Quốc hội vừa đá bóng vừa thổi còi nên dân trắng răng - Dân Làm Báo

Quốc hội vừa đá bóng vừa thổi còi nên dân trắng răng

Phạm Trần (Danlambao) - Cứ đến kỳ Quốc hội họp là người dân lại kỳ vọng kiến nghị của mình được đáp ứng để được sống thoải mái hơn, nhưng dân lại không tin các Đại biểu là người “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên cứ sống hụt hơi mãi năm này qua năm nọ mà không biết trông cậy vào ai. Dân cũng không biết vì sợ hãi hay ươn hèn mà Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ dám gọi các tầu của Trung Cộng đã tấn công ngư dân Việt Nam ở Biển Đông là “tầu nước ngoài”?

Chuyện này tuy mới nhưng cũng xưa như trái đất vì không phải chỉ một mình ông Nhân, người được mô tả thân thiện với Trung Cộng trong tư cách quan hệ giữa 2 tổ chức nhân dân Việt-Trung, đã làm như thế mà còn có cả Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương cũng đã chỉ thị cho các báo phải dùng nhóm chữ “tầu lạ” hoặc “tầu nước ngoài” khi các tầu cá Việt Nam bị tầu Trung Cộng có võ trang hoặc không võ trang súng đạn tấn công, đôi khi rất dã man và tàn bạo ở Biển Đông.

Bằng chứng trong Bản tin ngày Thứ Tư, 22/10/2014, báo Dân Trí vẫn viết: “Tàu cá Việt Nam bị tàu “lạ” đập phá ở Hoàng Sa” , nguyên văn như sau:

(Dân trí) - Ngư dân Lý Sơn đang khai thác rau chân vịt gần đảo Bom Bay (thuộc vùng biển Hoàng Sa), bất ngờ bị một tàu “lạ” tấn công, chặt phá dây neo, đập kính cabin và đổ toàn bộ rau châu vịt xuống biển.

Xác nhận với PV Dân trí, chiều tối ngày 22/10, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Sau khi cập cảng Lý Sơn, tàu cá QNg 96017-TS đã kịp thời trình báo sự việc. Hiện địa phương đang chỉ đạo lực lượng biên phòng xác minh, thẩm tra thiệt hại và báo cáo cho huyện”.

Trong báo cáo trước Quốc hội ngày 20/10 (2014) ông Nguyễn Thiện Nhân nói về mối quan tâm của cự tri về Biển Đông:

“Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc ở biển Đông như hạ đặt giàn khoan trái phép, bắt bớ ngư dân, xây dựng và phát triển các đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam... đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng đến cả khu vực và thế giới trên nhiều phương diện khác nhau như an ninh, hợp tác, phát triển, tự do hàng hải và trật tự thế giới mới. 

Cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.”

Chuyện dài tham nhũng

Về tình hình tham nhũng kéo dài, ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Cử tri và nhân dân nhiều nơi nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, như điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.

Tình trạng tham nhũng "vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp

Cử tri và nhân dân cho rằng những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như: Việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp....”

Nhưng ông Nhân phải biết rõ hơn ai hết tại sao dân biết mà Mặt trận Tổ quốc là cơ quan được Luật Mặt trận quy định có nhiệm vụ “giám sát” việc làm của nhà nước và cán bộ, đảng viên mà chưa bao giờ phát hiện được vụ tham nhũng lớn nào để truy tố kẻ phạm pháp ra trước pháp luật?

Chuyện này trước đây, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt Trận Tổ quốc Phạm Thế Duyệt đã nhiều lần nhìn nhận Mặt trận không làm được việc này vì vướng vào “cơ chế”, nghĩa là “không có lối thoát” trong tổ chức của hệ thống cầm quyền! Thậm chí Mặt trận cũng không giám sát được ai và có “phản biện” cũng chẳng ai nghe!

Nhưng những “vướng mắc” này lại cứ diễn ra thường xuyên từ đảng qua nhà nước và lan qua Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước, theo quy định của tất cả 5 bản Hiến pháp từ 1946 đến nay. Quốc hội chẳng có quyền gì vì đảng vừa là nhà nước lại cũng là quốc hội luôn nên các đảng viên trong Quốc hội chỉ biết làm theo lệnh đảng, đúng ra là Bộ Chính trị 16 người đã cai trị trên 90 triệu dân.

Chuyện có thật như thế mà nghe như trên cung trăng rơi xuống vì chưa bao giờ dân thấy 500 Đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho mình, dám đặt vấn đề với đảng xem quyền được “lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội” của đảng lấy đâu ra mà phản dân chủ như thế?

Có thể đảng sẽ cãi cối rằng chính Quốc hội đã trao quyền này cho đảng ghi trong Điều 4 Hiến pháp 2013, khoản 1: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Nhưng những người viết ra câu này lại là những “chuyên viên của đảng”, kể cả một số Đại biểu Quốc hội trong Ủy ban soạn thảo rồi Quốc hội cứ nhắm mắt làm theo nên lối làm ăn quanh co “chúa đổ cho đồng” rồi đồng lại giao cho dân tự giải quyết lấy nên không có khó khăn nào được giả quyết dứt điểm ở Việt Nam.

Vì vậy mà ta không ngạc nhiên khi thấy Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đã báo cáo trước Quốc hội họp kỳ 8 này về tình trạng chống tham nhũng vẫn dậm chân tại chỗ.

Báo Thanh Tra của nhà nước viết: “Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh, tham nhũng trong khu vực công vẫn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công…”

Ông Tranh báo cáo: “Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.

Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo tham nhũng ít; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp...”

Tại sao cứ nói chống mãi mà những kẻ tham nhũng là cán bộ, đảng viên lại có thể coi thường luật pháp đến thế?

Tại vì, theo báo Tổng Thanh Tra: “Nguyên nhân chủ yếu là do, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở; kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát, giám sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.”

Chuyện buộc kê khai tài sản của các cấp lãnh đạo, quyết liệt từ năm 2007 cũng hời hợt, làm lấy lệ đã được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng báo cáo với Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 15/09 (2014) như sau (theo tường thuật của báo Pháp Luật, TPHCM (Thành phố Hồ Chí Minh, 16/9/2014):

"Đối với việc minh bạch tài sản, thu nhập, trong năm 2013 có hơn 944.400 người đã kê khai tài sản thu nhập. Số người chậm kê khai tài sản thu nhập trong năm là 6900 người. Có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, trong đó có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực và 6 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập."

Ba con số 5, 1 và 6 trong lời nói của ông Trần Đức Lượng đã nói lên tình trạng thiếu trung thực của người khai và sự cẩu thả, không kiên quyết điều tra đến nơi đến chốn của nguồn gốc tài sản, khi được chứng minh lớn hơn khả năng thu nhập của người phải khai.

Nhưng nếu chỉ có bằng ấy con số thì tại sao cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Thanh Tra Huỳnh Phong Tranh và Quốc hội đều đồng thanh hô to: Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng?

Ngay chính ông Lượng cũng nhìn nhận với Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, theo báo Pháp Luật: “Nhận định về thực trạng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho hay, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.”

Ông nói: “Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong dư luận xã hội.”

Báo Pháp Luật viết tiếp: “Nhận định về con số trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc công khai tài sản thu nhập để kiềm chế tham nhũng kết quả không như mong muốn, rất hạn chế. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và cán bộ công chức.

Ông Lượng thì nhận định, một trong những nguyên nhân là do việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức chưa tốt. Vẫn còn cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp vẫn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.”

Con ma cơ chế

Lại cũng do cái “thể chế” của nhà nước và đảng gây ra cho dân nhưng mà nó vẫn là chuyện “xưa như trái đất” đảng ơi. Ông Phạm Thế Duyệt đã nói lâu rồi. Cả mấy đời Tổng Bí thư đảng, từ thời ông Lê Khả Phiêu (5 năm) qua ông Nông Đức Mạnh (10 năm) rồi bây giờ đến lượt ông Trọng từ năm 2011 cũng đã nói đến chuyện bê bối của cơ chế, lực cản lớn nhất đã coi thường các Nghị quyết, Chỉ thị của đảng, của Chính phủ về chống tham nhũng thì có phải là đảng đã bất lực và hết thuốc chữa rồi không?

Vì vậy mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện mới được báo chí trong nước trích lời ông nói rằng: “Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Số vụ tham nhũng phát hiện được còn ít; chủ yếu ở cấp xã, phường; nhiều vụ án lớn được điều tra, truy tố, xét xử năm nay đều đã được phát hiện từ những năm trước.

“Việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp có dấu hiệu tiêu cực, áp dụng chưa đúng quy định pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh tham nhũng vẫn còn xảy ra.”

Ông Hiện còn bảo: “Thực trạng phát hiện và xử lý một số vụ tham nhũng, thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng. chống tham nhũng…. tình hình tham nhũng vẫn “nghiêm trọng”, xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và còn tiếp tục diễn biến phức tạp; đặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng.”

Ngày cả ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói trước Quốc hội hôm 20/10 (2014) rằng: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí có mặt còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại nhiều cơ quan chưa hiệu quả. Một số vụ án xử lý chậm. Công tác kiểm tra thanh tra hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Công tác giám định tư pháp còn bất cập. Lãng phí thời gian và nguồn lực trong xã hội còn lớn. Trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của một số ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều.”

Như vậy thì dân còn biết trông cậy vào ai? Quốc hội muốn chống tham nhũng cũng không được vì cả “hệ thống” đã than phiền tham nhũng “vẫn nghiêm trọng” nhưng lại không tự xử được thì ai xử cho đây?

Nguyên nhân rất giản dị vì trong nước bây giờ, ai cũng biết chuyện “đảng viên với nhau mà đem khuyết điểm của nhau ra mà bêu xấu, cáo buộc thì còn tình nghĩa “đồng chí, đồng tiền” gì nữa.

Chân lý “dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, xấu chàng thì hổ đến ai” đã ngự trị trong cơ chế của đảng như máu trong cơ thể thì làm sao mà lỡ giết con bệnh cho đành, không khéo lại giết cả Đảng thì nguy to, phải không?

Hơn thế nữa khi đảng viên tham nhũng mà đảng lại là người đi bắt tham nhũng thì có phải tự vạch áo cho người xem lưng không?

Đấy cũng là hậu quả của trò chơi “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên Tham nhũng mới còn đất sống ở Việt Nam từ đời Cộng sản này qua đời Cộng sản khác.

(10/2014)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo