng từ việc tìm hiểu thế giới bên ngoài để xác định quyền lợi của những người công nhân, đến việc chuyển đổi tư tưởng qua những gì nhìn thấy ngoài đời để người sinh viên có cái nhìn đúng đắn về hoàn cảnh đất nước và có thêm tự tin, trưởng thành mà quan tâm đến đất nước. Điều quan trọng là mỗi người Việt Nam yêu nước phải giúp đỡ lẫn nhau, phải hướng dẫn cho những người thiếu thông tin hơn mình và nhất là cho lớp trẻ. Qua kinh nghiệm đấu tranh đang xảy ra ở Hồng Kông, chúng ta thấy khi thời cơ đến thì lớp trẻ sẽ tham gia. Khi đã tham gia thì họ không còn e sợ. Và khi hết sợ hãi thì họ sẽ đấu tranh cho đến cùng. Và như thế toàn dân sẽ theo bước chân họ cho đến ngày cách mạng thành công.
Con đường cách mạng tuy có nhiều gian nan, nhưng những bước chân hiên ngang đã bắt đầu và người theo ngày càng dồn dập. Tôi thấy trong đó có các anh công nhân, các bác nông dân, các em sinh viên, các bậc trí thức và ngay cả những chiến sĩ bỏ súng trở về. Chắc chắn một ngày không xa, dân tộc ta lại sống bình yên trong một thể chế tôn trọng nhân quyền và một đất nước không còn những tệ nạn. Ngày ấy ôi vui sướng biết bao.