Bầu cử Mỹ 2014 - chính trị Việt - Dân Làm Báo

Bầu cử Mỹ 2014 - chính trị Việt

Phạm Trần (Danlambao) - Đảng Cộng hòa đã kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2007 sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 04/11 (2014), nhưng liệu kết quả  này có ảnh hưởng gì với Việt Nam khi có hai Nghị sỹ Cộng hòa biết quá nhiều về đảng Cộng sản dự trù sẽ cầm đầu hai Ủy ban đầy quyền lực là Quân viện và Ngọai giao tại Thượng viện, trong khi Chủ tịch Cộng hòa Ed Royce của Ủy ban Ngọai giao Hạ Nghị Viện, vừa tái đắc cử vẻ vang ở quân hạt 39 California lại là người không ngừng chỉ trích Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền nên không đáng được hưởng ưu đãi của nước Mỹ?

Với kết qủa, ít nhất là 52 ghế tại Thượng viện chống 45 nghị sỹ đảng Dân Chủ và 243 ghế chống 176 Hạ nghị sỹ Dân chủ tại Hạ Nghị Viện, đảng Cộng Hòa, sau 2 lần thất bại tranh chức Tổng thống năm 2008 và 2012, chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đảng Dân chủ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Barrack Obama.

Nhưng giữa Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa Mỹ thì tình hình ra sao?

Lịch sử lập lại

Trước hết, hãy nói về lý do đảng Dân chủ thất bại trong ngày bầu cử 4/11 (2014). Các chuyên gia về bầu cử của nước Mỹ đã quy kết đó là hậu quả của sự suy giảm uy tín lãnh đạo của Tổng thống Obama. Khi cử tri đi bỏ phiếu thì ông Obama chỉ còn được từ 35 đến 40% dân Mỹ ủng hộ vì họ bất bình trong các lĩnh vực: 

- Kinh tế chưa có khả năng phục hồi đến bền vững để đi lên; Đạo Luật sức khỏe (Obamacare) không hội dủ các điều kiện giúp đa số người nghèo và giới trung lưu như lời hứa của phe Dân chủ.

- Uy tín nước Mỹ suy giảm trên trường Quốc tế, sau khi Nga xâm lăng vùng Crimea của Ukraine không bị ngăn chặn mà một số vùng khác ở đông Ukraine nói tiếng Nga lại muốn ly khai để nhập vào nước Nga.

- Cuộc chiến chống quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (Islamic State) do Mỹ lãnh đạo ở Iraq và trong lãnh thổ Syria chưa thành công mà còn đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Hồi giáo đồng minh khác của Mỹ.

Phe Cộng hòa đã tận dụng những yếu điểm này để tấn công, kể cả việc tố cáo Tổng thống Obama đã không chịu hợp tác để giải quyết những khó khăn về ngân sách và đạo luật di trú liên quan đến người Nam Mỹ nhập cư bất hợp pháp mà ông lại muốn sử dụng quyền Hành pháp để ban hành những quyết định thay luật là việc làm, theo phe Cộng hòa là vi hiến.

Vì vậy đã có một số không nhỏ các ứng cử viên Dân chủ không muốn ông Obama đi vận động giúp họ tranh cử vì sợ  bị “vạ lây”. Trong khi đó thì dư luận người Mỹ, nhất là thành phần cử tri độc lập, trung lưu, thiểu số và phụ nữ từng ủng hộ ông Obama và đảng Dân chủ đã bỏ hàng ngũ hay không đi bầu khiến cho các ứng cử viên Dân chủ thua cuộc.

Tuy nhiên các số thống kê về lịch sử tranh cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Tổng thống cầm quyền ở nhiệm kỳ thứ 2 đã có bằng chứng cho thấy, ngọai trừ hai Tổng thống Ronald Reagan (Cộng hòa, 64%) và Bill Clinton (Dân chủ, 65%), từ thời Tổng thống Cộng hòa George W. Bush (Bush con) đến thời Tổng thống Dân chủ Obama, số người dân không hài lòng với chính sách cai trị của Tổng thống đương quyền bao giờ cũng xuống thấp sau 2 năm cầm quyền của nhiệm kỳ 2.

Tài liệu của viện Gallup Poll cho thấy vào năm 2006 (trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 2008), ông Bush con chỉ còn được 37% dân Mỹ ủng hộ, tụt xuống từ 67% năm 2002 của nhiệmn kỳ I.

Hậu quả là trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2006, đảng Cộng hòa đã kém 30 ghế tại Hạ viện và  6 ghế ở Thượng viện.

Đảng Dân chủ của Ông Obama cũng không khá gì trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, sau 2 năm cầm quyền vì tình hình kinh tế vẫn trì trệ và số người thất nghiệp trên 7% khiến Cộng hòa chiếm được 63 ghế Hạ viện và thêm 6 ghế ở Thượng viện, nhưng vẫn thua số ghế của phe đa số Dân chủ (55-45)

Qua cuộc bầu cử Quốc hội năm 2012, đảng Cộng hoà chiếm thêm ghế ở Hạ viện lên tổng số 233 ghế trong khi phe Dân chủ chỉ có 201. Tuy nhiên đảng Dân chủ vẫn duy trì đa số với 55 ghế chống Cộng hòa 45 ghế tại Thượng viện.

Đến cuộc bầu cử ngày 04/11 (2014) thì đảng Cộng hoà chiến thắng kiểm soát cả 2 viện Quốc hội với 7 ghế mới (quá số cần thiết 1 ghế) ở Thượng viện và  trên 10 ghế thêm cho Hạ viện.

Vậy sự thay đổi quyền lực  ở Hoa Thịnh Đốn trong 2 năm tới có ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình ở Biển Đông và Việt Nam khi Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm bang giao vào năm 2015?

Chuyện phải đến

Thượng nghị sỹ John McCain
Trước hết  hãy nói về 2 chức Chủ tịch quan trọng hàng đầu tại Thượng viện Mỹ Cộng hòa.

Thượng nghị sỹ John McCain, một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam dự trù sẽ nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân viện. Ông có quyền kiểm soát ngân sách chi tiêu Quốc phòng, mua bán vũ khí và quyết định về chính sách quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Ông McCain từng là tù nhân 5 năm tại Hỏa Lò (Hà Nội) sau khi máy bay của ông đi oanh tạc Hà Nội bị bắn  rơi năm 1967. Ông là ngưòi rất am tường về đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng cũng chính là một trong số cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry, cổ võ “hãy quên quá khứ, hướng tới tương lai” để thiết lập bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội năm 1995, thời Tổng thống Dân chủ Bill Clinton.

Ông là người không hài lòng về chủ trương giảm binh bị của Mỹ trên Thế giới như Tổng thống Obama đã thi hành. Nghị sỹ McCain từng chỉ trích quyết định rút quân tác chiến của Mỹ qúa mau của Tổng thống Obama  tại chiến trường Iraq, và muốn “quân tác chiến Mỹ” có mặt bên cạnh quân kháng chiến ôn hòa người Syria đang chiến đấu chống chính quyền độc tài Bashar Hafez al-Assad của Syria. Và cũng chính Nghị sỹ John McCain đòi Tổng thống Obama oanh tạc xuống các vị trí quân sự của Tổng thống Assad để mau chóng phế bỏ chính phủ của ông ta, như ông Obama đã làm ở Libya, nhưng bị từ chối.

Tóm lại đối với chính sách Quốc phòng thì ông McCain là một trong số “Diều hâu” hàng đầu tại Quốc hội Mỹ, và tiếng nói của ông có ảnh hưởng sâu rộng cả trong quân đội và chính giới Mỹ.

Đối với Việt Nam, ông đã đi thăm VN nhiều lần, ủng hộ việc Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán “vũ khí sát thương” cho Việt Nam nhưng cũng đòi hỏi Việt Nam phải “cải thiện tình hình nhân quyền”.

Chính phủ Mỹ đã làm đúng như thế trong chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn đầu tháng 10 (2014) của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh.

Nghị sỹ John McCain cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Cộng gây rối an ninh và làm xáo trộn tình hình ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh đem giàn khoan Hải Dương 981 vào tìm kiếm dầu bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 17/7/2014.

Trong lần thăm Việt Nam sau cùng của hai thượng nghị sỹ John McCain và Sheldon Whitehouse (Dân chủ), ông McCain  đã thảo luận về tình hình hai nước và tình hình Biển Đông với tất cả những người đứng đầu chính quyền và đảng CSVN như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Bản tin của đảng CSVN loan báo trong cuộc gặp hai Nghị sỹ ngày 9/8/2014, ông Trọng khẳng định: “Đảng và Nhà nước Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ở các cấp độ và trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. 

Tổng Bí thư cũng mong muốn hai bên sẽ có nhiều biện pháp tích cực để triển khai có hiệu quả quan hệ đối tác toàn diện và thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong năm 2015.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: “Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), có sự linh hoạt đối với Việt Nam trong đàm phán TPP; cho rằng việc đàm phán thành công và ký kết Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.”

Ông Dũng cũng nói: “Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh; đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền đất nước; hợp tác, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là khắc phục hậu quả bon mìn, chất độc da cam/dioxin.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của an ninh mạng, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.”

Bản tin của Việt Nam cũng cho biết: “Về vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người vì nhân quyền là mục tiêu và cũng là đòi hỏi chính đáng của người dân Việt Nam.

Thủ tướng cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Hoa Kỳ về vấn đề này.”

Không có lời bình luận nào từ phía hai Nghị sỹ, nhưng sau đó về Hoa Kỳ, ông John McCain đã lập lại quan điểm của ông là Việt Nam phải cải thiện nhân quyền trước khi Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Giờ đây lệnh này đã được bãi bỏ nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục đàn áp những người đòi dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam. Có lẽ vì thế mà Bộ Ngọai giao Mỹ đã mau chóng nói rằng việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam phải dựa trên nhu cầu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ an tòan trên biển và bảo vệ bờ biển nhưng cũng theo tiến trình từng giai đoạn.

Tất nhiên là ông McCain, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân viện sẽ phải duyệt qua danh sách vũ khí bán cho Việt Nam cho nên tiếng nói của ông sẽ ảnh hưởng đến Bộ Quốc phòng và Tòa Bạch Ốc trong hai năm tới.

Nhân quyền và nhu cầu của Việt Nam

Theo phía Mỹ, nhu cầu hàng đầu của Việt Nam là loại máy bay trinh sát trên biển như P-3 Orion đã qua sử dụng do hãng Lockheed Martin sản xuất và các tầu tuần duyên, tầu truy kích nhanh cho cảnh sát biển và lực lương biên phòng hàng hải.

Việt Nam cũng cần các loại vũ khí phòng không và màn radar để bảo vệ bờ biền dài trên 3000 cây số.

Việt Nam cũng rất mong được Mỹ “nới lỏng” những ràng buộc để được gia nhập tổ chức Mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Parnership, TPP), nhưng phía Việt Nam, theo các tin ở Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa chịu để cho Công nhân được quyền thành lập nghiệp đòan lao động độc lập bên ngòai Tổng liên đòan Lao động của Chính phủ và chưa thật sự có thị trường thương mại tự do để đủ điều kiện được công nhận là  nền “Kinh tế Thị trường”. 

Ngòai ra Việt Nam còn phải cải thiện nhân quyền và tôn trọng các quyền tự do lập hội, hội họp và ngôn luận.

Có lẽ vì vậy mà hai Nghị sỹ McCain và Whitehouse đều không nói gì về đề nghị của ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Mỹ “linh hoạt đối với Việt Nam trong đàm phán TPP.”

Thượng nghị sỹ Bob Corker
Nghị sỹ thứ hai mà Việt Nam phải đặc biệt quan tâm là ông Bob Corker của Tiểu bang Tennessee dự kiến trở thành Chủ tịch Ủy ban Ngọai giao của Thượng viện khi phe đa số Cộng hòa nắm quyền tại cả 2 viện Khóa Quốc hội thứ 114 ngày 03/01/2015.

Ủy ban này, dưới thời đảng Dân chủ đa số, kể cả khi Ngọai trưởng John Kerry còn làm chủ tịch không chịu đem Dự luật về nhân quyền Việt Nam của Hạ viện ra thảo luận dù đã được đa số Cộng hòa và một số dân biều Dân chủ  thông qua.

Nhiều Nghị sỹ phê bình Dự luật có nhiều điều khe khắt không phù hợp với đường lối ngọai giao và thương mại của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Tuy nhiên không ai biết lập trường của ông Corker về nhân quyền đối với Việt Nam ra sao vì chưa thấy ông phát biểu công khai lần nào.

Trước bầu cử ngày 4/11 (2014), ông Corker đã thăm Việt Nam lần đầu tiên và làm việc tại Hà Nội trong hai ngày 4 và 5/8/2014 với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh.

Tin chính thức của Việt Nam Thông tấn xã viết: “Cho rằng quan hệ song phương được tăng cường sẽ đáp ứng tốt hơn lợi ích của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực. Trên tinh thần đó, ông Bob Corker bày tỏ ủng hộ việc đẩy nhanh triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Đối tác toàn diện; hiểu những quan tâm và lợi ích của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP, mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các nước khác sớm hoàn tất đàm phán TPP, xem đây là cơ hội để các nước mở cửa thị trường và đổi mới mô hình phát triển kinh tế.”

Tại buổi họp với ông Trương Tấn Sang, tin của Chính phủ Việt Nam cho biết: “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ với Mỹ trên tinh thần đối tác toàn diện đã được ký kết và nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình, sẵn sàng trao đổi cả vấn đề còn khác biệt nhằm tạo sự tin cậy giữa hai nước. Ông cũng cam kết Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với Mỹ, đồng thời trao đổi thẳng thắn để tránh những trở ngại trong các rào cản thương mại, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn kim ngạch thương mại giữa hai nước.”

“Đề cập tới tình hình Biển Đông, Thượng nghị sĩ Bob Corker ủng hộ quan điểm giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên tinh thần luật pháp quốc tế và nhấn mạnh sự đoàn kết thống nhất của các nước ASEAN. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Quốc hội Mỹ đã ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông." 

Tin này viết tiếp: “Là thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Corker cho rằng mặc dù còn có những tồn tại nhất định từ quá khứ, nhưng nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đang triển khai có hiệu quả và đi vào chiều sâu, trong đó có đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội hợp tác phát triển không chỉ cho mỗi nước mà cả khu vực. Quốc hội Mỹ sẽ sớm tìm kiếm giải pháp nhằm có tiếng nói chung về Hiệp định quan trọng này.”

Đấy là quan điểm của Nghị sỹ Corker đối với Việt Nam khi ông chưa nắm chức Chủ tịch đầy quyền lực tại Ủy ban Ngọai giao vì trách nhiệm chính của ông khi ở vào cương vị Chủ tịch Ủy ban thì ông phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi và đường lối ngọai giao của nước Mỹ được cả Quốc hội và Hành pháp của Tổng thống cầm quyền, không phân biệt đảng phái, cùng đồng ý.

Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận về trọng lượng lập trường của một Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao mỗi khi lên tiếng hay có quyết định về chính sách ngọai giao của nước Mỹ.

Ông Corker là một nhà triệu phú, thành công trong ngành xây dựng và địa ốc. Ông cũng là người ủng hộ nhiều quyết định của phe Cộng hòa cấp tiến và am hiểu tường tận về thuế khoá và thương mại.

Ông cũng là một trong số Thượng nghị sỹ Cộng hòa ôn hòa và có thể dung hòa quan điểm với phe đối lập như ông đã đôi lần ủng hộ quyết định của Tổng thống Dân chủ Barack Obama trong khi các đồng viện Cộng Hoà của ông chống lại.

Việt Nam - Hạ viện Mỹ

Dân biểu Cộng hòa Ed Royce
Bên cạnh Nghị sỹ Corker còn có Dân biểu Cộng hòa Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Ngọai giao Hạ viện do Cộng hòa chiếm đa số. Ông Ed Royce là một trong số Dân biều nổi tiếng chống Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những người đấu tranh đòi quyền làm người và các quyền tự do căn bản khác của con người.

Dân biều Ed Royce từng đệ nạp Dự thảo luật nhân quyền H.R. 4254 nhằm chế tài các quan chức và những người dính đến xâm phạm quyền con người ở Việt Nam, nhất là đối với “những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa.”

Một trong những biện pháp chế tài là “không được cấp thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ và không được phép làm ăn với các công ty Mỹ.”

Dự luật cũng kêu gọi Bộ Ngọai giao Mỹ “cần đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.”

Đồng viện Cộng hòa của Dân biểu Ed Royce là ông Christ Smith (tiểu bang New Jersey) cũng thành công trong việc đưa ra biểu quyết tại Hạ viện đa số Cộng hòa ngày 31/7/2013 Dự luật H.R.1897 đòi Chính phủ Mỹ “gắn các điều kiện về nhân quyền và dân chủ với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam.”

Tuy nhiên những việc làm của hai dân biểu Cộng hòa Ed Royce và Christ Smith không được quan tâm ở Thượng viện thời đảng Dân chủ chiếm đa số.

Vậy liệu tình hình này có thay đổi sau khi đảng Cộng hòa nắm tòan bộ hai viện Quốc hội từ tháng 1/2015 hay không thì tương lai sẽ trả lời. Nhưng có điều khi chạm đến quyền lợi chung của nước Mỹ thì Quốc hội Cộng hòa hay Dân chủ cũng phải dè dặt, họ không bao giờ coi lợi ích riêng nặng hơn trách nhiệm của một đại biểu của cả nước Mỹ.

4/11/2014




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo